8. Kết cấu của luận văn
2.1. Nội dung tác phẩm báo chí của Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng
2.1.2. Tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin và đường lối cách mạng của
của Đảng Cộng sản Việt Nam
Sự kiện tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa đăng trên báo L'Humanité số ra hai ngày 16 và 17-7-1920 đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đó là việc tìm ra một lí luận cách mạng căn bản và lí luận này sẽ trở thành một công cụ nhận thức mới để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc. Nhận thức sâu sắc vai trò của lí luận cách mạng tiên phong, soi đường chỉ lối cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã hết sức chú ý đến việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và báo chí chính là công cụ đắc lực phục vụ cho việc truyền bá này. Trước hết Người sử dụng những báo chí cánh tả Pháp có ảnh hưởng rộng rãi trong giai cấp công nhân, những người lao động ở Pháp và hải ngoại,. Đặc biệt với việc xuất bản báo Le Paria - Cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa, mà Người làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, làm phương tiện để truyền bá lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về nước.
Bài Đông Dương đăng trên La Revue Communiste (Tạp chí Cộng sản) số 14 (4-1921) và số 15 (5-1921), có thể coi là mốc mở đầu cho quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam của Người. Trong bài viết đó, lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đã trình bày những điều kiện thuận lợi của châu Á nói chung và Đông Dương nói riêng cho việc truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Về điều kiện chính trị - xã hội, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: ''châu Á đau thương'', trừ Nhật Bản là nước phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, đang bị chủ nghĩa đế quốc xâu xé; nước Trung Hoa rộng lớn luôn luôn là ''con bò sữa'' đối với tư bản châu Âu và châu Mỹ; nước Triều Tiên nằm trong tay
chủ nghĩa tư bản Nhật, Ấn Độ một nước nông dân và giàu có bị đế quốc Anh cai trị và Đông Dương với 745.000km2 đất đai, 20 triệu dân bị phó mặc cho sự bóc lột thậm tệ của một nhóm kẻ cướp thực dân. Chính sự tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc thực dân về mặt khách quan đã chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa xã hội nảy nở và phát triển. Đó là giai cấp công nhân - cơ sở xã hội của chủ nghĩa Mác và là người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản - ra đời và lớn mạnh cùng với quá trình khai thác của bọn thực dân ở các thuộc địa, trái với ý muốn chủ quan của chúng. Đó là sự xuất hiện của các phong trào giải phóng dân tộc mà những người lãnh đạo các phong trào đó sẽ dần dần hướng tới học thuyết cách mạng nhất, khoa học nhất của thời đại. Trong bài viết của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nói đến nước Trung Hoa thức tỉnh: “Việc nắm chính quyền của nhà cách mạng Tôn Dật Tiên ở miền Nam đã hứa hẹn một nước Trung Hoa được tổ chức lại và có tính chất vô sản. Thật không phải quá đáng khi nghĩ rằng trong một tương lai rất gần, hai chị em - nước Trung Hoa và nước Nga công nhân - tay nắm tay cùng nhau tiến lên vì nền dân chủ và vì nhân loại”. Hay khi nói tới phong trào yêu nước của nhân dân Ấn Độ và Triều Tiên, Người viết “Tất cả các dân tộc bị trị ấy đều nung nấu tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc, một khí thế cách mạng sôi nổi đang lay động tất cả tâm hồn người Ấn Độ, người Triều Tiên. Tất cả đang chuẩn bị âm ỉ nhưng khôn ngoan cho cuộc đấu tranh cuối cùng và giải phóng''3. Trên ý nghĩa đó, Nguyễn Ái Quốc đi tới kết luận: ''Sự đầu độc có hệ thống của bọn tư bản thực dân không thể làm tê liệt sức sống, càng không thể làm tê liệt tư tưởng cách mạng của người Đông Dương... Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một các ghê gớm, khi thời cơ đến…Sự tàn bạo của chủ nghĩa tư bản đã chuẩn bị đất rồi: Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc là gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi''[27, tr. 40]
Về điều kiện lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã nói đến chế độ tĩnh điền thời hoàng đế, chế độ làm việc bắt buộc thời nhà Hạ, những cái tốt, cái hay trong học thuyết Khổng - Mạnh như: ''người ta không sợ ít, chỉ sợ không công bằng, tính công bằng sẽ xoá bỏ sự nghèo đói'', hay “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh''. Một điều đáng lưu ý trong phần phân tích những điều kiện lịch sử ''cho phép chủ nghĩa cộng sản thích nghi dễ dàng ở châu Á''. Người có đề cập đến chế độ công điền tồn tại trong làng xã Việt Nam với những luật lệ riêng của nó. Người viết: ''Về quyền sở hữu cá nhân - luật lệ của người Việt Nam cấm mua bán chung về đất đai. Hơn nữa một phần tư đất cày cấy buộc phải để làm của công. Cứ ba năm một lần người ta chia lại khoảng đất đó. Mỗi một người dân trong xã được nhận một phần đất công. Điều này tuy không ngăn cản một số người trở nên giàu có vì còn ba phần tư đất vẫn mua bán được, nhưng như thế vẫn có thể còn nhiều người không bị rơi vào cảnh nghèo đói''. Cách nhìn nhận đó gần với luận điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về ruộng đất công trong công xã nông thôn Nga.
