Cảm hứng đời tư và yếu tố bi kịch trong cuộc sống

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 69 - 80)

Chương 1 : MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TƯ DUY NGHỆ THUẬT

2.3. Cảm hứng chủ đạo trong thơ Chử Văn Long

2.3.2. Cảm hứng đời tư và yếu tố bi kịch trong cuộc sống

Khác với khuynh hướng thoát li thực tại như trong Thơ mới, con người cá nhân trong thơ hôm nay luôn ý thức sâu sắc về trạng thái xã hội hiện hữu. Trở về với đời thường, thơ đòi hỏi sự thức tỉnh những nhu cầu cá thể, khẳng định cá tính. Nhà thơ khao khát nhận diện chính mình, khắc khoải đi tìm cái tôi độc lập với nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời. Đối diện với thực tại cuộc sống muôn màu, Chử Văn Long bộc lộ một tâm thức nhiều trăn trở. Người đọc bắt gặp ở thơ ông cảm hứng đời tư được bộc lộ trong hành trình tìm bản ngã của tác giả trước cuộc đời đầy biến động và những yếu tố bi kịch trong cảnh ngộ của chính mình về những mất mát, khổ đau trong kiếp người. Nổi bật trong quá trình nỗ lực khám phá sự phong phú của cái tôi đời tư là nỗi buồn vô tận được thể hiện qua những cảm thức về tâm hồn,

những âm thanh vi diệu thoát thai từ bi kịch nhân sinh của chính mình trong cuộc sống và tình yêu.

Trước sự tha hóa của những giá trị đời sống không gì ngăn nổi, nhà thơ nhận thức một cách đầy đủ và tỉnh táo yếu tố bi kịch trong hành trình đi tìm bản ngã. Sự tan vỡ của giấc mơ về hạnh phúc, lý tưởng, hoài bão; sự bất lực trước những đòi hỏi tất yếu trong cuộc sống đã tác động sâu sắc vào tâm hồn mẫn cảm của thi nhân. Không thể hòa nhập với môi trường xã hội không thuần nhất, nhiều giá trị bị đảo lộn, cái tôi trữ tình Chử Văn Long rơi vào trạng thái cô đơn của sự tự cắt đứt mối dây liên hệ đời sống khi một mình đối diện với nỗi đau tinh thần. Đối diện thực tế, trái tim nghệ sĩ đa cảm Chử Văn Long luôn tiếc nuối, mất niềm tin:

Đời lắm lúc nhố nhăng, đùa chơi, nhầm lẫn Chỉ tại ta quá say đắm yêu đời

Đã đi tìm tình yêu tuyệt đích Qua cả vai hề phút chốc mua vui

(Tiếc nuối)

Tình yêu cuộc sống, sự khát khao hòa nhập với đời là niềm đam mê cháy bỏng của nhà thơ nhưng mộng tưởng và đời thực mãi là hai thế giới bị ngăn cách quá lớn. Với cái nhìn duy lý, thấu hiểu được những nghịch lý ở đời, nhà thơ thu vào đối diện với lòng mình, đau khổ và hoang mang. Phải chăng nhà thơ, người sinh ra để nói hộ những vui buồn thế thái, người vốn nhạy cảm với mọi cung bậc cảm xúc của đời sống hơn những người phàm tục, nên đôi khi thiếu uyển chuyển trong nhận thức và tình cảm, trước thực tế hết sức phong phú và phức tạp nên dễ dàng thất vọng, hoài nghi. Con người ấy, cái tôi ấy đã quen sống với niềm tin và “quá say đắm với đời” nay không tránh khỏi cảm giác bơ vơ, lạc lõng trước hiện thực:

Muốn kêu lên nghìn tiếng Ôi cuộc sống con người Đây buồn chung nhân thế Hay buồn chỉ riêng tôi?

