Công cụ thực hiện đường lối Đức trị

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 71 - 79)

Tóm lại, từ các phân tích trên đây, có thể thấy rằng đường lối trị nước của Minh Mệnh về cơ bản vẫn là Đức trị của Nho giáo. Các chuẩn mực đạo đức Nho giáo đóng vai trò định hướng cho nhận thức và hoạt động chính trị của nhà vua. Tuy nhiên, đường lối đó của ông không phải là sự rập khuôn hoàn toàn khuôn mẫu Nho giáo mà có sự cải biến, bổ sung nhất định. Đó là trong tư tưởng của Minh Mệnh, không chỉ có Lễ đóng vai trò là công cụ, phương tiện để thực hiện đường lối Đức trị mà còn có sự tham gia của yếu tố Pháp. Một số nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm cho rằng sự tồn tại của Pháp chính là bằng chứng rõ ràng chứng minh tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh có sự kết hợp giữa đường lối Đức trị và Pháp trị. Theo chúng tôi, việc đề cao vai trò của pháp luật, áp dụng Pháp trong quản lý xã hội của Minh Mệnh chưa cấu thành nên một đường lối Pháp trị rõ rệt. Ở Minh Mệnh, Pháp mới chỉ đóng vai trò là một yếu tố hỗ trợ đường lối trị nước chứ chưa tồn tại với tư cách là một thiết chế hoàn chỉnh để có thể gọi là Pháp trị. Như vậy, vấn đề đặt ra là Minh Mệnh đã sử dụng Lễ và Pháp theo phương thức như thế nào để thi hành đạo trị nước mà ông đề ra?

Nói về Lễ, Khổng Tử cho rằng đó là những nghi lễ, qui phạm đạo đức qui định quan hệ giữa người với người theo trật tự danh vị xã hội chặt chẽ thời nhà Chu. Đồng thời, Lễ được xem là lẽ phải, bổn phận, trách nhiệm,

cương phép nước, trật tự xã hội qui định hành vi của con người. Với các ý nghĩa trên đây, Lễ trong quan niệm của Khổng Tử là biện pháp để giáo hóa tính tình của con người từ đó tạo thành một không khí lễ nghĩa, thống nhất chuẩn mực đạo đức hướng thiện trong xã hội, góp phần ổn định đất nước. Khổng Tử nói: Dân chúng do lễ mà sinh sống, vì vậy lễ rất lớn, không có Lễ thì không có tiết độ, ý nghĩa để thờ trời đất thần linh, không có Lễ thì không thể phân biệt đâu là tình trai gái, cha con, anh em hoặc những giao tình xa gần, hôn nhân. Bậc quân tử vì thế mà phải tôn kính Lễ” [136, tr. 220].

Tiếp thu quan điểm về Lễ của Khổng Tử, Minh Mệnh cũng dựa vào Lễ để giáo hóa dân chúng, ổn định trật tự xã hội, thi hành Đức trị. Trong thời gian trị vì đất nước, Minh Mệnh rất chú trọng pháp điển hóa, chuẩn mực hóa các nghi lễ của nhà nước như lễ tế tại nhà Tôn Miếu, lễ tế Giao, tế miếu Công thần... Sở dĩ như vậy vì trong quan niệm của ông, lễ là biểu hiện bề ngoài tập trung nhất của sự thịnh vượng của một triều đại, đất nước theo đường lối Đức trị. Điều này được thể hiện qua trao đổi giữa ông và quan lại Bộ Lễ sau đây: “ Nay trẫm mới bắt đầu sửa sang việc lễ nhạc, đang còn thiếu sót; muốn làm nhưng không biết những cốt yếu. Bộ Lễ có nhớ nhã nhạc của triều Lê không?. Tham tri Phan Huy Thực thưa: Nhạc triều Lê chỉ có việc cầm lệnh mà thôi. Hoàng đế phán: Triều Lê vốn rất thịnh vượng, tại sao lễ nhạc chỉ có một việc thô bỉ như thế” [129, tr. 805].

Mặt khác, mục đích Minh Mệnh đề cao Lễ chính là để khẳng định nguyên tắc thiên mệnh của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Nghi lễ đóng vai trò là phương thức tương thông, giao cảm giữa Vua và Trời. Ở đây, Vua chịu trách nhiệm thực hiện lễ tế, truyền đạt ý dân lên Trời và ngược lại, thông đạt ý trời

đến với người dân. Điều này được thể hiện trước hết ở việc Minh Mệnh thực hiện nghi lễ Tế Trời ở đàn Nam Giao. Khi triều Nguyễn được thành lập, vua Gia Long đã tổ chức xây dựng đàn Nam Giao vào năm 1803, đặt tại làng An Ninh. Đến năm 1806, đàn được dời về phía nam của kinh thành Huế, nằm trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Khi Minh Mệnh trị vì đất nước đã cho nâng cấp, tu sửa

lại đàn Nam Giao, đồng thời hoàn chỉnh nghi lễ Tế Giao thành Quốc lễ.

