5. Kết cấu luận văn
1.2. Quá trình sáng tác của nhà thơ Đinh Hùng
1.2.4.2. Sự tiếp nhận thơ Đinh Hùng
Sự xuất hiện của hai tập thơ “Mê hồn ca” và “Đường vào tình sử” đã đưa tên tuổi của Đinh Hùng lên ngang hàng với các thi nhân nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Với “Mê hồn ca”, Đinh Hùng có vị trí của “một vì sao Bắc Đẩu” (Du Tử Lê) còn với “Đường vào tình sử”, ông đã được trao Giải quán quân thơ toàn quốc ở miền Nam Việt Nam.
Sự tiếp nhận hai tuyệt tác này của Đinh Hùng đối với mỗi người một khác. Các nhà thơ tên tuổi của miền Nam vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước đã từng không ít lần tranh cãi về giá trị của hai tập thơ “Mê hồn ca” và “Đường vào tình sử”. Theo Nguyễn Việt trong bài viết “Cuộc đời Đinh Hùng – người thi sĩ yểu mệnh”,
Trần Tuấn Kiệt chọn “Đường vào tình sử” còn Trần Phong Giao lại chọn “Mê hồn ca”. Trần Tuấn Kiệt nói :“Mê hồn ca tuy đặc biệt nhưng thua xa tiếng thơ của tập Đường vào tình sử”. Còn Trần Phong Giao nói :“Ai cũng bảo Mê hồn ca là tuyệt tác, chỉ có ́mình cậu là khác”. Rồi Trần Phong Giao khẳng định: “Trong tất cả những tác phẩm của Đinh Hùng, gặp trường hợp chỉ được quyền cất giữ một cuốn thì tôi sẽ không ngần ngại gì trong việc chọn lựa Mê hồn ca. Vì đó là tất cả vũ trụ thơ anh. Vì đó là tất cả Anh” [68]. Cùng quan điểm đó, tác giả Cao Thế Dung cho rằng “giá trị lớn của thơ Đinh Hùng trước sau vẫn một Mê Hồn Ca. Thi phẩm ấy vốn như loài dị thảo và như mười ngón tay của một nhan sắc từ dưới vực sâu chơi vơi giơ lên cao mà với tìm cái tuyệt vời của tình ái. Mê Hồn Ca còn tiêu biểu cho một thứ mỹ cảm bén nhạy và bềnh bồng giữa những yêu ma và huyền hoặc”[theo 33]. Nhà thơ Bàng Bá Lân cũng thích “Mê hồn ca” hơn “Đường vào tình sử”, thích nhất là “Bài ca man rợ” vì bài thơ này rất giàu tính nhạc và gợi hình, âm hưởng toàn bài hùng mạnh một cách man rợ, rất hợp với nhan đề. Ông đã nhận xét về bài thơ này như sau: “Trước hết là trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Ông tưởng tượng ra một con người nguyên lòng sơn dã, từ lâu sống một đời man rợ với thiên nhiên trong núi sâu rừng thẳm, bỗng một ngày kia trở về đô thị”[theo 82]. Theo tác giả Nguyễn Mạnh Trinh thì nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Nguyên Sa đặc biệt yêu mến thơ Đinh Hùng. Nhiều lần, nhà văn Mai Thảo đã đọc hầu như gần hết tập thơ “Mê hồn ca”trong những buổi họp mặt văn nghệ. Phải yêu mến thơ Đinh Hùng nhiều lắm thì Mai Thảo mới có thể thuộc lòng đến như vậy. Với phong cách đặc biệt, kèm theo những nhận xét dí dỏm nhưng chính xác, ông đã tạo nên một không gian thơ đặc biệt khiến cho những người tham dự mãi những năm tháng về sau vẫn không thể nào quên. Nhà thơ Nguyên Sa cũng vậy. Ông thường nói về thơ Đinh Hùng với tất cả những lời khen tặng [58].
