7. Kết cấu của luận án
3.3. Mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của
3.3.1. Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và dân chủ
3.3.1.1. Độc lập dân tộc là điều kiện tiền đề của dân chủ
Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao hàm các quyền của dân tộc phải được bảo đảm và tôn trọng, độc lập dân tộc gắn liền với tự do, ấm
no, hạnh phúc của nhân dân. Từ nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nền độc lập dân tộc Việt Nam không còn, do thực dân Pháp xâm lược và đặt ách thống trị. Xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến, Hồ Chí Minh đã thấy rõ mâu thuẫn chủ yếu, nổi bật, cấp bách cần giải quyết là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc, thực dân xâm lược và tay sai phản động. Người xác định, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là: dân tộc – giành lại độc lập dân tộc và dân chủ - mang lại dân chủ cho nhân dân, song, nhiệm vụ dân tộc phải được giải quyết trước. Quan điểm này của Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Hợp nhất các tổ chức cộng sản vào đầu năm 1930. Những mục tiêu và nhiệm vụ được nêu trong Cương lĩnh cho thấy thực chất cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc bao hàm cả nội dung dân chủ. Nhiệm vụ chủ yếu của cuộc cách mạng này là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và các hạng tay sai của chúng nhằm giành độc lập cho dân tộc; gắn liền với nhiệm vụ chống đế quốc giành độc lập dân tộc là nhiệm vụ chống phong kiến giành lại quyền dân chủ cho nhân dân, trong đó ruộng đất cho dân cày là mục tiêu dân chủ hàng đầu, quan trọng nhất.
Năm 1941, Hồ Chí Minh trở về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng (tháng 5 năm 1941) và đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. Chính quan điểm đúng đắn này đã đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; song, do thực dân Pháp quyết xâm lược đất Việt Nam một lần nữa, tiếp đó là đế quốc Mỹ thay thế Pháp xâm lược Việt Nam, chúng âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa của chúng, vì vậy, nền độc lập của dân tộc chưa hoàn toàn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam kéo dài 30 năm (1945-1975), trước hết nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, giành lại thống nhất và độc lập hoàn toàn” [66, tr.41].
Tóm lại, ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mâu thuẫn dân tộc nổi lên hàng đầu, cần phải giải quyết trước tiên. Do đó, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp của cách mạng. Quan điểm đó được thể hiện ở mấy nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, độc lập dân tộc là trên hết, trước hết của cách mạng dân tộc dân
chủ nhân dân, là điều kiện, tiền đề để đi đến dân chủ; độc lập dân tộc phải là nền độc lập thật sự, hoàn toàn. Nhấn mạnh vấn đề dân tộc, tập trung lực lượng toàn dân giải phóng dân tộc nhưng không coi nhẹ vấn đề giai cấp, quyết tâm xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột và mang lại tự do, dân chủ cho nhân dân. Quan điểm trên là sự khác biệt cơ bản giữa Hồ Chí Minh và Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) về cách mạng ở thuộc địa trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp. Về vấn đề nay, trong suốt những năm từ 1930 đến 1939 nhận thức của những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương là giống với Quốc tế Cộng sản, chưa thấy hết được tầm quan trọng hàng đầu của vấn đề dân tộc ở một nước thuộc địa.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam thời kỳ 1930-1945 đã chứng minh quan điểm trên của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh một nước thuộc địa. Sau năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì đồng thời vấn đề dân chủ cũng được giải quyết. Đối với miền Nam, sau năm 1975 tình hình này cũng diễn ra như vậy. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng, ở Việt Nam, trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, khi vấn đề dân tộc được giải quyết thì vấn đề dân chủ cũng hoàn thành.
Thứ hai, tập trung lực lượng dân tộc chống đế quốc, giành lại độc lập dân
tộc, song, lực lượng lãnh đạo là giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của giai cấp mình là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Tuy nhiên, khi cách mạng thành công thì thiết lập nền dân chủ cộng hòa với nội dung cốt lõi nhân dân là chủ và làm chủ xã hội. Đây là sự khác biệt giữa con đường cách mạng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng của các nhà yêu nước tiền bối trong nước. Có thể khẳng định, Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là nhân tố quyết định nhất đảm bảo thắng lợi của cách mạng Việt Nam một cách triệt để. Độc lập dân tộc là nội dung cốt lõi nhất của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Như vậy, trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, muốn có được dân chủ thì trước tiên phải giành được độc lập dân tộc, hay nói cách khác, độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề để đi đến dân chủ, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, thực hiện quyền là chủ và làm chủ của nhân dân.
