3.3 .Tư tưởng bảo vệ chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống
3.3.3 .Tư tưởng củng cố Chính đạ o Nho giáo
4.3. Ảnh hưởng đến lĩnh vực tôn giáo
Minh Mệnh là vị vua đầu tiên của triều Nguyễn thi hành chính sách khuyếch trương Nho giáo, cấm đạo Công giáo. Và những quan điểm, chính sách đó của ông đã được các vị vua tiếp theo như Thiệu Trị và Tự Đức coi như tiền lệ, mẫu mực để giải quyết mối quan hệ giữa Công giáo và Dân tộc
cũng như xu hướng tự vệ bảo tồn và khuyếch trương các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống như là một chủ trương bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Trước hết, Minh Mệnh đã xác lập tính siêu việt ngôi Thiên tử nhờ thực thi hàng loạt động thái đề cao Nho giáo, khẳng định vị thế giáo chủ, thần chủ của Vua đối với bách thần, từ đó hình thành thái độ trịch thượng phê phán Công giáo, xem đó là một hiện tượng tôn giáo phi chính thống, khác biệt với Nho giáo và tiến hành kỳ thị tôn giáo. Điều này sẽ được vua Thiệu Trị, nhất là vua
Tự Đức tiếp tục bổ sung về mặt lí luận trong tác phẩm Đạo Biện sau này.
Minh Mệnh phê phán giáo lý Công giáo từ lập trường chính trị Nho giáo, chứ chưa đạt tới tầm lý luận hiểu đúng giáo lý để có tư duy khoan dung về tôn giáo. Minh Mệnh cũng chưa thực sự thấu triệt các nội dung giáo lý Công giáo như ý niệm về Thiên chúa (cái tuyệt đối), về tình anh em (về sự bình đẳng), về nước Chúa (về thế giới quan lý tưởng)... Do đó, động thái phê phán của Minh Mệnh đối với Công giáo xuất phát từ nhãn quan chính trị - đạo đức Nho giáo nên được đương thời và các vua đời sau theo Nho giáo đồng thuận làm theo dù chưa mang tính lý luận, học thuật cao. Tuy nhiên, trong quá trình phê phán Công giáo, ít nhiều ông cũng đã chỉ ra được 3 điểm khác nhau về mặt giáo thuyết giữa Nho giáo và Công giáo. Đó là vấn đề khác biệt quan niệm về tính tối thượng của vương quyền - thần quyền, vấn đề quan niệm về ứng xử trong văn hóa và vấn đề chuẩn mực đạo đức. Thái độ phê phán gay gắt trên đây của Minh Mệnh đối với Công giáo đã ảnh hưởng đậm nét đến các vị vua kế tiếp. Trong đó tiêu biểu là vua Thiệu Trị, vua Tự Đức, người đã đẩy thái độ phê phán với Công giáo đi đến mức cực đoan. Tuy nhiên thời cuộc tiếp theo đã khiến các vua Nguyễn không thể giữ nguyên lập trường đó.
Minh Mệnh lúc đầu giữ thái độ ôn hòa rồi sau đó mặc dù phê phán Công giáo, nhưng vẫn khẳng định giá trị của Phật giáo và Đạo giáo, trong khi đó Tự Đức cực đoan hơn, phủ nhận sự tồn tại của các Đạo này. Theo Tự Đức: “Ngoài nhân luân ra thì không có đạo nào khác nữa. Thế là đạo chỉ có một mà thôi (...) Còn như đạo Lão, đạo Thích, đạo Gia tô, v.v..., chỉ là những thứ do một số người tự tôn lên, chứ không phải là đạo [22, tr. 32 - 33]. Kế thừa Minh Mệnh, Tự Đức đề cao Nho giáo, phê phán Công giáo ở các nội dung sau đây:
Thứ nhất, phê phán Gia tô gán ghép Thiên Chúa với Trời, dựa vào Nho giáo để so sánh sự giống nhau giữa Trời và Thiên Chúa là vô lý.
Giáo Gia-tô đã biết thuyết của họ là rất vô lý, họ còn gượng dẫn lời của sách Nho ta, để làm chứng. Họ bảo thiên chúa tức là thượng đế, thượng đế là chúa tể của trời, tức là chúa sáng tạo ra trời đất vạn vật. Như thế là trời khác, đế khác, còn cần gì phải đem chữ trời mà ghép với chữ “chúa” nữa. Sao họ không hiểu rằng lời lẽ của họ không ăn khớp gì cả [22, tr. 43].
