Tư tưởng thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 90 - 94)

3.2. Tư tưởng về hoàn thiện bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền

3.2.3. Tư tưởng thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát trong bộ máy nhà nước

Trong chế độ quân chủ tập trung chuyên chế thì Vua là Thiên tử, là người có quyền uy tối thượng. Tuy nhiên, trong thực tế thì không loại trừ có những chủ trương, lời nói, việc làm, chính sách của nhà vua có thể sai lầm, không sát hợp với thực tiễn. Minh Mệnh tiếp tục tăng cường đặt ra cơ chế các chức quan có nhiệm vụ giám sát theo dõi lời nói, việc làm của nhà vua và quan lại có một vị trí quan trọng, góp phần phòng tránh kịp thời những hành vi tổn hại đến đường lối cai trị, uy tín của nhà vua, lợi ích của vương triều, đội ngũ quan lại và đời sống dân chúng. Đây cũng chính là nội dung tư tưởng chính trị - xã hội quan trọng có đóng góp, nổi bật, có ảnh hưởng từ thời vua Minh Mệnh khi tiến hành cải cách bộ máy hành chính và được duy trì trong thời các vua sau. Minh Mệnh đã thiết lập nên hai cơ quan đặc biệt, có chức năng hoạt động đóng vai trò giám sát sự phù hợp lễ, hợp pháp, hợp đức của nhà vua cũng như đội ngũ quan lại trong hành xử đối chiếu với các quy phạm luật pháp, đạo đức - chính trị cơ bản, đó là Đô Sát Viện và Cơ Mật Viện, cùng sự tồn tại của Hội đồng đình thần (bao gồm quan chức cao cấp đang thi hành công vụ ở các Bộ Nha tại Kinh đô và cơ quan Tư pháp kiểm soát, giám

sát là Tam pháp Ty).

Đô Sát Viện chiếm một vị trí quan trọng trong việc thiết lập cơ chế giám sát của nhà nước. Đô Sát Viện vốn là được Minh Mệnh thành lập vào tháng 9 năm 1832 với một quy chế đầy đủ bao gồm Lục khoa và Giám sát ngự sử các đạo. Quyền hạn của Đô sát viện bao gồm các nội dung sau đây: 1. quyền đàn hặc (chỉ

trích tội lỗi); 2. quyền can gián vua; 3. khoa đạo được quyền dự nghe chính sự; 4. kiểm tra việc thi hành của các cơ quan; 5. phúc duyệt các bản án hình sự.

Cấu trúc chức năng của Đô Sát Viện bao gồm bốn quan chức cấp cao quyền Tả Đô Ngự Sử , Hữu Đô Ngự Sử , Tả Phố Đô Ngự Sử , Hữu Phố Đô Ngự Sử . Đô sát Viện phụ trách "lục khoa "(văn phòng của giám sát) do sáu Chưởng ấn cấp sự trung phụ trách. Bên cạnh đó còn có 16 "Giám sát Ngự Sử" được giao trong 16 Đạo , phụ trách việc giám sát các quan chức của Kinh đô Huế hay các tỉnh thành khác, sau khi Minh mệnh thực hiện việc cải cách hệ thống hành chính nhất thống trên toàn bộ đất nước. Bên cạnh đó, Minh Mệnh còn đề ra quy chế các khoa đạo phải liên kết với nhau trong hoạt động giám sát, tạo nên sự phối hợp giám sát, tư pháp và thanh tra chéo trong các đạo, ngành - đây là điểm thể hiện sự sáng tạo trong việc tổ chức bộ máy Nhà nước góp phần đảm bảo tính công minh của pháp luật bổ sung phối hợp với Đức trị. Cụ thể như sau:

1. Các đạo Nam - Ngãi, Ninh - Thái hội đồng với Lại Khoa

2. Các đạo Long - Tường, Định - Yên, Lạng - Bằng hội đồng với Hộ Khoa 3. Các đạo Định - Biên, Hải - An hội đồng với Lễ Khoa

4. Các đạo An - Hà, Thanh Hóa, Sơn – Hưng - Tuyên hội đồng với Binh khoa 5. Các đạo Bình - Phú, An - Tĩnh hội đồng với Công khoa

(Trong đó: Đạo Nam - Ngãi giám sát hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi; Đạo Ninh - Thái phụ trách Bắc Ninh và Thái Nguyên; Đạo Long - Tường phụ trách Vĩnh Long, Định Tường; Đạo Định - Yên phụ trách Nam Định, Hưng Yên; Đạo Lạng - Bằng phụ trách Lạng Sơn và Cao Bằng; Đạo Định - Biên phụ trách Gia Định, Biên Hòa; Đạo Hải - An phụ trách Hải Dương, Quảng Yên; Đạo An - Hà phụ trách An Giang, Hà Tiên; Đạo Sơn – Hưng - Tuyên phụ

trách Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang; Đạo Bình - Phú phụ trách Bình Định, Phú Yên; Đạo An - Tĩnh phụ trách Nghệ An, Hà Tĩnh).

