Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 91 - 95)

7. Kết cấu của luận án

3.3. Mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của

3.3.2. Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân

3.3.2.1. Độc lập dân tộc là cơ sở mang lại hạnh phúc cho nhân dân

Trong bối cảnh đất nước hoàn toàn nằm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đã có rất nhiều nhà yêu nước tiền bối tìm tòi, lựa chọn các con đường khác nhau để giải phóng dân tộc, tuy nhiên, Hồ Chí Minh không tán thành những con đường đó. Vì vậy, ngày 5 tháng 6 năm 1911, Người rời Tổ quốc đi tìm con đường cứu nước mới để giải phóng dân tộc.

Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, thấu hiểu nỗi đau mất nước không chỉ của riêng nhân dân Việt Nam mà của cả nhân dân nhiều dân tộc bị nô lệ dưới gót giầy thực dân, đế quốc trên khắp thế giới. Hồ Chí Minh nhận ra rằng, các dân tộc bị áp bức, bóc lột, có thể đoàn kết lại với nhau để tự giải phóng cho mình. Mỗi dân tộc phải tự đứng lên giành lấy độc lập tự do cho mình, tư tưởng này tiếp tục được khẳng định khi Người đọc được Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của V.I.Lênin. Người quyết tâm thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng tháng Mười – con đường cách mạng vô sản.

Độc lập dân tộc là mục tiêu cốt tử mà các dân tộc bị áp bức hướng tới, nhưng cảm nhận một cách thấu đáo, sâu sắc thì không phải ai cũng thấy hết được. Hồ Chí Minh đã lựa chọn con đường cách mạng Việt Nam với nội dung cốt lõi độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tức là thực hiện cuộc đấu tranh theo con đường

cách mạng vô sản, sau khi giành được độc lập dân tộc thì phải đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Độc lập, tự do là khát vọng của con người, là khát vọng của mọi dân tộc trên thế giới. Độc lập dân tộc là mục tiêu của mọi cuộc đấu tranh để thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm, có độc lập, tự do, hòa bình, đất nước mới có điều kiện để xây dựng và phát triển, mạng lại đời sống tươi vui, hạnh phúc cho đồng bào. Độc lập dân tộc phải thực sự, hoàn toàn, gắn liền với quyền tự quyết dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng, thứ độc lập, tư do hình thức không mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân, không giải phóng nhân dân khỏi tủi nhục thì độc lập ấy không có ý nghĩa gì. Điều đó có nghĩa là, độc lập cho dân tộc phải luôn đi liền với tự do, ấm no, hạnh phúc.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc theo đúng nghĩa của nó thì mới có điều kiện để làm cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn. Nhân dân không thể có hạnh phúc khi chưa có độc lập dân tộc và tách rời độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh rằng, khi đất nước mất độc lập, nhân dân sẽ bị áp bức, cực khổ, lầm than. Vì vậy, khi đã đấu tranh giành được độc lập dân tộc rồi vấn đề lựa chọn phương hướng phát triển cho dân tộc là vấn đề cốt tử đặt ra, và đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam, đó là con đường củng cố nền độc lập dân tộc, là con đường mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân, và đó cũng là cơ sở để đất nước có độc lập trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và cả trong quan hệ quốc tế. Độc lập dân tộc là điều kiện căn bản và tiên quyết để nhân dân có hạnh phúc, còn hạnh phúc của nhân dân với sức mạnh của những thành quả có được dưới chế độ mới là con đường củng cố độc lập dân tộc bền vững.

Con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường cách mạng phát triển liên tục từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Theo Hồ Chí Minh, chỉ có con đường cách mạng vô sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, mới có thể đem lại tự do, hạnh phúc thực sự cho mọi người, cho tất cả các dân tộc. Và cũng chỉ có con đường cách mạng vô sản mới có thể xóa bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột và giải phóng hoàn toàn, triệt để đối với giai cấp công nhân

và nhân dân lao động của tất cả các dân tộc trên thế giới ra khỏi bất công, bất bình đẳng, tiến tới tự do, dân chủ, công bằng cho con người. Như vậy, dưới góc độ giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc mới là giai đoạn mở đầu, mới giải phóng về mặt chính trị, tự bản thân nó chưa phải là một công cuộc giải phóng hoàn toàn, nói cách khác độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề đi tới cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Lôgíc trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là, độc lập dân tộc tất yếu phải đi liền với hạnh phúc của nhân dân. Đó là mục đích hướng tới của Người khi lựa chọn con đường cho cách mạng Việt Nam. Như vậy, độc lập dân tộc không là mục tiêu cuối cùng mà là cơ sở để nhân dân có hạnh phúc.

