3.3 .Tư tưởng bảo vệ chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống
3.3.3 .Tư tưởng củng cố Chính đạ o Nho giáo
4.2. Ảnh hưởng đến lĩnh vực chính trị
Tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh chịu ảnh hưởng của Nho giáo đời Hán - Tống nên không thể tránh khỏi yếu tố thần bí, duy tâm nhưng ít nhiều đã thể hiện sự vận dụng, tổng kết, khái quát của cá nhân nhà vua trước các yêu cầu đất nước, tham chiếu sự kiện thực tế trong đời sống Việt Nam. Chính những nội dung tích cực trong quan niệm của Minh Mệnh về trách
nhiệm xã hội của Vua và Quan đã dẫn tới sự ra đời của một bộ máy nhà nước tương đối gọn nhẹ, đạt hiệu quả nhất định dưới thời ông trị vì. Đặc biệt, những mệnh đề tư tưởng sâu sắc về yêu cầu phẩm chất đội ngũ quan lại không dừng lại ở lý thuyết, sách vở mà đã được cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn,
gắn liền với công cuộc cải cách hành chính do nhà vua đề xướng.
Cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh tuy có một số hạn chế nhưng đã góp phần cải thiện tạo sự cân bằng trong các mối quan hệ: nhà vua - triều đình, trung ương - địa phương, lập pháp - hành pháp - tư pháp. Đến phiên mình các kết quả cải cách thể chế, cải cách hành chính do Minh Mệnh chỉ đạo mau chóng là phương thức ít nhiều hữu hiệu để hiện thực hóa mô hình lý tưởng “Vua Thánh - Tôi hiền” theo Nho giáo của nhà vua. Bằng việc đào tạo, tuyển chọn phân công bộ máy quan lại thông qua khoa cử, bổ nhiệm thì Minh Mệnh đã dần dần xây dựng được một cơ cấu đội ngũ quan văn có trình độ, phẩm chất đạo đức thực thi hiệu quả những hoạt động văn hóa, giáo dục, xã hội.
Hơn thế, tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh đã góp phần củng cố chế độ quan văn, dần dần hạn chế vai trò của võ quan. Sự tiến triển của chế độ khoa cử đào tạo quan văn có văn hóa Nho giáo là một đặc điểm nổi bật đánh giá sự phát triển của nền chính trị của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo ngày nay được nhiều người phân tích và khẳng định nhưng trước đây ít được đề cao. Bằng các biện pháp cải cách trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, vua Minh Mệnh đã dần xây dựng được một cơ cấu quan văn hoàn bị nhằm duy trì và củng cố chế độ Nhà nước quân chủ tập quyền. Trên cơ sở đó, quản lý xã hội dưới thời Minh Mệnh trị vì đã đạt được một số thành tựu đáng kể, góp phần ổn định đất nước và cải thiện ổn định đời
sống nhân dân, tạo ra nền tảng củng cố chế độ quân chủ tập quyền. Những mặt đóng góp cũng như các hạn chế to lớn đều thể hiện ảnh hưởng rõ nét trong các triều vua sau đó là điều được nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra.
Mặt khác, ảnh hưởng thực tế rõ rệt nhất mà tư tưởng Minh Mệnh đã tạo ra trong thời gian trị vị đất nước để lại cho vua đời sau đó chính là xây dựng thành công hình ảnh một ông Vua Thánh nhân theo khuôn mẫu Nho giáo sau
thời kỳ dài loạn lạc.
Minh Mệnh và các vị vua kế tục sự nghiệp ông như Thiệu Trị và Tự Đức đều sùng Nho giáo, luôn có ý thức đề cao trách nhiệm của những người đứng đầu chính quyền, trong đó vua phải là cha mẹ dân và quan lại thay vua chăm sóc dân. Do đó trong tư tưởng chính trị - xã hội, định hướng theo Nho giáo của Minh Mệnh đã hướng đến việc kiến tạo lại một xã hội được cai trị bởi một ông vua Thánh nhân và quản lý bởi đội ngũ quan lại hiền tài có năng lực thân dân.
Ông vua trong mô hình xã hội lý tưởng trong quan điểm của Nho giáo phải là người có học vấn vượt trội, thể hiện là Người/Thần/Thánh nhân, có phẩm chất ưu trội, tự mình tu dưỡng, trau dồi phẩm cách, đặc biệt là nêu cao tấm gương đạo đức và đem đức ấy bổ hóa khắp thiên hạ. Nhà vua cư xử có đức độ, Nhân, Trí, Dũng trong phép trị nước là lấy dân làm gốc, thương dân như con, vì vậy phải luôn tham chiếu sao cho phù hợp với lòng dân. Do đó nhà vua tự mình xác lập, tự mình ý thức về vị trí, vai trò, ảnh hưởng gần như quyết định đến sự tồn tại và trường cửu quốc gia. Kế thừa tấm gương Lê Thánh Tông trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, những ông vua như Minh Mệnh tiếp nhận tri thức Nho giáo đều luôn đã kết
hợp Tri và Hành, luôn tự mình nêu gương, đề cao mẫu hình xã hội lý tưởng có Vua Thánh - Tôi Hiền.
