Địa bàn nghiên cứu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vốn xã hội trong hoạt động đánh bắt và buôn bán hải sản của các hội gia đình ở xã hải hòa, huyện tĩnh gia, tỉnh thanh hóa (Trang 26 - 29)

Chương 1 : Cơ sở lý luận và thực tiễn của đề tài

1.4. Địa bàn nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu của đề tài là xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, Hải Hòa là xã vùng đồng bằng ven biển của huyện Tĩnh Gia. Xã này có 640,75 ha diện tích đất tự nhiên. Năm 2010, Hải Hòa có 8 thôn, 1911 hộ gia đình, với số nhân khẩu là 8042 người. Ngành nghề chủ yếu của người dân trong xã bao gồm sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, rau màu, lạc, vừng…), đánh bắt hải sản, buôn bán nhỏ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp [1, tr. 1-12].

Theo báo cáo kinh tế xã hội năm 2013, xã Hải Hòa đã đạt được nhiều mục tiêu về kinh tế xã hội, góp phần xây dựng xã Nông thôn mới theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Về nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng: 659,6 ha, trong đó: Cây lúa: 262,6 ha/277 ha đạt 95% kế hoạch năng xuất đạt 32,67 tạ/ha tương đương 858 tấn; Cây lạc: 252 ha/265 đạt 95 % kế hoạch năng xuất đạt 23 tạ/ha, ước lượng khoảng 580 tấn; Cây khoai lang: 20 ha đạt 100% kế hoạch năng xuất 500 kg/sào sản lượng ước đạt 200 tấn; Cây ngô xen: 25 ha đạt 100% kế hoạch năng suất bình quân đạt 1,5 tạ/ha, khoảng 37,5 tấn; Đậu xanh 5 ha năng suất 6 tạ/ha = 3 tấn; Rau, đậu các loại 50 ha ước đạt trị giá 40 triệu đồng/ha; Vừng 45 ha/60 ha đạt 75% kế hoạch năng suất 6 tạ/ha, khoảng 27 tấn [6].

Thu nhập từ nông nghiệp ước đạt 18.060.650.000 đồng giảm so với năm 2012 do hầu hết các cây trồng chính giảm cả về diện tích, sản lượng đồng thời chịu ảnh hưởng của yếu tố giá cả, chi phí sản xuất tăng (đầu vào tăng, đầu ra giảm) nên giá trị sản xuất trồng trọt giảm 9,2% so với năm trước [6].

Về chăn nuôi, do tác động của dịch bệnh, giá bán sản phẩm giảm, giá đầu tư cao chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm cả về tổng đàn. Chăn nuôi trâu, bò tiếp tục có xu hướng giảm cụ thể: đàn trâu bò: 866 con; đàn lợn: 1557 con; đàn gia cầm: 4985. Thu nhập từ chăn nuôi ước đạt 14.806.100.000 đồng [6]

Về khai thác thủy hải sản, năm 2013, được ngư dân trong xã duy trì và đầu tư phát triển. Toàn xã hiện có 91 tàu thuyền các loại trong đó tàu 90cv trở lên là: 17 cái, thuyền dưới 20cv: 74 cái. Nhưng do 6 tháng cuối năm mưa bão nhiều tàu lớn không thể ra khơi khai thác được nên tổng sản lượng khai thác trong năm thấp ước đạt: 3.300 tấn đạt 82% kế hoạch. Tổng thu nhập từ khai thác thủy hải sản ước đạt 33 tỷ đồng [6].

Năm 2014, 6 tháng đầu năm toàn xã có 69 tàu thuyền dưới 20CV và 18 tàu từ 90 đến 500 CV. Tổng sản lượng khai thác ước đạt 1800 tấn hải sản các loại [7].

