Chức năng, nhiệm vụ của báo chí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự nghiệp báo chí hồ chí minh với vấn đề giải phóng dân tộc việt nam trước năm 1945 (Trang 38 - 46)

8. Kết cấu của luận văn

1.3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò vị trí, chức năng nhiệm vụ của

1.3.2. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí

- Tờ báo là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức và lãnh đạo

Báo chí trước hết là một công cụ tuyên truyền cách mạng, ngay từ năm 1921, Người đã kêu gọi: “Do đó, công tác tuyên truyền cách mạng và chống quân phiệt cần được tiến hành dưới sự lãnh đạo và đôn đốc của Đảng, trong tất cả các thuộc địa của Pháp và xứ gọi là bảo hộ.

Công tác tuyên truyền này thực hiện: a) Bằng báo chí xuất bản ở Pháp.

b) Bằng diễn đàn của các đại hội của chúng ta và khi cần, bằng diễn đàn của nghị viện. [ 27, tr. 476]

Nguyễn Ái Quốc nhận ra rằng, giai cấp tư sản đã triệt để sự dụng báo chí để nhồi cho nhân dân các chính quốc cái đầu óc thực dân, nêu lên trước mắt họ cảnh sống dễ dàng, vinh quang và giàu có đang chờ đợi họ ở các nước thuộc địa. Trong khi đó, bản thân các đảng cộng sản lại chưa thấy hết vai trò của chính phương diện này: “Sau khi được thành lập ít lâu và sau khi đã giành được không phải là không chật vật những cột báo trên tờ L’Humanité, ban nghiên cứu thuộc địa đã hoạt động khá tốt, những tài liệu và tin tức có giá trị đã bắt đầu được gửi từ thuộc địa đến ban. Chiến dịch mà ban tiến hành trên báo Đảng nhằm chống những nhũng lạm và tội ác của bè lũ thực dân, đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của dân chúng các thuộc địa và mang lại nỗi lo lắng cho chủ nghĩa đế quốc thực dân và báo chí của nó. Nhưng diễn đàn ấy đột nhiên đã bị báo L’Humanité bỏ đi. Bị tước đoạt mất phương tiện công tác và hoạt động, Ban lâm vào tình trạng hoàn toàn bị tê liệt. Điều đó đã làm cho giới báo chí to lớn của giai cấp tư sản rất hài lòng, những báo chí này đã giành rất đều đặn, hàng bao nhiêu trang cho công tác tuyên truyền thực dân và luôn sợ bị cải chính và lật mặt nạ” [ 27, tr. 212]

Chính vì vậy, Người thường xuyên kiến nghị tất cả các báo của Đảng (Đảng Cộng sản Pháp), mở một mục viết về thuộc địa làm cho độc giả làm quen với các vấn đề thuộc địa, sẵn sàng để nhân dân thuộc địa tuyên truyền trên báo chí của Đảng và sẵn sàng để các nhân vật chính trị của Đảng giúp đỡ. Sau này viết về cách tuyên truyền, Hồ Chí Minh nói tuyên truyền có ba loại: tuyên truyền bằng miệng, tuyên truyền bằng văn tự và tuyên truyền bằng hành động. Trong tuyên truyền bằng văn tự thì “Báo là thứ vũ khí của ta mà địch căm ghét nhất”. Bản thân để quốc Pháp, Mỹ cũng ý thức rõ vai trò của báo chí, của tuyên truyền như vậy, nên không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền: “Chúng dùng báo chí và phát thanh hằng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp, v.v. để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục tập quán; chúng bịa đặt những câu sấm và những tin đồn nhảm - để tuyên truyền. Mỗi tháng chúng rải hàng chục triệu truyền đơn - để tuyên truyền. Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền”. Báo chí là một bộ phận trong công tác tuyên truyền, nhưng lại là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất, chính vì vậy, Hồ Chí Minh kêu gọi, chúng ta phải đánh thắng địch về mặt tuyên truyền, cũng như bộ đội ta đánh thắng địch về mặt quân sự.

Để đấu tranh chống địch về mặt tuyên truyền Bác dặn: với địch “thì nêu những cái xấu của nó để bộ đội ta, đồng bào ta biết là chúng nó độc ác thế nào, xấu xa thế nào, để gây lòng căm thù đối với quân địch. Sự hung ác xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho nhân dân ta hiểu”

Còn về phía ta thì phải ra sức tuyên truyền đường lối của Đảng, tuyên truyền những thành tích của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, phải nêu

gương người tốt. Làm như vậy, bản thân các nhà báo “đã góp phần vào cuộc kháng chiến thắng lợi, xây dựng hoà bình và đấu tranh thống nhất tổ quốc”

