Nhận thức của Minh Mệnh về tác động của phương Tây đến chủ quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 94)

3.3 .Tư tưởng bảo vệ chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống

3.3.1. Nhận thức của Minh Mệnh về tác động của phương Tây đến chủ quyền

3.3.1. Nhận thức của Minh Mệnh về tác động của phương Tây đến chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống chủ quyền quốc gia và văn hóa truyền thống

Minh Mệnh biết đến thế giới Phương Tây trước hết thông qua những người trong dòng họ ông, đó là vua Gia Long và hoàng tử Cảnh. Căn cứ vào các tài liệu lịch sử cho biết thì Hoàng tử Cảnh được vua cha Gia Long cho theo Đức Giám Mục Bá Ða Lộc từ lúc ông mới 4 tuổi. Hoàng tử Cảnh do đó rất dễ tiếp thu văn hoá và ngôn ngữ tây phương. Tuy lịch sử không nói nhiều đến cuộc đời của Hoàng tử Cảnh, ngày nay chúng ta có thể suy luận được rằng Hoàng tử Cảnh là người tiếp cận văn hoá Tây phương rất sớm, thông thạo Pháp ngữ, Latin và có quan hệ rất tốt với Tây phương. Bên cạnh đó, một số người Pháp còn tham gia làm cố vấn trong triều đình của Gia Long..

Có chừng bốn trăm người Pháp làm việc cho Gia Long trong khoảng thời gian từ 1780 đến 1820. Tất cả họ đều có một tên Việt, phần lớn được tuyển thành những người giúp việc cho vua. Họ không nằm trong bọ máy hành chính quan liêu, không phải làm các công việc hành chính hoặc hành pháp. Công việc của họ là xây dựng tường thành xung quanh Huế và nhiều thành quách ở các tỉnh, lỵ. Olivier trực tiếp chỉ đạo các công trình xây dựng này, theo các đồ án của Theodor Le Brun và những phương pháp trứ danh của Vauban. Về sau, với sáng tạo của người Việt, cách xây thành kiểu

Các tài liệu lịch sử không cung cấp cho chúng ta biết nhiều về thái độ của hoàng tử Đảm (Minh Mệnh) đối với các cố vấn người Pháp. Do đó khó có thể kết luận Minh Mệnh có thiện cảm với phương Tây hay không? Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lại khẳng định lý do vua Gia Long truyền ngôi cho Minh Mệnh là do ông không có thiện cảm với phương Tây và sùng Nho giáo: “Quy định về việc thừa kế ngai vàng ở Việt Nam vốn không chặt chẽ. Cho đến 1816, dư luận chung vẫn cho rằng con trai của hoàng tử Cảnh (người con cả đã từng cùng với Giám mục Pigneau sang Pháp) là người thừa kế. Nhưng rồi Gia Long đã chọn hoàng tử Đảm, người con cả của thứ phi thứ nhất, là người nối ngôi, Hoàng tử Đảm, sinh năm 1791 (...) Gia Long chọn hoàng tử Đảm vì vị hoàng tử này có tính cách mạnh mẽ và không mặn mà với phương

Tây” [Dẫn theo 45, tr. 194]. Tuy nhiên, các bằng chứng chứng tỏ việc hoàng

tử Đảm “không mặn mà” tới phương Tây lại không được đưa ra một cách rõ ràng mà chủ yếu là sự phỏng đoán. Trong khi đó, luận điểm trên đây dễ dẫn đến một kết luận tương đối cực đoan là chính sách cấm đạo của Minh Mệnh có nguyên do từ thái độ thiếu thiện chí với phương Tây của Minh Mệnh.

Các ghi chép lịch sử về giai đoạn trị vì của Minh Mệnh có thể cung cấp cho chúng ta những bằng chứng xác đáng phản ánh thái độ và nhận thức của Minh Mệnh đối với phương Tây. Dựa vào các cứ liệu lịch sử thì các nước thuộc thế giới phương Tây mà Minh Mệnh tiếp xúc chủ yếu bao gồm các nước Anh, Pháp và Mỹ. Thông tin về các nước này được truyền đến Minh Mệnh thông qua các tấu trình của quan lại từ các lần đi sứ nước ngoài và từ các quan lại trong nước về các chuyến viếng thăm của đoàn nước ngoài. Thống kê sơ bộ về các chuyến viếng thăm đó như sau:

Với nước Anh: Vào năm 1822, Crawfurd là thống đốc Sigapore được toàn quyền Ấn Độ cử sang Việt Nam làm nhiệm vụ bang giao. Mục đích của người Anh là xin được buôn bán như các nước khác chứ không đòi đất lập phố xá hay kho hàng như thời Gia Long. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị Minh Mệnh từ chối.

