Quan niệm thơ của Chử Văn Long

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 32 - 38)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT

1.2. Quá trình sáng tác và quan niệm thơ của Chử Văn Long

1.2.3. Quan niệm thơ của Chử Văn Long

Từ xưa đến nay, khi sáng tạo người nghệ sĩ tất yếu phải có một quan niệm về nghệ thuật. Mỗi nhà thơ trong suốt quá trình sáng tạo luôn trăn trở, tìm tòi để trả lời cho câu hỏi “Thế nào là thơ?”

Có dịp ngồi hầu chuyện với nhà thơ Chử Văn Long, tôi mạnh dạn hỏi ông về quan niệm sáng tác thơ. Để trả lời vấn đề tôi gợi mở, nhà thơ dẫn dắt câu chuyện trở về một cuộc thi thơ trên báo Người Hà Nội năm 2000 giúp tôi không những tìm ra đáp án cho câu hỏi của mình mà khiến tôi càng hiểu hơn về con người sâu sắc của tác giả. Ở phần chung khảo cuộc thi đã có sự tranh luận trái chiều giữa các ý kiến

khi biểu quyết những tác phẩm xét giải, điển hình là sự bất đồng quan điểm “Thế nào là thơ hay ?” giữa nhà thơ với Trần Đăng Khoa, một nhà thơ tên tuổi trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Nhà thơ Chử Văn Long đọc lại cho tôi nghe bài thơ của tác giả Quỳnh Hoa mà ông giới thiệu để xét giải:

CHIẾC KHĂN QUÀNG Tiễn người thân vào cõi vĩnh hằng Tôi trở về với nỗi buồn rười rượi Rồi lòng lại tự mình an ủi

Cái chết chẳng thiên vị ai Giản đơn như giấc ngủ dài… Cuộc sống trần gian

Ngỡ chiếc khăn quàng cổ

Mà con người chẳng thể nào tháo gỡ!... Khi biết sống trên đời thật đẹp

Là lúc cái chết nghiệt ngã chẳng buông tha Nhưng cái chết cũng là bàn tay nhân từ

tháo bỏ chiếc khăn quàng cổ!

Trước bài thơ Chử Văn Long giới thiệu, nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu: “Có lẽ bác Chử Văn Long quá nhạy cảm với đau khổ nên thấy bài thơ này hay chứ bài thơ này không có gì”. Nhà thơ tâm sự rằng ông thật sự ngỡ ngàng về cách nhận định của Trần Đăng Khoa và giải thích rằng: “Người cầm bút làm thơ nào cũng hiểu đời buồn có thơ buồn, đời vui có thơ vui, nhạy cảm với nỗi khổ đau nếu không là tiêu chuẩn hàng đầu, tiêu chuẩn số một để viết được thơ hay, có lẽ nào vì nhạy cảm đau khổ mà tôi nhìn thơ dở ra thơ hay được”. Sau đó bài thơ Chiếc khăn quàng

cũng không được xét chọn, song lời phát biểu của nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn còn ám ảnh tâm trí của Chử Văn Long và ông cũng đã thông suốt với ý nghĩ: “Trần Đăng Khoa ít hơn mình gần nửa tuổi đời lại được nhận vinh quang thơ ngay từ nhỏ, bước đường vào nghề văn rất thuận lợi còn mình đã thấm hết khổ đau ở đời, từng trải hết mọi mất mát, đắng cay… một người thường trực với nỗi buồn đau, một

người đang bình tĩnh với tài năng tuổi trẻ, thì sự cảm thụ khác nhau có gì là khó hiểu!”. Trong những lời bộc bạch tâm can của nhà thơ Chử Văn Long, chúng ta hẳn đã nhận thấy quan niệm về thơ của tác giả. Ông luôn tâm đắc với quan điểm nổi tiếng của Gớt: “Niềm đau vĩ đại nâng ta diệu kỳ”. Như vậy, với nhà thơ sự từng trải ở đời và nỗi đau khổ là ngọn nguồn cho thơ ông cất cánh. Người thưởng thức thơ cũng vậy, nếu không có sự đồng cảm, không quặn thắt, đớn đau thì không thể nào người đọc hiểu được những ý thơ thăm thẳm.

Trong quá trình sáng tạo, Chử Văn Long là nhà thơ quan tâm và coi trọng vấn đề cảm xúc, vì chỉ có những cảm xúc chân thật khi sáng tác mới tạo nên sức sống lâu bền cho thi ca. Theo Chử Văn Long: “Thơ cũng như đời có sâu, nông, cao, thấp. Có thứ thơ dễ thuộc dễ nhớ. Có thứ thơ có thể thấm đến tận cùng xương tuỷ qua những cơn đau…Thơ hay đâu chỉ vì nhớ và thuộc. Nhớ thuộc thơ mới chỉ là lời, là chữ. Những sợi dây vô hình đằng sau mỗi chữ, mỗi lời mới giằng buộc xoắn quyện hồn ta cùng với buồn vui mơ hồ xa xăm không dứt.”[42, tr.255].