Với việc đề cao nghi lễ Tế Giao, Minh Mệnh thể hiện tư tưởng thiết lập trật tự đạo đức trong xã hội. Ông quan niệm rằng, con người muốn trở nên đạo đức thì trước tiên phải kính trời, sợ trời, từ đó hành động mới có thể đúng đắn, chính trực. Mỗi lời nói, hành động của con người phải biết đến Trời, từ Vua tới quan lại, dân chúng, đều phải kính Trời. Kính trời không phải là sợ hãi vào một đáng siêu nhiên quyết định vận mệnh của con người mà kính Trời

là biết đến nguyên lý thưởng phạt công minh của trời “Đạo trời giáng phúc cho người thiện, giáng vạ cho kẻ dâm” [119, tr. 235] mà làm việc cẩn thận,

nghiêm minh. Với ý nghĩa đó thì thông qua hình thức thờ cúng là Tế Trời, con người nhận ra được cái nguồn gốc thiêng liêng bên trong mình, nhận ra cái Thiên Tính của mình mà chăm lo giữ gìn, nhằm hướng tới nền đạo đức tốt đẹp. Đó cũng chính là con đường mà đạo đức hình thành nơi con người và mở rộng ra toàn xã hội, tạo nên kỷ cương trật tự cho cho con người. Mặt khác, Vua được ủy thác “mệnh trời”, được mang danh là "Thiên tử" (con của trời) nên hành vi thắp hương dâng lễ của nhà vua chính là thể hiện tấm lòng biết ơn, hiếu kính đối với "Cha" - đấng tạo thành và nuôi dưỡng vạn vật. Do đó, việc thực hiện nghi lễ ở đàn tế Nam Giao có thể được xem là một hình thức

khuyến khích đạo Hiếu, đạo Trung, tôn sùng Vua trong nhân dân.

Tiếp đó, Minh Mệnh sử dụng nghi lễ cầu mưa để khẳng định trách nhiệm của quan lại đối với dân chúng. Nếu xem xét ở mức độ dày đặc ở việc cầu mưa thì dễ dàng đi đến kết luận là Minh Mệnh tin vào sự tác động của con người ở việc cầu mưa. Nhưng khi xem xét cụ thể các lễ cầu mưa thì chúng ta có thể khẳng định rằng đằng sau việc cầu mưa này là một ý nghĩa chính trị.

Căn cứ vào các dụ của Minh Mệnh ban hành thì có thể thấy ông không hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào năng lực tác động của con người đối với thần, và năng lực làm mưa của thần linh. Có thể thấy điều này khi Minh Mệnh không mời các Pháp sư tổ chức cầu mưa mà chủ yếu là các quan lại và nhà vua chủ trì buổi lễ. Hơn nữa, Minh Mệnh còn cung cấp cho cơ quan Khâm Thiên Giám - nơi chuyên trách việc xem xét thời tiết khí hậu- hai công cụ là phong vũ biểu và hàn thử biểu. Rõ ràng là Minh Mệnh không tin tưởng tuyệt đối vào việc cầu mưa. Như vậy Minh Mệnh đề ra nghi lễ cầu mưa nhằm mục đích gì?

Như trên đã nói, việc cầu mưa ở đây chỉ do quan lại và nhà vua đảm trách. Xét về thực chất thì quan lại thực hiện nghi lễ cầu mưa chủ yếu theo sự chỉ dụ của vua, làm theo lệnh vua. Chính vì thế mà đây được coi là một nghi lễ mang tính chất nhà nước, chỉ có nhà nước mới được quyền thực hiện. Do đó đây cũng là hành động mang tính chính trị, khẳng định uy quyền của vua với tư cách là người đứng đầu nhà nước. Mặt khác, khi chúng ta xem xét việc Minh Mệnh ban thưởng và trách phạt quan lại xung quanh chuyện cầu mưa thì có thể thấy lễ cầu mưa chỉ là phương tiện để xem xét thái độ thành tâm của quan lại đối với dân. Trong tư tưởng của Minh Mệnh, Trời và Người có mối quan hệ tương thông giao cảm, trời tác động tới con người ngược lại

con người cũng cảm ứng tới trời. Điều kiện để con người tác động lên trời đó là sự chân thành hay còn gọi là “Thành ý”. Trong lời dụ sau đây của Minh Mệnh đối với quan lại, chúng ta có thể thấy được mục đích cốt lõi của việc thực hiện nghi lễ cầu mưa là khẳng định trách nhiệm của quan lại đối với dân chúng:

Dụ: Hôm nay thấy tập tâu về giá gạo của Trần Văn Dưỡng và Lê Vạn Công ở Quảng Ngãi đều nói về việc cầu mưa. (...) đến nay thời tiết đã muộn, sao không tâu trình sự thực, mà lại muốn ứng phó với việc đã qua và định coi đó là tận tâm với dân, chú ý đến nhà nông để được sự ban thưởng của trẫm sao? Hay là trong bụng không sẵn chủ kiến, chỉ qua loa cho xong chuyện để hòng che giấu trách nhiệm! Hãy thử nghĩ xem, trước đã không thành tâm cầu khẩn, nay lại kêu cầu bất kính bừa bãi như vậy, trẫm liệu có thể ban thưởng được chăng, thần liệu có thể cảm kích được chăng? [127, tr. 239 – 240].

Tiếp đó, Lễ đóng vai trò là quy phạm hành xử theo trật tự ngôi thứ trong triều chính, xã hội và gia đình. Trong lời dụ quan Quảng đức Ký lục Ngô Bá Nhân, Minh Mệnh đã đề cập đến lễ với tư cách là phép tắc hành xử giữa kẻ dưới với người trên:

Kinh sư là đất văn vật nổi tiếng, phong hóa mở mang trước hết. Xưa kia, từ khi có loạn Tây Sơn binh sĩ và dân chúng tập nhiễm phong hóa xấu, không biết khiêm tốn, nhường nhịn. Nay nên dẫn đạo dân chúng bằng điều lễ (...) Khi thấy xe lọng của bậc quan trưởng, người ngồi phải đứng dậy, người đi đường phải né tránh, để tỏ rõ lễ phép biết tôn vua và kính người trên, làm phép tắc trước cho thiên hạ [129, tr. 849].

Tuy nhiên, Minh Mệnh không phải là người câu nệ quy phạm, điển lễ một cách máy móc mà theo ông, Lễ gắn với đạo nghĩa, với tình cảm giữa người với người. Lời nói của Minh Mệnh khi bàn với quan lại việc dời thần chủ của vua Gia Long đã bộc lộ mặt tích cực trong quan niệm về Lễ:

Hết người thân thì làm lễ Diêu (Nhà thờ để thần chủ đã lâu đời, như Tổ tiên đã xa đời, Làm lễ Diêu để dời thần chủ đi nơi khác), song đạo thần tử đối với việc quân thân, trong tâm có yên chăng? Huống gì các lễ nghi đều do đạo nghĩa dựng lên, thà rằng sai lầm vì làm việc trọng hậu, thánh nhân chẳng nói như thế hay sao? (...) Nếu nghe lời các hủ nho câu nệ về phong tục xưa, bàn nhảm đến việc làm lễ Diêu, dời thần chủ đi nơi khác. Đoán chắc những kẻ ấy không phải là thần tử của bản triều [129, tr. 780].

Hay như Lễ được đặt trong mối quan hệ với Tình, như trong lời nói sau đây của Minh Mệnh với quan lại:

Các quan viên ở ngoài gặp khi có người từ trong Kinh đến, chưa từng không hỏi thăm các bầu bạn có bình an hay không? Đó là theo tình và lễ vậy. Huống hồ giữa nghĩa vua tôi, gần như cha con, trông ngóng quyến luyến, ai không có tâm ấy? Có lẽ nào gặp người từ Kinh đô phái đến, không có một lời hỏi thăm vua hay cha có an hảo chăng? [129, tr. 838]. Như vậy, một mặt Minh Mệnh đề cao Lễ trong việc trị nước, nhưng mặt khác, ông cũng đặt Lễ trong mối quan hệ với Nghĩa và Tình. Đây là điểm đặc sắc trong quan niệm của Minh Mệnh về Lễ, khi ông lấy “tình người” làm điểm xuất phát cho Lễ. Điều này được thể hiện trong câu chuyện giữa vua và Lê Văn Duyệt sau đây: “Cha Lê Văn Duyệt là Chưởng cơ Lê Văn Toại làm Thống chế. Trước đây Toại ốm chết, Duyệt nghĩ rằng đương có tang, không

dám chế tang phục, xin mệnh ở triều.(…) Vua cho rằng lễ là theo tình người, đặc cách cho Duyệt may áo sổ gấu để tang cha, táng tế xong, trở lại phục tang vua” [117, tr. 90].

