Sức quyến rũ của nhạc điệu thơ lục bát Đồng Đức Bốn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của đồng đức bốn (Trang 63 - 68)

CHƯƠNG 2 VẦN, NHỊP TRONG THƠ LỤC BÁT ĐỒNG ĐỨC BỐN

2.3. Nhạc điệu trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn

2.3.2. Sức quyến rũ của nhạc điệu thơ lục bát Đồng Đức Bốn

Nhạc điệu thơ lục bát được hình thành từ tâm thức cộng đồng nên có tính ổn định cao, tính khuôn mẫu rõ nét. Do đó, khuôn nhạc lục bát quá quen thuộc trong cảm thức của mỗi người Việt. Thế nhưng, Đồng Đức Bốn đã phổ vào lục bát một thứ nhạc điệu độc đáo, mới lạ từ cách tổ chức chủ yếu ba yếu tố ngữ âm là vần thơ, nhịp thơ và phối thanh. Tùy từng câu thơ, bài thơ mà vai trò của ba yếu tố này có những mức độ khác nhau, nhưng trong nhiều trường hợp, ông kết hợp hài hòa ba yếu tố nhằm tạo nên một thứ nhạc điệu khác thường.

Trước hết, Đồng Đức Bốn có những nét riêng về hoà phối âm thanh trong hiệp vần của lục bát. Như đã biết, vần thơ có sức tạo nhạc rất lớn. Trong thơ nói chung, có thể có nhà thơ ít quan tâm đến vần nhưng hiệp vần vẫn là tiêu chí để xác định nhạc điệu trong thơ mọi thời đại. Lục bát là thể thơ có cách hiệp vần ổn định nhất. Những vần lưng, vần chân của lục bát cứ đi mãi không ngừng từ thế giới hồn nhiên tới triết lí cao siêu. Điều đó được thể hiện trong lục bát Đồng Đức Bốn. Khảo sát 1326 cặp vần trong lục bát Đồng Đức Bốn, xét về mức độ hoà âm, chúng tôi thu được số liệu sau: vần chính gồm 1036 cặp, gần bằng 77,89%; vần thông gồm 254 cặp, gần bằng 19,15%; vần ép gồm 40 cặp, gần bằng 3,01%. Như vậy, trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn, tỉ lệ vần chính rất lớn mà vần chính có mức độ hoà âm cao. Hơn nữa, hơn một nửa vần thơ Đồng Đức Bốn đều cùng thanh: cùng thanh ngang (bằng bổng) có trong 443 cặp vần, gần bằng 33,41%; cùng thanh huyền (bằng trầm) có trong 279 cặp, gần bằng 21,04%. Sự lặp lại thanh điệu (cùng với khuôn vần) của âm tiết mang vần tạo nên tính hòa hợp rất cao về ngữ âm, làm cho âm hưởng của cặp 6/8 nhập lại thành một khối thống nhất, làm nổi bật nhạc tính cho thơ.

Chẳng hạn, Đang trưa ăn mày vào chùa/ Sư ra cho một lá bùa rồi đi (Vào chùa). Cách hiệp vần trong hai âm tiết chùa/ bùa đồng nhất các yếu tố thanh điệu (thanh huyền), âm cuối (zêrô), âm chính (ua), kết hợp với cách hiệp vần trong dòng thơ ở hai âm tiết ra/ lá, cách phối thanh hầu hết là thanh bằng (12 B/ 2 T) làm cho câu thơ có mức độ hài thanh cao, tạo nên âm hưởng nhẹ nhàng mà da diết, êm đềm mà sâu thẳm, phù hợp với không gian vào chùa và thời gian đang trưa. Hay Bao nhiêu là thứ bùa mê/ Vẫn không bằng được nhà

quê chúng mình (Nhà quê). Cặp vần trong hai âm tiết mê/ quê có sự đồng nhất

tất cả các yếu tố tham gia hiệp vần gồm thanh điệu (thanh ngang), âm cuối (zêrô), âm chính (ê), lại là vần mở nên ở các âm tiết hiệp vần, chỗ ngừng lâu hơn, phát âm kéo dài hơn tạo thành điểm nhấn về mặt âm thanh và cũng là điểm nhấn trong tư tưởng. Do đó, trong khá nhiều trường hợp, nhạc tính trong lục bát Đồng Đức Bốn góp phần bộc lộ cảm xúc, suy tư có tính triết lí cao siêu.

Nhìn chung, cách hiệp vần trong lục bát Đồng Đức Bốn gần với ca dao, nghĩa là tạo nên sự hòa âm cao từ các vần chính. Thế nhưng, nếu khảo sát kĩ, trong khá nhiều trường hợp, ông nới rộng nguyên tắc hiệp vần hoặc ở đỉnh âm tiết, hoặc ở phần kết thúc vần, thậm chí, có những cặp vần không có quan hệ âm vị học. Vậy nên, tỉ lệ vần thông và vần ép không phải là ít: vần thông gồm 254 cặp, gần bằng 19,15%, vần ép gồm 40 cặp, gần bằng 3,01%. Dĩ nhiên, hai loại vần này không làm mất đi nhạc tính của câu thơ lục bát Đồng Đức Bốn bởi ông hết sức linh hoạt và sáng tạo trong cách hiệp vần. Có trường hợp, đỉnh âm tiết có sự khác biệt về ngữ âm nhưng bù vào đó, thanh điệu lại đồng nhất, và có thêm sự hỗ trợ của nhịp biến thiên trong câu thơ. Chẳng hạn, Màu

hoa đỏ/ một nụ cười// Lặng im/ mà sóng luân hồi/ dâng cao (Hoa dong riềng).

