3.2. Tư tưởng về hoàn thiện bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền
3.2.1. Tư tưởng xây dựng đội ngũ quan lại theo chuẩn mực
Kế thừa tư tưởng chính trị - xã hội từ thời Lê sơ, Minh Mệnh cho rằng trong bộ máy nhà nước thì vấn đề nhân lực luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Vương triều Nguyễn vừa mới thành lập từ sau nội chiến kéo dài nên vấn đề cấp bách là xây dựng một đội ngũ quan lại có năng lực giúp vua quản lý đất nước. Mặt khác, lãnh thổ rộng lớn so với các triều đại trước đó cũng đòi hỏi bổ sung số lượng nhân lực tại các địa phương. Nhận thức được vai trò của hiền tài đối với đất nước nên trong thời gian trị vì, ông đã bốn lần ra chiếu cầu hiền với hy vọng nhân tài sẽ giúp vua xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các Nho sĩ Bắc Hà với tâm lý “hoài Lê” phản ứng khá thờ ơ với con đường quan lộ, khiến vua Minh Mệnh đã từng nói với quan cận thần rằng: “Năm trước đã từng xuống chiếu tìm người tài giỏi giúp việc, đến nay chưa thấy ai hưởng ứng. (...) Nay trẫm dừng chân ở Bắc Thành mà gần hàng tháng mà vẫn yên lặng không nghe gì. Hay là vì các nha môn trong ngoài, nhân trước thấy chiếu nói cử người hiền lương phương chính mà không dám đương danh hiệu ấy chăng?” [117, tr. 170 - 171].
Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, người Nam Bộ không quan tâm nhiều đến lĩnh vực khoa cử khiến nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước bị thiếu hụt. Năm 1826, khi xem xét kết quả kỳ thi Hội với 9 người đỗ đều xuất thân từ miền Bắc, Minh Mệnh đã nói rằng:
“Nay thiên hạ một nhà, Nam Bắc đều là tôi con của trẫm, cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc, không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng cũng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 quyển đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên lựa lấy 1, 2 người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phong” [117, tr. 489].
Chính vì thế, Minh Mệnh đã thi hành nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động giáo dục - đào tạo khoa cử Nho giáo để bổ sung đội ngũ quan lại. Trước hết, Minh Mệnh mở rộng các cơ sở đào tạo nhân tài chẳng hạn như thành lập trường Quốc Tử Giám. Hệ thống trường lớp cũng được thiết lập từ kinh đô cho đến các phủ, huyện trong cả nước. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đào tạo, ông đặc biệt chú trọng đến đội ngũ giáo chức chuyên trách, đôn đốc việc học tập. Đặc biệt, nhằm bổ sung đội ngũ quan lại phục vụ bộ máy nhà nước, Minh Mệnh đề ra các quy định mới về thi cử. Dưới thời vua Gia Long, triều đình chỉ tổ chức kì thi Hương nhưng đến năm 1822 vua Minh Mệnh đã mở thêm khoa thi Hội, thi Đình. Từ năm 1826, nhà vua quy định 3 năm một khoa thi (thay vì 6 năm một khoa thi). Trong đó các năm Tí, Ngọ, Mão, Dậu triều đình tổ chức thi Hương, năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi Hội và thi Đình. Đồng thời, để gia tăng lượng người lấy đỗ, bên cạnh danh hiệu Tiến sĩ, Minh Mệnh đã lấy thêm danh hiệu Phó bảng cho người người đỗ thi Hội. Với quy định về học vị Phó bảng, Minh Mệnh đã phần nào giải quyết được yêu cầu nhân sự cho bộ máy chính quyền đương thời.
Minh Mệnh đã chú ý hoàn thiện chế độ giáo dục khoa cử theo mô hình Nho giáo, các kỳ khảo thí được duy trì ổn định, có quy củ toàn quốc. Nó đã tạo nền tảng ổn định góp phần xóa bỏ sự chênh lệch về văn hóa Nho giáo giữa các vùng miền. Đặc biệt, ảnh hưởng nổi bật mà Minh Mệnh tạo ra trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục lúc bấy giờ chính là xác lập tính khuôn mẫu quy củ, khơi dậy tinh thần Nho học ở Đàng Trong, nhất là Nam Bộ, tạo nền tảng vững chắc để các đời vua sau sử dụng. Theo đánh giá của học giả Choi Byung Wook
trong “Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng” thì chính sách văn hóa -
giáo dục của Minh Mệnh đã thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ nhà Nho mới ở Nam Bộ: “Các nhà Nho thời kỳ trước phần lớn ngả theo hoạt động kinh doanh và chẳng để lại chứng cứ nào về việc họ đầu tư kiến thức của mình cho người làng. (...) Một thế hệ mới các nhà Nho nổi lên, trở thành các thủ lĩnh địa phương, thu phục nhân tâm và quyền lực trong làng xã” [158, tr. 202 - 203]. Bên cạnh đó, việc đào tạo đội ngũ quan lại, xây dựng hệ thống chính sách đãi ngộ của ông cũng có nhiều điểm hạn chế. Bản thân Minh Mệnh cũng nhận ra những khiếm khuyết trong lối học khoa cử từ chương lúc bấy giờ:
“Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ vốn văn chương không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tràng lấy hay bỏ cung do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi" [48, tr. 427 – 428]. Lối học “tầm chương trích cú”, theo lối mòn của Nho gia trên đây đặt trong bối cảnh của thời đại mới, khi mà các nước phương Tây với nguy cơ của chủ nghĩa thực dân đang rình rập đã không còn thích hợp. Nó không có
khả năng tạo nên sự thay đổi, con đường mới trong nhận thức và tư tưởng của các vị vua và tầng lớp nho sĩ triều Nguyễn. Tuy nhiên, Minh Mệnh cũng như các vị vua tiếp theo của triều Nguyễn vẫn không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Nho giáo. Điều này đã dẫn đến những hệ quả tiêu cực đến các triều đại tiếp theo mà sẽ được trình bày ở trong chương 4 của luận án này.