3.3.1.2. Dân chủ được đảm bảo và mở rộng sẽ củng cố độc lập dân tộc thêm vững chắc, hoàn toàn
Hồ Chí Minh xác định cách mạng Việt Nam là cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là làm cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Người cho rằng, khi cách mạng giải phóng dân tộc hoàn thành thì nhiệm vụ tiếp theo phải thực hiện ngay là xây dựng nền dân chủ mới (dân chủ nhân dân). Nền dân chủ mới với nội dung nhân dân là những người là chủ và làm chủ. Mọi quyền lực trong Nhà nước và trong xã hội đêu thuộc về nhân dân. Việc thực hiện xây dựng nền dân chủ nhân dân sẽ củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, chế độ và con đường phát triển đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đó cũng là con đường củng cố độc lập dân tộc thực sự vững chắc, hoàn toàn.
Nội dung dân chủ trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh được thể hiện trước tiên trong giai đoạn thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bên cạnh khẳng định nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, Người cũng không quên nội dung dân chủ mà cách mạng nước ta phải thực hiện đó là mang lại quyền làm chủ về tư liệu sản xuất cho người nông dân. Việc xác định nội dung dân chủ cho giai đoạn cách mạng này rất quan trọng, nó cổ vũ, động viên nhân dân tham gia cách mạng. Vì vậy, ngay từ rất sớm khi hoạch định đường lối cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định, những nội dung cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đó là giải phóng dân tộc và nền dân chủ của nhân dân.
Trong Chương trình Việt Minh (1941), Hồ Chí Minh đã xác định: Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đề ra chính sách xây dựng chế độ dân chủ mới một cách toàn diện như: Về chính trị, thực hiện phổ thông đầu phiếu, nêu lên quyền tuyển cử và ứng cử, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; Về kinh tế, bỏ thuế thân và các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, mở mang kỹ nghệ, giúp đỡ thủ công
nghiệp làm cho nền kinh tế phát triển.v.v; Về giáo dục, hủy bỏ nền giáo dục nô lệ, lập nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục đến bậc cơ bản; mở các trường chuyên môn về quân sự, chính trị, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài, giúp đỡ, khuyến khích trí thức phát triển tài năng; Về xã hội, thi hành luật lao động ngày làm tám giờ, giúp đỡ cho gia đình đông con, lập nhà hát, điện ảnh, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trí dục cho nhân dân… Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II năm 1951, trong Báo cáo chính trị, Người lại nêu: Kiên quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới [147, tr.76] và đề ra các chính sách cụ thể trên các mặt: đẩy mạnh thi đua ái quốc; củng cố phát triển các đoàn thể; thi hành chính sách ruộng đất (giảm tô, giảm tức) ở vùng tự do; bảo vệ phát triển nền tảng kinh tế ta đấu tranh kinh tế với địch.
Sau khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ở miền Bắc, chế độ dân chủ nhân dân được hoàn thiện, bước vào giai đoạn cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Vậy là, trong điều kiện đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, Việt Nam thực hiện hai chiến lược cách mạng khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ, bổ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đến khi thống nhất đất nước thì cả nước bước vào kỷ nguyên mới, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và cùng quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Những thành quả đạt được trong quá trình tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã tạo ra động lực cho nhân dân Việt Nam hăng hái cách mạng, tăng cường thêm sự đoàn kết trong dân tộc và góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc.
Theo Hồ Chí Minh, trong một Nhà nước dân chủ thì quyền là chủ và làm chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, Hiến pháp năm 1946 quy định rõ điều đó. Khi xác định nước là của dân, tất cả quyền lực trong Nhà nước là của nhân dân, Hồ Chí Minh cũng xác định luôn vai trò và trách nhiệm của nhân dân đối với đất nước. Người cho rằng, đã là người làm chủ thì phải biết lo toan, gánh vác, không trông chờ, ỷ lại. Người dân phải xác định được bổn phận và trách nhiệm của mình với đất nước với dân tộc, khi đó dân sẽ biết mình phải làm gì để xây dựng đất nước. Cũng vì xác định được mối quan hệ gắn bó máu thịt như vậy giữa dân với
nước, Người yêu cầu phải mở rộng dân chủ, phát huy dân chủ, phải làm cho xã hội ta là một xã hội thực sự dân chủ: “Nhà nước ta phát huy dân chủ đến cao độ đó là do tính chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên” [71, tr.376], thực hành dân chủ rộng rãi là cơ sở để nhân dân có nhiều sáng kiến và hăng hái, tạo ra động lực cho sự phát triển đất nước: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau” [64, tr.284].
Như vậy, dân chủ trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh luôn gắn liền với vị trí, vai trò, bổn phận và trách nhiệm của nhân dân đối với đất nước, với dân tộc. Thực hành dân chủ cũng chính là con đường đảm bảo cho độc lập dân tộc được vững chắc, hoàn toàn.