Chƣơng 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.2. Sự chỉ đạo của Đảng
2.2.1. Về quan hệ chính trị
Trước những diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng(1991), Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương đã cụ thể hóa và phát triển đường lối và chính sách đối ngoại với các nước láng giềng, Việt Nam đã chủ động, tích cực mở rộng hoạt động đối ngoại và thu được những kết quả rất quan trọng, đã khôi phục quan hệ bình thường với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; tăng cường và củng cố quan hệ đặc biệt với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; tham gia kí kết, đấu tranh cho việc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp
định Pari về Campuchia và thiết lập quan hệ với Vương quốc Campuchia.
Tình hình thế giới, Campuchia và thực tiễn đổi mới sinh động của Việt Nam đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam những nhiệm vụ và bước đi mới trong việc chỉ đạo mối quan hệ về chính trị của Việt Nam với Campuchia.
Cùng với các nước có liên quan, Việt Nam đã thi hành nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định Pari về Campuchia, góp phần tích cực vào tiến trình hòa bình ở Campuchia. Việt Nam ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia và Nhà nước Campuchia đấu tranh thi hành Hiệp định Pari. Kể từ năm 1993, ở Campuchia đã có sự thay đổi lớn trong hệ thống chính trị, trở thành nước quân chủ lập hiến và thực hiện chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Mặc dù có sự khác biệt chính trị
nhưng lãnh đạo hai nước Việt Nam và Campuchia vẫn khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia, do đó quan hệ của Việt Nam với Campuchia bắt đầu được khôi phục và củng cố.
Hai bên tiếp tục duy trì mối quan hệ truyền thống, trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương và giao lưu, đối ngoại nhân dân. Qua các chuyến thăm, lãnh đạo cấp cao hai nước cùng khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và coi đây là nhân tố quan trọng đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị láng giềng tốt với Campuchia, Việt Nam mong muốn Campuchia hòa bình, ổn định để cùng nhau phát triển; hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng Nhân dân và Nhà nước Vương quốc Campuchia làm cho Campuchia hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết, hòa hợp dân tộc và có quan hệ tốt với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng.
Quan hệ về chính trị giữa hai nước được nối lại qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao. Trong năm 1993, Việt Nam đã có nhiều cuộc tiếp xúc ở các cấp, đặc biệt là cuộc tiếp xúc của Phó Thủ tướng Phan Văn Khải với các chính giới Mỹ ở Oasinhtơn, cuộc gặp của Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ở Mỹ và Singapo. Trong các cuộc gặp, lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện lập trường, quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, xóa đi sự nghi kỵ, thiếu lòng tin của các nước vào thiện chí của Việt Nam về vấn đề Campuchia.
Về phía Campuchia, liên tục có các cuộc thăm Việt Nam: tháng 8-1993, có hai Đồng Thủ tướng Ranarít và Hun Xen sang thăm hữu nghị Việt Nam; tháng 3-1994, có Chủ tịch Quốc hội Xăm - đéc Chia Xim; tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Xăm - đéc Chia Xim tháng 3-1994, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười cho rằng: “Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển quan hệ láng giềng thân thiện và hợp tác nhiều mặt giữa Campuchia và Việt Nam, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định,
hữu nghị, phát triển và hợp tác trong khu vực và trên thế giới” [189], cũng như chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Quốc vương Campuchia Nôrôđôm Xihanúc ngày 14-12-1995 có ý nghĩa sâu sắc nhất trong quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết,
láng giềng tốt đẹp và lâu đời giữa hai nước. Trên nền tảng truyền thống hữu nghị
hợp tác mà các vị lãnh đạo tiền bối đã xây đắp, chuyến thăm của Quốc vương khẳng định quan hệ giữa hai nước ngày càng đơm hoa kết trái.
Tháng 1-1995, Thủ tướng thứ nhất Ranarít; tháng 12-1995, có Quốc vương N. Xihanúc thăm Việt Nam; tháng 6-1998, Thủ tướng thứ nhất Ung Huốt, tháng 12- 1998, Thủ tướng Xăm - đéc Hun Xen thăm chính thức Việt Nam. Tiếp các nhà lãnh đạo Campuchia ngày 8-8-1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh “Chúc nhân dân Campuchia tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới trong công cuộc xây dựng một đất nước Campuchia hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết, phồn vinh và có quan hệ hữu nghị với các nước” [63], cũng như trang diễn văn đăng trên báo Nhân Dân ngày 15-12-1995, có đoạn: “Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho sự giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt với Campuchia” [72] và khẳng định: “Với những tình cảm láng giềng sâu đậm, trước sau như một, Việt Nam luôn luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho sự giữ gìn và vun đắp mối quan hệ láng giềng tốt với Campuchia” [72] đồng thời tin tưởng rằng: “Mối quan hệ Việt Nam - Campuchia trên cơ sở những nguyên tắc đã được hai Nhà nước thỏa thuận, sẽ ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định hợp tác và
phồn vinh của toàn khu vực”[72].