Trong hành trình đi tìm lời đáp cho câu hỏi “Ta là ai ?” tác giả mong ước được khẳng định vị trí của mình trong cuộc đời nhưng lại nhận ra mình chỉ là một thứ ánh sáng le lói trong cõi mênh mông này, nhà thơ quay trở về suy tư, tự vấn chính mình. “Nhìn ra thế giới”, nhìn vào cõi lòng có khi nhà thơ không định hình được sự tồn tại của bản thân và đích tới của cuộc đời:

Nhìn thế giới đau, nỗi đau tan vỡ Liệu có còn gì tiếp nối với tương lai Ơi trái tim đang đập dồn trong ngực Em hãy mách giùm ta hiện tại là ai?

(Nhìn ra thế giới)

Cảm giác lạc lõng, mất phương hướng thường trực ngay chính nơi chôn rau cắt rốn của mình, dấu hiệu bi kịch xuất hiện tạo thành nỗi đau tinh thần và nỗi ám ảnh thân phận của chủ thể chữ tình trong thơ Chử Văn Long:

Ta đang ở đâu giữa trời đất Việt Con sông Thương đang chảy bên lòng Con sông Cầu lơ thơ mà dòng đời cuộn xiết Đâu hướng con người khát vọng chờ mong!

(Nhìn ra thế giới)

Sự chán nản, vô vọng ám ảnh trong những câu thơ đầy chua xót bằng giọng điệu buồn thảm, ảo não với câu hỏi hoang mang day dứt về tương lai trước sự bất lực của kiếp người:

Ngày mai, ngày mai…những điệp âm nhàm chán Hứa hẹn gì đây, còn lại gì đây?

(Nhập cuộc)

Khi bị dày vò trong nỗi ám ảnh khôn nguôi về bản ngã, nhà thơ thao thức, âu lo, ngày càng thấm thía nỗi buồn nguyên thủy của loài người, sự cô đơn dường như là phần sâu nhất trong hồn thơ Chử Văn Long. Thiên hướng tư duy thơ đầy chất tự họa tinh thần đã tạo nên hồn thơ ông với nhiều sắc thái của một tâm hồn căng ứa niềm tâm sự:

Và tháng năm cứ thế Giằng xé ở trong lòng Muốn trốn đời không được Muốn xa người không xong…

(Nụ cười hiền)

Cố gắng thoát thai từ nỗi buồn thế sự bao nhiêu, thì càng bất lực trong đời tư bấy nhiêu, “Không nhập cuộc” được cùng với những trò nhảm nhí, lai căng mà “Bọn xảo trá đem tên anh bôi nhọ” (Hoa vẫn nở), cái tôi trăn trở tìm đến bấu víu, nương tựa ở những cõi thoát tục. Có khi nhà thơ “lang thang đi tìm cõi ngày xưa” nhưng “Ở đó cũng buồn, toàn gươm giáo gẫy” (Nhập cuộc). Cảm hứng thoát ly tìm đến với không gian bao la, với những vì tinh tú của đất trời, vũ trụ để tìm quên “Cuộc sống nặng nề, tình đời chán nản”:

Có một bận hồn tôi vỗ cánh Bay lên cao khỏi lớp sương mù Đã gặp được cả trời sao chi chít Đang đợi mình vào dạ hội mùa thu

(Ngôi sao đã khóc)

Cái tôi chán nản nhuốm màu cô đơn tìm đến thoát li của nhà thơ Chử Văn Long ít nhiều có sự gặp gỡ, giao cảm, đồng điệu cùng tâm trạng của những nhà thơ trong phong trào Thơ mới. Người làm thơ có tâm hồn đa cảm, đón nhận mọi tiếng dội vui buồn từ cuộc sống, yêu cuộc đời đến say đắm, ngất ngây nên nhiều lúc không tránh khỏi sự thất vọng tràn trề, sự cô đơn lạc lõng, sự hoang mang bất lực trước thời thế. Nhưng cảm hứng thoát li trong thơ Chử Văn Long không xa rời cuộc sống, mà đó chỉ là số ít những phút giây thăng hoa cùng thiên nhiên. Buồn không phải là trạng thái duy nhất, trốn tránh thực tại không phải là giải pháp sau cùng. Con người cần hướng về niềm vui trần thế để tiếp tục tồn tại. Chử Văn Long chấp nhận nỗi buồn, niềm cô đơn miên viễn nhưng ông không thỏa hiệp với sự bi lụy, cũng không nhập cuộc cùng “bao mốt lai căng” của nền kỹ trị cho dù chỉ còn một mình “trơ trọi”: “Tôi muốn khóc không còn nước mắt/ Một mình ngồi trơ trọi đơn côi”

