Sự mâu thuẫn trong nội bộ Hoàng tộc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm chính trị chế độ viện chính thời HAIEN ( 1086 1185) (Trang 45 - 52)

CHƯƠNG 1 : KHÁI QUÁT VỀ CHẾ ĐỘ VIỆN CHÍNH THỜI HEIAN

2.2. Sự mâu thuẫn trong nội bộ Hoàng tộc và sự hình thành các phe

2.2.1. Sự mâu thuẫn trong nội bộ Hoàng tộc

Về mặt lý thuyết, các Thượng hoàng sau khi thoái vị sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn các Thiên hoàng mới cách cai trị đất nước, đồng thời đảm bảo việc chỉ định người kế vị không rơi vào tay dòng họ khác. Như vậy, các Thiên hoàng sau một thời gian trị vì sẽ lựa chọn người kế vị, lập thành Thiên hoàng, còn mình lui về phía sau giúp đỡ Thiên hoàng trong thời gian đầu cai trị đất nước. Nếu không may Thiên hoàng qua đời thì Thượng hoàng sẽ tiếp tục chỉ định người kế vị và hỗ trợ Thiên hoàng mới. Nhưng thực tế, các Thiên hoàng đều sớm lui về làm Thượng hoàng rồi từ đó nắm độc quyền chính trị. Điều này dẫn đến việc nảy sinh mâu thuẫn giữa Thượng hoàng và Thiên hoàng do sự chuyên quyền của Thượng hoàng. Mâu thuẫn này xuất hiện ngay từ đầu thời kỳ tồn tại của chế độ Viện chính, dưới thời Thượng hoàng Shirakawa khiến cho mối quan hệ giữa Thượng hoàng và Thiên hoàng cũng căng thẳng không kém mối quan hệ giữa Hoàng tộc và dòng họ Fujiwara.

Năm 1086, Thiên hoàng Shirakawa nhường ngôi cho con trai là Thiên hoàng Horikawa và lui về Viện, trở thành Thượng hoàng nhằm giúp đỡ Thiên

hoàng điều hành chính sự. Đến năm 1107, Thiên hoàng Horikawa chết, con trai ông lên ngôi, tức Thiên hoàng Toba (鳥羽天皇, 1103 - 1156), khi đó mới 5 tuổi. Vì vậy mọi quyền hành đều nằm trong tay Thượng hoàng Shirakawa. Từ đó ông trở nên chuyên quyền và độc đoán. Năm 1123, ông ép Thiên hoàng Toba, lúc này đã 20 tuổi, thoái vị và nhường ngôi cho Thiên hoàng Sutoku (崇 徳天皇, 1119 - 1164) mới 5 tuổi để có thể tiếp tục nắm quyền. Chính điều này đã khiến giữa Thượng hoàng Shirakawa và Thượng hoàng Toba (sau khi thoái vị, Thiên hoàng Toba cũng trở thành Thượng hoàng) nảy sinh mâu thuẫn về tranh chấp quyền lực. Các Thượng hoàng về sau cũng như Thượng hoàng Shirakawa là lập Thiên tử ấu chúa để nắm quyền và khi Thiên hoàng trưởng thành thì ép thoái vị để lập Thiên hoàng khác. Điều này có thể thấy rõ qua bảng tổng kết về các Thiên hoàng lên ngôi trong thời gian trị vì của ba Thượng hoàng: Shirakawa, Toba và Go-Shirakawa.

Thượng hoàng Thiên hoàng dưới quyền

Tên Năm lên ngôi Năm thoái vị

Shirakawa

Horikawa 7 tuổi 21 tuổi (mất)

Toba 4 tuổi 16 tuổi

Sutoku 4 tuổi 18 tuổi

Toba

Sutoku

Konoe 2 tuổi 14 tuổi (mất)

Go-Shirakawa 28 tuổi 31 tuổi

Go-Shirakawa

Nijo 15 tuổi 22 tuổi (mất)

Rokujo 1 tuổi 4 tuổi

Takakura 7 tuổi 19 tuổi

Bảng 2.4: Các Thiên hoàng dưới thời Thượng hoàng Shirakawa, Toba và Go-Shirakawa và Go-Shirakawa