Với nước Pháp: Năm Minh Mệnh thứ năm, nước Phú Lãng Sa (Pháp) cho người đưa quốc thư và phẩm vật tới xin thông hiếu. Nhà vua đã từ chối với lý do “Phú Lãng Sa và Anh Cát Lợi vốn đã thù hằn nhau. Năm trước đây Anh Cát Lợi tới đưa lễ vật xin được đặt giao thông, trẫm đã từ khước, không nhận thỉnh cầu đó. Không lẽ bây giờ ta lại chấp nhận cho Phú Lãng Sa thông hiếu hay sao?” [129, tr. 1755].

Năm 1821 khi Chaigneau trở lại Việt Nam với cương vị lãnh sự của nước Pháp và muốn ký kết một hiệp ước thương mại. Minh Mệnh đã từ chối lời đề nghị này.

Với nước Mỹ: Vào năm Minh Mệnh thứ ba, một người Anh Cát Lợi tên là Ca La Khoa Nặc tới cửa bể Đà Nẵng xin được mở cuộc thông thương. Nhà vua khước từ đề nghị này với lý do “hắn ta chỉ là người của một quan Tổng đốc phái qua, chứ không phải là do mệnh lệnh của một quốc vương” [129, tr. 1749].

Cuộc tiếp xúc Mỹ - Việt chính thức đầu tiên diễn ra vào năm Minh Mạng thứ 13. Phái bộ ngoại giao của Mỹ lúc ấy do ông Edmund Roberts cầm đầu với quốc thư của Tổng thống Jackson. Phái bộ đi tàu Peacock, đến đậu tại Vũng Lấm, vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên vào cuối năm 1832. Edmund Roberts gặp được Tuần Vũ tỉnh Phú Yên và trình bày ý muốn của nước Mỹ muốn giao hảo với nước Việt. Tuần Vũ tâu lên vua Minh Mạng và được nhà vua đồng ý đón tiếp.

Bốn năm sau (1836), Edmund Roberts lại được chính phủ Hoa Kỳ giao nhiệm vụ đi tàu Peacock trở lại Việt Nam để ký một hiệp ước thương mại Người trưởng tàu Peacock là đại úy Hải quân ẸP.Kennedy.

Việc quan hệ Việt - Mỹ lần thứ hai không thành vì trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh và phải rời Đà Nẵng gấp chứ không phải vì bất cứ một lý do nào về phía vua Minh Mạng. Nhà vua đã không biết được tin trưởng phái bộ Hoa Kỳ Edmund Roberts bệnh nặng và đã mất sau đó (ngày 12-6-1836).

Từ việc xem xét các cuộc tiếp xúc giữa Minh Mệnh và các nước phương Tây kể trên, có thể thấy Minh Mệnh không có ý định đặt quan hệ thương mại với quốc gia nào. Minh Mệnh thể hiện cùng một thái độ với các nước phương Tây, không có sự ưu đãi đặc biệt dành cho bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, mối quan tâm của nhà vua dành cho phương Tây chủ yếu ở lĩnh vực kỹ thuật quân sự như hiện đại hóa quân đội, làm tàu bè, súng kiểu châu Âu. Một mặt nhà vua tiếp nhận kỹ thuật của phương Tây để củng cố binh lực mặt khác hạn chế sự xâm nhập của người phương Tây đến Đại Nam. Đặc biệt Minh Mệnh còn đề ra lệnh “thuyền của Tây dương chỉ được vào đỗ ở bến Đà Nẵng, không được đến buôn bán ở các cửa biển khác” [119, tr. 799].

Chẳng hạn như vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu đóng theo mẫu thuyền này.

Đến năm 1838, vua đã nhận xét ưu điểm của tàu máy hơi nước: “Kiểu thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thật là tinh

xảo…” nên đã “…sức cho Vũ khố nghiên cứu theo đúng cách thức thuyền máy mua của Tây dương trước đây để tâu lên xin làm” [78, tr.374].

Sau khi thí nghiệm lần đầu vào tháng 2 - 1839 thất bại vì nồi hơi nước bị vỡ, tháng 4 thí nghiệm thành công ở cầu sông Bến Ngự. Tháng 10 năm đó

chiếc thứ 2 ra đời, chi phí hết 11.000 quan.

