8. Kết cấu của luận văn
2.1. Nội dung tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng
2.1.3. Cổ động, tổ chức quần chúng đấu tranh
Cùng với việc tố vạch trần, tố cáo tội ác của kẻ thù, tuyên tuyền cho tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và đường lối cách mạng Đảng, thì cổ động, tổ chức quần chúng hành động đấu tranh cách mạng là một nội dung quan trọng, là mục tiêu hướng tới của nhà báo cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Ngay trong thời kỳ đầu tiên làm báo Le Paria, trong “Lời kêu gọi” của báo, Nguyễn Ái Quốc đã cho thấy tiêu chí của một tờ báo: “...Các bạn ở chính quốc! các đồng chí ở thuộc địa! Vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ cần xóa bỏ khoảng cách đã tạo chia rẽ các bạn. Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ không dễ dàng đó”. Như vậy, tờ báo chính là
sự biểu thị ý thức tập thể, đoàn kết tất cả những người lao khổ lại trong cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc “Báo Le Paria tố cáo sự lạm quyền về chính trị, sự độc đoán về hành chính, sự bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại để đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo hô hào tổ chức lại nhằm mục đích đòi giải phóng những người bị áp bức thoát khỏi các thế lực chính trị, thực hiện tình thương yêu và tình hữu ái. Và giờ đây đội ngũ đã sẵn sàng, các bạn da vàng, da trắng và da đen hãy đặt mua báo của chúng tôi, hãy sát cánh cùng chúng tôi, hãy ra sức ủng hộ chúng tôi dù cho chúng tôi có gặp phải phong ba, bão táp thế nào chăng nữa.
Báo Le Paria đã sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu, mục đích của nó chắc chắn sẽ đạt được: giải phóng con người”.
Bằng những mẩu tin hàng ngày, những câu chuyện chân thực, giản dị về cuộc sống của người dân dưới chế độ cai trị của chủ nghĩa đế quốc được đưa lên những trang báo vừa có tác dụng cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng, vừa có tác dụng định hướng nhận thức, tư tưởng và hoạt động của họ « Ví dụ: Nếu gặp một nông dân An Nam quần áo tả tơi, chúng tôi sẽ bằng một giọng đầy thương cảm, nhưng che giấu đi niềm xúc động và nuốt nước mắt mà nói rằng: "Than ôi! Sao mà số phận anh khổ đến thế này. Anh mua giống hết 2 đồng, mua phân 4 đồng; anh thuê trâu 3 đồng, thuê thợ 5 đồng và nộp thuế 1 đồng. Tiền anh chi đã lên đến 15 đồng, anh bán thóc được 18 đồng. Nhưng vì anh đã phải nộp thuế chợ 1 đồng nên thực ra anh chỉ được 2 đồng, mà tiền ấy anh cũng bị Pháp cướp mất. Vì thế tôi mới bảo rằng anh khốn khổ".
Anh nông dân của chúng tôi sẽ không khóc, không than. Nhưng anh ta suy nghĩ, hiểu ra và cuối cùng sẽ vùng lên và làm cái việc tuyên truyền chống chủ nghĩa đế quốc. » [28, tr. 511]
Đó chính là sức mạnh tuyên truyền, cổ động của báo chí. Mặc dù bài báo chưa chỉ ra cho người nông dân một cách cụ thể phải làm gì, nhưng bằng cách phân tích cho họ hiểu nỗi thống khổ của mình, báo chí đã định hướng nhận thức của nhân dân, từ đó giúp họ có hành động phản kháng.
Báo Thanh niên, số 63, ngày 3-10-1926, trong bài « Cấm đi ra ngoài » không chỉ có tác dụng khơi sâu lòng căm thù chủ nghĩa thực dân Pháp mà còn có tác dụng củng cố lòng tin, động viên tinh thần và tổ chức lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chỉ ra cho đồng bào thấy rõ được Muốn lật đổ sự thống trị của quân thù, phải dùng bạo lực cách mạng và từ đó báo kêu gọi : « Đồng bào ơi ! Quyền tự do là giời cho mình, người mà không được tự do thà chết. Tỉnh dậy, tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng nó nhốt đồng bào mình đi »
« Đồng bào ơi ! cam chịu như gà, như lợn mãi sao ? Chỉ có gà, có lợn thì mới chịu người ta giam nhốt mãi, nếu là người thì thế nào cũng tìm cách phá lồng mà ra ».
« Phá lồng », « đập vỡ cái lồng » chính là nói dùng bạo lực cách mạng đập tan sự kìm kẹp của kẻ thù, thoát khỏi tủi nhục.