Có trường hợp, hai âm tiết hiệp vần chỉ khác nhau thanh điệu bằng cao/ bằng thấp nhưng nhờ có sự trợ giúp đắc lực của nhịp nên câu thơ vẫn giàu nhạc điệu. Chẳng hạn, Lấy gai/ tôi/ bắc thành cầu// Qua sông/ trót/ để rơi/ câu thơ

buồn (Cây bồ kết lắm gai). Cặp vần trong hai âm tiết cầu/ câu là vần ép

nhưng nhờ có cách tổ chức nhịp bất thường nên chỗ ngừng ở âm tiết hiệp vần (câu) rất lâu, tạo nên âm hưởng lắng đọng mà da diết; người đọc thấy được nỗi lòng khắc khoải, u buồn của người thơ Đồng Đức Bốn.

Có vài trường hợp, vì ưu tiên cho tứ thơ, ý thơ nên Đồng Đức Bốn rất linh hoạt trong cách hiệp vần. Chẳng hạn, Từ trong méo nắn lệch kê// Tôi ngồi

thương nhớ đồng quê một mình (Nhà quê). Thông thường, âm đệm không

tham gia hiệp vần trong thơ, nhưng trong trường hợp này, tác giả dùng âm đệm (trong âm tiết quê) là giảm bớt sự tương đồng, tăng thêm sự khác biệt

cho hai âm tiết hiệp vần kê/ quê, làm cho câu thơ, ở một mức độ nhất định vẫn duy trì được sự hoà âm.

Vần thơ lục bát Đồng Đức Bốn, xét ở vị trí hiệp vần, vần lưng trong một số trường hợp hiệp vần ở tiếng thứ tư trong câu bát. Có 12 trường hợp vần lưng rơi vào tiếng thứ tư câu bát. Chẳng hạn, Mẹ đi gánh nước giếng đình// Bỏ quên cái tình vào chiếc võng gai (Con ơi); Nếu không trả được bằng tiền// Tôi lấy trăng liềm làm bím tóc cho (Nhà quê); hay: Tôi còn có một mùa đông// Em ở với chồng tận cuối cơn mưa (Tận cuối cơn mưa). Ở những

trường hợp vần lưng ở tiếng thứ tư câu bát, một mặt, chỗ ngừng lâu hơn và có sự nhấn giọng, mặt khác, vần này chế định cách ngắt nhịp. Khi vần lưng ở tiếng thứ tư thì câu bát sẽ có nhịp 4/4, ta tiết kiệm được hai chỗ ngừng, khiến cho phần thời gian đọc từng vế sẽ dài hơn và câu thơ có vẻ chậm lại. Việc đọc chậm lại dẫn đến sự suy nghĩ, nhất là khi câu thơ gồm hai vế đối nhau. Sự đối xứng trong câu thơ dẫn tới sự so sánh, sự liên tưởng, sự xác lập ngữ nghĩa cho câu thơ.

Điều đặc biệt trong vần thơ lục bát Đồng Đức Bốn là nhiều câu thơ có hiện tượng các âm tiết hiệp vần ríu vào nhau, một mặt, tăng cường âm hưởng cho câu thơ, mặt khác, chế định cách ngắt nhịp thơ. Chúng hoà kết nhằm thể

hiện nhạc tính. Chẳng hạn, câu thơ Đừng buông giọt mắt xuống sông// Anh về

dẫu chỉ đò không cũng chìm (Đêm sông Cầu). Cặp vần ông trong hai âm tiết sông/ không còn có ưng (đừng) uông (buông), uông (xuống), ung (cũng) cùng

hoà âm. Thêm nữa, ngoài kết vần là phụ âm ng còn có thêm nh (anh), m

(chìm) đều là phụ âm vang cùng cộng hưởng làm cho âm điệu câu thơ ngân lên, mênh mang, da diết như lòng người tha thiết, rạo rực. Có những câu thơ, hầu như các âm tiết đều tham gia hiệp vần. Chẳng hạn, Mẹ mua lông vịt chè

chai// Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy (Mẹ tôi). Ta có: vần ai trong chai, vai, lại; vần e trong mẹ, chè; vần ưa (ươ) trong trưa, mưa và vần ưa còn hiệp

vần với mua, vần ơi trong trời hiệp vần với ây trong gầy (hai âm tiết đứng hai đầu câu bát). Đây thực sự là tiếng lòng của người con đang ngân rung trước nỗi khó nhọc, lam lũ của người mẹ. Âm điệu câu thơ tuy có vẻ nhẹ nhàng, tha thướt nhưng ẩn chứa bao nhiêu nỗi niềm nhân thế, những suy tư về phận người.

