a. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để tất cả các lĩnh vực đều được nhà nước quản lý bằng pháp luật
Để cán bộ, công chức thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình thi hành công vụ không vi phạm pháp luật, không để xẩy ra sai sót, hoặc tiếm quyền, lách luật nhằm mục đích cá nhân; cơ quan hành chính các cấp quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trong khuôn khổ pháp luật; với phương
châm và mục tiêu tất cả các quan hệ xã hội đều được pháp luật điều chỉnh, không có “khoảng trống”; từ đó không có việc cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính ngoài quy định pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức làm phát sinh mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện thì đòi họi phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chặt chẽ và đồng bộ; đây cũng là mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta đang ra sức thực hiện trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo với mục đích tất cả mọi người “sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.
b. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp hạn chế các vi phạm, làm phát sinh đơn thư khiếu nại
Trong điều kiện xã hội vận động, phát triển không ngừng, cơ chế kinh tế thị trường đang từng ngày len lõi vào tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có cả tiêu cực. Do đó công tác quản lý của nhà nước ở các cấp cần phải được siết chặt, hạn chế xảy ra vi phạm làm phát sinh khiếu nại. Theo đó trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã cần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm như: đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội... Phải công khai, minh bạch trong việc thực hiện dự án, chế độ chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường, tái định cư, giải quyết việc làm cho người lao động. Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời gian quy định, hoặc sử dụng không có hiệu quả, sử dụng sai mục đích. Xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai ở thôn, xã... nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại.
Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại.
c. Dân chủ, công khai, minh bạch quá trình tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân; tạo điều kiện cho nhân dân tham gia giám sát quá trình tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng
Khi ban hành các chủ trương, chính sách cũng như quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nhất là các chính sách tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được minh bạch, công khai một cách dân chủ để mọi người được biết đồng thuận cao cùng tổ chức thực hiện. Mọi chủ trương, chính sách đều phải được dân biết, dân bàn, dân kiểm tra trong quá trình thực hiện. Thực tiễn cho thấy những nơi nào chính quyền địa phương không công khai dân chủ, người đứng đầu chuyên quyền, độc đoán, duy ý chí trong việc ban hành, tổ chức thực hiện chính sách và không có thái độ cầu thị lắng nghe ý kiến phản biện từ phía nhân dân, các tổ chức xã hội thì nơi đó sẽ mâu thuẫn, dần dần sẽ có xung đột, khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân chắc chắn xảy ra và tình hình chính trị - xã hội ở đó sẽ trở nên xấu hơn nếu không tích cực thay đổi.
d. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật khiếu nại theo hướng thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan, khắc phục những mâu thuẫn, xung đột trong cơ chế giải quyết khiếu nại giữa các văn bản
Nước ta đang trong thời kỳ quá độ đi lên trình độ cao hơn, đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ kinh tế, xã hội trong khi các điều kiện hiện tại chưa
theo kịp thực tiễn thay đổi từng ngày, trong đó có yếu tố pháp luật. Hệ thống pháp luật nước ta chưa thật sự hoàn thiện, chặt chẽ và thống nhất giữa các luật chuyên ngành, do đó trong quá trình giải quyết khiếu khiếu nại còn có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng văn bản pháp luật không thống nhất. Thực tế ở địa phương đã xảy ra trong quá trình giải quyết khiếu nại liên quan lĩnh vực đất đai mặc dù ở địa phương đã tổ chức họp “Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo tỉnh” có sự tham gia của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để nghiên cứu, thảo luận cho ý kiến về thẩm quyền, hướng giải quyết nhưng nhưng vẫn không đi đến thống nhất do quy định của các văn bản pháp luật có liên quan chưa rõ ràng, thống nhất. Do vậy, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực giải quyết khiếu nại hành chính đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật khiếu nại thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác tránh tình trạng mâu thuẫn, không thống nhất trong quá trình giải quyết.
đ. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khiếu nại, tố cáo nói chung và các chủ trương chính sách của Trung ương, của Tỉnh về thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh
Để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là pháp luật khiếu nại thì các dự án kinh tế, xã hội trên địa bàn có ảnh hưởng đến đời sống dân sinh phải được công khai phổ biến đến tận người dân. Làm như vậy thì người dân mới có điều kiện tiếp cận, nắm bắt, thấu hiểu mục tiêu, nội dung và các lợi ích mang lại từ dự án, đồng thời cũng phát hiện những hạn chế, bất cập của chính sách dự án để nhân dân cho ý kiến góp ý, bổ sung hoàn thiện tốt hơn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện và cũng là để hạn chế các thắc mắc, khiếu nại nảy sinh.