Tư tưởng phương Đông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 32 - 37)

1.2. Tiền đề cho sự hình thành tƣ tƣởng của Trần Trọng Kim

1.2.2. Tư tưởng phương Đông

Tư tưởng về luân lý, đạo đức của Trần Trọng Kim không chỉ kết tinh từ những giá trị truyền thống của dân tộc mà còn bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa nhân loại cả phương Đông và phương Tây được ông kế thừa và phát triển. Trong văn hóa phương Đông, Trần Trọng Kim đặc biệt coi trọng việc kế thừa và phát triển những nhân tố tích cực của Nho giáo.

Nho giáo là một học thuyết chính trị, xã hội của Trung Quốc gắn liền với tên tuổi người sáng lập ra là Khổng Tử.

Vấn đề trung tâm của Nho giáo là con người, tư tưởng về con người. Nho giáo coi mỗi cá nhân có quan hệ mật thiết tới sự tồn tại và phát triển của xã hội. Vì vậy, việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cá nhân luôn được coi trọng. Trong Nho giáo, mọi sự thịnh, suy trong phạm vi gia đình, nhà nước đều có điểm xuất phát từ chỗ có hay không sự nỗ lực học tập, rèn luyện của những con người cụ thể. Mỗi người phải chịu khó học tập, rèn luyện mới có khả năng làm tốt vai trò làm người chủ trong gia đình, người chủ đất nước.

Nho giáo cho rằng tính Thiện của con người gồm 5 đức: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín hay còn gọi là Ngũ thường. Có Ngũ thường con người sẽ thực hiện Tam cương, ngũ luân (Tam cương là ba mối quan hệ cơ bản của xã hội: Vua – tôi, Cha – con, Chồng – vợ; Ngũ luân là năm mối quan hệ: Vua – tôi, Cha – con, Chồng – vợ, Anh – em, bạn bè). Ngũ thường là bản tính của con người, nó là phổ biến và vĩnh hằng. Tính là do trời sinh. Trời sinh ra tính thiện, thì trời cũng là thiện, cũng là tam cương ngũ thường cho nên tam cương ngũ thường là thường kính (quy luật hằng thường) của trời đất. Thế thì tại sao trong xã hội lại có người thiện hay người ác?, Nho giáo chỉ ra rằng sở dĩ có

người ác là do khí bẩm sinh thụ mà thành. Tức là họ đã nhiễm phải những thói hư, tật xấu từ chính cuộc đời này. Do vậy, con người cần phải được giáo dục. Mặt khác Nho giáo rất chú trọng đạo làm người, hướng vào rèn luyện đạo đức con người, đề cao giáo dục, giáo dục làm con người ác thành thiện. Đây là quan điểm hết sức tiến bộ của Nho giáo.

Nội dung chủ yếu của Nho giáo là chủ trương dùng “nhân trị”, “đức trị” để quản lý xã hội, nêu lên một xã hội lý tưởng, xã hội “đại đồng”.

Nho giáo được truyền bá vào Việt Nam từ những năm đầu sau công nguyên. Tiếp thu một học thuyết từ bên ngoài để làm giàu vốn trí thức, văn hóa của dân tộc là một sự thực khách quan qua các triều đại của dân tộc Việt Nam. Trong ý thức hệ phong kiến mà người Hán đưa vào nước ta từ thời Bắc thuộc, Nho giáo tồn tại lâu bền và có ảnh hưởng sâu sắc trong nếp sống, lối suy nghĩ, tư tưởng của mỗi người.

Nho giáo đã đem lại một bước tiến khá căn bản trong lĩnh vực văn hóa tinh thần của xã hội, trước hết nó làm cho nền giáo dục phát triển hết sức mạnh mẽ. Nền giáo dục ấy cùng với chế độ thi cử đã đào tạo một đội ngũ trí thức đông đảo cho dân tộc Việt Nam như: Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du...