Từ bảng trên ta thấy các Thiên hoàng hầu hết đều lên ngôi khi còn rất nhỏ tuổi và thoái vị ngay khi đến tuổi trưởng thành. Điều này đảm bảo cho các Thượng hoàng dễ dàng nắm quyền chi phối, nhưng lại khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa Thượng hoàng đương vị và Thượng hoàng vừa thoái vị. Mâu thuẫn

này không chỉ về việc ai là người nắm thực quyền, mà còn về việc chỉ định ai là người kế vị. Đồng thời, mâu thuẫn giữa các Thượng hoàng còn khiến triều đình chia thành các phe phái khác nhau và mâu thuẫn giữa các Thượng hoàng cũng trở thành mâu thuẫn giữa các phe phái. Điều này có thể thấy rõ qua sự kiện “Loạn năm Bảo Nguyên” (保元の乱, 1156).

Năm 1129, Thượng hoàng Shirakawa qua đời, Thượng hoàng Toba lên nắm quyền điều hành chính sự. Cũng giống Shirakawa, Thượng hoàng Toba tiến hành một nền chính trị chuyên quyền, khiến mâu thuẫn trong nội bộ triều đình càng trở nên sâu sắc. Năm 1141, ông ép Thiên hoàng Sutoku thoái vị và lập Thiên hoàng Konoe (近衛天皇, 1139 - 1155) lên ngôi. Lúc này giữa Thượng hoàng Toba và Thượng hoàng Sutoku (ông này cũng trở thành Thượng hoàng sau khi thoái vị) lại nảy sinh mâu thuẫn. Trong khoảng 10 năm sau đó, mâu thuẫn ngấm ngầm này càng trở nên sâu sắc. Năm 1155, Thiên hoàng Konoe chết và việc lập người kế vị trở thành một việc quan trọng. Thượng hoàng Sutoku muốn con trai mình là Thân vương Shigehito (重仁親王, 1140 - 1162) kế vị, nhưng Thái hậu, vợ của Thượng hoàng Toba, lại không muốn như vậy. Bà muốn Thân vương Masahito (雅 仁 親 王, con trai thứ 4 của Thượng hoàng Toba, tức Thiên hoàng Go-Shirakawa) nối ngôi và con trai ông là Thân vương Morihito (守仁親王, tức Thiên hoàng Nijo) trở thành Thái tử. Thân vương Morihito do mẹ mất sớm nên được Thái hậu nhận làm con nuôi, vì vậy, bà rất mong Thân vương sẽ được nối ngôi. Fujiwara Tadamichi, vốn dĩ đã được Thái hậu ưu ái, nên đã rất ủng hộ bà trong việc thực hiện ý định này. Đúng lúc này, vợ chính của Tadamichi mất, lấy lý do đang có tang, cần tránh tham gia việc

triều chính, ông đã xin từ chức Tả đại thần. Như vậy, đối với Thượng hoàng Toba, những lời nói của ông trở nên khách quan hơn và ông đã khuyên Thượng hoàng nên đưa Thân vương Masahito lên ngôi và chọn Thân vương Morihito làm Thái tử. Cuối cùng, Thượng hoàng nghe theo lời ông, và như vậy, ý nguyện của Thái hậu đã trở thành sự thực.

Như đã trình bày ở trên, giữa Fujiwara Tadamichi với cha và em trai có một sự bất hoà không thể giải quyết nên đã dẫn đến việc Tadamichi bị cha từ mặt, và vị trí người đứng đầu dòng họ Fujiwara được trao lại cho Yorinaga, em trai ông. Vì vậy, Tadamichi đã coi đây là cơ hội để khôi phục lại địa vị của mình.

Về phía Tadazane và Yorinaga cũng không thể ngồi yên nhìn sự việc xảy ra như vậy. Tuy nhiên, Tashi – Hoàng hậu của Thiên hoàng Konoe – lại không có con nên hai cha con không có trong tay sự tiến cử cho vị trí Thiên hoàng. Lúc này chỉ có một Thân vương có thể đối kháng với Thân vương Masahito là Thân vương Shigehito, Hoàng tử của Thượng hoàng Sutoku, và cũng là con nuôi của Thái hậu. Nhưng người này lại không có được thiện cảm của Thượng hoàng Toba. Nguyên nhân sâu xa là do Fujiwara Shoshi (藤原 璋 子, 1101 - 1145).