Thứ hai, phê phán đạo Gia tô không lễ tổ tiên, cha mẹ và xem đó là vô lễ, không có gốc: “Thế mà, họ lại muốn người ta không được lễ tổ tiên, cha mẹ,
thánh hiền, thần kỳ, bảo rằng thiên chúa là gốc của nhân vật, thần thánh thì phải chuyên kính lễ thiên chúa. Như thế, họ lại càng sai lầm quá lắm” [22, tr. 46].
Thứ ba, phê phán tín đồ đạo Gia tô tự tiện tế Trời, trong khi chỉ có Thiên tử mới được tế Trời: “Huống chi trời là bậc chí tôn, không phải thiên tử thì
không được tế. Người thường khi có sự đau khổ vẫn thường kêu trời, cầu trời, đó cũng là kính trời đấy. Nhưng không dám vượt bậc mà tế trời. Bọn kia là hạng người nào mà dám tế càn” [22, tr. 47].
nói đến hiếu thuận cha mẹ, suy ra tức là không nói đến quan hệ vua tôi, do đó “đi đến chỗ xấu xa”. Từ thái độ phê phán kịch liệt trên đây, ảnh hưởng Minh Mệnh đến chính sách đối với Công giáo dưới thời Tự Đức ngày càng trở nên gay gắt hơn, góp phần tạo nguyên cớ, điều kiện cho sự xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam.
Trong khi đó các thừa sai cấu kết với thế lực tư bản thực dân bạo ngược một mặt bất chấp lệnh cấm của triều đình tiếp tục truyền đạo trái phép, mặt khác đã kêu gọi các nhà cầm quyền Pháp giúp đỡ. Nhân cơ hội đó, các hạm đội của Pháp ở Viễn Đông đã được chính quyền Pháp nhân đó huy động can thiệp quân sự dưới danh nghĩa tự do tôn giáo, bảo vệ công cuộc truyền giáo của các
thừa sai ở Việt Nam. Học giả Nguyễn Văn Kiệm trong cuốn sách “Sự du nhập của đạo Thiên Chúa vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX” đã cho rằng sự hợp tác giữa thừa sai và chính quyền Pháp đã từng bước tạo điều kiện cho
sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam:
Từ đó, luôn luôn thấy các chiến thuyền của Pháp tới Đà Nẵng, đòi can thiệp vào việc đạo, trước còn dùng lời lẽ ôn tồn, sau thì đe dọa và cuối cùng dùng đến đại bác và quân đội. Còn các giáo sỹ thừa sai Pháp ở Việt Nam luôn tìm cách liên lạc và phối hợp hành động với các chiến thuyền Pháp, kẻ tung, người hứng nhịp nhàng dẫn dắt đến cuộc can thiệp vũ trang của Pháp vào Việt Nam năm 1858 [50, tr. 151].
Có thể thấy điều này qua một số sự kiện lịch sử diễn ra sau thời Minh Mệnh. Chẳng hạn như, vào tháng 2 năm 1843, trước sự việc 5 giáo sỹ Pháp bị giam giữ, bao gồm Galy, Charrier, Miche, Berneur, Duclos thì Favin Léveque đã yêu cầu triều đình Nguyễn tha bổng với lời đe dọa gửi tới quan trấn giữ
cửa biển Đà Nẵng. Trường hợp giáo sỹ Lefebvre khi bị triều đình Nguyễn bắt giam vì lén lút truyền đạo, đều được hải quan Pháp can thiệp. Đặc biệt là vào năm 1847, do tưởng nhầm Lefebvre chưa được thả (trước đó đã bị triều đình Thiệu Trị trục xuất ra khỏi nước và dẫn độ về Singapo vào năm 1846) nên hạm đội Pháp cập cảng Đà Nẵng bắn pháo, phả hủy năm chiếc tàu đồng của triều đình.
Nhiều sử liệu ghi lại, dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức, cùng với việc ban hành các chỉ dụ cấm đạo của triều đình thì các thừa sai cũng ngày càng ráo riết thúc giục Pháp can thiệp trắng trợn vào Việt Nam để giúp đỡ những người theo đạo Công giáo ở Việt Nam. Do đó, dưới danh nghĩa cứu đạo, hải quân Pháp đã thực hiện nhiều hoạt động quân sự trong đó sự kiện tấn công vào cửa biển Đà Nẵng năm 1847, 1856, 1858 đã đánh dấu cho sự chuyển biến của tình hình chính trị - xã hội Việt Nam lúc bấy giờ theo hướng xấu đi.
