Tư tưởng phương Tây

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 37 - 40)

1.2. Tiền đề cho sự hình thành tƣ tƣởng của Trần Trọng Kim

1.2.3. Tư tưởng phương Tây

Cùng với những tư tưởng triết học phương Đông, Trần Trọng Kim còn tiếp thu ảnh hưởng nền văn hóa phương Tây: tư tưởng về tự do, bình đẳng, bác ái, tư tưởng về nền giáo dục nhân bản lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị con người, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân chủ, tiến bộ của nước Pháp.

So với các tôn giáo khác du nhập vào Việt Nam thì Công giáo là tôn giáo trẻ vì nó mới được truyền đến Việt Nam từ thế kỉ XVI, đã đem lại cho một bộ phận dân chúng nguời Việt một niềm tin tôn giáo mới. Đó là một tôn giáo nghiêm chỉnh, với một nền thần học cao siêu, những giáo lý chặt chẽ và nhất là một hệ thống đạo đức giàu tính nhân văn, rất gần gũi với đạo lý đời thường cũng như những quan điểm chung với hệ thống đạo đức, luân lý của các tôn giáo đang hiện diện ở Việt Nam.

Tôn giáo này cũng tập hợp các giáo hữu của mình thành những cộng đồng có nếp sống văn hóa đặc trưng văn hóa Kitô giáo. Đó là một cộng đồng gắn bó với nhau rất chặt chẽ trong một Đức tin không thể lay chuyển, trong một hệ thống giáo luật không thể vi phạm, trong một tổ chức nhân sự chặt chẽ cùng với những lễ nghi tôn nghiêm, những sinh hoạt tâm linh mang tính quy phạm và thống nhất rất cao, tạo nên trong mỗi người giáo hữu một cuộc sống tinh thần ổn định, thăng bằng, tin tưởng vào cuộc sống hiện tại cũng như ở thế giới bên kia, một ý thức tự tu dưỡng về phẩm cách để xứng đáng được hưởng phúc trong cuộc sống nơi trần thế cũng như trong cõi vĩnh hằng.

“Cộng đồng Công giáo không chỉ lo cho bản thân mình mà còn rất quan tâm đến đời sống của người ngoại đạo, xuất phát từ một nguyên lý đạo đức tối trọng của đạo Công giáo là tình yêu thương đồng loại. Trong những điều kiện hoàn cảnh cho phép, người theo đạo Công giáo không quản khó

khăn, tốn kém để cưu mang những người ngoại đạo trong cơn hoạn nạn bằng nhiều hình thức khác nhau và luôn khuyến dụ người bên đời cải giáo để được hưởng ơn cứu rỗi của Chúa, với một động cơ rất chân thành và vô tư”.[28,tr. 90].

Không chỉ dừng lại ở tình thương, Công giáo rất chú trọng về đạo hiếu và coi đạo hiếu như nền tảng của mình nên Công giáo phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc ta. Công giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Chúa là cha mẹ sinh ra tất cả và tất cả mọi tạo vật là anh em.

Như vậy, khi đưa quan niệm về đạo hiếu vào nền văn hóa dân tộc thì người Công giáo đã hoàn thiện quan niệm hiếu thảo đối với cha mẹ vốn sẵn có trong nền văn hóa Việt Nam, làm cho quan niệm về đạo hiếu của dân tộc được nâng lên và đầy đủ hơn.

Năm 1905, Trần Trọng Kim sang Pháp học, cũng chính tại nơi đây ông cũng đã chịu ảnh hưởng rộng của nền văn hóa dân chủ và cách mạng phương Tây. Đặc biệt là đến với nước Pháp – trung tâm văn hóa nghệ thuật của Châu Âu, các trào lưu triết học và các trường phái nghệ thuật nổi tiếng phần lớn đều được hình thành và ra mắt tại đây. Sống ở giữa nơi hội tụ của các dòng văn hóa thế giới, ông đã có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng lĩnh hội vốn tri thức của thời đại, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân chủ và tiến bộ của nước Pháp.

Đến với quê hương của lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái, Trần Trọng Kim sớm được tiếp xúc trực tiếp với các tư tưởng, tác phẩm của các nhà tư tưởng khai sáng như: Vôn - te; Rút xô; Môngtexkiơ, những lý luận gia của cách mạng Pháp năm 1789.

Triết học khai sáng Pháp là trào lưu tư tưởng nảy sinh và phát triển trong bối cảnh lịch sử đặc thù – những biến động mạnh mẽ của xã hội Pháp trong thế kỷ XVIII. Là vũ khí lý luận của giai cấp tư sản Pháp trong thời kỳ chuẩn bị cách mạng, các nhà khai sáng Pháp thông qua ngòi bút của mình có

nhiệm vụ phải thu hút và tập hợp đông đảo mọi tầng lớp tiến bộ trong xã hội, hướng tới cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ phong kiến. Vì vậy trong các tác phẩm của họ thường xuyên đề cập đến những vấn đề tiến bộ xã hội, tự do con người...

Đầu tiên phải kể đến Môngtexkiơ, một trong những nhà sáng lập ra triết học khai sáng Pháp. Tác phẩm có giá trị nhất của ông là “Tinh thần pháp luật”. Trong tác phẩm ông cho rằng phần thiêng liêng nhất, quý giá nhất nơi con người là tự do. Tự do cao cả thống nhất với lý trí, với thiên tính và nhân tính. Môngtexkiơ thể hiện ý chí và khát vọng xây dựng một xã hội mới, đem lại tự do cho con người.

Một trong những tên tuổi được ngưỡng mộ nhiều nhất tại Châu Âu khai sáng thế kỷ XVIII là Vonte. Tuyên ngôn của ông: tự do – bình đẳng – sở hữu. Nền cộng hòa tốt phải đảm bảo tốt ba nguyên tắc đó.

Rútxo là nhà tư tưởng vĩ đại, là nhà biện chứng lỗi lạc của triết học khai sáng Pháp. Quan điểm triết học của Rútxo là đề cao con người tự nhiên, chống lại con người xã hội, đấu tranh cho nền giáo dục dân chủ, tự do, lên án xã hội đương thời chà đạp, nô dịch và làm tha hóa con người. Những lý tưởng về cải tạo xã hội được ông gửi gắm vào các tác phẩm: Bàn về khế ước xã hội (1761), Suy diễn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng (1755)...

Trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng của các nhà triết học khai sáng Pháp, đó chính là tiền đề cho những quan niệm của Trần Trọng Kim về: công bình và nhân ái, lòng nhân ái, sự bố thí, sự khoan dung.

Từ những giá trị truyền thống của dân tộc rồi đến sự ảnh hưởng, tiếp thu của tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây, những tư tưởng tiến bộ mang tính nhân văn, dân chủ chính là những tiền đề quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về luân lý, đạo đức của Trần Trọng Kim sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 37 - 40)