2.1. Nguyên nhân, xu hƣớng và những kinh nghiệm của tỉnh Hà Tĩnh
2.1.1. Nguyên nhân, xu hướng khiếu nại và việc giải quyết khiếu nại hành chính
Khiếu nại hành chính là một loại hình xung đột giữa chủ thể bị quản lý (tổ chức, cá nhân) với chủ thể quản lý (cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong các cơ quan này) trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và được thực hiện thông qua ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tuy vậy, khiếu nại hành chính ở nước ta không phải xung đột lợi ích giữa cộng đồng người này với cộng đồng người khác, hay xung đột giữa giai các giai cấp đối kháng, hoặc lực lượng lao động này với lực lượng lao động khác. Đó là sự mâu thuẫn trong quá trình thực hiện quản lý hành chính nhà nước giữa cơ quan hành chính, cán bộ công chức với các tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp…) cá nhân được tác động bởi các văn bản hành chính, hành vi hành chính chưa đúng pháp luật.
Theo đó, các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân, trí thức và nhân dân lao động, kể cả các nhà đầu tư trong, ngoài nước với mục đích làm giàu chính đáng cho cá nhân họ và cho toàn xã hội, mục đích đến cùng là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh. Hay nói cách khác là lấy lợi ích toàn dân tộc để làm cơ sở, nội dung và mục tiêu cho việc ban hành chính sách, pháp luật. Nếu nói như vậy, tại sao lại có khiếu nại
giữa cá nhân, tổ chức với các quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước nhằm mục đích phục vụ chung. Cũng là lẽ đương nhiên nếu ta quay trở lại xem xét “Quy luật thống nhất và đấu tranh”-là một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng và là quy luật quan trọng nhất của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin. Quy luật này vạch ra nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển, theo đó nguồn gốc của sự phát triển chính là mâu thuẫn và việc giải quyết mâu thuẫn nội tại trong bản thân mỗi sự vật, hiện tượng. Không có thống nhất của các mặt đối lập thì cũng không có đấu tranh giữa chúng. Thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là không thể tách rời nhau trong mâu thuẫn biện chứng. Sự vận động và phát triển bao giờ cũng là sự thống nhất giữa tính ổn định và tính thay đổi. Sự thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập quy định tính ổn định và tính thay đổi của sự vật. Khi mâu thuẫn đã được giải quyết thì sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời lại bao hàm mâu thuẫn mới, mâu thuẫn mới lại được triển khai, phát triển và lại được giải quyết làm cho sự vật mới luôn luôn xuất hiện thay thế sự vật cũ. Do vậy, chính sự đấu tranh của các mặt đối lập dẫn đến sự chuyển hóa của các mặt đối lập (giải quyết mâu thuẫn) là nguồn gốc, động lực của sự vận động, phát triển. Nếu mâu thuẫn không được giải quyết (các mặt đối lập không chuyển hóa) thì không có sự phát triển nào. PGS.TS Hoàng Bá Thịnh đã trích dẫn G.Smel “mâu thuẫn là vốn có trong đời sống xã hội và có tác dụng tăng cường sự gắn kết xã hội, hội nhập xã hội và sự thay đổi có trật tự” và tác giả đã gọi rằng “xung đột xã hội trong khuôn khổ một thể chế chính trị, trên cơ sở chấp nhận thể chế chính trị đó…”[27,tr.481].
Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập sâu rộng với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong trong khu vực và trên thế giới hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học, an ninh, quốc phòng…. Theo đó, Hà Tĩnh cũng đang tranh thủ, chủ động hợp tác đối ngoại với các địa phương, tỉnh,
thành phố các nước bạn để kêu gọi, thu hút đầu tư kinh tế, chuyển giao khoa học công nghệ với tham vọng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp nhưng đi sâu vào nâng cao chất lượng chuỗi giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, việc mở rộng, chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị dẫn đến nhu cầu thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để đầu tư các dự án lớn diễn ra rất sôi động, trên phạm vi hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GDP) của tỉnh Hà Tĩnh rất cao -phát triển nóng, giai đoạn 2011-2013 đạt 14,8% (năm 2011 đạt 11,68%, năm 2012 đạt 13,44%, năm 2013 đạt 19,3%). Theo kế hoạch đề ra, năm 2014 Hà Tĩnh phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế đạt 22 - 23%, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 23,08%, thu ngân sách trên địa bàn phấn đấu đạt 7.205 tỷ đồng nhưng theo số liệu Tổng cục Thống kê thì thực tế 6 tháng đầu năm 2014 tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 12,10% so với cùng kỳ 2013, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn đạt 30.217 tỷ đồng, tăng 37,87% so với cùng kỳ, thu ngân sách nội địa đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ, thu thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu đạt 2.209 tỷ đồng, vượt 110% dự toán; thu bổ sung từ ngân sách trung ương đạt 3.351 tỷ đồng, chi ngân sách địa phương đạt 5.352 tỷ đồng, bằng 49% dự toán, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu và cảng biển trên địa bàn đạt 1.805,9 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ 2013.
