Khái niệm biểu tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 80 - 81)

Chương 3 : BIỂU TƯỢNG VÀ NGÔN NGỮ TRONG THƠ CHỬ VĂN LONG

3.1. Biểu tượng

3.1.1. Khái niệm biểu tượng

Biểu tượng là thuật ngữ được nhiều ngành khoa học sử dụng với nội hàm khái niệm khác nhau. Trong triết học và tâm lý học nói chung, biểu tượng thường đa nghĩa và chỉ được hình thành khi tư duy con người vươn tới tầm triết luận. Theo

Từ điển Triết học (NXB Sự thật, 1972): “Biểu tượng là hình ảnh cảm tính cụ thể về những hiện tượng của thế giới bên ngoài. Biểu tượng cùng với cảm giác và tri giác tạo nên nhận thức cảm tính”[59, tr.37]. Nếu như tri giác phản ánh một sự vật đơn lẻ tác động vào giác quan chúng ta trong những trường hợp cụ thể nhất định hì biểu tượng phản ánh sự vật một cách khái quát hơn, trừu tượng hơn. Biểu tượng chính là hiện tượng chủ quan của đối tượng về hiện tượng khách quan đã được tri giác từ trước.

Trong các tác phẩm văn học, biểu tượng đã trở thành một thuật ngữ của mỹ học, lý luận văn học và ngôn ngữ học. Biểu tượng có nghĩa rộng và nghĩa hẹp, có nghĩa trực tiếp và gián tiếp hay nói cách khác là nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Aliem Geerbrant cũng đã chỉ ra, biểu tượng “ tiết lộ mà che dấu, che dấu mà tiết lộ” [61, tr.27]. Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật. Đặc điểm của bản thân hình tượng nghệ thuật là sự tái hiện thế giới làm cho con người và cuộc sống hiện lên như thật. Nhưng nó cũng là hiện tượng mang tính ước lệ. Bằng hình tượng, nghệ thuật sáng tạo ra một thế giới hoàn toàn mới mang một ý nghĩa biểu tượng. Vì vậy, nghĩa rộng biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình thức nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát

được bản chất của hiện tượng ấy, vừa thể hiện được một quan niệm, một tư tưởng hay triết lý sâu xa về con người và cuộc đời.

Như vậy, biểu tượng trong văn học là những hình ảnh cụ thể sinh động, gợi cảm mang ý nghĩa quy ước của nhà văn hoặc của người đọc. Biểu tượng mang tính đa nghĩa, tính văn hóa truyền thống. Biểu tượng khác với biểu hiện, vật liệu, phóng dụ, ẩn dụ, dụ ngôn. Tất cả những loại trên đều có thể xem là những dấu hiệu không vượt quá mức độ của sự biểu nghĩa, còn “biểu tượng rộng lớn hơn các ý nghĩa được gán cho nó một cách nhân tạo, nó có một sức vang cốt yếu và tự sinh”[45, tr.42].

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Thơ Chử Văn Long nhìn từ góc độ tư duy nghệ thuật (Trang 80 - 81)