Có thể thấy, Minh Mệnh đề cao vai trò của Lễ trên mọi phương diện, Lễ được pháp điển hóa, thể thức hóa là một phương tiện hữu hiệu để thi hành Đức trị. Tuy nhiên, trong tư tưởng chính trị - xã hội của ông, Lễ được đặt trong mối tương quan với Pháp chứ không phải đơn lập, tách biệt như quan điểm Khổng Tử đề ra. Khổng Tử phản đối việc sử dụng hình pháp của giới cầm quyền, ông cho rằng: “nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi chứ họ chẳng có lòng hổ thẹn, vậy muốn dẫn dắt dân chúng phải dùng đức, muốn trị dân phải dùng lễ thì chẵng những dân biết hổ thẹn mà còn cảm hóa để trở nên tốt lành” [14, tr. 15].

Trong khi đó, Minh Mệnh sử dụng Pháp làm công cụ hỗ trợ Lễ trong việc cai trị đất nước theo đường lối Đức trị kết hợp Pháp trị. Pháp ở đây được hiểu là luật lệ, quy định, điều luật, hiến lệnh mang tính chất khuôn mẫu mà mọi người không phân biệt vua tôi, trên dưới, sang hèn đều phải tuân theo.

Trong lời dụ ban hành năm Minh Mệnh thứ mười bảy, ông đề cập đến mối quan hệ bền chặt giữa Lễ và Hình như sau: “Lễ tiết định đoạt chí hướng của dân, pháp chế ngăn ngừa sự gian tà của dân. Những việc ấy làm yếu trước để đổi dời phong hóa. Nhưng việc thay đổi phong tục phải làm dần dần, mới

hợp với thành hiệu của vương đạo” [119, tr. 885].

Lễ là các quy phạm cơ bản đã luật hóa của hành vi của con người dựa trên cơ sở chính danh trật tự thứ bậc của trật tự triều đình, xã hội và gia đình

theo Nho giáo. Pháp là những quy định về chuẩn mực của pháp luật mang nội dung Đức trị, Lễ trị Nho giáo đề ra được áp dụng cho các thành viên của xã hội Đại Nam. Quan hệ giữa Lễ và Pháp là hai mặt của một vấn đề, cùng bổ trợ cho nhau, nhằm hữu hiệu hóa việc duy trì bảo vệ đường lối Đức trị lâu dài cho vương triều và sự ổn định cho xã hội. Lễ có chức năng giáo hóa, ngăn ngừa đề phòng phạm tội, dẫn dắt dân hướng đến điều thiện. Pháp lại nghiêng về trừng trị tội ác, cấm người làm điều trái Lễ, Nghĩa, bảo đảm thực thi đạo đức Nho giáo trong toàn bộ quan hệ xã hội.

Tuy nhiên trong quá trình áp dụng Pháp vào đời sống thực tiễn, Minh Mệnh không áp dụng một cách máy móc các đời trước mà có sự bổ sung, biến đổi cho phù hợp. Trong lời dụ của Minh Mệnh vào năm 1820, chúng ta có thể thấy rõ điều này:

Hình để đe răn kẻ gian, luật thì theo ý đời xưa mà lệ thì lựa cho hợp sự nghi đời nay, theo đổi biến thông chứ không thể gắn chặt mãi được (...) Trẫm vâng nhận cơ nghiệp lớn, trau dồi điển chương cũ, càng nghĩ rằng sách luật là đồ để giúp việc trị, điều mục hoặc giả còn thiếu, hữu ty sai về nhẹ nặng, thì dân biết đặt chân tay vào đâu [117, tr. 66].

Chính sự điều chỉnh hoàn thiện trong việc san định chính sách lễ hóa luật pháp theo Nho giáo này đã làm cho thể chế triều Nguyễn dưới thời Minh Mệnh có cơ sở xã hội là tầng lớp Nho sĩ để tồn tại khá lâu trong chế độ phong kiến nước ta. Tất nhiên, xét về bản chất thì hệ thống chính sách pháp luật triều Minh Mệnh vẫn chỉ là sự thể chế hóa quyền lực của nhà vua và triều thần thể hiện ý chí của tập đoàn phong kiến giai cấp thống trị. Song trong chừng mực nhất định, với các nội dung đức trị, nhân trị, lễ trị trên đây, nền chính trị đã ít nhiều

an được dân, dùng pháp luật do Minh Mệnh xây dựng để giáo hóa và cai trị đã

góp phần ổn định trật tự, kỷ cương xã hội bảo đảm an ninh cho người dân.

Tóm lại, dù vương triều Minh Mệnh kế thừa tiền nhân theo đường lối Đức trị kết hợp Pháp trị tổ chức theo mô hình quân chủ phong kiến tập quyền thu tóm mọi quyền hành vào trong tay nhà vua, song tư tưởng chính

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 71 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)