Trong bộ máy nhà nước, Đô Sát Viện chiếm một vị trí quan trọng, có thẩm quyền chỉ trích các hành động phi Lễ, phi Pháp của nhà vua và đội ngũ quan lại và kiến nghị các phương án sinh kế cho người dân. Đô Sát Viện có thể được xem là một diễn đàn được thể chế hóa cho phép các học giả - quan lại thảo luận, giúp kiềm chế khi người cai trị trở nên sai trái, độc đoán, chuyên quyền và hướng các hành vi, chính sách nhà vua và quan lại tuân thủ các nguyên tắc Lễ, Pháp đạo đức - chính trị của Nho giáo. Bên cạnh đó, Đô Sát Viện còn có chức năng đảm bảo sự vận hành của bộ máy nhà nước phù hợp với các chuẩn mực đạo đức - chính trị đề ra.

Cơ Mật Viện là một cơ quan hoàn toàn mới trong lịch sử chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Nó chỉ được thiết lập từ triều Minh Mệnh vào năm 1834 và có chức năng, nhiệm vụ thảo luận, đề xuất phương án, tham mưu cho nhà vua trong các vấn đề trọng đại, cấp bách. Các cơ mật đại thần được lựa chọn từ đội ngũ văn quan và võ quan hàng tam phẩm trở lên. Quan lại của Cơ Mật Viện đều giữ nguyên chức, chỉ kiêm nhiệm chức vụ ở Viện cơ mật, bao gồm 4 đại thần ở các lĩnh vực khác nhau gọi là “Cơ mật đại thần”. Ngoài ra, Cơ Mật Viện còn có 8 thuộc viên, gọi là “Cơ mật hành tẩu” do Hội đồng đình thần lựa chọn từ Lục bộ. Dưới thời Minh Mệnh, Cơ Mật Viện có quyền lực tương đối mạnh mẽ và độc lập. Về quốc phòng, an ninh, Cơ Mật Viện phải nắm vững tình hình chiến trận, dự kiến các phương lược tiến thủ, bố trí nội gián...Về chính trị, nó có nhiệm vụ nắm vững tình hình kinh tế, an ninh chính trị trong cả nước. Về ngoại giao, cần nắm rõ tình hình

đường hướng chính trị đối ngoại của lân bang, quân sự của các nước lân cận, đề xuất các phương án đối phó khi có các vấn đề mới xảy ra liên quan đến vương triều, chính sự.

Có thể nói, Cơ Mật Viện là cơ quan tập trung các quan lại - học giả quan trọng thảo luận, tham gia tư vấn cho Vua các vấn đề cơ mật liên quan đến quân sự, an ninh, quan hệ ngoại giao, phát triển kinh tế, đảm bảo sinh kế của người dân. Đồng thời, Cơ Mật Viện cũng chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động của triều đình, vấn đề trọng đại quốc gia. Do đó, các chính sách quan trọng của triều đình thường được đưa ra xem xét, thảo luận bởi các quan đại thần trong Hội đồng Cơ Mật Viện.

Ngoài ra, để tăng cường giám sát, kiểm tra thời vua Minh Mệnh và tiếp tục các vua Nguyễn sau đó còn tổ chức các đoàn “thanh tra đặc biệt” gọi là chế độ “kinh lược đại sứ” nhằm giám sát các địa phương để xảy ra tình trạng mất an ninh, loạn đảng, chiến tranh, mất mùa...đói kém. Đáng chú ý là các quan làm “kinh lược đại sứ” có quyền thay mặt vua giám sát, thị sát, giải quyết công việc trực tiếp và được phép tâu báo lên Vua sau.

Như vậy, với sự ra đời của hai cơ quan Cơ Mật Viện và Đô Sát viện và hệ thống thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, vua Minh Mệnh đã có sự sáng tạo mới thiết lập nên một hệ thống thể chế chính trị thể hiện có sự phân chia sự thực thi quyền lực: có Lập pháp - Hành pháp - Tư pháp và giám sát chặt chẽ, tương đối hoàn chỉnh, từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, cơ chế tổng hợp giám sát này cũng góp phần tăng cường hiệu lực của thể chế quân chủ tập quyền chuyên chế và phần nào đảm bảo sự

thông suốt minh bạch từ dưới lên trên của bộ máy nhà nước phong kiến nhà Nguyễn có ảnh hưởng cho đến các đời vua sau này.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 90 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)