Xây dựng mô hình các đơn vị cơ sở đạt chuẩn công nghiệp hóa,

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 118 - 125)

3.2. Đảng bộ thành phố Hải Phòng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển

3.2.3. Xây dựng mô hình các đơn vị cơ sở đạt chuẩn công nghiệp hóa,

hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Trong quá trình chỉ đạo kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ thành phố Hải Phòng luôn chú trọng gắn CNH, HĐH nông nghiệp với CNH, HĐH nông thôn. Vấn đề nông nghiệp được đặt trong tổng thể của vấn đề nông thôn, trong đó Đảng bộ tập trung chỉ đạo: đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cải biến cơ cấu kinh tế nông thôn, gắn chặt việc thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn với đô thị hóa nông thôn và xây dựng phát triển quản lý đô thị Hải Phòng; coi trọng xây dựng mô hình các đơn vị cơ sở đạt

chuẩn CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn tạo thuận lợi cho khu vực nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện về kinh tế nông nghiệp, thủy sản; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn.

Sau 5 năm thực hiện (2001- 2005), thành tựu nổi bật về đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp thành phố Hải Phòng là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đạt hiệu quả khá cao. Trong nông nghiệp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ: năm 2001 giá trị trồng trọt- chăn nuôi- dịch là: 68,84- 29,06%- 2,1%, năm 2005 cơ cấu này là 63,9%- 34,4%- 2,57%. Trong nông thôn, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp: năm 2005 so với năm 2001, GDP nhóm ngành nông- lâm- thủy sản giảm từ 17,2% xuống còn 12%; số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tham gia vào địa bàn nông thôn tăng từ 161 lên 278 doanh nghiệp (đạt 72,7%); giá trị sản xuất công nghiệp tăng 1,4 lần (chiếm tỷ trọng 41,67% công nghiệp toàn thành phố), trung bình mỗi năm tạo thêm việc làm 15.200 lao động khu vực nông thôn [139]. Đánh giá chung về những thành tựu đạt được, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII khẳng định: “nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển khá toàn diện, đẩy nhanh hơn quá trình CNH, HĐH, hoàn thành vượt mức hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu Đại hội đề ra; xuất hiện một số mô hình, cách làm mới có hiệu quả” [136, tr. 4].

Tuy nhiên, tăng trưởng sản xuất ngành nông- lâm- thủy sản đạt tốc độ trung bình, chất lượng tăng trưởng chưa ổn định (những năm 2001- 2005 giá trị sản xuất tăng bình quân 6,11%/năm, GDP tăng 4,6%/năm); chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp chủ yếu giữa chăn nuôi và trồng trọt, dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp (chiếm 2%). Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề ở nông thôn phát triển chậm, nhỏ lẻ chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Đồng thời, chưa tạo được mối liên hệ vững chắc giữa người sản xuất với cơ sở chế biến, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 Thành ủy (khóa XII), ngày 20- 12- 2006 Thành ủy có Công văn số 381- CV/TU về tiếp tục đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Hải Phòng (2001- 2010); bổ

khuyết nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trọng tâm là giải pháp xây dựng mô hình các đơn vị cơ sở đạt chuẩn CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đến năm 2010. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, ngày 30- 10- 2006 UBND thành phố ra Quyết định số 2354- QĐ/UBND về việc Ban hành tiêu chí “CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006- 2010” đối với các xã, thị trấn, các huyện trên địa bàn thành phố, cụ thể là:

Tiêu chí xã đạt xã CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn: Có quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế phù hợp điều kiện của xã; tốc độ tăng GDP bình quân từ 12% đến 22%; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đạt tỷ lệ 85%- 95% khâu làm đất, 100% đập tách hạt, 80%- 90% vận chuyển, đạt từ 75% đến 85% chuồng trại gia súc, gia cầm thiết kế theo quy trình chăn nuôi công nghiệp và trên 50% có hầm Biôga. Ngoài ra, còn có các tiêu chí về xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; đời sống vật chất văn hóa tinh thần; về trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị…

Tiêu chí đối với thị trấn đạt thị trấn CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn:Tốc độ tăng GDP bình quân 22%- 25%/năm; tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, xây dựng đạt 90% - 95%; tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 5%- 10%; thu nhập bình quân 650- 700 USD/người/năm…

Tiêu chí đối với huyện đạt huyện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn: thị trấn của huyện phải đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH; có trên 50% số xã trong huyện đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH [168].

Năm 2008, Chương trình hành động số 23- Ctr/TU của Ban thường vụ Thành ủy tiếp tục nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “phấn đấu đến năm 2010 có ít nhất 45% xã, 75% thị trấn và có từ 2 đến 3 huyện đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí của thành phố” [141].