Cùng với vần thơ, nhịp và cách tổ chức nhịp trong lục bát Đồng Đức Bốn cũng góp phần quan trọng trong việc thể hiện nét riêng của nhạc tính. Trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn, nhịp là kết quả hoà phối vần thơ và phối thanh (điệu). Nhịp liên kết các yếu tố ngữ âm lại với nhau để tạo nên nhạc tính cho thơ. Đồng Đức Bốn rất có ý thức tạo âm điệu cho câu thơ lục bát của mình qua việc khai thác yếu tố độ cao của các âm tiết do thanh điệu đảm nhiệm. Do âm tiết tiếng Việt có sự luân phiên 6 thanh điệu nên có sự uyển chuyển giai điệu trong ngữ lưu. Sự thay đổi hay đồng nhất về thanh điệu sẽ tạo nên hiệu quả âm hưởng khác nhau và những ấn tượng ngữ nghĩa khác nhau. Những phẩm chất đó được biểu hiện ở tỉ lệ phân bố bằng/ trắc tổng thể và ở những vị trí có tính ổn định của mô hình âm luật. Theo đó, âm điệu của câu thơ được xác lập. Mỗi thể thơ đều có nguyên tắc phân bố thanh điệu bằng/ trắc đặc thù. Đối với lục bát, khuôn âm điệu truyền thống là b B t T b B/ b B t

T b B t B. Mô hình này khá phổ biến trong ca dao và những bài thơ lục bát có xu hướng đại chúng.

Trong ba yếu tố cấu thành nhạc điệu lục bát, âm điệu được xem là dấu hiệu ngữ âm cơ bản của mỗi thời đại lục bát cũng như mỗi tác giả lục bát. Khảo sát câu thơ lục bát Đồng Đức Bốn, chúng tôi thấy số lượng những câu thơ phân bố bằng/ trắc theo mô hình âm luật là rất ít. Có khá nhiều trường hợp, có sự phá cách ở những vị trí mang tính quy luật. Tỉ lệ âm tiết bằng trong câu thơ lục bát Đồng Đức Bốn khá cao, gần bằng 71,2%, cao hơn thơ lục bát của Nguyễn Duy, Tố Hữu [12]. Lục bát Đồng Đức Bốn có sự nhuần nhuyễn, mượt mà về giọng điệu, có sự ngọt ngào, thướt tha của cảm xúc nên thanh bằng có ưu thế vượt trội. Có những dòng thơ toàn thanh bằng, chẳng hạn,

Đang trưa ăn mày vào chùa (Vào chùa), Em đi như chim về ngàn (Sông Thương ngày không em), v.v.. Có những mô hình đặc biệt như b B b B t B:

Trời vừa sương không biết tan; mô hình t T b B b B: Khói thuốc là đường lên trời; v.v.. Từ các mô hình trên, ta thấy cấu trúc âm điệu dòng lục trong thơ

Đồng Đức Bốn thể hiện qua đường nét thanh điệu là theo xu hướng ngày càng cân đối, hài hoà, thiên về tính chất nhẹ nhàng, bằng phẳng của âm điệu.

Xét sự phối điệu trong dòng bát, Đồng Đức Bốn không tập trung vào việc sáng tạo ra mô hình mới mà chỉ sử dụng mô hình truyền thống với một số cách tân ở những mức độ nhất định. Các mô hình phối thanh có tần số cao là:

Mô hình b B t T b B t B: Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm Mô hình b B t T t B b B: Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày

Mô hình b B b T b B t B: Còn ta ta đứng trên gai nguyện cầu Mô hình b B b T b B b B: Vì yêu tôi cứ cầm vào như không Mô hình b B b T t B b B: Tôi ngồi khâu áo trả đền cho em

Sự phân bố thanh bằng chiếm ưu thế nên âm hưởng dòng bát càng bằng phẳng, nhẹ nhàng, du dương. Kết hợp dòng lục với dòng bát trong chỉnh thể lục bát, Đồng Đức Bốn đã đem lại cho câu thơ lục bát của mình một âm hưởng thuần khiết, tinh tế. Chẳng hạn, trong cặp lục bát Rút trăng buộc lại con đò/ Thu lời em hát chỉ cho riêng mình, khuôn thanh điệu t B t T b B/ b B

b T t B b B; thanh điệu có sự luân phiên ở dòng lục, có sự đối xứng ở dòng bát tạo âm hưởng dứt khoát, hối hả, khoẻ khoắn nhưng lại dư vang.

Tóm lại, nhạc điệu trong thơ lục bát Đồng Đức Bốn có sự vận động, biến đổi một cách linh hoạt và tinh tế vần, nhịp và phối thanh trên nền tảng ngữ âm bền vững của thể loại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vần, nhịp và phương thức tạo nghĩa trong thơ lục bát của đồng đức bốn (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)