Như đã biết, Fujiwara Shoshi là con gái của Fujiwara Kinzane được Thượng hoàng Shirakawa nhận làm con nuôi và gả cho Thiên hoàng Toba. Nhưng trong “Cổ sự đàm” [1] (古事談) có ghi lại rằng: “Đãi Hiền Môn viện [2]

(待賢門院) vào cung với tư cách là con nuôi của Thượng hoàng Shirakawa. Trong thời gian đó đã tư thông với Pháp hoàng (tức Thượng hoàng Shirakawa). Điều này ai cũng biết. Thân vương Akihito (tức Thiên hoàng Sutoku) chính là con của Thượng hoàng Shirakawa” [18, tr. 346]. Với sự việc

1 Cổ sự đàm là tác phẩm tập hợp các câu chuyện dân gian, do Minamoto Akikane (源顕兼), con trai thứ 5 của Minamoto Akifusa, biên soạn; tác phẩm gồm 6 tập, được viết trong khoảng thời gian từ năm 1212 đến năm 1215)

này, đương nhiên Thượng hoàng Toba không hề yêu quí Thượng hoàng Sutoku và lại càng không muốn con trai ông ta nối ngôi trở thành Thiên hoàng. Như vậy, trong sự kiện này, phe Thái hậu và Tadamichi đã thắng. Đồng thời, cũng hình thành nên hai phe đối lập trong triều.

Phe Thượng hoàng Toba và Thiên hoàng Go Shirakawa gồm có: Fujiwara Tadamichi, Minamoto Yoshitomo (源義朝, 1123 - 1160), Minamoto Yoshiyasu (源 義康, 1127 - 1157), Minamoto Yorisama (源 頼政, 1104 – 1180), Minamoto Shigenari (源重成, ? - 1159), Minamoto Suezane (源 季実, ? - 1160), Taira Kiyomori (平清盛, 1118 - 1181), Taira Nobukane (平信兼), Taira Koreshige (平惟繁). Thượng hoàng Toba lúc còn sống đã chọn sẵn ra 5 người là Yoshitomo, Yoshiyasu, Yorisama, Nobukane và Taira Sanetoshi (平 実後) để làm hậu thuẫn cho Thiên hoàng đề phòng khi bất trắc, còn Kiyomori vì là anh em nuôi với Thân vương Shigehito nên không được nhắc đến. Nhưng Thái hậu lại chọn ông, và vì Thượng hoàng Toba đã để lại di lệnh rằng, nếu có việc gì không may thì tất cả đều phải nghe theo Thái hậu, nên Kiyomori vẫn về theo phe Thiên hoàng. Kiyomori cùng với Yoshitomo đã trở thành hai cận thần quan trọng nhất ở phe Thiên hoàng

Phe Thượng hoàng Sutoku gồm có: nhà Fujiwara có Tadazane, Yorinaga và Tadatsuna (忠通, 1097 - 1164), Masatsuna (正綱); nhà Taira có Iehiro (家弘), Yasuhiro (康弘), Morihiro (盛弘), Tokihiro (時弘), Tadasada (忠貞) và con trai Nagamori (長盛); nhà Minamoto có Tameyoshi và con trai Yorikata (頼賢), Tametomo (為朝, 1139 - 1170) và Tamenaka (為仲) và một số nhà giàu có trong họ như cha con Yorinori (頼憲) và Moritsuna (盛綱). Trong đó, cha con Yorinaga và Minamoto Tameyoshi là chủ chốt.

Tháng 4 - 1156, Thượng hoàng Toba phát bệnh, đến tháng 6 năm đó thì bệnh nặng hơn. Ngày 21 – 6 – 1156, tin đồn về việc Thượng hoàng đang ở

trong tình trạng nguy cấp lan ra cả kinh thành. 4 giờ đêm ngày 2 - 7, Thượng hoàng Toba qua đời. Ngay khi nghe tin về tình trạng nguy kịch của Thượng hoàng Toba, Thượng hoàng Sutoku đã tới Viện Toba nhưng bị cận thần của Thượng hoàng Toba là Fujiwara Korekata (藤原惟方) ngăn cản không cho vào. Sau khi Thượng hoàng Toba mất, mâu thuẫn giữa Thượng hoàng Sutoku và Thiên hoàng Go Shirakawa bùng phát. Thượng hoàng Sutoku, với tư cách là Thượng hoàng, muốn thâu tóm quyền lực về tay mình. Nhưng Thiên hoàng Go Shirakawa khi đó đã 29 tuổi, lại được sự chỉ bảo của Thượng hoàng Toba nên đã có thể tự mình điều hành chính sự. Mâu thuẫn giữa hai phe đã trở nên không thể hoà giải và chỉ có thế giải quyết bằng vũ lực.