Trong Hội nghị cấp cao lần thứ 7 các nước có sử dụng tiếng Pháp tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Thủ tướng Phan Văn Khải đều nêu rõ: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là không can thiệp vào nội bộ của Campuchia, các vấn đề nội bộ của Campuchia phải do người Campuchia tự quyết; Việt Nam khẳng định
tiếp tục ủng hộ Campuchia sớm gia nhập ASEAN”[64].
Những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Campuchia đến thăm Việt Nam thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam với Campuchia là phù hợp, được bạn coi trọng và cũng thể hiện mong muốn của Campuchia nối lại quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam.
Về phía Việt Nam, các chuyến thăm Campuchia của các vị lãnh đạo cũng ngày càng dày đặc, Tháng 10-1993, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Campuchia Trần Huy Chương và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Vương quốc Campuchia Hoàng thân Nôrôđôm Xiriút đã gặp gỡ và khẳng định, hai bên đều “mong muốn nhân dân Campuchia xây dựng thành công Vương quốc Campuchia hòa bình, độc lập, thống nhất, trung lập, không liên kết và phồn vinh, có quan hệ sâu sắc với tất cả các nước” [52].
Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Vương quốc Campuchia tháng 2 - 1994, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm bày tỏ Việt Nam mong muốn: Campuchia sớm ổn định để xây dựng một nước Campuchia hòa bình, độc lập, trung lập không liên kết, hữu nghị với tất cả các nước, trước hết là đối với các nước láng giềng”, và khẳng định “quyết tâm của Việt Nam xây dựng và không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trên cơ sở các nguyên tắc đã nêu trong Thông cáo chung tháng 1-1992 và tháng 8-1993. Bên cạnh các cuộc viếng thăm, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã kí kết một số văn bản hợp tác, góp phần củng cố, phát triển quan hệ của Việt Nam với Campuchia trên các lĩnh vực; tháng 2-1994 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã kí Hiệp định Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật Việt Nam - Campuchia; tháng 4-1994, cuộc thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau khi Campuchia thông qua Hiến pháp mới, trở lại chế độ quân chủ lập hiến và thành lập Chính phủ Hoàng gia (9-1993), hai bên Thông cáo chung và kí kết 4 hiệp định quan trọng; tháng 8-1995, có chuyến thăm của Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến đất nước Campuchia.
Kể từ năm 1993, quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia chuyển sang giai đoạn mới, hai nước đã thỏa thuận: Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực, không cho phép bất kỳ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của nước này để chống phá nước kia, giải quyết mọi vấn đề bằng thương lượng hòa bình, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Việt Nam không chỉ coi trọng quan hệ với Campuchia về mặt Nhà nước mà còn tăng cường quan hệ về Đảng. Chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu sau 10 năm Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia, trong bối cảnh quốc tế và khu vực vừa trải qua một thời kỳ biến động dữ dội và phức tạp; tình hình Campuchia cũng có những biến đổi quan trọng mở ra khả năng ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp khó lường. Các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia đánh giá cao chuyến thăm của Tổng Bí thư, coi đó là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ của Việt Nam và Campuchia. Chuyến thăm đánh dấu quan hệ Việt Nam - Campuchia bước sang một trang sử mới; thể hiện đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam ưu tiên với các nước láng giềng, Campuchia vừa là nước láng giềng, vừa là nước trong khu vực, vốn là nước có quan hệ truyền thống cùng trên chiến hào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hai bên ra Tuyên bố chung nhất trí xác định phương châm chỉ đạo quan hệ hai nước trong giai đoạn mới: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”[32], khẳng định quyết tâm củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác nhất là trên lĩnh vực kinh tế; hoan nghênh sự hợp tác có hiệu quả giữa các bộ ngành và các địa phương có chung biên giới; hoan nghênh các nỗ lực của hai Chính phủ sớm giải quyết vấn đề biên giới thông qua thương lượng hòa bình, nhằm xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia thành đường biên giới hòa bình hữu nghị lâu dài. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ sự biết ơn đối với Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc về sự quan tâm đùm bọc và đối xử bình đẳng đối với Việt kiều giống như những ngoại kiều khác ở Campuchia và khẳng định: quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu nhiều lần khẳng định: đường lối đối ngoại trước sau như một của Việt Nam là luôn luôn tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia trên thế giới. Hai nước Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, bởi vậy Việt Nam càng mong muốn nhân dân hai nước có cuộc sống hòa bình, ổn định để phát triển.