Như vậy, ảnh hưởng chính sách cấm đạo Công giáo của vua Minh Mệnh đến vua Thiệu Trị, Tự Đức đã góp phần hình thành nên những tiền đề thuận lợi cho công cuộc mượn lý do tự do truyền đạo, xâm lược của Pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng chính sách cấm đạo của Minh Mệnh không phải là nguyên nhân trực tiếp bản chất dẫn tới cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam. Cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Việt Nam không phải đơn thuần khởi nguồn từ các xung đột mang màu sắc chính trị - văn hóa - tôn giáo giữa các nhà vua triều Nguyễn và các thừa sai Công giáo mà nó phản ánh nhu cầu tìm kiếm lợi ích thị trường - xu thế chung tất yếu của thời đại chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc lúc bấy giờ. Các nước Anh, Pháp đã từ rất sớm có ý đồ xâm chiếm nước Việt Nam
làm thuộc địa để mở rộng thị trường, phát triển nền kinh tế tư bản ở chính quốc, xung đột văn hóa tôn giáo chỉ là nguyên cớ Pháp sử dụng để xâm lược Việt Nam.
Nhãn quan Nho giáo của các vị vua Nguyễn đã hạn chế khiến không thể thấy rằng, về bản chất sự phát triển của các phương thức sản xuất tư bản kinh tế, hàng hóa tại khu vực châu Âu vào thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII đã dẫn tới cách mạng chế độ, sự suy yếu tan rã của chế độ phong kiến đồng thời kéo theo nhu cầu mở rộng thị trường hàng hóa và truyền giáo sang các nước phương Đông. Chính vì thế mà giai đoạn từ thế kỷ XVI - XVII, phong trào xâm chiếm thuộc địa đã được khởi sinh bởi các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Sang thế kỷ XVIII, phong trào thực dân được đánh dấu bởi sự nổi lên của đế quốc Anh, Pháp. Thế kỷ XIX cũng là giai đoạn đánh dấu sự chuyển biến từ tính chất hữu hảo, giao lưu thương mại, văn hóa, tôn giáo chuyển sang căng thẳng, đối đầu, xâm lược trong quan hệ Đông - Tây. Cho đến những năm 50 của thế kỷ XIX thì phần lớn các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á đều đã lần lượt bị xâm lược. Tình hình khu vực, thế giới trên đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia Đông Á còn lại, bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Thái Lan và Việt Nam về nguy cơ bị thôn tính đã tác động đến thái độ phản ứng của các vua triều Nguyễn theo hướng thủ thế, co cụm, đóng cửa.
Nguyễn Văn Kiệm đã đánh giá sự tấn công của quân Pháp tại Việt Nam về thực chất đã là một kịch bản được soạn thảo từ trước: “cuộc truyền giáo hay nói cách khác cuộc chinh phục phần hồn, cuộc xâm hại văn hóa tất yếu sẽ dẫn tới sự chống trả của chính quyền bản địa và đó là cái cớ mà các thừa sai Pháp tạo ra để cho cuộc xâm lược mang cái vẻ hợp lý của nó” [50, tr. 156].
Mặc dù vậy, cũng cần khẳng định rằng, trong động thái phê phán Công giáo của người Phương Tây từ góc độ văn hóa hay chính trị, thì các vua triều Nguyễn, khởi từ Minh Mệnh ảnh hưởng đến Thiệu Trị, Tự Đức cũng còn chứa đựng khía cạnh tự vệ, góp phần củng cố bản sắc văn hóa của dân tộc, thông qua việc biện luận trả lời, Chính đạo - Đạo làm người - cái “hồn cốt” của mình là gì và vì sao phải cấm đạo Công giáo. Ảnh hưởng của tư tưởng chính trị - xã hội của Minh Mệnh đến các vị vua kế tiếp được thể hiện rõ nét trong việc xác lập nên các nguyên tắc cơ bản, nền tảng của bảo vệ Chính đạo trên cơ sở quan niệm của ông về Đạo làm người. Sự đụng độ giữa Nho giáo và Công giáo xuất hiện từ thời Minh Mệnh và cho đến giai đoạn sau thời Thiệu Trị, Tự Đức thì nó đã trở thành một cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, tôn giáo kéo theo sự tham gia bảo vệ Chính đạo của đông đảo các nhà nho. Do đó, ở phần tiếp theo chúng tôi đi sâu chỉ ra ảnh hưởng của Minh Mệnh đến đời sau qua so sánh, hệ thống các khái niệm trong chuyển tải nội dung Chính đạo mà Minh Mệnh đặt nền, Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục khẳng định.