5. Kết cấu luận văn
2.2. Cảm hứng chủ đạo
2.2.1. Cảm hứng về thời tiền sử
Trong bản “Tuyên ngôn tượng trưng”, nhóm Dạ Đài viết: “Chúng ta chẳng nhận thấy rằng người ta đương gắng sức trả lại con người cái trinh bạch đầu tiên, trả lại con người cỏ cây huyền mặc, sông núi hoang sơ? Chúng ta hãy trở về cái bản năng mà thế tình che đậy. Hãy mơ những giấc mơ cầm thú. Hãy gợi lên những cõi sống âm thầm. Hãy đánh thức hư không, nghĩa là cả tấm lòng xưa man rợ [75]. Đến với thế giới thơ Đinh Hùng, chúng ta thấy thi nhân có một loạt các bài thơ lấy cảm hứng về thời tiền sử, thời “sông núi giao thần” và thiên nhiên còn nguyên màu hoang sơ, trinh bạch. Trong tập “Mê hồn ca” của Đinh Hùng có riêng một mảng thơ được đặt tên là “Nguyên thủy”.
Có thể nói, thời tiền sử trong thơ Đinh Hùng có một vị trí rất đặc biệt. Theo nhà thơ, con người hiện đại mỗi lúc mỗi xa rời nguồn cội, vì thế trở về thời tiền sử không chỉ là quay về với thời gian quá khứ mà hơn thế, đó còn là một cuộc hành hương để con người tìm kiếm lại nguồn cội của mình. Chối từ thực tại, nhà thơ đã dựng lên một không gian địa đàng như ước vọng. Ở đó, thiên nhiên không còn bị bóp méo, huỷ hoại, trở nên giả tạo theo kiểu “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” (Thế Lữ) mà thiên nhiên vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang dã, cổ sơ của “Thời Thái Cổ”, đó là nơi có “hoa man dại”, “dòng suối ngọt”, “bóng non xanh”,
có “con hươu vàng điệp” ngơ ngác bên sườn núi. Thiên nhiên tiền sử là một thế giới bình đẳng giữa con người và ngoại vật, muôn chim biết nói tiếng người và sông núi, cỏ cây đều là thần linh. Loài người trực tiếp giao hòa với thiên nhiên, đối thoại với tạo vật, lo cái lo của cỏ cây, vui cái vui của mưa nắng. Người thơ mặc áo linh hồn cho vạn vật, khiến chúng trở nên huyền bí, kỳ ảo với “vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya”, “chiều hương lạ, mộng rừng về nghi ngút”...Thiên nhiên tiền sử trong thơ Đinh Hùng thấm đẫm cảm xúc và suy tư của chủ thể trữ tình, khiến người
ta như được chứng kiến thuở con người và vạn vật còn hoà đồng, còn nói chung một thứ ngôn ngữ:
Con sóc trên cành Gọi bầy ca vũ Ta nghe cầm thú Vào hội đồng thanh Hồn nhạc mong manh Kể lời châu thổ
Ôi điệu u tình Lả lướt rừng xanh
(Hoa sử)
Xét trong thực tế, chúng ta thấy thiên nhiên vũ trụ đối với người tiền sử còn muôn ngàn khắc nghiệt, thế nhưng, trong cảm hứng của Đinh Hùng, vũ trụ đã mất hết nanh vuốt, chỉ còn lại sự hiền hòa, êm dịu, trở thành nơi lí tưởng để con người có thể phiêu du vào quên lãng, xa hẳn những lo toan, xô bồ của cuộc sống hiện đại hôm nay:
Xưa mặt đất dấu nghìn xuân vũ trụ, Ta lãng du, chợt gặp cỏ hoa tình. Mừng phong cảnh bốn mùa về hội ngộ, Em gọi tên hồn non nước sơ sinh.
(Hoa sử)
Lấy cảm hứng về thời tiền sử, Đinh Hùng còn xây dựng nên mối tình lí tưởng giữa những con người thời hồng hoang sơ cổ, đó là mối tình thuần hậu, chất phác, không bị những lễ giáo khắc nghiệt hay những định kiến hẹp hòi trói buộc. Ở đó, thi nhân đóng vai người tiền sử, sống hòa mình vào thế giới tự nhiên để sống “đời cây cỏ”, xa lánh chốn đô thành tấp nập nhưng cũng đầy cạm bẫy:
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ,
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối. Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối,
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng
Trên mảnh đất của thế giới tượng trưng, thi nhân tình nguyện trở thành một con người sống nguyên lòng sơn dã, tìm về với thuở sơ khai và đi vào đời như đi trong ác mộng. Khát vọng trở về thời tiền sử của Đinh Hùng là sản phẩm của một tâm hồn lãng mạn, xa rời thực tế, thường thấy không ít ở các thi nhân tiền chiến. Nó thể hiện tâm trạng chán ngán của thi sĩ đối với một xã hội mà theo ông, còn đầy những điều phi lí, tầm thường, đồng thời phơi bày nhiều thứ lố lăng vô nghĩa của nền văn minh hiện đại. Giọng thơ mạnh mẽ đầy kiêu ngạo, có phần như thách thức. Phải chăng Đinh Hùng là người nhạy cảm, dị ứng với tình trạng con người si mê, ham hố lao vào guồng máy của xã hội văn minh, ngày càng xa rời những chuẩn mực của thiên nhiên? Và phải chăng ông đã có tiên cảm đúng về sự cần thiết phải trở lại với thiên nhiên cũng như trở lại với con người thiên chân, hài hòa, thuần khiết?
