Khái niệm cái tôi trữ tình trong thơ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 38 - 41)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT

2.1. Khái niệm cái tôi trữ tình trong thơ

Cái tôi thực chất là một khái niệm triết học, một phạm trù mang tính chỉnh thể phổ quát của cấu trúc nhân cách, thể hiện rõ mối tương quan giữa vật chất và ý thức, giữa chủ quan và khách quan, giữa các cá nhân và xã hội, góp phần bộc lộ chức năng tự ý thức của chủ thể.

R.Descartes (1596-1650) đã đưa ra một mệnh đề nổi tiếng “Tôi tư duy là tôi tồn tại”. Quan điểm này đề cao giá trị của sự tư duy trong quá trình con người tồn tại, đồng thời cũng khẳng định: nếu không có sự tư duy, con người không có nhận thức và có nghĩa là con người không tồn tại.

Hêghen (1770-1831) xuất phát từ quan điểm duy ngã mà cho rằng: cái tôi hoàn toàn trừu tượng và hình thức cái tôi của mỗi cá nhân được biểu hiện ở cá tính, ở cách biểu hiện mình và khẳng định mình của mỗi cá nhân.

Nhà triết học Bergson (1859-1941) thì lại cho rằng: con người có hai cái tôi. Một là cái tôi bề mặt, chỉ các mối quan hệ của con người với xã hội. Hai là cái tôi bề sâu, đây chính là phần sâu thẳm của ý thức. Bergson khẳng định: đối tượng hướng tới của nghệ thuật chính là ý thức.

Còn theo S.Freud (1856-1939) thì cái tôi là sự hiện diện của động cơ bên trong ý thức con người.

Xét từ góc độ triết học, cái tôi vừa mang bản chất xã hội vừa có quan hệ gắn bó, khăng khít với hoàn cảnh lại vừa mang bản chất cá nhân độc đáo. Cái tôi thực sự luôn mang dấu ấn của sự riêng biệt, phản ánh rõ tính sáng tạo của mỗi chủ thể. Triết học Mác – Lênin đã khẳng định: Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người, có quan hệ tích cực đối với thế giới và đối với bản thân mình. Chỉ

có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng tái hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình.

Sáng tạo thơ chính là một hoạt động chủ quan, chịu sự chi phối lớn của quá trình sáng tạo cá nhân và được biểu hiện cụ thể bằng cái tôi trữ tình. Như vậy, cái tôi có tác động lớn đến quá trình sáng tạo nghệ thuật nói chung và thơ ca trữ tình nói riêng. Điều này thể hiện rõ sự kết hợp, thống nhất giữa cái chung và cái riêng, giữa cảm tính và lý tính, giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan.

Thơ trữ tình “là thuật ngữ chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình. Trong đó, cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thực hiện một cách trực tiếp. Tính chất cá thể hóa của sự thể hiện là dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm từ các cung bậc tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học”[18, tr.31]. Cho đến nay, đã có rất nhiều khái niệm khác nhau về cái tôi trữ tình, nhưng xuyên suốt các khái niệm vẫn trùng nhau ở nội hàm: tính trữ tình và tính chủ thể.

Thơ trữ tình luôn gắn với cái tôi trữ tình. Khái niệm về cái tôi trữ tình tuy còn nhiều ý kiến, nhiều quan niệm nhưng tựu chung lại vẫn trùng nhau ở nội hàm: tính trữ tình và tính chủ thể. Thơ trữ tình là bản tốc ký nội tâm. Nghĩa là sự tuôn trào của hình ảnh, từ ngữ trong một trạng thái cảm xúc mạnh mẽ của người sáng tạo. Chính vì vậy, về bản chất mọi nhân vật trữ tình trong thơ chỉ là những biểu hiện đa dạng của cái tôi trữ tình. Thơ trữ tình là tiếng nói trực tiếp biểu lộ những cảm xúc suy tư, chiêm nghiệm. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện bản chất của thơ trữ tình. Với thơ, thi sĩ giãi bày những tư tưởng, những cung bậc cảm xúc về thế giới nội tâm của mình.

Trong quá trình sáng tác, cái tôi nghệ sĩ bước vào thế giới nghệ thuật và trở thành một hình tượng trọn vẹn. Hình tượng cái tôi có mối quan hệ tương đồng với chủ thể trữ tình đang tự bộc lộ với toàn bộ sức mạnh nhân cách với mọi khả năng của nó. Hình tượng cái tôi này là nhân vật trung tâm trong tác phẩm thơ. Có khi nhà thơ là nhân vật, là “cái tôi”, là hình tượng trung tâm. Đọc thơ khi đó, ta tưởng như

giữa nhà thơ và cuộc đời thống nhất chỉ là một. Đấy chính là lúc “cái tôi” đích thực là “cái tôi - nhà thơ”. Cái tôi trữ tình là cái tôi được nghệ thuật hóa, điển hình hóa. Hình tượng cái tôi không hoàn toàn đồng nhất với con người tác giả mà là kết quả của sự điển hình hóa nghệ thuật khi cá nhân nhà thơ tìm thấy những rung cảm của mình với con người, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Vì vậy, có trường hợp, nhân vật trong thơ vẫn là “tôi” nhưng không phải là nhà thơ. Có sự khác biệt rõ nét hoàn toàn giữa nhà thơ – con người của cuộc sống thực với thế giới suy tư nhiều màu sắc do nhà thơ tạo nên. Đấy chính là khi nhà thơ đồng nhất cảm xúc với đối tượng miêu tả, nhà thơ đã hóa thân thành cái tôi trữ tình. Ta có thể thấy rõ sự không đồng nhất giữa cái tôi và con người tác giả bởi lẽ cái tôi trong thơ chỉ là một khoảnh khắc, một thời điểm mà cái tôi tác giả bộc lộ trong đó. Dù vậy, thơ không bao giờ là sự sao chép hiện thực khô cứng cho nên cái tôi tác giả không hoàn toàn đồng nhất với cái tôi trữ tình.

Cái tôi – nhà thơ được nghệ thuật hóa theo quy luật sáng tạo nghệ thuật, còn cái tôi trữ tình lại được biểu hiện dưới muôn vạn sắc thái thẩm mỹ khác nhau, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn có bóng dáng tâm hồn và cuộc đời nhà thơ. Như vậy, dù ở dạng cái tôi – nhà thơ hay cái tôi trữ tình, nhà thơ vẫn là con người thống nhất, thông báo cho người đọc những khát khao, những vui sướng, những đau buồn… có điều phải chân thành, xuất phát từ trái tim giàu yêu thương và trách nhiệm của nhà thơ

Vậy để làm nên sáng tạo, biến đổi không ngừng của nghệ thuật thì không thể thiếu được cái tôi. Cái tôi thực sự là gốc rễ vững chắc của chủ thể trữ tình. Cái tôi trữ tình là nhân lõi của sáng tạo thi ca, là cây cầu của mối quan hệ giữa thi ca và thế giới. Cái tôi trữ tình bao quát cả mở đầu và kết thúc cũng như toàn bộ quá trình sáng tạo nghệ thuật, nó tổ chức điểm nhìn, tổ chức sự vận động cảm xúc cũng như tổ chức toàn bộ các phương tiện nghệ thuật nhằm xây dựng hình tượng trữ tình. Việc ý thức về cái tôi, phát triển cái tôi là vấn đề cần thiết không chỉ khi nghiên cứu về một tác giả mà còn cho sự phát triển của thơ ca – nghệ thuật nói chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 38 - 41)