Khái niệm Đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 47 - 51)

2.1. Một số khái niệm

2.1.1. Khái niệm Đạo đức

Theo phương Tây, danh từ đạo đức bắt nguồn từ tiếng La tinh là mos (moris) – lề thói (morilis nghĩa là có liên quan với lề thói, đạo nghĩa). Khi nói đến đạo đức, tức là nói đến những lề thói và tập tục biểu hiện mối quan hệ nhất định giữa người và người trong sự giao tiếp với nhau hàng ngày. Sau này người ta thường phân biệt hai khái niệm: moral là đạo đức, còn ethicos là đạo đức học.

Theo Martin Heigdergger thì: “Đạo đức là lĩnh vực của con người mà hành vi, các mối quan tâm, những tình cảm đuợc chia sẻ giữa người này và người khác theo những mục tiêu và những tiêu chí nhất định có liên quan đến tự do và trật tự của cộng đồng”[19, tr. 90 – 91] .

Nhà nghiên cứu đạo đức học nổi tiếng người Nga là G.Bandzeladze đã viết: “Đạo đức của con người là năng lực phục vụ một cách tự giác và tự do những người khác và xã hội...Nơi nào không có những hành động tự nguyện, tự giác của con người thì nơi ấy không có nhân phẩm, không thể thực sự có đời sống xã hội. Đặc trưng của đời sống con người và của bản thân tính người (hoặc nhân phẩm) là ở đạo đức và nội dung của đạo đức chính là năng lực phục vụ tự nguyện, tự giác lợi ích của người khác và của toàn xã hội”. [29, tr 48 – 49].

Ở Trung Quốc, các học thuyết về đạo đức của người Trung Quốc cổ đại xuất hiện sớm, được biểu hiện trong quan niệm về đạo và đức của họ. Đạo là một trong những phạm trù quan trọng nhất của triết học Trung Quốc cổ đại. Đạo có nghĩa là con đường, đường đi, về sau khái niệm đạo được vận dụng trong triết học để chỉ con đường của tự nhiên. Đạo còn có nghĩa là đường sống của con người trong xã hội.

Khái niệm đạo đức lần đầu tiên xuất hiện trong Kim Văn đời nhà Chu và từ đó trở đi nó được người Trung Quốc cổ đại sử dụng nhiều. Đức dùng để nói đến nhân đức, đức tính và nhìn chung đức là biểu hiện của đạo, là đạo nghĩa, là nguyên tắc luân lý. Như vậy, có thể nói đạo đức của người Trung Quốc cổ đại chính là những yêu cầu, những nguyên tắc do cuộc sống đặt ra mà mỗi người tuân theo.

Theo quan niệm của phương Đông, trong các học thuyết của Phật giáo, của Nho giáo đều lấy đạo đức làm cơ sở trong đối nhân xử thế và tự rèn luyện mình, khuyên con người làm điều thiện, tránh làm điều ác. Các học thuyết ấy đề xuất các quy tắc, các chuẩn mực, những ràng buộc trong các hoạt động sống của con người. Có thể nói, khái niệm đạo đức ở phương Đông có nghĩa là đạo làm người, bao gồm rất nhiều chuẩn mực về các mối quan hệ vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, làng xóm, bạn bè, tu thân, dưỡng tâm, rèn luyện khí tiết...theo những định hướng giá trị nhất định.

Trong triết học Mác, đạo đức là một vấn đề được đề cập tương đối sớm, đạo đức được gắn liền với việc hình thành nên nhân cách, lối sống của con người. Đạo đức không phải là sự biểu hiện của một sức mạnh siêu nhiên nào đó, cũng không phải là sự biểu hiện những năng lực tiên thiên của con người. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức có nguồn gốc từ những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, từ cơ sở kinh tế xã hội. Ph.Ăngghen cho rằng: xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức có từ trước tới nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế, xã hội lúc bấy giờ.

Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, trước khi sáng lập các thứ lý luận và nguyên tắc bao gồm cả triết học và luân lý học, con người đã hoạt động, tức là đã sản xuất ra các tư liệu vật chất cần thiết cho đời sống. Ý thức của con người là sự phản ánh tồn tại xã hội của con người. Các hình thái ý thức xã hội khác nhau tùy theo phương thức phản ánh tồn tại xã hội và tác động riêng biệt

đối với đời sống xã hội. Đạo đức cũng vậy, nó là hình thái ý thức xã hội phản ánh một lĩnh vực riêng biệt trong tồn tại xã hội của con người. Và cũng như các quan điểm triết học, chính trị, nghệ thuật, tôn giáo đều mang tính chất của kiến trúc thượng tầng. Chế độ kinh tế - xã hội là nguồn gốc của quan điểm về đạo đức con người. Các quan điểm này thay đổi theo cơ sở đã sinh ra nó.

Có thể nói khái niệm đạo đức mang một nội dung rất rộng, bao gồm các hành vi đạo đức, tư tưởng đạo đức, giá trị đạo đức, lý tưởng đạo đức....

Sự biến đổi các quan hệ đạo đức trong xã hội phụ thuộc vào phương thức của xã hội. Đạo đức phát sinh và phát triển do nhu cầu về lao động, về sản xuất, về sinh tồn.

Lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử của sự phát triển sản xuất, lịch sử các phương thức phát triển kế tiếp nhau từ thấp đến cao. Xã hội loài người cho đến nay đã trải qua năm hình thái kinh tế xã hội, tương ứng với nó là năm hình thái đạo đức khác nhau. Mỗi hình thái đạo đức mới không phải ra đời từ mảnh đất trống không, hoang dã mà kế thừa những nhân tố tích cực của sự phát triển đạo đức trước đó. Đây là một quy luật trong quá trình phát triển của đời sống đạo đức xã hội. Chẳng hạn như: các giá trị đạo đức phổ quát toàn nhân loại như: con người cần phải sống thiện, biết yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau; vị tha, bao dung, sống đầy tình nhân ái, tránh điều ác, lên án cái xấu xa, phê phán thói lười biếng ... được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ dân tộc này sang dân tộc khác. Những phạm trù hạnh phúc, nghĩa vụ, lương tâm, phẩm hạnh...được hình thành chủ yếu từ thời cổ đại vẫn tồn tại cho đến tận hôm nay. Đó là các phạm trù, quan niệm, chuẩn mực đạo đức truyền thống.

Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nhà xuất bản Khoa học xã hội, năm 1988 đã đưa ra định nghĩa khái niệm đạo đức: “Đạo đức là

những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội (nói tổng quát)”

Theo sách “Đạo đức học” của Phạm Khắc Chương, Hà Nhật Thăng thì: “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhờ đó mà con người tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với lợi ích, hạnh phúc của con người và với tiến bộ xã hội, trong quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân với xã hội”[6,tr.9].

Theo “Giáo trình Đạo đức học” của Khoa Triết học thì “Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân; bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.[29, tr.8].

Theo chúng tôi thì định nghĩa về đạo đức của khoa Triết là phù hợp nhất, trong định nghĩa này đạo đức được thể hiện với tư cách là hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh hiện thực đời sống đạo đức. Với định nghĩa này cho thấy đạo đức là một phương thức điều chỉnh hành vi của con người. Loài người đã sáng tạo ra nhiều phương thức điều chỉnh hành vi con người: phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật, đạo đức...đối với đạo đức, sự đánh giá hành vi của con người theo khuôn phép, chuẩn mực và quy tắc đạo đức biểu hiện thành những khái niệm thiện và ác, vinh và nhục, chính nghĩa và phi nghĩa. Bất kỳ thời đại lịch sử nào, đạo đức con người cũng đều được đánh giá như vậy.

Trong mối quan hệ phong phú và phức tạp với thế giới xung quanh, con người luôn phải giao tiếp. Nếu thái độ, hành vi của họ phù hợp với yêu cầu, lợi ích chung của cộng đồng, phù hợp với hạnh phúc và tiến bộ chung của xã hội thì con người đó được đánh giá là có đạo đức. Ngược lại hành vi của họ không phù hợp, gây tổn hại tới lợi ích của người khác thì bị xã hội lên án, chê

trách và bị coi là thiếu đạo đức. Chuẩn mực đạo đức của một thế hệ phản ánh thế giới tinh thần, trình độ văn minh của thế hệ đó. Tiêu chuẩn đạo đức chính là sự kết tinh những gì tinh túy nhất, giá trị nhất mà con người đã tích lũy được trong quá trình phát triển nền văn hóa nhân loại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng của trần trọng kim về luân lý, đạo đức (Trang 47 - 51)