Không thể chối cãi rằng nhân vật "người tiền sử" của Đinh Hùng, mặc dù có vẻ man rợ khiến chúng ta sợ hãi, nhưng rõ ràng nhân vật ấy có cái gì cao cả và thánh thiện hơn hẳn những hạng người nhỏ bé. Còn "người gái thiên nhiên" của ông thì đẹp đẽ và lành mạnh hơn hẳn những người con gái của cuộc sống phù phiếm ngày nay:
Nàng là Gái – Muôn - Đời không đổi khác Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đương xuân Ta đến đây làm chủ hội phong trần Lấy hoa lá kết nên tình Thái Cổ
(Người gái thiên nhiên)
Nhà thơ đã kiến tạo nên một khu vườn địa đàng nhưng không có trái cấm để làm nơi gặp gỡ cho “đôi người cô độc thuở sơ khai” dệt nên mối kỳ tình. Trong đời sống thực tại, dù tình yêu có say đắm, mãnh liệt đến đâu thì cũng có lúc bị giới hạn trong mực thước. Nhưng tình yêu hư cấu sẽ giải phóng con người thoát khỏi bản thể, làm chủ toàn diện “cái tôi” bản năng khiến nó có thể yêu đương đến cực điểm của say mê. Với tình yêu này, hai con người thời hồng hoang tiền sử không còn bị trói buộc bởi những lời nguyền hay phải đối diện với luân lý xã hội. Họ được sống và yêu bằng cả linh hồn lẫn thể xác:
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết Rợn xuân tình lên bộ ngực thanh tân, Ta gần em, mê từ ngón bàn chân, Mắt nhắm lại, để lòng nguôi gió bão.
(Kỳ nữ)
Cuộc hội ngộ của “người tiền sử” và sơn nữ là một khúc hoan ca. Sau những tháng ngày lạc mất hình hài, nay họ đã tìm được nhau giữa “mùa xuân hoa cỏ” và dệt nên
“mối kỳ tình” ở một thế giới nguyên sơ, thuần khiết. Dẫu vẫn biết cuộc trở về này chỉ diễn ra trong tâm tưởng của một tấm hồn mê do sự thúc bách của vô thức, tâm linh nhưng qua đó, người đọc thấy được sự phân thân của nhà thơ để trở thành người khác theo cái nghĩa mà Rimbaud từng tuyên bố: “Tôi là một người khác”.
Trong bài viết “Đinh Hùng – một hồn thơ kỳ ảo”, Võ Tấn Cường gọi Đinh Hùng là “nhà khảo - cổ - thi - ca đầu tiên ở Việt Nam đã dám ngược về thời tiền sử để vớt lên những mảnh hồn của nhân loại bị chôn vùi dưới bao lớp sóng thời gian”
[98]. Không gian, thời gian của thiên nhiên tiền sử và mối tình sơ cổ đã bị xoá nhoà ranh giới, hoà nhập với cõi vô cùng, tan vào thời sơ khai của vũ trụ với sự khốc liệt và dữ dội của cảm xúc:
Thế kỷ thanh bình nức nở qua Ta nhìn nhau khóc tuổi trăng già Buồn lên, cõi đất chưa than thở Em đã ca sầu - ôi Dã hoa!
(Hoa sử)
Ngòi bút của Đinh Hùng đưa người đọc vào trong cuộc viễn du trở về với quá khứ tới những cõi vô cùng, vô tận của linh hồn. Người thơ lạc bước vào “Hoa sử”, nơi lưu giữ sự sống sơ khai, bất biến; nơi thời gian là vĩnh viễn, không có quá khứ, hiện tại, tương lai; nơi bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cùng hội tụ trong thiên nhiên trường cửu.
Trong thế giới nghệ thuật thơ Đinh Hùng, Buổi Sơ Khai đã trở thành một yếu tố quan trọng, tác động và góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên những hình tượng thơ đẹp đẽ, tân kì đồng thời chi phối mạnh mẽ ngôn ngữ thơ Đinh Hùng,
khiến cho trong thơ ông có sự xuất hiện với tần số dày đặc các từ như: “man rợ”, “man dại”, “cổ sơ”, “hồn sơ cổ”, “tình thái cổ”…. Nhà thơ nhìn thiên nhiên tiền sử qua bức màn huyền thoại, một cảm hứng mang tính chủ quan, vì thế, thiên nhiên cũng thấm đẫm cảm xúc, suy tư và ý tưởng của tác giả.