Cuộc đấu tranh chống địch về mặt tuyên truyền này được Người xem là một mặt trận trên lĩnh vự văn hóa, tư tưởng. Chính bởi vậy mà ngòi bút của những người làm báo nói riêng, của những người hoạt động văn hóa nói chung cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà; anh em văn hóa trí thức là những chiến sĩ anh dũng trong cuộc kháng chiến để tranh quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. Và để hoàn thành được nhiệm vụ thì trước hết phải xác định rõ lập trường tư tưởng chính trị của mình, không có cuộc đấu tranh chung chung, cũng như không có những tư tưởng phi giai cấp trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội và như thế báo chí phải mang định hướng chính trị rõ ràng. Chính vì vậy, khi phê phán tình trạng báo chí bị cưỡng bức dưới chế độ thực dân phong kiến ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã mỉa mai về một thứ báo chí chỉ nói chuyện nắng mưa, tán dương những kẻ quyền thế đương thời, kể chuyện vớ vẩn, ca tụng công ơn của nền khai hóa và ru ngủ dân chúng. Báo chí, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, ngay từ tiếng nói đầu tiên đơn giản nhất, đã mang tính khuynh hướng và người hoạt động trong lĩnh vực này càng phải có ý thức về xu hướng chính trị của mình.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với báo chí trong thời điểm đặc biệt, không phải là sự tiếp nối một tiếng nói đã có mà chủ yếu với tư cách người sáng lập, tổ chức. Đó là thời điểm lịch sử cần phải có tiếng nói chủ đạo để tổ chức phong trào, hướng dẫn quần chúng và báo chí của Người thực sự là những tờ hịch cách mạng, phát động phong trào đâu tranh trong nhân dân.

Thấm nhuần quan điểm của Lênin về báo chí cách mạng, Người đã ý thức một cách sâu sắc báo chí không chỉ là người tuyên truyền tập thể, mà còn là người cổ động và tổ chức tập thể. Trong “lời kêu gọi” của báo Le Paria,

Người đã cho thấy tiêu chí của một tờ báo: “Le Paria tố cáo những sự lạm quyền về chính trị, lối cai trị độc đoán, tình trạng bị bóc lột về kinh tế mà nhân dân các vùng lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại đang là nạn nhân. Báo kêu gọi họ đoàn kết lại, đấu tranh cho tiến bộ về vật chất và tinh thần của chính họ. Báo kêu gọi họ, tổ chức họ, nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi các lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và bác ái” [ 27, tr. 491].

Báo chí không chỉ là phương tiện thực hiện tốt nhất công tác tuyên truyền cung cấp thông tin đến cho người đọc, mà còn định hướng nhận thức, tư tưởng và hoạt động của họ

- Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng

Báo chí xuất hiện và phát triển do yêu cầu của thông tin chính trị, kinh tế và giao lưu tư tưởng văn hóa xã hội, tiếng nói của báo chí dù thuộc thể loại nào và dưới bất cứ hình thức nào cũng luôn mang trong mình khuynh hướng và người hoạt động trong lĩnh vực này lại càng phải có ý thức về xu hướng chính trị của mình. Là nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, ý thức được rất sớm báo chí là một trong những thứ vũ khí hữu hiệu phục vụ cho cách mạng và đối tượng hướng tới là quần chúng nhân dân nên trong quan điểm Hồ Chí Minh về báo chí Người đã chỉ rõ:

“Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới”.

Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là của mình, thì:

Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực và hoạt bát. Và:

Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa” Rút kinh nghiệm viết báo từ bản thân mình để truyền cho thế hệ sau, Hồ Chí Minh thường xoáy vào câu hỏi “viết cho ai xem”, “viết để làm gì”. Đó là bí quyết thành công trong suốt nửa thế kỷ chiến đấu trên mặt trận báo chí của Người. Đối tượng mà báo chí cách mạng hướng tới chính là nhân dân lao động, là đông đảo quần chúng công nông, trí thức, thanh niên, phụ nữ, các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, các em nhỏ, các cụ già và đông đảo bạn bè nhân dân lao động bị áp bức trên thế giới.

Người làm báo cách mạng phải nhằm vào người đọc là quần chúng của mình, trao cho quần chúng của mình vũ khí tư tưởng để tấn công kẻ thù, mỗi tờ báo có đối tượng quần chúng riêng. Muốn cho bài báo nhằm đúng đối tượng phục vụ, thì người viết phải hiểu quần chúng, bắt mạch đúng tâm tư nguyện vọng của họ, đánh giá đúng trình độ, giải đáp đúng yêu cầu của họ, hướng họ đi tới nhận thức đúng về vấn đề mình trình bày, hành động đúng phương hướng mà mình chỉ ra, đấu tranh với những gì sai lầm, lạc hậu, lỗi thời ảnh hưởng đến quần chúng.

