CHƯƠNG 1 : KHÁI QUÁT VỀ CHẾ ĐỘ VIỆN CHÍNH THỜI HEIAN
1.3. Các giai đoạn phát triển của chế độ Viện chính thời Heian
1.3.2. Thời kỳ phát triển chế độ Viện chính thời Heian
Thượng hoàng Shirakawa (白河上皇, 1053 - 1129) là người mở đầu chế độ Viện chính. Dưới thời Thượng hoàng Shirakawa nhiều chính sách tích cực nhằm cải tổ đất nước đã được thực hiện, ông tiến hành cải cách ngay trong cơ cấu triều đình, và tiếp tục ban hành các lệnh chỉnh lý trang viên. Qua đó, Thượng hoàng đã dần loại bỏ quyền lực của nhà Fujiwara, giành lại quyền lực về tay mình. Đây là thành công đáng kể nhất trong thời gian cầm quyền của ông. Đồng thời, trong thời gian trị vì của ông, Phật giáo cũng có những sự phát triển. Vì là người mộ đạo nên Thượng hoàng đã có nhiều ưu ái dành cho các đền, chùa. Nhưng cũng chính sự ưu ái này đã khiến các chùa nảy sinh những mâu thuẫn tranh giành ảnh hưởng, dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp “Tăng binh”.
Sau khi Thượng hoàng Shirakawa qua đời, vị trí này được truyền lại cho Thượng hoàng Toba (鳥羽上皇, 1103 - 1156). Thượng hoàng Toba khi đó đã 27 tuổi, và trong 28 năm sau đó ông đã điều hành Viện chính với những quan điểm trái ngược hẳn với Viện chính thời trước của Thượng hoàng Shirakawa. Thứ nhất là những thay đổi trong các cơ quan trọng yếu của chính quyền. Nếu ở cuối thời Viện chính của Thượng hoàng Shirakawa quyền lực dược trao cho một nhóm nhỏ các cận thần của Thượng hoàng, thì đến thời Thượng hoàng Toba xuất hiện nhiều đại thần mới được giao giữ trọng trách trong triều. Thứ hai là những thay đổi trong các chính sách chỉnh lý trang viên. Vốn có mâu thuẫn với cha, Thượng hoàng Toba đã thi hành nhiều chính
sách trái ngược. Ông bãi bỏ việc đình chỉ công nhận các trang viên thành lập sau năm 1045, khuyến khích lập các trang viên mới. Ông cho phép giới quí tộc cấp cao được nhận đất ủy thác như các Viện ty, và bản thân ông cũng đứng ra nhận ủy thác đất đai và nhiều trang viên rộng lớn.
Có thể nói Viện chính dưới thời Thượng hoàng Shirakara và Thượng hoàng Toba được coi là thời kỳ thịnh trị nhất.