Khi miền Nam được giải phóng, thơ ca của Đinh Hùng cũng như của các nhà văn, nhà thơ khác sáng tác dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn bị cấm lưu trữ, phát hành, nhà thơ Trần Dần đã nhắn vào cho gia đình nhà thơ Vũ Hoàng Chương: "Anh yên tâm, với chúng tôi, thơ của anh và Đinh Hùng vẫn có giá trị để được trọng vọng như thời tiền chiến..." [theo 58]. Về sau, trong cuộc mạn đàm với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Dần đã xác nhận một lần nữa tấm lòng trân trọng đối với
thơ Đinh Hùng. Khi được hỏi trong các nhà cầm bút thời tiền chiến, Trần Dần thích ai nhất thì ông đã trả lời ngay: Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Ông khẳng định: “Đinh Hùng là thi sĩ Tượng trưng đầu tiên của Việt Nam với tập Mê hồn ca" [26].
Đinh Hùng đã tuân thủ rất nghiêm túc quan điểm đề cao nhạc tính của trường phái thơ tượng trưng vì vậy cũng dễ hiểu vì sao nhiều nhạc sĩ khi đọc thơ Đinh Hùng đã cảm nhận được ở đây một tấm lòng đồng điệu. Nhiều người lấy thơ Đinh Hùng để phổ nhạc và tạo nên những giai phẩm đi cùng năm tháng, làm say đắm lòng người. Có thể kể ra đây một số nhạc phẩm có lời thơ Đinh Hùng như: “Chiều tím” do Đan Thọ phổ nhạc, “Gửi người dưới mộ” do Phạm Anh Dũng phổ nhạc, “Đợi chờ” do Thuận Yến phổ nhạc, “Mái tóc dạ hương” do Nguyễn Hiền phổ nhạc; “Mộng dưới hoa” do Phạm Đình Chương phổ nhạc lấy ý trong hai bài thơ “Tự tình dưới hoa” và “Xuôi dòng mộng ảo”. Riêng về nhạc sĩ Phạm Đình Chương thì năm 1990, cơ sở Vincent and Company đã thực hiện tuyển tập nhạc “Mộng dưới hoa – 20 bài thơ phổ nhạc của Phạm Đình Chương”. Phạm Đình Chương đã ghi ở trang 3 nguyên văn như sau: “Sau nhiều năm xa cách, gặp lại Đinh Hùng trong làn sóng di cư vĩ đại từ miền Bắc vào Nam. Cộng tác với ông trong chương trình “Thi nhạc giao duyên” của đài phát thanh Saigon, những lúc rảnh rỗi thường cùng nhau đàm đạo về thi ca. Viết “Mộng dưới hoa” năm 1957, nguyên bài thơ mang tựa đề “Dưới hoa thiên lý” [theo 5].Nhan đề đầu tiên của bài thơ này là “Dưới hoa thiên lý”, khi in thành sách, Đinh Hùng đã đặt cho nó một cái tên khác, đó là “Tự tình dưới hoa”. Cũng trong bài thơ ấy có câu “nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời” đã được cố nhà văn Mai Thảo dùng làm tựa đề cho một truyện dài của ông. Đó là cuốn tiểu thuyết “Cũng đủ lãng quên đời”. Ca khúc “Mộng dưới hoa” đã trở thành một trong những bài tình ca được ưa chuộng và hát nhiều nhất của nhạc Việt ở hải ngoại. Về khía cạnh chuyên môn, nhất là về lĩnh vực nhạc phổ từ thơ, nhạc sĩ Vũ Thành có viết lời phê bình và ca ngợi như sau: "Tác phẩm thành công nhất của Phạm Đình Chương, theo tôi, là “Mộng dưới hoa”, thơ Đinh Hùng phổ nhạc. Nét đặc thù của tác phẩm này là hơi nhạc tuy rất Việt Nam, mà lại được viết theo âm giai tây phương, chứ
không cần đến ngũ cung như hầu hết các sáng tác có âm hưởng thuần túy Việt Nam khác"[99].