Kinh nghiệm của Người khi làm báo Le Paria để thu hút sự chú ý của công chúng: “...bán cho anh em công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp, nhưng họ vẫn thích mua vì họ biết báo này chửi Tây, mua rồi họ nhờ anh em công nhân Pháp đọc cho họ nghe”. Như vậy, ngay từ khi làm báo Le Paria, Người đã bắt trúng mạch của công chúng, họ đã mua báo mặc dù họ không biết tiếng Pháp vì tờ báo cần thiết và đáp ứng nhu cầu, mong muốn của những người công nhân Việt Nam đang sinh sống và làm thuê ở Pháp lúc bấy giờ. Mặt khác đối với nhân dân các nước thuộc địa, Le Paria là tiếng nói đồng

cảm với lớp người cùng khổ, chỉ ra cho họ thấy được nguyên nhân của những đau khổ, đói nghèo mà họ đang phải chịu đựng, mở ra trước mắt họ một cuộc đấu tranh đòi công lý, chính nghĩa, một cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp lao khổ chống lại kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.

Tiếp nối tư tưởng của báo Le Paria, Báo Thanh niên của Nguyễn Ái Quốc đã có ảnh hưởng lớn, mở đầu cho sự ra đời của dòng báo chí cách mạng Việt Nam và báo đã thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng của mình: “bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu.”[ 28, tr.510].Hay trong báo Việt Nam độc lập xuất bản vào năm 1941, Người viết:

“Việt Nam độc lập” thổi kèn loa.

Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già

Đoàn kết vững bền như khối sắt Để cùng nhau cứu nước Nam ta!

Tư tưởng xây dựng báo chí cách mạng phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đi nhắc lại hàng chục lần trong các thời điểm khác nhau.

Tháng 10 năm 1947, trong bài “Sửa đổi lối làm việc”, Người nói: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem? Nói cho ai nghe? Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.

Nhiều người tưởng: mình viết gì, nói gì, người khác cũng đều hiểu được cả. Thật ra, hoàn toàn không như thế. Dùng cả đoạn chữ Hán, dùng từng

đống danh từ lạ, nói hoặc viết theo cách Tây, mỗi câu dài dằng dặc, thì quần chúng hiểu sao được?”.

Tháng 7 - 1949, khi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng sắp kết thúc, Bác lại gửi thư đến lớp học và nhấn mạnh: “Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công”.

Phát biểu tại Đại hội lần thứ hai Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.”

“Tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” của báo chí cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng. Đi cùng với cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai từ sau năm 1945, tại Đại hội báo giới năm 1947, Người đã gợi ý về 5 nhiệm vụ của báo chí:

“1. Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch. 2. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ, vì sao phải trường kỳ kháng chiến, vì sao kháng chiến nhất định thắng lợi.

3. Giải thích chính sách của Chính phủ cho dân chúng rõ. Bày tỏ nguyện vọng của dân chúng cho Chính phủ biết.

4. Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình.

5. Kêu gọi toàn dân đoàn kết, hăng hái kháng chiến, tin tưởng về sự thắng lợi.”

Khi chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ của báo chí tiếp tục được Hồ Chí Minh cụ thể hóa:

“Hiện nay, ở miền Bắc nhiệm vụ của chúng ta là: phát triển kinh tế và văn hóa, nâng cao đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đối với miền Nam, chúng ta có nhiệm vụ ủng hộ đồng bào ruột thịt đang đoàn kết chặt chẽ, anh dũng đấu tranh chống bọn Mỹ xâm lược và bọn Diệm bán nước; đấu tranh giành cơm áo, tự do, và hòa bình thống nhất Tổ quốc. Trên thế giới, nhiệm vụ của chúng ta là tăng cường đoàn kết trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa; ra sức ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh; đấu tranh cho hòa bình thế giới, cấm vũ khí nguyên tử và giải trừ quân bị.

Đó là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ chính của báo chí ta.”

Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về chức năng và nhiệm vụ của báo chí cách mạng đã được Người cụ thể hóa trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, và thực tế đã chứng minh rằng đi liền với sự vận động của lịch sử cách mạng, báo chí đã thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, là công cụ tuyên truyền tập thể, cổ động tập thê, tổ chức và lãnh đạo tập thể nhưng để phát huy sức mạnh đó thì trong từng hoàn cảnh, từng giai đoạn cách mạng báo chí phải gắn mình với nhiệm vụ cụ thể khác nhau, nhưng có một nhiệm xuyên suốt của nền báo chí cách mạng Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khẳng định từ những năm 20 của thế kỷ XX và đã thực hiện trong suốt 50 năm hoạt động cách mạng của mình, là báo chí phải phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Quan điểm này vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay.

Chương 2: BÁO CHÍ CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC - HỒ CHÍ MINH VỚI CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM

TRƯỚC NĂM 1945

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự nghiệp báo chí hồ chí minh với vấn đề giải phóng dân tộc việt nam trước năm 1945 (Trang 38 - 46)