“Em” – nàng thơ của tình yêu thiên nhiên lãng mạn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ đinh hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 59 - 62)

5. Kết cấu luận văn

2.1. Nhân vật trữ tình

2.1.2.2. “Em” – nàng thơ của tình yêu thiên nhiên lãng mạn

Bên cạnh các bài thơ tình yêu, Đinh Hùng còn có một loạt các bài thơ viết về cảnh thiên nhiên thơ mộng. Trong các bài thơ ấy, hình tượng “em” cũng liên tục xuất hiện. Tuy nhiên, nếu như ở các bài thơ tình yêu, “em” xuất hiện với tư cách một người đẹp, một đối tượng của dòng cảm xúc thiết tha, cháy bỏng thì ở các bài

thơ viết về cảnh đẹp thiên nhiên, “em” xuất hiện như một nhân vật phiếm chỉ, một điểm tựa cho xúc cảm trữ tình của nhà thơ.

Chẳng hạn như trong bài thơ “Sóng nước đồng chiêm”. Cả bài thơ là cảnh sóng nước mênh mông nơi đồng chiêm vào mùa nước lụt. Bức tranh thiên nhiên mang vẻ đẹp u buồn nhưng diễm ảo, đậm chất lãng mạn quen thuộc của Thơ mới:

Loang loáng thuyền khơi vệt nắng chìm, Trùng dương về bạc khắp đồng chiêm. Một rừng nhiệt đới in lòng nước, Tay với trời xanh, đụng cánh chim.

Hình bóng “em” có xuất hiện nhưng chỉ thấp thoáng trong cảnh tràn đầy của mùa nước lớn, khơi thêm nguồn nội tâm thương nhớ của thi nhân:

Trời nước kề vai lả lướt buồn Từng cù lao nhỏ nép sơn thôn Em đi, dẫy núi nhìn ngây ngất Ðá cũng tình si nhớ gót son.

Có thể nói, hình tượng “em” đã làm tăng thêm chất tình tứ hư ảo vốn có trong thơ Đinh Hùng. Thiên nhiên đẹp nhưng buồn da diết, phải chăng vì “em” đã chia xa nên cảnh vật cũng nhuốm màu sầu thương vô hạn?

Một điều thú vị là phần lớn các bài thơ tả cảnh của Đinh Hùng đều thể hiện cảm xúc của thi nhân trước vẻ đẹp núi rừng kỳ ảo. Bài “Sóng nước đồng chiêm” là một trường hợp hiếm hoi vì rất ít khi nhà thơ viết về cảnh đồng bằng. Có phải bởi thi nhân mang trong lòng mình nỗi khát khao được trở về với sự hoang sơ, trinh bạch nên tư duy thơ của ông đặc biệt hướng đến cảnh đại ngàn?

Tả cảnh núi rừng, bài “Thanh sắc” là một trường hợp điển hình. Mở đầu là bức tranh rừng xuân kỳ thú với thiên nhiên hiền hòa, thơ mộng:

Đầu xuân có rừng xuân đẹp, Suối bạc, ngấn vàng long lanh. Con hươu sao quỳ khép nép, Uống ngọc bên hòn đá xanh.

Cả bài thơ có bốn khổ, mỗi khổ bốn câu thì có đến mười lăm câu tả cảnh rừng núi vào xuân, chỉ một câu duy nhất cuối bài xuất hiện hình bóng “em” với lời nhắn nhủ: “Mây đào có má đào xinh, Em chớ để tình xưa chết”.

Trong bài thơ “Hoa bay về ngàn”, “em” là đối tượng khơi nên nguồn xúc cảm của thi nhân trước vẻ đẹp kỳ diệu của núi rừng. Vì thế “em” xuất hiện ngay ở câu thơ mở đầu:

Em đi rừng núi vào xuân

Áo thiên thanh dệt trắng ngần hoa bay

Những câu tiếp theo của bài phác họa nên bức tranh thiên nhiên với nét bút tài hoa mềm mại, rất đỗi trữ tình:

Cỏ thơm nếp lụa đồng trinh,

Mây giăng cánh bướm cho mình lên non. Sông rừng uốn khúc lưng thon,

Nụ cười hoa dại nét son não nùng,

Đinh Hùng rất sáng tạo trong việc sử dụng ngôn từ tiếng Việt. Những cụm từ như:

nếp lụa đồng trinh, mây giăng cánh bướm, uốn khúc lưng thon, nụ cười hoa dại…khiến cho thiên nhiên vốn vô tri vô giác bỗng trở nên sinh động, có hồn, mang vẻ đẹp diễm ảo như vẻ đẹp của những nàng thiếu nữ. Điều này được nhà thơ đặc biệt phát huy ở những câu tiếp theo khi miêu tả một cách tỉ mỉ từ ánh nắng “soi ấm mái nhà sàn” đến “cánh phong lan nõn nà” vì hơi xuân ủ ấm, từ cảnh “bầy chim bên suối soi gương tự tình” đến cảnh “cỏ đồi chải phớt lược ngà buông lơi”. “Em” ở đây rõ ràng là một đối tượng không xác định, một nhân vật trữ tình lãng mạn để tâm hồn thi nhân có cớ mà bộc lộ những cảm xúc dâng trào mãnh liệt trước vẻ đẹp tuyệt vời của tạo hóa.

Trong bài thơ ”Lâm tuyền viễn mộng, cũng vẫn cảnh đẹp núi rừng nhưng “em” ở đây là một bóng hình người sơn nữ, một điểm nhấn tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên. Nói cách khác, “em” là một họa tiết trong bức tranh thiên nhiên để thiên nhiên trở nên hoàn hảo:

Áo xanh sơn nữ - Ôi huyền hoặc! Suối đọng màu lam cặp mắt rừng

Con hoẵng lạc bầy kêu đỉnh núi Bỗng nghe trời biển nhớ muôn trùng

Như vậy, có thể thấy, trong các bài thơ viết về thiên nhiên của Đinh Hùng, “em” không phải là một người con gái cụ thể mà là một nhân vật phiếm chỉ giúp thi nhân khơi nguồn thi hứng hoặc là một họa tiết khiến cho bức tranh phong cảnh trở nên sinh động, có hồn. Nhân vật trữ tình “em” trong trường hợp này là một yếu tố quan trọng để hồn thơ Đinh Hùng hướng ra bên ngoài cảnh vật nhưng vẫn chứa chan cảm xúc. Lẽ dĩ nhiên, những bài thơ này so với những bài thơ hướng nội số lượng có ít hơn rất nhiều nhưng nó là một phần không thể không nhắc đến trong gia tài thi ca của thi sĩ bởi nó chứng tỏ rằng ông là người có thế giới nội tâm đa dạng và giàu cảm xúc, một đặc điểm “nhận dạng” của thi sĩ họ Đinh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thơ đinh hùng nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)