Với những vận hội mới đang đến từng ngày, nhưng các khó khăn, thách thức cũng đang và sẽ đón nhận, trong khi sự chuẩn bị sẵn sàng của địa phương về các nhân tố chủ quan, khách quan chưa thật đầy đủ nhằm đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi xu thế thực tiễn đang diễn ra nhanh chóng là nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh khiếu nại hành chính, như:
- Việc thu hồi đất trên diện rộng, nhất là đối với đất nông nghiệp để lấy mặt bằng đầu tư các dự án kinh tế xã hội trọng điểm của tỉnh trong khi cơ chế, chính sách đi kèm của nhà nước như bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, việc làm và hỗ trợ khác phục vụ đời sống dân sinh của người nông dân có đất bị thu hồi… vẫn còn đó những bộn bề khó khăn làm làm cho người dân không khỏi băn khoăn, có đơn thư kiến nghị, khiếu nại. Tại thời điểm năm 2009, chỉ tính riêng 03 Dự án trọng điểm, ảnh hưởng lớn đến việc thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân, gồm: Dự án kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực Vũng Áng - Kỳ Anh (chủ yếu do tập đoàn Formosa - Đài Loan đầu tư), Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê - Thạch Hà, Dự án thủy lợi Ngàn trươi Cẩm Trang - Vũ Quang có tổng diện tích đất các loại bị thu hồi 33.147,24 ha, với 17.969 hộ dân bị ảnh hưởng (phải di dời tái định cư hoặc ở lại và được bồi thường do ảnh hưởng một phần), cụ thể:
+ Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03/4/2006 có diện tích đất 22.781ha, gồm toàn bộ 9 xã của huyện Kỳ Anh bị ảnh hưởng: (1) Kỳ Nam, (2) Kỳ Phương, (3) Kỳ Lợi, (4) Kỳ Long, (5) Kỳ Liên, (6) Kỳ Thịnh, (7) Kỳ Trinh, (8) Kỳ Hà, (9) Kỳ Ninh. Với chính sách thu hút đầu tư, từ tháng 7/2008 đến cuối năm 2013 trên địa bàn Khu Kinh tế Vũng Áng đã và đang triển khai thực hiện công tác bồi thường, GPMB đối với 78 dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau với tổng diện tích đất thu hồi 2.493ha, liên quan trực tiếp 12.372 hộ gia đình, tổ chức, cá nhân. Trong đó chưa tính đến hơn 800 ha diện tích đất mặt nước đã bàn giao (giai đoạn 1) cho Tập đoàn Formosa để xây dựng cảng biển, ảnh hưởng đến ngư trường đáng bắt hải sản và khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân các xã nêu trên đã làm xáo trộn và ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống việc làm của ngư dân nơi đây.
+ Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 134/2001/QĐ-TTg ngày 10/9/2001, trong đó 6 xã của huyện Thạch Hà bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án gồm: (1) Thạch Bàn, (2) Thạch Đỉnh, (3) Thạch Khê, (4) Thạch Hải, (5) Thạch Lạc, (6) Thạch Trị. Tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng là 3.898,24 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng 2.364,88 ha và có 4.437 hộ dân bị ảnh hưởng.
+ Dự án thủy nông Ngàn Trươi - Cẩm Trang, huyện Vũ Quang được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 2919/QĐ-BNN-XD ngày 24/4/2009, trong đó có diện tích chiếm đất tạm thời 101 ha; diện tích chiếm đất vĩnh viễn (lòng hồ và đầu mối Ngàn Trươi) 3.974 ha; diện tích cấp đất cho khu tái định cư 2.393 ha và có 773 hộ phải di dời và 387 hộ phải bồi thường trong khu vực thuộc dự án Hệ thống thuỷ lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
- Công tác chỉ đạo điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chức trách công vụ của cán bộ, công chức tại một số địa phương có Dự án còn có nhiều hạn chế. Tại huyện Kỳ Anh đang triển khai các Dự án kinh tế - xã hội lớn có tầm cở quốc gia, khu vực như đã nêu trên nhưng việc quản lý của bộ máy chính quyền, cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn có nhiều sơ hở, bất cập.
