Vần và chức năng của vần trong thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của đồng đức bốn (Trang 29 - 33)

CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ THUYẾT LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.2. Thơ lục bát và lục bát Đồng Đức Bốn

1.2.2. Vần và chức năng của vần trong thơ

1.2.2.1. Khái niệm vần thơ

Vần thơ là yếu tố khách quan và cần thiết trong nền thi ca của bất kì dân tộc nào. Trong thơ truyền thống, vần thơ gần như là yếu tố bắt buộc và phải thực hiện một cách nghiêm ngặt. Yêu cầu ấy đã đi vào tiềm thức mọi người đến nỗi trong thực tế, người ta dùng những vần thơ để chỉ một bài thơ hoặc nhiều bài thơ của một nhà thơ hay nhiều nhà thơ trong nền thi ca nói chung. Bằng trực cảm nghệ thuật của mình, độc giả của bất kì dân tộc nào, chủ nhân của bất kì ngôn ngữ nào cũng dễ dàng nhận ra các vị trí hiệp vần trong thơ và vận dụng chúng trong câu thơ (dòng thơ), khổ thơ, bài thơ trong các cấu trúc thể loại quen thuộc. Dĩ nhiên, ngày nay, những đòi hỏi về vần thơ và hiệp vần trong thơ phần nào được nới lỏng. Thậm chí, có những nhà thơ tuyên bố làm thơ không vần và đã có những thể nghiệm nhất định. Thế nhưng, trong thực tế, thơ vẫn có vần, thơ vẫn cần đến vần. Do vần trong thơ có một vị trí, vai trò hết sức quan trọng nên cùng với lịch sử phát triển của thơ ca, các nhà nghiên cứu đã chú ý khảo sát, tìm hiểu, định nghĩa về vần thơ, song cho đến nay, cách hiểu về vần thơ vẫn chưa có tiếng nói thống nhất. Sở dĩ có tình hình như vậy vì một mặt vần trong thơ hết sức đa dạng, phức tạp; mặt khác, cách tổ chức vần thơ trong từng ngôn ngữ không hoàn toàn giống nhau, phản ánh những nét đặc thù của các ngôn ngữ. Thêm nữa, cách nhận

diện vần thơ cũng xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau. Để tiến đến xây dựng một khái niệm thống nhất về vần thơ có tính phổ quát cho thơ ca mọi dân tộc có lẽ phải chờ những công trình nghiên cứu trong tương lai.

Về vần thơ trong tiếng Việt, các nhà nghiên cứu đã tiếp cận khái niệm vần thơ từ hai góc độ lí luận văn học và ngôn ngữ học nên đã đưa ra các kiến giải khác nhau. Xin được không trình bày các quan niệm về vần thơ, ở đây, chúng tôi chỉ chọn một định nghĩa, theo chúng tôi là tương đối hợp lí để làm việc, đó là định nghĩa của giáo sư Nguyễn Quang Hồng: Vần là hiện tượng hoà phối tương ứng âm thanh giữa các đơn vị ngôn ngữ trên những vị trí nhất định nhằm liên kết gắn nối các vế tương đương trong ngôn từ thi ca [12, 34].

Trên quan điểm ngôn ngữ học, một ngôn từ thi ca được phân biệt với ngôn từ văn xuôi trước hết ở chỗ, nếu trong ngôn từ văn xuôi, các đơn vị ngôn ngữ xuất hiện một cách tự nhiên, liền mạch và xuôi chiều thì trong ngôn từ thi ca chúng được phân chia thành những vế tương đương chiếu ứng lên nhau ở những vị trí nhất định. Một vế tương đương nhỏ nhất trong ngôn từ thi ca là một nhịp. Giữa các vế tương đương như thế thường có sự liên kết và chiếu ứng lên nhau về mặt âm thanh. Một trong những phương tiện liên kết thơ ca là tính tương đương; không có nhu cầu liên kết các vế tương đương về mặt âm thanh thì sẽ không sản sinh ra hiện tượng hiệp vần dù trong ngôn từ có xuất hiện dày đặc các đơn vị âm thanh tương đồng.

1.2.2.2. Chức năng của vần thơ

Về chức năng của vần thơ, các nhà nghiên cứu đã có cách nhìn tương đối thống nhất. Có thể dẫn ra một số ý kiến, chẳng hạn: Vần là nhịp cầu nối

liền các câu vào một bài thơ [10]; Là chất xi măng gắn liền các câu thơ, các ý thành một thể thống nhất hoàn chỉnh [4]; Vần nhằm nối liền tiết điệu và âm của các dòng thơ, nhấn mạnh vào một số từ (Nguyễn Lương Ngọc, 1960); Vần có tác dụng liên kết dòng thơ, vần giúp cho thơ dễ nhớ, dễ thuộc (Nguyễn