Về kinh doanh dịch vụ, các ngành dịch vụ duy trì và phát triển tốt. Hiện tổng số hộ kinh doanh dịch vụ trên toàn xã: 99 hộ, khách sạn: 7, xe vận tải: 4 chiếc, máy xay xát: 10. Hải Hòa là xã có đường bờ biển dài và đẹp, bờ biển đã được khai thác cho du lịch mấy năm gần đây nhưng đã thu hút được hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan và tắm biển. Đây là điều kiện tốt để phát triển và tăng trưởng kinh tế từ ngành dịch vụ cũng như thúc đẩy các ngành khác phát triển. Du lịch cũng được đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nghỉ mát tắm biển nên trong năm lượng khách đến tắm biển tăng so với cùng kỳ, các loại hình kinh doanh dịch vụ trên khu du lịch cũng được đầu tư cả về cơ sở vật chất và các loại hình dịch vụ. Ước tính thu nhập từ kinh doanh dịch vụ đạt: 14.000.000.000 đồng [7].

Sản xuất, xây dựng, chế biến gỗ, làm đá sạch, chế biến thuỷ hải sản, công nghiệp xây dựng phát triển mạnh đã giải quyết việc làm tăng thu nhập. Hiện nay trên toàn xã có 25 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực [7].

Tiểu kết chương 1: Qua các quan điểm của các nhà nghiên cứu về vốn xã hội,

có thể hiểu vốn xã hội là mạng lưới xã hội, niềm tin và sự có đi có lại có tác động các lĩnh vực của kinh tế. Trong khuôn khổ luận văn này, tác giả sử dụng lý thuyết về vốn xã hội để tìm hiểu những tác động của nguồn vốn này trong quá trình phát triển kinh tế với hình thức sinh kế là đánh bắt và buôn bán hải sản của các hộ gia đình

ngư dân ven biển. Việc nghiên cứu về sinh kế của ngư dân xuất phát từ những ưu tiên của Đảng và Nhà nước ta trong những năm gần đây về phát triển ngành thủy hải sản, chuyển đổi hình thức khai thác thủy sản từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ và xóa đói cho người dân bãi ngang. Nghiên cứu được tiến hành tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa – nơi có đa dạng về sinh kế nhưng đa số bộ phận người dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, xa bờ và dịch vụ nghề biển, trong đó phổ biến là buôn bán hải sản.

Chương 2: Vốn xã hội trong hoạt động đánh bắt hải sản ở xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

Hải Hòa là một xã đa dạng về ngành nghề. Sinh kế của người dân nơi đây bao gồm ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhiều hộ gia đình có thể vừa đánh bắt vừa chăn nuôi, vừa đánh bắt vừa làm bán hải sản hoặc các dịch vụ khác. Đánh bắt hải sản là một nghề kiếm sống của nhiều hộ gia đình của xã Hải Hòa, trong đó thôn Đông Hải của xã Hải Hòa có phần lớn các hộ gia đình coi đánh bắt là nguồn thu nhập chính. Đánh bắt hải sản ở xã có nhiều dạng đánh bắt như lưới rùng, lưới rê, bắt quái, đi tàu công suất lớn ngoài khơi xa. Kết quả khảo sát định lượng thu thập được thể hiện điều này.

Dựa vào các đặc điểm của các loại hình đánh bắt tại địa bàn nghiên cứu, có thể chia các hộ gia đình trong đánh bắt hải sản được làm ba loại như sau. Thứ nhất, hộ đánh bắt gần bờ có thuê nhân công: những hộ này là những hộ tự bỏ vốn mua đồ nghề đánh bắt gần bờ và thuê những người không có vốn đầu tư tham gia vào các đội, nhóm sản xuất của hộ gia đình. Những nhóm sản xuất này thường có từ 20 đến 35 người. Thứ hai, hộ đánh bắt gần bờ không thuê nhân công là một hình thức khác khá phổ biến của những hộ gia đình đánh bắt trong xã. Các hộ gia đình chung vốn với nhau, mua đồ nghề để cùng sản xuất. Thứ ba, hộ đánh bắt xa bờ là những hộ gia đình độc lập sắm đồ nghề đi biển, thuê nhân công cùng đi khai thác hải sản xa bờ trong thời gian từ 20 ngày trở lên. Ở những phần sau, kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày về vai trò của vốn xã hội trong hoạt động gần bờ có thuê nhân công, không thuê nhân công và đánh bắt xa bờ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vốn xã hội trong hoạt động đánh bắt và buôn bán hải sản của các hội gia đình ở xã hải hòa, huyện tĩnh gia, tỉnh thanh hóa (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)