Từ tháng 6-1995, Việt Nam đã cử nhiều đoàn cấp cao sang thăm Campuchia, Đảng Cộng sản Việt Nam đã công khai quan hệ với Đảng Nhân dân Campuchia và chính thức lập quan hệ với FUNCIPEC. Đảng Nhân dân Campuchia đã cử đoàn cấp cao do Chủ tịch Chia Xim dẫn đầu sang dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), FUNCIPEC và Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi đoàn sang dự Đại hội của hai bên. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Campuchia tiếp tục được duy trì theo phương thức mới thông qua các cuộc gặp cấp cao (không công khai). Cả hai Đảng đều có nhu cầu duy trì, củng cố và phát triển mối quan hệ truyền thống làm nền tảng cho quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Tiếp kiến Quyền Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Chia Xim tại Campuchia, Đại sứ Việt Nam Trần Huy Chương đã nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là tôn trọng độc lập chủ quyền của Campuchia và không can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia” [169], đồng thời nêu quyết tâm “Việt Nam sẽ làm hết sức mình trong việc tăng cường tình hữu nghị truyền thống và sự giúp đỡ nhiều mặt giữa Chính phủ và nhân dân hai nước” [169].
Chủ trương đó cũng được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nông Đức Mạnh tuyên bố: “Việt Nam, coi trọng quan hệ với nước láng giềng Campuchia tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của nhau, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển” [160].
Tình hình Campuchia đã đi vào ổn định kể từ sau năm 1993, là nước láng giềng, Việt Nam đã làm hết sức mình để giúp đỡ Campuchia ổn định, hòa bình và gia nhập ASEAN, sau khi Campuchia có đầy đủ điều kiện để trở thành thành viên chính thức, ngày 30-4-1999, lễ kết nạp Campuchia vào ASEAN đã được Tổ chức long trọng tại Hà Nội. Sau khi Việt Nam tích cực giúp đỡ Campuchia gia nhập ASEAN, quan hệ giữa hai nước được tăng cường đáng kể, có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhất là về chính trị.
Đảng coi trọng kết hợp đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước với ngoại giao nhân dân trong quan hệ với Campuchia. Kế thừa thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được, Đảng tăng cường chỉ đạo thực hiện phát triển đối ngoại nhân dân với
phương châm chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Công tác đối ngoại nhân dân được chỉ đạo chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, chú trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, rà soát lại các văn bản có liên quan để kịp thời bổ xung, điều chỉnh hoặc sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.
Việt Nam và Campuchia đã tham gia hàng loạt các thể chế hợp tác khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC… có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng quan hệ của hai nước. Mối quan hệ của Việt nam với Campuchia cũng chịu sự ràng buộc lợi ích của quan hệ khu vực và liên khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa. Do đó, quan hệ của Việt Nam với Campuchia đã và đang chịu tác động sâu sắc bởi hàng loạt các nhân tố chính trị, kinh tế và quan hệ quốc tế, hai bên đã giúp đỡ nhau để tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức trong quan hệ quốc tế.
2.2.2. Về an ninh - quốc phòng
An ninh - quốc phòng giữa Việt Nam và Campuchia còn tồn tại không ít vấn đề do lịch sử để lại như: phân định biển và Vịnh Thái Lan, về biên giới lãnh thổ, về người Việt Nam ở Campuchia, về vấn đề Khmer Krom, về vấn đề tội phạm, về an ninh phi truyền thống… Đây là những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá Đảng Nhân dân Campuchia và phá hoại quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. Campuchia là một quốc gia theo chế độ đa đảng, tình hình chính trị trong nước hết sức phức tạp các thế lực chính trị luôn đấu tranh để giành vai trò lãnh đạo xã hội, đồng thời lại có sự can thiệp của Trung Quốc, Mỹ nên quan hệ Việt Nam - Campuchia trong thời gian từ năm 1993 đến năm 2000 gặp nhiều thử thách, khó khăn, nhưng cơ bản vẫn được duy trì và củng cố, vì Việt Nam vẫn là chỗ dựa đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng của Campuchia với Việt Nam.
Vấn đề biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia vô cùng phức tạp do lịch sử để lại, đòi hỏi hai bên phải rất thận trọng trong quá trình giải quyết.
Phân định biển Việt Nam - Campuchia là một quá trình khó khăn và lâu dài do nhiều nguyên nhân: hai bên có lập trường rất khác biệt về đường biên giới biển; việc phân định biên giới giữa Việt Nam và Campuchia phụ thuộc rất nhiều vào tình hình chính trị nội bộ của Campuchia và tình hình quan hệ giữa hai nước; phía
Campuchia muốn hoàn tất công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ với Việt Nam, sau đó mới tính đến việc giải quyết biên giới biển.
Các đảng phái chính trị đối lập ở Campuchia luôn lợi dụng vấn đề nhạy cảm về