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, được học chữ Hán từ nhỏ. Đây là một tiền đề rất quan trọng, giúp Trần Trọng Kim sớm được tiếp xúc với các học thuyết Nho giáo vốn đã được truyền bá và phát triển ở nước ta. Ông có điều kiện thấu hiểu những tư tưởng cũng như nội dung chính mà đạo Khổng Mạnh đã để lại từ xưa như: các vấn đề chính trị, xã hội, về tam cương ngũ thường, cách ứng xử cũng như bổn phận của mỗi con người đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Trần Trọng Kim đã biết chắt lọc lấy những gì tinh túy nhất trong các học thuyết triết học, trong tư tưởng của Khổng Tử, Mạnh Tử, ...tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo. Đó là các triết lý về một xã hội bình trị,

hòa mục, hòa đồng, là triết lý nhân sinh; là tam cương, ngũ thường, là tu thân dưỡng tính, đề cao văn hóa lễ giáo, tạo ra truyền thống hiếu học.

Công phu lớn nhất của Trần Trọng Kim là ông đã viết được bộ sách “Nho giáo”. Trong bộ sách này, ông đã hệ thống, sắp đặt, chia các phần rất khéo, khoa học. Có thể khẳng định rằng đây là cuốn sách nói về Nho giáo đầu tiên ở Việt Nam tường tận, tinh tế đến vậy.

Cùng với Nho giáo, Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn trên thế giới, nó được truyền bá vào nước ta từ rất sớm.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp đáng kể với sự phát triển kinh tế - xã hội của dân tộc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Có thể nói, Phật giáo được xem là một trong những nhân tố quan trọng góp phần định hình nên các quan niệm, hệ giá trị đạo đức trong xã hội, hướng con người tới chân, thiện, mỹ.

Với những tư tưởng về “vô thường”, “vô ngã”, “từ, bi, hỷ, xả”, “nghiệp chướng”, “luân hồi”, “nhân quả”...Phật giáo đã phần nào đáp ứng nhu cầu về tâm linh của người dân. Do đó, Phật giáo đã nhanh chóng tạo lập được cơ sở thực tiễn vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của mình trên đất nước Việt Nam. Cùng với quá trình du nhập và phát triển đó, những chuẩn mực đạo đức Phật giáo cũng xâm nhập và tác động nhất định đến nền đạo đức của dân tộc Việt Nam. Đạo đức Phật giáo đã góp phần hình thành nên những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, đạo đức của người Việt, làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.

Đối tượng mà Phật giáo hướng tới trong lĩnh vực đạo đức xã hội chính là con người với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.

Thuyết nhân quả của Phật giáo đã chỉ ra rằng: con người tự chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay khổ đau bằng hành vi của chính mình chứ không phải do may rủi, định mệnh hay thần linh trừng phạt. Giá trị của thuyết này

chính là việc khẳng định con người làm chủ được cuộc đời của mình, đặt con người vào đúng vị trí, vai trò của nó trong xã hội. Trên cơ sở đó, đạo đức Phật giáo giúp con người phát huy hết những đặc tính ưu việt, giảm thiểu những nhân tố đưa tới sự bất lợi cho bản thân, gia đình, xã hội.

Từ việc xác định đối tượng, Phật giáo cũng đề cập đến mục đích chủ yếu của Phật giáo. Trước hết, đạo Phật hướng đến việc giải thoát con người khỏi vô minh, phiền não, giác ngộ thành Phật. Xã hội lý tưởng mà Phật giáo hướng đến đó là thế giới Tịnh độ, bình đẳng, hòa bình, an vui.

Tuy nhiên, không phải đạo Phật khuyên con người hướng tới một thế giới an lạc hư ảo nào mà đó chính là một cuộc sống hiện thực này. Đối với đạo Phật, muốn thay đổi cuộc sống từ khổ đến an vui, hạnh phúc thì không có gì hơn là chuyển hóa nội tâm theo luật nhân quả, nhân duyên sinh của vũ trụ để an lạc hưởng phúc ở hiện tại. Mục đích của Phật giáo là hướng dẫn, chỉ dạy cho con người con đường khai mở tâm thức, phát triển trí tuệ trực giác, hướng đến giác ngộ, giải thoát.