Bên cạnh đó, Minh Mệnh còn quan tâm đến các phát minh khác của người phương Tây như đàn dương cầm, tàu hơi nước, súng, địa bàn, ngôn ngữ...Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, nhà vua từng cấp cho thủy sư địa bàn, đồng hồ cát, thước đo nước của phương Tây để hỗ trợ thủy quân

Dựa vào ý tứ trong bài thơ “Chiến thuyền bọc đồng” của Minh Mệnh có thể hiểu được nguyên do cho chính sách trên đây của ông. Bài thơ đã cho thấy sự hiểu biết cặn kẽ của nhà vua về phương Tây:

Người xưa có nói: Việc binh có thể trăm năm không dùng đến, nhưng không thể một ngày không phòng bị. (…) Sau khi thiên hạ đã bình định, lâu ngày thuyền mục nát. Minh Mạnh năm đầu, ta liền xuống chiếu cho công bộ theo cách thức khởi công, hiện nay, có vài chục chiến thuyền lớn nhỏ, thân thuyền làm bằng gỗ lim, ngoài bọc đồng, cột buồm cao ngất trời, cánh buồm rộng như mây che, hai bên đặt súng lớn, có khẩu nặng đến vài nghìn cân. Đó tức như câu người ta đã nói: “Bắn một phát thì kinh động đến trăm dặm và phá thủng thành đá”. Người Tây dương từ trước đến nay cậy có phương tiện này bắt nạt mọi rợ. Còn như bản triều, thì chỉ giữ hiểm để tự vệ mà thôi, không khi nào bắt chước kẻ kia đi lấn át nước láng giềng [128, tr. 10].

Rõ ràng là Minh Mệnh nhận thức được sức mạnh kỹ thuật của phương Tây và âm mưu chính trị của họ. Theo ông, người Phương tây lợi dụng ưu thế về khoa

học kỹ thuật cụ thể là súng ống để uy hiếp tới các nước khác. Còn đối với Đại Nam, Minh Mệnh muốn chứng tỏ vị thế của một nước lớn qua việc không lợi dụng kĩ thuật để lấn át nước láng giềng. Do đó, trong thời gian trị vì đất nước, Minh Mệnh thường xuyên tổ chức lại quân đội, trang bị vũ khí hiện đại hơn so với trước đó.

Có thể khẳng định rằng Minh Mệnh không hoàn toàn thờ ơ với phương Tây mà ông có một chủ đích rõ ràng trong mối quan hệ với phương Tây. Ông hạn chế giao thương với phương Tây nhưng lại mua vũ khí, tàu thuyền với mục đích học hỏi kỹ thuật của họ. Như vậy, rõ ràng Minh Mệnh nhận thức được sức mạnh của phương Tây ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật và có thái độ tiếp thu, học hỏi cái tiến bộ. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện sự quan tâm đến mối quan hệ giữa các nước phương Tây với các nước láng giềng của Đại Nam. Điều đó phản ánh thái độ phòng ngự của ông trước nguy cơ xâm lược của các nước phương Tây. Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta hãy xem xét việc ông quan tâm tới các quan hệ chính trị đó như thế nào?

Chiến tranh Nha phiến nổ ra tại Trung Quốc đã cho thấy sự can thiệp ngày càng sâu của nước Anh tới nước này và làm rúng động toàn cõi Đông Á. Minh Mệnh nhận thấy mối nguy hiểm từ chủ nghĩa đế quốc phương Tây và có ý định điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình. Chính vì thế mà đầu năm 1840, ông đã gửi nhiều đoàn đi Penang, Calcutta, Batavia, Paris và London. Giáo sỹ Pháp F. Régerau viết: "ngày 28-2-1840, một thuyền của vua Annam thả neo ở Penang. Chiếc tàu này đi Calcutta để xem người Anh chuẩn bị chiến tranh như thế nào. Một chiếc tàu cũng của vua Minh Mệnh đi Batavia để xem người Hà Lan có động binh không. Bởi vì căn cứ theo nhiều báo cáo nhận được, vua Minh Mệnh không

thể ngủ yên giấc. Một chiếc tàu đi London và Pháp" [62, tr. 107 – 108]. Tuy nhiên các nỗ lực trên đây chưa có kết quả thì nhà vua đã qua đời vào năm 1841.