Nguyên Trứ, 1991). Theo Nguyễn Phan Cảnh [2], hiệp vần là để tạo nên những tiếng vọng theo chu kì, đảm bảo mối quan hệ qua lại giữa các đơn vị ngữ điệu. Hay nói cách khác, với sự luân phiên nhất định của các vần trong bài thơ, dòng thơ (câu thơ) sẽ được tổ chức lại thành từng khổ thơ hay đoạn thơ khác nhau. Ngay cả ở những bài thơ tự do, vần vẫn phát huy vai trò liên kết. Nhờ vần mà các câu thơ được tổ chức, liên kết thành một chỉnh thể theo những mô hình cấu trúc nhất định. Vì thế, vần có vai trò hết sức quan trọng trong sự vận động hình thành thể loại. Trong quá trình vận động tạo vần, để thực hiện chức năng liên kết, vần có mối quan hệ chặt chẽ với nhịp. Chúng tồn tại và chế ước lẫn nhau. Vần nhấn mạnh và tạo cơ sở để xác định nhịp thơ và cùng với nhịp thơ làm nên sức mạnh biểu cảm riêng cho ngôn từ thi ca. Tóm lại, vần thơ thực hiện những chức năng sau đây:

- Vần thơ, trước hết có chức năng liên kết. Ở các khổ thơ, bài thơ có vần, với chức năng tổ chức, vần như sợi dây ràng buộc các dòng thơ (câu thơ) lại với nhau; do đó, giúp cho việc đọc được thuận miệng, nghe được thuận tai và làm cho người đọc, người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Nói theo ngữ pháp văn bản, vần thực hiện chức năng liên kết văn bản thơ và là một trong những phương tiện liên kết chủ yếu trong tác phẩm thơ.

- Vần thực hiện chức năng nhấn mạnh sự ngừng nhịp và xác lập mối quan hệ giữa vần và nhịp. Vần liên kết các vế tương đương trong ngôn từ thi ca. Cho nên, có thể nói, ngắt nhịp là tiền đề của hiện tượng hiệp vần nhưng ở chiều ngược lại, chính vần cũng tác động trở lại đối với nhịp. Sự tác động này được biểu hiện ở chỗ, nhịp khi có sự hỗ trợ của vần thì chỗ ngừng, chỗ ngắt trở nên rõ ràng hơn, lâu và đậm hơn. Hay nói cách khác, vần có chức năng nhấn mạnh sự ngừng nhịp.

- Vần có chức năng biểu trưng ngữ nghĩa. Trong một dòng thơ, từ hoặc tiếng (âm tiết) mang vần luôn luôn được nhấn mạnh, trở thành tiêu điểm của

dòng thơ (câu thơ). Do đó, vần không chỉ là hiện tượng ngữ âm thuần tuý mà trong nhiều trường hợp, vần có chức năng biểu đạt ý nghĩa cho câu thơ, bài thơ.

1.2.2.3. Cách hiệp vần trong thơ

Trong thơ tiếng Việt, đơn vị hiệp vần là âm tiết. Theo Mai Ngọc Chừ:

Tất cả các yếu tố cấu tạo âm tiết tiếng Việt đều tham gia vào việc tạo nên sự khác biệt và hoà âm trong thơ. Sự kết hợp chặt chẽ giữa âm đầu, âm chính, âm cuối có vai trò quyết định đến sự hoà âm của các âm tiết hiệp vần với nhau [4, 89]. Vậy là, trong thơ Việt Nam nói chung, thơ lục bát của Đồng

Đức Bốn nói riêng, tất cả các yếu tố của âm tiết đều tham gia vào việc tạo lập âm hưởng hài hòa cho thơ. Nhưng trong tất cả các yếu tố đó, vai trò của thanh điệu, âm cuối và âm chính nổi lên như những yếu tố đắc dụng nhất, không thể thiếu được. Do đó, khi khảo sát vần thơ lục bát Đồng Đức Bốn không thể bỏ qua các yếu tố này, bởi đây là những yếu tố cơ bản nhất, chủ yếu nhất.

Trong thơ, từ hoặc âm tiết tham gia hiệp vần không được phép lặp lại hoàn toàn. Nói khác đi, hai từ hoặc hai âm tiết bắt vần với nhau vừa phải có phần đồng nhất vừa phải có phần khác biệt. Cả hai mặt đồng nhất và khác biệt cùng tạo nên sự hoà âm, cùng tạo nên vần thơ. Khi bàn về vần thơ, Hôpkin đã đưa ra một nhận xét rất thú vị: Cái đẹp của vần là ở hai yếu tố: sự giống nhau

hay sự đồng nhất về âm thanh và sự không giống nhau hay sự khác biệt về nghĩa (Dẫn theo [4]).

Về phân loại vần thơ, nhìn chung, các tác giả đều thống nhất là dựa vào một trong ba tiêu chí cơ bản: vị trí, thanh điệu và sự hoà âm. Nếu dựa vào tiêu chí vị trí của các âm tiết hiệp vần, người ta chia ra thành vần lưng và vần chân (trong vần chân lại tiếp tục chia nhỏ hơn: vần liền, vần cách, vần ôm, vần chéo,...). Nếu dựa vào thanh điệu, ta có vần bằng và vần trắc. Còn nếu dựa vào mức độ hoà âm, ta có vần chính, vần thông và vần ép. Ngoài ra, cũng có thể phân loại vần thơ dựa vào cách kết thúc vần (tức là cách kết thúc âm tiết),

người ta chia ra vần mở (còn gọi là vần đơn), vần nửa mở, vần nửa khép và vần khép (ba loại sau gọi là vần phức).

Từ những nhận thức trên, chúng tôi tiến hành khảo sát vần và các nguyên tắc hiệp vần trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của đồng đức bốn (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)