Mở đầu tập thơ Bông hồng bỏ quên (1991), Nhà xuất bản Lao động, tác giả tri ân cùng bạn đọc bằng bài thơ “Cùng bạn đọc” mở đầu cho cả tập thơ đã bao quát tư tưởng chủ đề trong tập thơ nói riêng, sự nghiệp sáng tác thơ nói chung của ông:

Cùng bạn đọc thơ tôi thân cảm Khi thơ tôi hay nhắc đến nỗi buồn

Hay gợi tới niềm đau, hay nói về thương tiếc Thì có đâu mong bạn phải buồn.

Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người nghệ sĩ, nhà thơ Chử Văn Long quan niệm phải dấn thân vào cuộc đời, phải tôn trọng sự thật, thơ phải phán ánh đúng bản chất sự việc dù muốn hay không muốn:

Tôi muốn viết thơ vui tặng bạn Nhưng đã là thơ đâu thể dối lòng?

(Cùng bạn đọc)

Với thái độ khá quyết liệt về trách nhiệm công dân cũng như đạo đức người nghệ sĩ trong hành trình tìm kiếm các giá trị xã hội, tác giả nhìn thẳng vào hiện thực

và phán xét lại nó nhằm khơi gợi trong mỗi con người lòng tin vào tình yêu sự sống. Cùng với đó là sự nỗ lực hòa nhập vào hơi thở của thời đại để trả lời những câu hỏi về thời đại mà mình đang sống, để nhận thức sâu sắc về tâm nguyện của con người đương đại. Bởi vậy tác giả đã phát biểu “Những bài ca trái tim tôi hát/ Không giành cho những kẻ lọc lừa” (Bài ca trái tim tôi hát)

Chử Văn Long gọi những vần thơ của mình là “bài ca trái tim”, là “thơ lòng” vì đến với thơ, ông không mưu cầu danh lợi hay vật chất mà đơn giản là bọc lộ nỗi lòng mình trước nhân tình thế thái, trước đời tư thế sự, để bạn đọc tìm được nguồn an ủi và đồng cảm trong thơ. Thơ ông hát về những con người nhỏ bé, nhưng cái nhỏ bé lại đang làm nên quê hương, đất nước Việt Nam:

Hát về bạn gian lao cày cuốc Suốt một đời dầu dãi nắng mưa.

(Bài ca trái tim tôi hát)

Với Chử Văn Long, mục đích của thơ là “nhằm đánh thức trái tim”, với tác giả “Thơ là bạn của lẻ loi cô đơn hốt hoảng…Thơ đi tìm ước mơ trên đường đời xa vợi” (Thơ và bóng đá). Để viết thơ, có thành thơ và thơ có hay không phải là do cái hồn của người cầm bút hiện lên trang giấy, rung động tỏa sáng được hay không là do cái hồn ấy. Văn chương nghệ thuật muôn đời vẫn phải trông cậy vào thứ “trời cho” chứ không phải là “mượn” mà có được tài năng, năng khiếu hơn người.

Thơ của Chử Văn Long là tiếng thơ của tình đời, đi sâu vào ngóc ngách tâm hồn cá nhân của con người, của chính nhà thơ. Ông coi thơ như một người tri kỷ, một người bạn tâm tình giãi bày cảm xúc cùng ông đi qua những năm tháng buồn vui của cuộc đời. Điều đặc biệt làm nên hồn thơ Chử Văn Long chính là cái hồn quê dân dã, tình quê và người quê chân chất, thật thà:

Anh sẽ chọn sắc màu dân dã

Anh sẽ thổi bài ca bằng cây sáo trúc quê nhà Nỗi đau khổ của anh, niềm vui cũng của anh,

không gì vay mượn.

Quan niệm về thơ của Chử Văn Long như chúng tôi chỉ ra ở trên được bộc lộ rõ nét hơn khi chúng ta đi sâu tìm hiểu tư duy thơ Chử Văn Long ở những chương tiếp theo. Quan niệm thơ của tác giả cũng là cơ sở và giúp chúng tôi nghiên cứu theo đúng định hướng mà đề tài yêu cầu.

Tiểu kết chương 1:

Trong chương một, chúng tôi đã nghiên cứu những vấn đề chung nhất về tư duy nghệ thuật, tư duy thơ. Điều quan trọng nhất trong tư duy nghệ thuật là sự sáng tạo và phương tiện biểu hiện nằm trong những biểu tượng nghệ thuật. Tư duy thơ là một cách tư duy hình tượng, cho phép nhà thơ có khả năng liên tưởng phong phú, đa dạng. Nghiên cứu thơ dưới góc độ tư duy nghệ thuật là một cách tiếp cận tương đối toàn diện những nét đặc sắc trong sáng tác của một nhà thơ, giai đoạn thơ… Vì vậy, chúng tôi chọn cách tiếp cận thơ Chử Văn Long dưới góc độ tư duy nghệ thuật. Quá trình sáng tác trong sự nghiệp thơ Chử Văn Long là một chặng đường với những bước đi trưởng thành về mặt nội dung tư tưởng trong thơ, thể hiện nhân sinh quan của tác giả trước đời tư thế sự đa chiều kích. Cùng với sự nghiệp thơ ca, những nét khát quát trong tư duy thơ của tác giả là những yếu tố mở đầu quan trọng làm tiền đề cho việc đi sâu phân tích tư duy thơ Chử Văn Long ở những chương tiếp theo.

Chương 2:

CÁI TÔI TRỮ TÌNH VÀ CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO TRONG THƠ CHỬ VĂN LONG

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 32 - 38)