Tóm lại, cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX. sự xuất hiện của làn sóng phương Tây thực dân đi kèm với sự truyền bá Công giáo đã tạo nên một thực trạng đảo lộn trong nhận thức về lối sống văn hóa của người Việt. Trong lịch sử văn hóa Việt Nam trước đó chưa từng diễn ra sự đối chọi, mâu thuẫn gay gắt giữa các tôn giáo về hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức văn hóa. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo dù được du nhập từ bên ngoài vào nhưng đã tích hợp, dung hòa với các giá trị văn hóa bản địa truyền thống của người Việt. Trong khi đó, thời kỳ này Công giáo trong quá trình truyền bá ở Việt Nam đã gây ra sự va chạm, kỳ thị, biệt lập, không hội nhập được với tín ngưỡng văn hóa bản địa, hình thành nên thế đối lập giữa hai lối sống tách biệt, giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo. Mặt khác, xã hội Đại Nam nhất thống vốn được xây dựng dựa trên chuẩn mực đạo đức Nho giáo với ba mối quan hệ xã hội chính: vua - tôi; chồng - vợ và cha mẹ - con cái đã bị tác động mạnh. Vì thế, trước nguy cơ trật tự xã hội cùng giá trị văn hóa truyền thống bị uy hiếp phá vỡ bởi ảnh hưởng của Công giáo và văn hóa phương Tây, Minh Mệnh đã nghiêng theo phản ứng thực hiện biện pháp cấm đạo Công giáo ngày một gay gắt.

3.3.3.Tư tưởng cấm đoán Công giáo

Trước khi Công giáo xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, cuộc sống của người dân theo các tôn giáo tín ngưỡng khác nhau đều không có sự khác biệt đáng kể về nếp sống, phong tục. Dù họ là người theo đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho thì vẫn cùng chia sẻ một hệ thống chuẩn mực đạo đức. Trong quan niệm đạo đức của người Việt thì hai giá trị đạo đức cơ bản là Hiếu và Trung. Tuy

nhiên, Công giáo ngày càng thâm nhập sâu vào trong đời sống xã hội Việt Nan, đã kéo theo những biến đổi mạnh mẽ về lễ nghi, pháp luật, phong tục, chuẩn mực đạo đức xã hội. Vô hình trung, trong đời sống xã hội đã dần có sự phân hóa thành hai nếp sống: một của những người theo Công giáo và một của những người không theo Công giáo gây xáo trộn.

Sự khác biệt giữa hai nếp sống này đã được Nguyễn Quang Hưng trình

bày chi tiết trong công trình Công giáo Việt Nam thời kỳ triều Nguyễn (1802 – 1883), NXB Tôn giáo, Hà Nội xuất bản năm 2007. Theo tác giả, người Việt

truyền thống chịu ảnh hưởng của văn hóa Á Đông, dung thông Nho, Phật Đạo. Còn người Việt Công giáo chịu ảnh hưởng của Kitô giáo và văn hóa phương Tây. Vì thế trong quan hệ xã hội, người Việt truyền thống đề cao trung quân, vua là trên hết. Trong quan hệ vợ chồng thì thiên về gia trưởng, đa thê, ưu tiên nam trong thờ cúng tổ tiên và thừa kế tài sản. Trong quan hệ bố mẹ con cái thì con phải hiếu thảo, coi trọng thờ cúng tổ tiên. Trong khi đó, với người Việt Công giáo thì niềm tin vào Đức Giê su Ki tô là trên hết. Quan hệ vợ chồng bình đẳng hơn, con cái thảo kính bố mẹ nhưng không thờ cúng tổ tiên.

Như vậy, sự xuất hiện của số đông tín đồ Công giáo trên đất Việt đã ít nhiều tạo nên khoảng cách khác biệt về văn hóa, phong tục, nghi lễ, nếp sống giữa người Công giáo và người ngoài Công giáo. Những người theo Công giáo vì thế bị trở nên xa lạ trong sinh hoạt cộng đồng khi họ không thắp hương, thờ cúng ông bà tổ tiên mà lại cầu nguyện trước Đức chúa từ phương Tây xa lạ. Trong khi đó với đại bộ phận người Việt ngoài Công giáo, họ cảm thấy bị lối sống của mình bị “đe dọa” trước các nghi thức, quy định mới lạ của người Công giáo.

Mặt khác, sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với văn hóa truyền thống người Việt của các giáo sĩ phương Tây càng làm cho triều đình trung ương thiên về đáp trả xem Công giáo là một mối đe dọa. Chẳng hạn như, thái độ tôn kính giáo lý, lễ nghi Nho giáo của người Việt dưới nhãn quan của của giáo sỹ Công giáo bị xem là một dạng thức mê tín dị đoan: “Thế mà người Đàng Ngoài, sang hay hèn, đều có lòng tôn kính Khổng Tử rất mực và thờ kính như một Thượng đế (...) Thật là một dị đoan điên dại thông dụng nơi lương dân. Nhưng giáo dân tân tòng chỉ nhận có đức Giêsu Kitô là nguyên lý tối cao và là ánh sáng soi tất cả” [63, tr. 74].

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) tư tưởng chính trị xã hội của minh mệnh và ảnh hưởng của nó đối với chế độ phong kiến việt nam dưới triều nguyễn (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)