(Đêm). Ông luôn cố gắng vươn lên sự tầm thường của thói đời, cứng cỏi và kiên định giữ lấy bản sắc của mình. Cái tôi Chử Văn Long nỗ lực kiếm tìm bản ngã trong những câu hỏi: làm thế nào để giữ được sạch trong giữa dòng đời vẩn đục:

Lẫn trong gió bụi của đời

Làm sao giữ được tiếng cười sạch trong?

(Nhớ không đâu)

Trong hành trình nhận thức hướng đến tha nhân, Chử Văn Long coi trọng phẩm giá cao quý của bản thể. Phải chăng buồn và cô đơn của tác giả đã khơi dậy ở thi nhân mong mỏi đến quyết liệt lẽ sống thanh tao đầy tính nhân bản:

Giữa Uyky, Napôlêông, Cô nhắc… Cốc nước lọc này nhắc nhở hồn anh Đang thổn thức và tim buồn rượi Giữ làm sao trong được riêng mình!

(Nước khoáng Lavie)

Mỗi vần thơ như mỗi bức tranh điêu khắc tâm hồn, để ở đó, thơ đã gặp sự đồng điệu từ người đọc. Với triết lý thơ đời thường đã đưa nhà thơ về những lo toan, vất vả thường nhật của cuộc sống và tìm lại ấm áp sẻ chia trong tình yêu. Nhà thơ hoài niệm về mối tình xưa cũ với những rung cảm đầu đời khó phai tái hiện trong thơ một khung cảnh nên thơ với những bâng khuâng, rạo rực của lòng người. Cảnh như thực như mơ, say đắm lòng và gợi nhớ tha thiết về tuổi trăng rằm nhiều mơ mộng, khát khao. Đây những câu thơ ăm ắp tình của đôi lứa trong phút giây ban đầu bối rối:

Lần theo lối nhỏ tuổi mười lăm Hồn quê trong suốt tựa trăng rằm Lại ngỡ gặp em chờ trước ngõ Vờ tìm hoa bưởi rụng ngoài sân

(Hồn quê)

Sự huyền diệu của tình yêu mang đến vẻ đẹp lãng mạn và nguồn hạnh phúc vô biên trong tâm hồn chàng trai nơi quê nghèo. Cảnh vật xung quanh cũng nên thơ

đến kỳ lạ và tất cả đẹp như một giấc mơ giữa cuộc đời lam lũ của “gã thợ cày” đang yêu bắt gặp được nụ cười thoáng qua của người con gái anh thương:

Thế là cả đất trời thành cõi khác Cõi lòng ta chưa gặp gỡ bao giờ Bao mưa nắng cuốc cày bùn đất Thoáng em cười cũng đẹp như mơ

(Mùa xuân huyền diệu)

Trong cảm hứng hoài niệm về những mơ mộng nên thơ của mối tình quê trong sáng, nhà thơ bừng thức với thực tại và nhận ra yếu tố bi kịch đang hiện hữu chứ không phải là giấc mộng xưa. Bao nét đẹp hồn nhiên của thuở ban đầu trở thành xót xa đau, nhớ nhung tiếc nuối, khắc khoải mông lung và hành trình tìm về lại nơi dấu yêu xưa chỉ còn là những chạnh lòng, hụt hẫng trải khắp những câu thơ như tiếng thở dài ngao ngán:

Em vẫn đấy nhưng đâu là em nữa Đâu ánh mắt đốt lòng tôi như lửa Cánh bướm vàng tha thẩn đậu rồi bay Giờ gặp em tôi chẳng thể cầm tay Em hỏi chuyện bâng quơ như khách lạ!