Báo Việt Nam độc lập vẫn với cách thức cổ động rất giản dị, ít lý luận, dễ hiểu, nôm na đến từng câu chữ, thường xuyên vận động đồng bào đấu tranh bằng các hình thức ca dao, hò vè dễ nhớ, dễ thuộc. Cổ động quần chúng hành động cứu nước. Bác Hồ rất quan tâm đến cổ vũ và phát triển tinh thần yêu nước của các cháu thiếu nhi. Năm số đầu Bác giành cho đồng bào, cho dân tộc nói chung. Đến số 6 ra ngày 21/9/1941, là số báo đặc biệt đầu tiên và Người đã giành cho thiếu nhi. Để khẳng định vị trí của trẻ em trong sự nghiệp cứu nước và như một phương châm hành động, Người viết:
Người lớn cứu nước đã đành
Trong bài xã luận Trẻ con Việt Nam, Người viết: Cái mầm có tốt thì cây mới vững. Cái búp có xanh thì hoa mới tươi, quả mới tốt. Con trẻ là cái mầm, cái búp của dân tộc. Con trẻ có được nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới có thể tự cường, độc lập... Nhật và Tây hung ác, áp bức trẻ con ta tàn tệ. Chúng dạy bọn trẻ con ở thành thị hoá ngu, hoá hèn, chỉ biết sợ Tây, sợ Nhật. Chúng để trẻ con ở thôn quê dốt nát không biết chữ. Lại sưu cao thuế nặng, bố mẹ làm không đủ nộp, trẻ con mới tám, chín tuổi đã phải làm lụng cực khổ, đổ mồ hôi nước mắt để giúp bố mẹ nộp sưu thuế cho Nhật, cho Tây... Vì trẻ em bị áp bức như người lớn nên phải đấu tranh như người lớn.
Trên Việt Nam độc lập số 112 ra ngày 1/12/1942, Người cổ động và kêu gọi “chị em phụ nữ phải đoàn kết lại!”:
Phụ nữ cũng là quốc dân
Phải lo khôi phục giang san nước nhà
Xã luận viết: Vì chị em cũng bị Tây và Nhật áp bức bóc lột như đàn ông. Từ chị em phụ nữ buôn bán bị thuế nặng, làm công bị lương thấp; bị tình nghi là bị làm tội, còn bị hãm hiếp, bắn giết. Nhật là kẻ thù của chị em. Phải đánh đuổi chúng để có độc lập, chị em mới được no ấm, tự do. Muốn đánh Nhật thì phải tổ chức, đoàn kết chặt chẽ, dốt nát, yếu đuối không sợ, có lòng yêu nước thì có thể cứu nước.
Xã luận đã chỉ ra những việc làm rất cụ thể như: khuyên chồng, anh, em yêu nước; có thể học chữ để đọc sách báo Việt minh, theo dõi mật thám; giúp du kích cứu thương, cung cấp lương thực; may vá quần áo... Cao hơn nữa, phụ nữ có thể vào tự vệ, du kích. Để kết luận, phần cuối của xã luận viết: Thế thì chị em ai đã vào hội phụ nữ cứu quốc thì nên làm cho Hội phát triển, ai chưa vào thì nên vào.
Về tổ chức, Việt Nam độc lập đề cập đến hai vấn đề lớn: Cán bộ số 126 ra ngày 21/5/1942 và Con trai, con gái số 128 ra ngày 11/6/1942.
. Thông qua các bài xã luận đã nói đến định nghĩa thế nào là cán bộ và vai trò của cán bộ. “Cán bộ giỏi thì đoàn thể mau phát triển, cán bộ xoàng thì đoàn thể chậm phát triển”. Trong cán bộ, người tổ trưởng rất quan trọng. “Có thể ví dụ: đoàn thể là như cây; quần chúng là như đất; tổ trưởng là như rễ. Có đất cây mới sống được, rễ tốt thời cây mới tươi”. Tổ trưởng quần chúng hơn hết mọi cán bộ khác. Nếu tổ trưởng làm đúng thì quần chúng theo đông, đoàn thể phát triển mạnh. Không chỉ có thế, báo còn đưa ra một quan điểm, một cách giải quyết thực sự tiến bộ về tự do luyến ái kết hợp với tôn trọng cha mẹ và đoàn thể. Ở các nước văn minh có luyến ái tự do, hôn thú tự do. Ở ta thường có chuyện cha mẹ ép duyên con, đó là không tốt. Cách mệnh đánh kẻ thù thì “ai cũng nên tham gia, nhất là thanh niên con gái càng phải tham gia cách mệnh”. Cùng một mục đích, một đoàn thể phải xem nhau như anh, chị, em một nhà. Trai, gái thương yêu nhau thì báo cáo đoàn thể, xin phép cha mẹ, công khai kết thành vợ chồng hẳn hoi. Ai lợi dụng làm cho cha mẹ không bằng lòng, đoàn thể mang tiếng xấu là có hại cho cách mạng, đoàn thể nhất định không tha thứ. Đã là người cách mạng thì phải làm gương cho dân. Tây, Nhật chỉ mong cho ta sai lầm để phá cách mạng. Nếu ta biết vậy mà cứ làm là sai lầm, hại cách mạng.