Phật giáo quan niệm “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính” hay là “Phật là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Điều này cũng có nghĩa là tất cả mọi người đều bình đẳng về mặt nghiệp báo, luân hồi và về phương diện thành tựu chính quả. Giá trị của tư tưởng bình đẳng của Phật giáo ở đây chính là đường lối giáo dục bình đẳng không phân biệt. Trong lĩnh vực giáo dục đạo đức xã hội, tư tưởng của Phật giáo thực sự có ý nghĩa, khi thừa nhận Phật tính nơi con người. Theo đó, bất kỳ ai cũng có khả năng hướng thiện, có đạo đức nếu biết cách tu dưỡng, rèn luyện....

Thông qua Phật giáo chúng ta có thể tìm thấy nhiều nội dung, tư tưởng mang tính giáo dục sắc của Phật giáo. Mục tiêu của đạo Phật là con người giác ngộ, con người có năng lực tự giải thoát để đạt tới hạnh phúc. Có thể nói, Phật giáo đã mang đến một quan niệm tiến bộ, bình đẳng và đề cao vai trò của

con người trong hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, cũng theo Phật giáo, trong quá trình vươn lên hoàn thiện mình, con người cần lắm vững quy luật khách quan, phải có những phương thức hành động đúng đắn, hợp quy luật. “Giới” là phương tiện dẫn dắt con người thoát khỏi vô minh, bể khổ, luân hồi, tới chốn an lạc, giải thoát. Không chỉ vậy, giới còn là điều kiện tối quan trọng trong việc tu thân. Do vậy, giới cũng đồng nghĩa với việc con người tự rèn luyện, trau dồi đạo đức. Ngũ giới góp phần hướng tới con người đi đến sự hoàn thiện trong tư tưởng, hành vi, bồi dưỡng nhân cách theo nhân sinh quan Phật giáo.

Như vậy, Phật giáo trong suốt quá trình lịch sử ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với vấn đề giáo dục đạo đức xã hội. Quan điểm nghiệp báo luân hồi của nhà Phật hàm chứa nội dung giáo dục rất lớn. Giáo lý nhà Phật có tác dụng điều chỉnh ý thức và hành vi đạo đức cho con người, nâng đỡ, khơi dậy tình thương yêu, đức vị tha, làm điều thiện, tránh điều ác....tất cả đó đều là những nội dung mang tính đạo đức của Phật giáo có ảnh hưởng sâu sắc đến mỗi con người trong xã hội. Điều này góp phần hoàn thiện đạo đức cho từng cá nhân cũng như có lợi cho việc xây dựng một nền đạo đức tốt đẹp trong xã hội.

Trần Trọng Kim tiếp thu và chịu ảnh hưởng sâu sắc các tư tưởng của Phật giáo như: vị tha, cứu khổ cứu nạn, nếp sống có đạo đức trong sạch, giản dị, chăm lo làm việc thiện…được ông thể hiện rất rõ nét trong các cuốn sách như: Phật giáo, Phật lục, Phật giáo thuở xưa và Phật giáo ngày nay.... đặc biệt trong cuốn “Phật giáo”với 5 chương và một bản phụ lục. Soạn giả đã nói rõ về tiểu sử và hành trạng Thích Ca, nêu rõ về các vị Phật tổ, các vị Bồ tát...Có chương thuật rõ về các tượng trong những ngôi chùa ở Việt Nam, từ tượng Tam thế đến Bát bộ kim cương. Phần phụ lục nói đến một ngôi chùa lớn ở nước ta. Với các môn đồ Phật tử cũng như quần chúng nói chung thì quyển

sách Phật lục của Trần Trọng Kim là một tài liệu phổ thông, biên soạn rất có phương pháp, có giá trị sử dụng lớn vào thời điểm lúc bấy giờ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)