Ngay sau cái chết của Thượng hoàng Toba, phe Thượng hoàng Sutoku đã dấy binh tấn công phe Thiên hoàng tại Cung Đông Tam Điều (東三条邸).

Ngày 5 - 7, các võ sĩ dưới quyền Fujiwara Motomori tập hợp, lệnh giới nghiêm trong kinh thành được thiết lập.

Ngày mùng 6 giao tranh diễn ra giữa hai phe.

Ngày mùng 8, vì có tin đồn hai cha con Tadazane và Yorinaga đang tập hợp binh lính từ trang viên của các địa phương về kinh thành để tăng cường lực lượng nên Thiên hoàng đã ban chiếu ra lệnh cho các vùng ngưng việc tập trung binh lính. Cùng ngày, một đội quân của phe Thiên hoàng do Minamoto Yoshitoki và Takashina Toshinari (高 階 俊 成) dẫn đầu tới tịch thu các kho tàng của Cung Đông Tam Điều

Khi Yorinaga từ Uji lên kinh đã tới Điện Bắc Shirakawa (白河北殿, nơi tập trung lực lượng của phe Thượng hoàng) để cùng Thượng hoàng và Fujiwara Norinaga (藤原教長) bàn bạc. Theo đó, phe Thượng hoàng sẽ tiến hành kế hoạch theo ba hướng:

- Hướng 1: nhanh chóng cử người đi từ Uji đến Omi (近江) để đề nghị các võ sĩ miền Đông giúp đỡ.

- Hướng 2: cử người tới gặp các võ sĩ vùng Kanto thuyết phục họ về phe Thượng hoàng.

- Hướng 3: đồng thời tập trung lực lượng tấn công phe Thiên hoàng. Nhưng kế hoạch trên lại không được giữ kín, vì vậy, khi nghe tin về sự tập trung lực lượng của phe Thượng hoàng, phe Thiên hoàng đã ngay lập tức hành động.

Nửa đêm ngày mùng 10, nghe theo lời khuyên của các cận thần, Thiên hoàng đã rời Cung Đông Tam Điều đến Điện Takamatsu (高 松 殿) để đề phòng bất trắc.

Sáng ngày 11, Kiyomori dẫn 300 kỵ mã từ phía Cung Nhị Điều (二条 邸), Yoshitomo dẫn 200 kỵ mã từ Đại Xuy Ngự Môn Thông (大炊御門通), Yoshiyasu dẫn 100 kỵ mã từ phía Cận Ngự tiến về Điện Bắc Shirakawa. Sau đó, Yorimasa, Shigenari và Nobunake lại điều thêm quân tới. Và trong khi Thiên hoàng cùng những người hầu cận còn đang cầu khấn Thần Phật thì lửa đã cháy ở phía Đông Điện Bắc Shirakawa. Đến giữa trưa, phần lớn quân của Kiyomori đã tiến vào trong và chiếm được Điện khiến Thượng hoàng phải bỏ trốn đến Chùa Ninna (仁知寺).

Ngày 13, Thượng hoàng Sutoku đầu hàng. Ngày 16, Minamoto Tameyoshi đầu hàng.

Ngày 21, tin Yorinaga chết được thông báo về triều đình.

Thượng hoàng Sutoku bị lưu đày, còn các võ sĩ ủng hộ ông, người chết trận, người bị lưu đày, và lãnh địa của họ bị tịch thu hoặc dùng để ban cấp cho những người thắng trận.

“Loạn năm Bảo Nguyên” kết thúc với thắng lợi thuộc về phe Thiên hoàng và lực lượng võ sĩ trẻ trong kinh thành. Tình hình chính trị thời kỳ này đánh dấu một bước ngoặt mới. Đó là mâu thuẫn giữa Thượng hoàng và Thiên hoàng đã được công khai hoàn toàn và hai bên không ngần ngại sử dụng vũ lực

để tiêu diệt nhau. Thượng hoàng và Thiên hoàng lẽ ra phải cùng đứng về một phe để bảo vệ quyền lực của dòng họ, nhưng họ đã không làm như vậy. Sự kiện này đã báo hiệu một sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị sắp xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm chính trị chế độ viện chính thời HAIEN ( 1086 1185) (Trang 45 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)