Chỉ nhìn nhận qua cuộc thanh tra trực tiếp các nội dung có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng thu hồi đất, rừng của Công ty Cổ phần Nông Lâm sản Hà Tĩnh để giao cho các tổ chức, cá nhân khai thác mỏ (chủ yếu là mỏ đất, đá để phục vụ san lấp, xây dựng các hạng mục của trong Khu kinh tế Vũng Áng, các Khu tái định cư ngoài Khu kinh tế và một phần phục vụ công trình của nhân dân) tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (Đoàn thanh tra liên ngành được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập tại Quyết
định số 3499/QĐ-UBND ngày 01/11/2011) có kết quả, từ ngày 28/12/2008 đến ngày 7/9/2011 UBND tỉnh đã cấp 28 Giấy phép khai thác mỏ (3 mỏ đất, 25 mỏ đá) cho 26 đơn vị (doanh nghiệp trong và ngoài nước) với diện tích mỏ được cấp trên giấy phép là 242,8ha thuộc 6 xã: Kỳ Phương, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh, Kỳ Long, Kỳ Tân, Kỳ Liên của huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy: Công tác tổ chức bồi thường GPMB khi thu hồi đất để giao cho các đơn vị khai thác mỏ bị buông lỏng; thiếu sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, sự vào cuộc không triệt để, thiếu kiên quyết của UBND huyện Kỳ Anh, Hội đồng bồi thường GPMB huyện Kỳ Anh, để phó mặc cho các đơn vị được cấp mỏ và UBND các xã nơi có mỏ cùng các hộ dân tự tổ chức thực hiện bồi thường GPMB... và với tâm lý muốn đưa mỏ vào khai thác càng sớm càng tốt nên có những đơn vị bồi thường giá cao để các hộ sớm giao mặt bằng, hậu quả là các đơn vị tiến hành sau khó thực hiện bồi thường do các hộ dân tự đẩy giá đòi bồi thường quá cao. Có những mỏ các hộ dân đòi bồi thường với giá 1 tỉ đồng trên 1 ha đất lâm nghiệp (trường hợp mỏ đá của Công ty CP Việt Gia - Song Hui), trong khi các hộ dân chỉ nhận khoán hợp đồng với Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh để trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng thuộc dự án (327,661) do nguồn ngân sách hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, tiền công phát quang, đào hố trồng cây, chăm sóc và bảo vệ. Quyền sử dụng đất không thuộc các hộ dân mà thuộc sở hữu của nhà nước giao đất cho Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh quản lý, sử dụng (đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Lâm trường Kỳ Anh sau đó là Công ty Rau quả Kỳ Anh và sau này chuyển thành Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh), từ đó làm nảy sinh đơn thư khiếu nại kéo dài. Đặc biệt, do không được chỉ đạo, hướng dẫn nên UBND một số xã thành lập Hội đồng bồi thường GPMB để tiến hành kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường GPMB là trái quy định của pháp luật (Điều 39 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Điều 25 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Hoặc là Hội đồng bồi thường GPMB do UBND huyện Kỳ Anh và UBND các xã thành lập cũng không có thành phần Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh tham gia trong khi đang tiến hành kiểm kê, bồi thường trên phần lớn diện tích đất và rừng của Công ty đã đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Vì không có sự tham gia của Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh nên một số mỏ đã bồi thường cây rừng trồng từ Dự án 327 bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước cho các hộ dân, mà không bồi thường cho Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh để hoàn trả lại ngân sách, gây thất thoát tài sản của nhà nước. Hoặc các Công ty khai thác mỏ đã bồi thường 100% giá trị cây thuộc dự án 327, dự án 661 cho các hộ dân, sau đó lại phải bồi thường một lần nữa cho Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh, gây thiệt hại cho đơn vị khai thác mỏ (vì các đơn vị khai thác mỏ không truy thu được từ các hộ dân để bồi thường cho Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh) làm cho các doanh nghiệp này cũng có đơn khiếu nại. Mặt khác, qua thanh tra thì Hội đồng bồi thường GPMB của huyện, xã áp giá và được UBND huyện thẩm định, phê duyệt cho Công ty khai thác mỏ bồi thường đất (từ 30% đến 100%) cho các hộ dân nhận khoán 327, 661 là không đúng chế độ và quy định về điều kiện bồi thường đất. Vì đất này có nguồn gốc được nhà nước giao cho Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh quản lý, sử dụng và không thu tiền sử dụng đất (các hộ chỉ nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ từ Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh và đã được nhà nước đầu tư nguồn vốn bằng ngân sách cho tất cả các công đoạn: phát quang, đào hố để trồng, cây giống, công chăm sóc, bảo vệ…). Một số xã xác nhận đất lâm nghiệp, trong đó có cả đất lâm nghiệp của Công ty CP Nông lâm sản Hà Tĩnh quản lý cho các hộ dân có nguồn gốc là khai hoang để được đơn vị khai
thác mỏ bồi thường 100% giá trị đất, sau đó trích % lại ngân sách xã là trái quy định. Bên cạnh đó qua kiểm tra cho thấy công tác thẩm định phê duyệt của UBND huyện không kịp thời, đầy đủ, có nhiều thiếu sót, bất cập và mang tính hình thức, như việc các đơn vị đã hoàn tất việc chi trả tiền bồi thường sau đó UBND huyện mới phê duyệt; khối lượng về tài sản, đối tượng và diện tích bị ảnh hưởng được thẩm định, phê duyệt còn để sót. Một số mỏ không có phê duyệt bồi thường của UBND huyện hoặc chỉ có báo cáo thẩm định của phòng Tài chính - Kế hoạch huyện mà vẫn được chi trả bồi thường... từ đó đã xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến bồi thường GPMB đất đai và tài sản trên đất…
Chỉ nhìn nhận qua kết quả một đoàn thanh tra trực tiếp về bồi thường khi thu hồi đất để giao cho một số công ty khái thác mỏ vật liệu xây dựng