(Tôi trở về nơi mình đã ra đi)

Và còn lại là những ngậm ngùi man mác chất chứa trong ai nỗi niềm thương tiếc khôn nguôi, một cảm giác chống chếnh lấn chiếm tâm trạng của tác giả: “Còn đâu nữa nụ cười e thẹn/ Dưới trăng vàng rời rợi góc vườn quê” (Câu hát một thời đã xa). Nhà thơ nhận thấy, hoài niệm không mang lại niềm vui lâu bền mà chỉ nâng đỡ tạm thời tâm trạng lạc lõng, bơ vơ trong hiện tại. Cái nhìn tỉnh táo đã đưa cái tôi trữ tình về với cuộc sống hiện tại, đón nhận những sắc thái rung động của đời thường.

Đối diện với đời thực, nhà thơ nhận ra hạnh phúc gia đình chính là tình yêu bền vững trong thế giới nhiều thay đổi này. Gia đình với hình ảnh thân thương, dịu dàng, tần tảo của người vợ là điểm tựa tinh thần vững chãi cho nhà thơ trước những thăng trầm của đời người:

Mùa đông đến em làm ngọn lửa Suốt đời anh em tỏa màu xanh Không có em vườn anh trơ trịu Không có em hoang vắng sững sờ

(Em là chất keo gắn anh với trái đất này)

Hạnh phúc gia đình như trái chín ngọt lành có thực trên trần gian đã mang đến cho tâm hồn nhà thơ nhiều xúc cảm mạnh mẽ, nhiều ý thơ sáng tạo độc đáo cũng được bắt nguồn từ trái tim yêu cháy bỏng, tha thiết. Nhưng cuộc đời như người xưa vẫn nói “Không ai nắm tay cả ngày tới sáng”, hạnh phúc không phải lúc nào cũng đong đầy và vĩnh cửu. Con người sinh ra rồi mất đi, có gặp gỡ hẳn có lúc chia ly, đó cũng là quy luật của đời sống. Tuy nhiên, dù con người ý thức được điều đó nhưng đôi khi, những chuyện xảy ra với mình vẫn làm cho ta bàng hoàng, chống chếnh và không tránh khỏi cảm giác thê lương đến tột cùng:

Đớn đau đến thế kiếp người Thương nhau ngắn ngủi để rồi biệt ly.

(Nhớ đến khi nào)

Cảm thức về khổ đau, mất mát là một nội dung chiếm lĩnh chủ yếu trong thi giới của Chử Văn Long. Nhà thơ có lần tâm sự: “Từ nỗi đau riêng tư nhìn lại, tôi càng thấy rõ hơn. Đời cầm bút của mình luôn thao thức về những trắc trở khổ đau con người gánh chịu, nó thành định hướng, mục đích suốt đời cho thơ tôi đi” [39, tr.323]. Khi những năm tháng hạnh phúc, được hưởng sự dịu dàng, thủy chung của người vợ không còn nữa, cảm giác mất mát, đau buồn khiến nhà thơ thấy cuộc sống bị xáo trộn và hoang mang, suốt những ngày sau đó, nhà thơ sống lay lắt trong xót xa, bàng hoàng và ân hận:

Lòng buồn bã vô cùng

Nhớ thương em ngày xưa bé nhỏ … Giờ em ở đâu trong cõi vô cùng Giấc mơ anh đã thành mây khói

Trong “những cơn đau giụa giàn nước mắt”, sự hoang mang chưa kịp lắng xuống thì nhà thơ lại rơi vào trạng thái tê liệt, suy sụp tưởng như không gượng qua được sau cơn sóng gió bão bùng:

Em mất đi đâu chỉ xót xa đau Mà hụt hẫng hết tháng ngày còn lại

(Em như vầng trăng sáng mãi)

Trước ngã rẽ không ngờ, tác giả đã không chấp nhận nổi sự thực về nỗi đau chia ly ập đến giữa đời mình:

Lúc này tôi tỉnh hay mơ

Em tôi thương nhớ bây giờ ở đâu?