Tóm lại, độc lập dân tộc không phải là điều mới mẻ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới. Nhưng độc lập dân tộc trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh lại hoàn toàn mới, vì đó là một kiểu độc lập dân tộc được nâng lên một trình độ mới, một chất mới. Người không chấp nhận độc lập dân tộc theo con đường phong kiến, tư sản, hay độc lập giả hiệu, bánh vẽ. Người chọn kiểu độc lập dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, đó là kiểu độc lập dân tộc làm cơ sở, tiền đề và phải đi tới hạnh phúc, tự do cho nhân dân.

3.3.2.2. Hạnh phúc của nhân dân là giá trị và cũng là điều kiện củng cố độc lập dân tộc

Theo Hồ Chí Minh, nước có độc lập rồi thì nhân dân phải được hưởng hạnh phúc, tự do, vì hạnh phúc, tự do là thước đo giá trị và cũng là con đường củng cố độc lập dân tộc. Muốn nhân dân có hạnh phúc, tự do thì độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh, chỉ có trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình, chăm lo cho con người và con người có điều kiện phát triển toàn diện. Khi Hồ Chí Minh xác định giành độc lập theo con đường cách mạng vô sản tức là đã khẳng định con đường độc lập dân tộc đi tới dân chủ và hạnh phúc.

Độc lập dân tộc gắn liền với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân là cống hiến quý giá nhất của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam. Đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, xuyên suốt đường lối và thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, xã hội mới mà nhân dân Việt Nam xây dựng là làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc; là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu; là một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, ai làm ít thì hưởng ít, không làm không hưởng.

Hạnh phúc của nhân dân theo Hồ Chí Minh là người dân phải được hưởng đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần do xã hội mới mà nhân dân Việt Nam xây dựng đem lại. Đời sống vật chất là trên cơ sở một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Người dân từ chỗ có ăn, có mặc, có chỗ ở đến chỗ ăn ngon, mặc đẹp, đời sống sung túc. Người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm.

Nếu chỉ có tăng trưởng kinh tế, thu nhập cao “ăn ngon, mặc đẹp” thì chưa đủ mà còn phải không ngừng nâng cao và thỏa mãn đời sống tinh thần của nhân dân. Trong điều kiện Việt Nam, nhiều khi đời sống tinh thần, văn hóa phải đi trước để soi đường, lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Trả lời câu hỏi của phóng viên báo L’Humanité về nhân tố nào biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến, Hồ Chí Minh trả lời: “Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển văn hóa. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức. Nền văn hóa nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ” [72, tr.190-191]. Từ rất sớm, ngay khi còn phải tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là giành độc lập dân tộc, Hồ Chí Minh đã nhìn thấu ý nghĩa và sức mạnh của văn hóa, của đời sống tinh thần. Người cho rằng, con người cần phải có đời sống văn hóa tinh thần vì đó là lẽ sinh tồn và mục đích cuộc sống chúng ta.

Mục đích trong xây dựng xã hội mới của nhân dân Việt Nam là hướng tới giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột đem lại cho con người hạnh phúc, tự do. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống. Văn hóa không dừng lại ở trình độ học vấn, mà đó là “chất người”, “trình độ người” trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội, con người với thiên nhiên. Văn hóa là lối sống, là quyền con người, là cái chân,

thiện, mỹ giữa người với người. Hồ Chí Minh rất chú trọng phát triển sức sản xuất, chú trọng chế độ sở hữu coi đó là những nhân tố quyết định nhằm đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng điều đặc biệt mang sắc thái Hồ Chí Minh, đó là Người khẳng định mọi sự phát triển của xã hội đều hướng đến phục vụ cho con người, vì con người. Phải chống lại những gì phản văn hóa và đạo đức. Hồ Chí Minh chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu là trái với đạo đức cách mạng, là trở lực trên con đường xây dựng và phát triển xã hội. Vì vậy, thắng lợi của sự nghiệp xây dựng xã hội mới không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu.

Có thể khẳng định, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện và khẳng định giá trị của hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là thước đo trình độ phát triển của xã hội mà còn tạo nên sức mạnh để bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và tự bảo vệ. Độc lập dân tộc gắn liền với hạnh phúc của nhân dân thì mới có một nền độc lập thật sự, hoàn toàn; hạnh phúc của nhân dân chỉ có thể xây dựng và phát triển hoàn thiện trên một một nền độc lập dân tộc thật sự, hoàn toàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)