Triển khai quan điểm chỉ đạo này, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp Cục thống kê cùng các ngành chức năng hướng dẫn chi tiết thực hiện tiêu chí CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đối với các xã, huyện của thành phố. Thành phố thành lập Hội đồng xét duyệt công nhận các địa phương đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH trong những năm 2006- 2010. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp

Cục Thống kê tổ chức kiểm tra, chấm điểm, bình xét các xã, huyện đạt tiêu chí để báo cáo Hội đồng xét duyệt. Theo sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch cụ thể: Phân bổ chỉ tiêu phấn đấu số lượng các xã, thị trấn, các huyện đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH trong những năm 2006- 2010 là 3 huyện: Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo; 7 thị trấn: Núi Đèo huyện Thủy Nguyên, An Dương huyện An Dương, An Lão huyện An Lão, Núi Đối huyện Kiến Thụy, Minh Đức huyện Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo huyện Vĩnh Bảo và thị trấn Cát Bà huyện Cát Bà; 86 xã. Chọn thí điểm địa phương xây dựng mô hình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gồm huyện: Thủy Nguyên, An Dương và Vĩnh Bảo; thị trấn Vĩnh Bảo huyện Vĩnh Bảo và thị trấn An Dương huyện An Dương; 17 xã. Lập dự án xây dựng mô hình đạt tiêu chuẩn CNH, HĐH theo hướng thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; khả năng ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất; khả năng hỗ trợ nông dân; lập kế hoạch cho từng ngành và vốn đầu tư. Ngoài ra, Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự trù kinh phí lập dự án, nêu cách thức tổ chức và tiến độ triển khai thực hiện.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp của thành phố trong những năm 2006- 2010 đạt kết quả quan trọng: Giá trị nông- lâm- thủy sản từ năm 2001 đến năm 2010 liên tục tăng, năm 2010 đạt 3.881,3 tỷ đồng (giá cố định năm 1994); tốc độ tăng bình quân từ năm 2001 đến năm 2005 là 6,11%/năm, trong những năm 2006- 2010 là 5,34%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp những năm 2001- 2005 đạt 3,97%/năm, những năm 2006- 2010 đạt 4,55%/năm; sản xuất thủy sản trong những năm 2001- 2005 đạt 16,5%/năm, những năm 2006- 2010 đạt 7,93%/năm [170].

Đến năm 2010, Hải Phòng chưa có xã, thị trấn và huyện nào đạt tiêu chí CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tuy nhiên bộ mặt nông thôn Hải Phòng có nhiều thay đổi: Đô thị hóa ở nông thôn được đẩy nhanh, các thị trấn, thị tứ và các cụm dân cư mới ở trung tâm các xã được hình thành; hình thành trung tâm thương mại và siêu thị tại các huyện Thủy Nguyên và Vĩnh Bảo; mạng lưới chợ nông thôn với 86 chợ các loại, tổng diện tích 192.000m2

(bằng 60% tổng diện tích chợ toàn thành phố); 100% thị trấn có chợ, 71/143 xã có chợ

(đạt 49,6%). Trên địa bàn các huyện có 1.113 doanh nghiệp được đăng ký hoạt động thương mại dịch vụ; 4 doanh nghiệp ký hợp đồng theo hình thức nuôi gia công, bao tiêu sản phẩm với 248 trang trại chăn nuôi; 1 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tôm thẻ chân trắng nuôi vụ Đông. Nông thôn Hải Phòng hình thành một số cụm, khu công nghiệp như: cụm công nghiệp Tân Liên huyện Vĩnh Bảo, cụm công nghiệp tàu thủy xã An Hồng và khu công nghiệp Tràng Duệ huyện An Dương. Thành phố có 37 làng nghề tại 30 xã, phường, thị trấn với 14 nghề khác nhau, thu hút 15.000 hộ và 100 cơ sở sản xuất. Một số làng nghề tiêu biểu như: làng nghề thêu ren của 3 xã, huyện Vĩnh Bảo; làng nghề sản xuất chiếu cói Lật Dương, huyện Tiên Lãng; mây tre đan xuất khẩu, dệt thảm, may công nghiệp, huyện Vĩnh Bảo, An Dương, Tiên Lãng; làng nghề đồ gỗ Kha Lâm- Kiến An; làng nghề cơ khí Mỹ Đồng, Thủy Nguyên…

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch đúng hướng:

Trong nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi tăng từ 29,06% (năm 2001) lên 43,39% (năm 2010) trong khi giá trị sản xuất trồng trọt giảm từ 86,84% (năm 2001) xuống 54,16% (năm 2010). Sản xuất chăn nuôi chuyển mạnh sang phương thức chăn nuôi tập trung quy mô trang trại và gia trại. Số trang trại chăn nuôi tăng từ 29 trang trại (năm 2001) lên 776 trang trại (năm 2010) . Năm 2001, tỷ trọng nuôi trồng thủy sản thành phố chiếm 47,57%, năm 2010 tăng lên 58,25%. Diện tích nuôi thâm canh năm 2010 đạt 1.270,2 ha (năm 2001 có 18 ha), nuôi bán thâm canh là 5.395,2ha [170]. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2006, tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp- xây dựng: 32,12%, nhóm ngành nông- lâm- thủy sản: 39,14% và dịch vụ nông thôn: 28,74%. Năm 2010, tỷ trọng này tương ứng là 35,23% - 34,45%- 30,32% [170].

Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp Hải Phòng những năm 2001- 2010 góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn: năm 2006, GDP bình quân đầu người đạt 484,4 USD (tăng 1,54 lần so với năm 2001); năm 2010 đạt 798 USD (tăng 1,36 lần so với năm 2006) [143]. Số người dân tham gia bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 47,48% năm 2006 lên 66,67%

năm 2010. Số lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề là 34,3% (năm 2010) tăng 16,06% so với năm 2006. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2010 là 9,17% (giảm 2,34% so với năm 2006)” [143] .

Tiểu kết chƣơng 3

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương, bám sát thực tiễn của địa phương thông qua kết quả điều tra, khảo sát, báo cáo tổng kết của các cấp, các ngành nông nghiệp, Đảng bộ thành phố Hải Phòng xây dựng được những Nghị quyết về kinh tế nông nghiệp sát hợp, hiệu quả.

Từ kinh nghiệm lãnh đạo kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH (1996 - 2000), bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, với quyết tâm đẩy nhanh CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp, Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương về kinh tế nông nghiệp nhằm khai thác tối đa nguồn lực của địa phương. Gắn phát triển kinh tế nông nghiệp trong tổng thể tiềm năng, lợi thế của thành phố, từng bước xác định rõ bước đi của nông nghiệp phù hợp với tình hình mới là bước phát triển vượt bậc trong nhận thức, tư duy của Đảng bộ. Điển hình là sự thay đổi từ chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng “sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị và xuất khẩu” [129, tr. 34] tiến tới xây dựng nền nông nghiệp đô thị sinh thái đến chủ trương “phải gắn phát triển kinh tế nông nghiệp trong một cơ cấu kinh tế hợp lý của thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ, bảo đảm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố” [136, tr. 99].

Giai đoạn 1996- 2000, Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo giải quyết một số vấn đề trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp. Giai đoạn 2001- 2010, Đảng bộ tập trung đẩy nhanh CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp. Nội dung, quan điểm, mục tiêu của CNH, HĐH kinh tế nông nghiệp được xác định rõ, trong đó, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới nền sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả, bền vững được cọi là nội dung quan trọng.

Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, Đảng bộ luôn rà soát các Nghị quyết đã ban hành, soi chiếu vào thực tiễn đánh giá kết quả đạt được, bổ sung, điều chỉnh kịp thời những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc và những phát sinh. Do vậy, chủ trương và chỉ đạo kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ

những năm 2001- 2010 có sự liên kết chặt chẽ, kịp thời, luôn đảm bảo tính thực tiễn, kế thừa và phát triển.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ, UBND thành phố và các sở, ban ngành, chính quyền các cấp triển khai khẩn trương các chính sách phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả. UBND thành phố thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bộ, Thành ủy Hải Phòng bằng các quy định, kế hoạch hướng dẫn và các chương trình hành động cụ thể; rà soát, hoàn chỉnh công tác quy hoạch ngành, quy hoạch vùng theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp. Trong đó, thành phố đã xây dựng 7 chương trình, 6 đề án, 30 dự án đầu tư lớn cho nông nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Đây là cơ sở cho kinh tế nông nghiệp Hải Phòng được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng bộ thành phố đã đề ra.

Hiệu quả lãnh đạo kinh tế nông nghiệp của Đảng bộ thành phố Hải Phòng những năm này được khẳng định bằng những thành quả quan trọng: “Giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản năm 2005 đạt 2.473,5 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), năm 2010 đạt 3.877,8 tỷ đồng (tăng 1,58 lần so với năm 2005). Tốc độ tăng bình quân những năm 2001- 2005 là 6,4%/năm, những năm 2006- 2010 là 5,32%/năm" [142]. Trung bình từ năm 2001 đến năm 2010 đạt 5.85%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XII (1-2001) đề ra (chỉ tiêu Nghị quyết đề ra là 4,5- 5%/năm) và cao hơn tốc độ tăng bình quân thời kỳ 1996- 2000 là 0,35%. Thế mạnh của kinh tế nông nghiệp Hải Phòng trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH không phải trồng lúa, sản xuất lương thực mà là thủy sản, cây ăn quả, rau và chăn nuôi.

Với những kết quả đạt được, kinh tế nông nghiệp Hải Phòng đang từng bước phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan đô thị, đảm bảo cho sự phát triển sinh thái bền vững.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đảng bộ thành phố hải phòng lãnh đạo kinh tế nông nghiệp từ năm 1996 đến năm 2010 (Trang 118 - 125)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(186 trang)