Bên cạnh đó, khi đi sâu vào từng nội dung cụ thể trong quan niệm của Minh Mệnh thì chúng ta có thể thấy rằng những mệnh đề tư tưởng của ông không chỉ dừng ở lý luận, lời nói mà chừng mực nào đó đã được cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách của nhà nước do ông đứng đầu. Quan niệm của nhà vua về trách nhiệm của nhà vua và quan lại đối với dân chúng thể hiện những suy tư, chiêm nghiệm trước tình hình thực tế của đất nước, không phải là sự áp dụng máy móc, hình thức, sáo rỗng, giáo điều các chuẩn mực của Nho giáo cũng để lại tiền lệ tốt cho đời sau. Từ các phân tích về nội dung tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh ở chương 3, có thể khẳng định rằng ở ông có sự kết hợp, thống nhất giữa Tri và Hành, giữa lời nói và việc làm và để lại nhiều ảnh hưởng nền tảng cho các vua sau này. Qua các tư liệu lịch sử có thể khẳng định rằng, vua Thiệu Trị và Tự Đức đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng của Minh Mệnh về trách nhiệm của vua, quan trong trọng việc trị nước, an dân.
Chẳng hạn như Thiệu Trị đã kế thừa phương châm trị đạo của Minh Mệnh là kính thiên, pháp tổ, cần chính và ái dân. Mỗi một phương châm đã được ông diễn giải một cách chi tiết, làm phong phú thêm nội hàm ý nghĩa. Như ở phương châm Ái dân thì Thiệu Trị cho rằng muốn trị thiên hạ thì phải thực hiện chín phép. Trong đó tu thân bằng nhân nghĩa đứng ở vị trí đầu tiên. Tiếp đó là xem xét phong tục, đặt nền giáo hóa; lấy lễ dạy dân.... Trong khi đó, Tự Đức phát triển các phương châm trị đạo của Thiệu Trị thành tám điều, bổ sung thêm phương châm Thân hiền, Đồ trị, Chí thiện, Đôn thân. Như vậy, tư
tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh đóng vai trò là khuôn vàng thước ngọc, chuẩn mực chính trị cho các vị vua tiếp theo như Thiệu Trị và Tự Đức kế thừa. Về phương diện tích cực thì dưới ảnh hưởng của tư tưởng Minh Mệnh mà các vị vua tiếp sau ông đã duy trì được một bộ máy nhà nước vững chắc, ổn định chính trị - xã hội. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến các tác động tiêu cực mà tư tưởng Minh Mệnh đã để lại cho đời sau. Hậu quả chính trị mà các đời vua Thiệu Trị và Tự Đức phải gánh chịu bắt nguồn sâu xa từ các điểm hạn chế trong tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh.
Trong đó, hạn chế lớn nhất của tư tưởng chính trị - xã hội Minh Mệnh là trách nhiệm của nhà nước được thể hiện chủ yếu thông qua nhận thức và hành động của nhà vua và quan lại, chưa chú ý đến vai trò to lớn, tính chủ động của người dân, vai trò là động lực của lịch sử của quần chúng nhân dân. Đề cao và tuyệt đối hóa vai trò Thần - Thánh của Vua và Quan, đạo đức của người trên quá mức cũng là bất cập, duy tâm, giáo điều th người dân cũng không có cơ chế để nói tiếng nói của mình phản bác vua, quan. Nếu vua và quan bất tài, thất đức, thất tín, không hoàn thành tốt trách nhiệm chức vụ của mình thì sẽ ảnh hưởng tới lòng tin của người dân vào nhà nước và quốc gia suy sụp. Nếu như chính sách của nhà nước không được thực hiện, hay thực hiện không công bằng sẽ khiến người dân không còn lòng tin vào đội ngũ quan lại, vào thể chế, vào nhà vua. Từ đó, khi triều đình nhà nước thiếu minh bạch, liêm chính khó lòng mà quản lý được xã hội, khi con người không tin vào nó, và con người cũng khó mà đối xử với nhau theo quy tắc, chuẩn mực đạo đức khi họ không còn lòng tin vào quyền lực của bề trên.
Do đó, uy tín của nhà nước liên quan tới vấn đề tự giác nhận lấy trách nhiệm của vua quan, thể chế Nhà nước không có lực lượng đối trọng sẽ dễ lạm quyền tha hóa. Nếu người ta tin cậy vào nhà nước, vua, quan và tin rằng những hành vi xấu trong xã hội sẽ bị trừng phạt thích đáng thì họ sẽ không hành xử bừa bãi. Uy tín của nhà nước vì thế ngày càng nâng cao. Nhưng nếu vua, quan đời sau không có đủ tài năng, đức độ thì gây ra mất lòng tin trong dân chúng - mất cơ sở cho sự tồn tại của nhà nước.
Chẳng hạn như, khi nói đến việc thực hiện trách nhiệm của nhà nước, Minh Mệnh đặt vấn đề đạo đức Thành Tín lên vị trí hàng đầu: “ Vua lấy việc thành tín làm đầu, tất phải biết đến lòng thành của dưới. Nếu (các ngươi) giữ điều mê muội, chê giấu việc sai hoặc giấu diếm cho nhà mình, hoặc biện hộ cho lại dịch, khi bị phát giác hoặc bị vạch tội, thì phép nước không có tình riêng và tất sẽ bị xử nặng không tha” [129, tr. 488]. Nhưng khi đối mặt với kẻ thù mới là chủ nghĩa thực dân phương Tây không theo thành, tín, nhân, nghĩa thì vua quan triều Nguyễn đã lúng túng không đề ra được phương lược ứng phó ngoại xâm và đã bị mất nước. Đó là một thực tế hiển nhiên của việc chỉ tập trung đề cao nhân nghĩa đạo đức trong thời đại cạnh tranh tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị uy hiếp chủ quyền.