Dựa vào những bằng chứng từ trong lịch sử châu Á và Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định chủ nghĩa cộng sản có thể áp dụng dễ dàng vào Châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng và đó chính là sự khởi đầu cho quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam mà báo chí chính là một trong những phương tiện để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền này. Người đã chỉ ra những điều kiện để có thể trở thành cộng sản và là người tuyên truyền tư tưởng chủ nghĩa cộng sản: “Cái đối với chúng tôi, mà trách nhiệm của chúng tôi phải nói lên ở đây để những đồng chí của chúng ta có nhiệt tình truyền bá chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột và đi vào gia đình chung của giai cấp vô sản quốc tế, để cho những đồng chí đó có thể giúp đỡ chúng tôi một cách có hiệu quả. Cái mà chúng tôi thiếu để trở thành cộng sản, là những
điều kiện cơ bản nhất để hành động: Tự do báo chí, Tự do du lịch, Tự do dạy và học, Tự do hội họp (tất cả những cái này đều bị những kẻ khai hoá thuộc địa ngăn cấm chúng tôi một cách dã man).”[27, tr.48]
Trong bài “Con người biết mùi hun khói”. là tác phẩm văn nghệ đầy tính lãng mạn của Nguyễn Ái Quốc. Thông qua truyện kể về cụ Kimengô, tác giả nói lên sự chỉ đạo của tư tưởng cộng sản đối với những người bản xứ ở Châu Phi: đoàn học sinh hát Quốc tế ca; cuộc mít tinh quần chúng diễn ra trên quảng trường Xô Viết; cụ Kimengô thoát chết sau một cuộc hun khói của quân đội thực dân, được một người cộng sản châu Âu nuôi và giáo dục chủ nghĩa cộng sản, từ đó nhờ trí thông minh đặc biệt sắc sảo nên có thể am hiểu tường tận mọi sự kiện chính trị và xã hội của thời đại, trở thành lãnh tụ của nhân dân, lãnh đạo đấu tranh lật đổ chủ nghĩa thực dân, thành lập nước Cộng hòa Liên hiệp Phi, một nước không còn người giàu và người nghèo, không còn thành kiến dân tộc và chủng tộc, một xã hội theo chủ nghĩa cộng sản khoa học.
Thời gian hoạt động ở Liên Xô từ năm 1923 đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Ở thời kỳ này Nguyễn Ái Quốc cũng bắt đầu nêu ra những vấn đề mới mẻ trước đó chưa từng có. Với chủ đích rõ ràng là hướng cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta tới Quốc tế Cộng sản, tới Cách mạng Tháng Mười Nga.
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc cung cấp cho nhân dân ta những hiểu biết, những thông tin về một tổ chức chính trị quốc tế kiên quyết bênh vực quyền lợi của các dân tộc thuộc địa, đó là Quốc tế Cộng sản, đứng đầu là V.I.Lênin. Thông qua những văn kiện quan trọng được nêu trong cuốn „Bản án chế độ thực dân Pháp‟‟ ở chương Nô lệ thức tỉnh, Người đưa vào những văn kiện quan trọng đối với các thuộc địa như Tuyên ngôn của Ban Chấp hành Đệ tam
Quốc tế ; Hiệu triệu của Quốc tế Nông dân gửi nông dân lao động các thuộc địa; Tổ chức Công đoàn ở thuộc địa. Mục đích là làm cho độc giả hiểu rằng trên thế giới này có những tổ chức đang quan tâm đến vận mệnh của nhân dân thuộc địa, thông cảm với cuộc sống cực khổ của họ và kêu gọi họ tổ chức lại theo những tổ chức thích hợp để hoàn thành sự nghiệp giải phóng của mình.
Với V.I.Lênin, người sáng lập và là lãnh tụ của Quốc tế Cộng sản, người đứng đầu Nhà nước Công nông đầu tiên trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã dành những tình cảm tôn kính:
“Tất cả họ, từ những người nông dân An Nam đến người dân săn bắn trong các rừng Đahômmây, cũng đã thầm nghe nói rằng ở một góc trời xa xăm có một dân tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lý lấy đất nước mình mà không cần tới bọn chủ và bọn toàn quyền. Họ cũng đã nghe nói rằng nước đó là nước Nga, rằng có những người dũng cảm, mà người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ như thế cũng đủ làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình đối với nước đó và lãnh tụ của nước đó.
...Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội''[27, tr.256].
Với nước Nga Xôviết, Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã dành nhiều trang viết thắm đượm tình cảm yêu mến, biết ơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvich, một Đảng thực sự cách mạng, đứng đầu là lãnh tụ V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga tiến hành cuộc cách mạng vô sản thắng lợi và đang xây dựng một xã hội mới, một xã hội không có áp bức bóc lột, một xã hội mà nhân loại mơ ước từ lâu. ''Nước Nga là một nước thật là dân chủ (ở trần gian chưa bao giờ có nước như thế)'' - Nước Nga thực sự là một thiên đường trên trần gian này.
Thời kỳ làm báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên, với nghệ thuật làm khéo léo, Nguyễn Ái Quốc đã đi từ chủ nghĩa yêu nước, chỉ rõ mâu thuân giữa dân tộc ta và chủ nghĩa đế quốc Pháp nhằm khắc sâu thêm lòng căm thù của quần chúng nhân dân, cổ vũ đoàn kết sức mạnh đấu tranh, rồi từ đó dẫn dắt đến chủ nghĩa Mác - Lênin, với con đường của cách mạng Tháng Mười Nga : « Cách mạng Nga chẳng những là có quan hệ với dân Nam mà còn có quan hệ với tất cả các dân tộc bị đèn nén và giai cấp bị áp bức trong thế giới…Nay Nga cách mạng đã được nhiều điều kinh nghiệm để làm gương cho chúng ta bắt chước. Cách mạng Nga như đã đắp đường cho chúng ta cứ đường mà đi »
Báo Thanh Niên đã vạch ra những vấn đề cơ bản có tính chiến lược chỉ đạo cho phong trào cách mạng như khẳng định chỉ có con đường đấu tranh cách mạng mới giải phóng được dân tộc. Báo Thanh Niên, số 2, ngày 28-6- 1925, có bài viết: “Cách mạng là toàn bộ các hành động mà nhờ đó một dân tộc bị áp bức trở thành tự do và giàu mạnh. Lịch sử các nước dạy ta rằng, chỉ có bằng cách mệnh, người ta mới có thể có một chính phủ tốt hơn, một nền giáo dục tốt hơn”, lực lượng để thực hiện cách mạng đó là toàn dân, lấy công nông làm gốc, Số 1 báo Thanh niên, có bài viết: “Để dẫn dắt nhân dân làm một sự nghiệp vĩ đại cần phải có một sức lãnh đạo. Sức lãnh đạo đó không phải của một vài người thôi, mà sinh ra từ sự hiệp lực của hàng ngàn, hàng vạn người. Số 73, ngày 12-12-1926 viết: “Lực lượng dân tộc cách mạng là ở về toàn quốc dân, nên quốc dân giác ngộ chừng nào thì lực lượng cách mạng to lớn chừng ấy”. Trong quốc dân có nhiều giai cấp và tầng lớp có quyền lợi khác nhau, có những mong muốn và đòi hỏi không giống nhau. Vì vậy, thái độ đối với cách mạng cúng khác nhau. Thanh niên khẳng định rằng: chỉ có công nông là triệt để cách mạng vì lợi ích của công nông về cơ bản là trùng với lợi ích của toàn thể dân tộc, công nông cũng là lực lượng đông đảo nhất
trong xã hội, chịu áp bức nặng nề nhất trong các giai tầng nên họ có tinh thần cách mạng triệt để nhất.
Ngay từ đầu, báo Thanh niên đã giáo dục chủ nghĩa yêu nước theo tinh thần cộng sản chủ nghĩa. Đến số 60, ngày 8-9-1926, báo đã chỉ ra dứt khoát cách mạng cần phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản: “Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ có một con đường chân chính là phải theo cái đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó là đảng cộng sản” và đảng đó phải theo một chủ cách mạng là chủ nghĩa cộng sản “Chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa chân chính, đó là cái chủ nghĩa của đảng cách mệnh mà ta phải đi theo”
Việc tuyên truyền cho đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản tiếp tục được Nguyễn Ái Quốc thực hiện trên báo chí trong các giai đoạn sau khi thành lập Đảng. Đặc biệt thông qua sự chỉ đạo của Người trong Hội nghị thành Lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng phải xuất bản một tạp chí lý luận làm cơ quan tuyên truyền của Đảng và tạp Chí Đỏ ra mắt số 1, ngày 5-8-1930 là một dấu ghi nhớ cuộc đời làm báo Nguyễn Ái Quốc với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, người sáng lập Đảng và sáng lập báo Đảng.