(Mùa thu này vắng em tôi)

Triền miên trong trạng thức mơ mơ tỉnh tỉnh của niềm đau, nhà thơ hoang hoải tìm lại hình ảnh người xưa trong thế giới tâm linh, mong muốn một mối giao kết giữa kẻ ở và người đi trong sự hiện hữu tự nhiên: “Em thành hương hoa lý thoảng trời khuya” (Một trăm ngày)…, cũng có khi: “Anh thấy em theo sương gió trở về” (Em về). Đó không hẳn sự hoang tưởng mà là một dạng thức tâm trạng khi đau khổ và tuyệt vọng bị đẩy lên cùng cực trong bi kịch tinh thần của chính mình. Khi cảm giác bàng hoàng xâm chiếm, tác giả nghi ngờ về hiện thực và ý nghĩa, mục đích của đời sống của bản thân:

Không thể nào tin từ đây vĩnh viễn Em chỉ còn trong bức ảnh hình kia Không thể nào tin em không còn nữa…

(Ai vừa tắt vầng trăng) Và cái tôi trữ tình trở nên nhuốm màu cô đơn:

Sao chỉ mình anh lẻ chiếc

Giữa cuộc đời quá đỗi thương đau

(Dưới giàn hoa lý)

Hàng loạt những câu thơ với âm hưởng buồn não nùng, se sắt ruột gan xuất hiện trong tập thơ khóc vợ của tác giả với nhiều bài thống thiết đã chạm đến sự

đồng cảm và lấy đi nước mắt của nhiều người có dịp tiếp xúc với thơ Chử Văn Long:

Riêng anh như kẻ tâm thần Khóc em anh lại khóc mình cô đơn.

(Nhìn lên hoa phượng)

Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ? Không còn em tất cả đã là không!

(Một trăm ngày)

Thơ anh còn để làm gì?

Mộng mơ thành đám mây chì trên không…

(Cỏ xanh)

Hiện lên trong các bài thơ là hình ảnh một con người cô đơn, mệt mỏi, u sầu. Nhà thơ như không dám tin tưởng vào điều gì ở phía trước, không tìm được cho mình chút hi vọng và niềm vui sống. Bao trùm thế giới thơ ca Chử Văn Long là cảm hứng đau buồn của một con người bơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời dang dở. Tâm hồn tác giả chìm trong những bàng hoàng, day dứt, sầu muộn mênh mông. Song chính sự tổn thương, mất mát của bản thân ấy đã khơi nguồn cho sự cảm nhận sâu sắc của nhà thơ về những mất mát, khổ đau của kiếp người nhỏ nhoi trong xã hội. Chấn thương và cảm nhận về mất mát là một chủ đề và cảm hứng của văn học đương đại nói chung và thi giới Chử Văn Long nói riêng, đó là một hình thức nhận biết và lý giải cuộc sống trong tính đa chiều.

Tiểu kết chương 2:

Bản chất của thơ trữ tình là cái tôi trữ tình. Đặc điểm quan trọng nhất trong tư duy thơ cũng là sự thể hiện của cái tôi trữ tình. Thông qua cái tôi trữ tình, Chử Văn Long bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc và góc cạnh cá nhân, thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của mình. Hành trình của cái tôi trữ tình trong thơ Chử Văn Long đi từ cái tôi chân thành trong tình yêu, càng chân thành bao nhiêu càng nhạy cảm với nỗi đau khổ bấy nhiêu, để rồi những trải nghiệm ấy đã đi vào thơ ông bằng cái tôi trữ tình thế sự không ngừng chiêm nghiệm, suy tư về cuộc đời, về tình đời. Bước vào bức tranh xã hội muôn màu trong thơ Chử Văn Long, ta thấy cái tôi thế sự rát bỏng ước vọng, niềm tin nhưng nhiều nỗi băn khoăn muốn đi tìm lời đáp. Bằng ngòi bút, Chử Văn Long đã xoáy sâu vào ngóc ngách cuộc sống, lột tả những mặt

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 69 - 80)