Nhiều thập kỷ đã trôi qua, người ta quên mất Đinh Hùng chỉ vì ông không được Hoài Thanh đưa vào “Thi nhân Việt Nam” - tuyển tập phê bình được coi như “Phong Thần bảng” của phong trào Thơ mới. Phải chăng vì “Thi nhân Việt Nam” trình chánh giữa làng thơ vào năm 1942 trong khi đó thơ Đinh Hùng phải đến một năm sau mới chính thức xuất hiện trên các báo? Gần đây bài thơ “Đường xưa trở bước” của Đinh Hùng đã được chọn vào cuốn “100 bài thơ hay nhất của thế kỉ XX” điều này đã chứng minh được giá trị của thơ Đinh Hùng. Ngày 5/8/2012, tại Câu lạc bộ người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề "Đinh Hùng - Tao đàn thi nhân" với sự tham dự của ông Đinh Hoài Ngọc, con trai trưởng cố nhà thơ Đinh Hùng. Trong buổi tọa đàm, ông Đinh Hoài Ngọc cho biết, sau giải phóng, tất cả tác phẩm cùng di cảo của Đinh Hùng đã bị thu giữ cùng với sách vở của Vũ Hoàng Chương. Ông xúc động tâm sự: “Tôi không thể nghĩ rằng một ngày nào đó tôi được dự một buổi tọa đàm tôn vinh ba tôi - nhà thơ Đinh Hùng. Thật sự tôi không dám nghĩ tới"[14].
Cho đến hôm nay, tên tuổi của Đinh Hùng đã dần hồi sinh khi những nhà thơ sau này như Du Tử Lê, Lê Đạt, Vy Thùy Linh… chịu sự ảnh hưởng của ông, thế nhưng ông vẫn chưa có vị trí xứng đáng trên thi đàn. Năm 1954, trong bài “Tựa” cho cuốn “Mê hồn ca” xuất bản lần đầu tiên, nhà thơ Hồ Dzếnh viết: “Hai mươi năm nay, Đinh Hùng là một tâm hồn cô đơn. Nhưng lúc này, nhà thơ không còn lẻ loi nữa: tác phẩm của thi sĩ sẽ gửi đi đã được cuộc đời đón nhận” [29]. Chúng ta mong rằng, với sự nhìn nhận và đánh giá khách quan, bóng tối sẽ không còn bao phủ lên gia tài thơ Đinh Hùng nữa và “tác phẩm của thi sĩ sẽ gửi đi đã được cuộc đời đón nhận” như lòng mong mỏi của những người đã yêu thích thơ Đinh Hùng.
Tiểu kết:
Đinh Hùng có một quan niệm rất rõ ràng về nghệ thuật. Ông và thơ ông không quan tâm đến chức năng phản ánh thực tại của thơ ca, không bàn đến các vấn đề về thế sự và cuộc sống. Điều khiến nhà thơ quan tâm chính là thế giới nội tâm đầy cảm xúc. Tư duy thơ Đinh Hùng do đó là tư duy thơ hướng nội trực tiếp. Làm thơ, với ông, là lẽ sống chân chính của cuộc đời, do đó ông đã sống và viết bằng tất cả trách nhiệm của một người cầm bút.
Với quan niệm thơ là sự sáng tạo, Đinh Hùng đã tìm đến nguồn thơ tượng trưng và trở thành một trong những cây bút tiêu biểu của trường phái thơ ca mới mẻ này. Ông đã táo bạo thể nghiệm sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, mở thêm một hướng đi mới cho thi ca Việt Nam.
Sự nghiệp văn học của Đinh Hùng không đồ sộ như nhiều nhà thơ tiền chiến khác nhưng với ba tập thơ đã được xuất bản là “Mê hồn ca”, “Đường vào tình sử”, “Tiếng ca bộ lạc”, Đinh Hùng đã khẳng định được vị trí của mình trên thi đàn với một tư duy thơ độc đáo. Ai đã đọc thơ Đinh Hùng cũng đều bị cuốn hút, ám ảnh bởi những hình ảnh ma mị liêu trai, ám ảnh bởi sự sống đầy mộng mị của trần gian và chốn âm cảnh. Nhưng hơn hết là cảm phục trí tưởng tượng đầy sáng tạo của thi nhân
CHƢƠNG 2
NHÂN VẬT TRỮ TÌNH VÀ CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ ĐINH HÙNG