Mối quan hệ giữa dân chủ và hạnh phúc của nhân dân

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 95 - 99)

7. Kết cấu của luận án

3.3. Mối quan hệ biện chứng giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của

3.3.3. Mối quan hệ giữa dân chủ và hạnh phúc của nhân dân

3.3.3.1. Dân chủ là cơ sở khơi dậy mọi nguồn lực mang lại hạnh phúc cho nhân dân

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là vấn đề chính quyền và vấn đề cơ bản của một chính quyền là ở chỗ nó thuộc về ai và phục vụ ai. Đối với cách mạng Việt Nam, Người cho rằng, khi cách mạng thành công thì phải chuyển giao chính quyền cho nhân dân, phải xây dựng một nhà nước dân chủ, đảm bảo mọi lợi ích đều vì dân. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương đều do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [65, tr.232]. Như vậy, Hồ Chí Minh đã chỉ ra con đường phát triển, hướng tiến lên của cách mạng Việt Nam sau khi giành độc lập dân tộc thì phải mang lại dân chủ và hạnh phúc cho nhân dân.

Trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ là điều kiện cơ bản nhằm khơi dậy mọi nguồn lực để phát triển xã hội, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của nhân dân chỉ có được khi chúng ta phát huy cao độ nội lực của

dân tộc, mà dân chủ là một trong những nhân tố cơ bản. Chính khát vọng dân tộc, dân chủ và hạnh phúc đã tạo nên sức mạnh kiên cường của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi thì những người đó càng hăng hái và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều” [64, tr.284]. Như thế, thực hành dân chủ đưa lại tác dụng giải phóng tiềm năng sáng tạo của nhân dân và trở thành động lực trong quá trình phát triển của xã hội, nhờ đó mà những nhu cầu về đời sống của nhân dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, nếu trong cán bộ và nhân dân “ít sáng kiến, ít hăng hái là vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: cách lãnh đạo của chúng ta không được dân chủ” [64, tr.283]. Bởi vậy, cần “Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Tuyệt đối không được lên mặt “quan cách mạng” ra lệnh ra oai” [72, tr.67].

Theo Hồ Chí Minh, sẽ không có sáng tạo, không phát huy được nội lực, không phát huy được tài năng và sáng tạo, không phát huy được sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần trong mỗi người dân và trong cộng đồng xã hội, các thành phần kinh tế nếu như không có dân chủ. Con người là mục tiêu và là động lực của sự phát triển của xã hội, nhưng để con người phát huy được vai trò của mình thì cần phải khơi dậy động lực chính trị và tinh thần ở mỗi con người, mà động lực cơ bản nhất chính là dân chủ, con người làm chủ chính bản thân mình, cuộc sống của mình.

Như vậy, thực hành dân chủ, một mặt, khẳng định hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân; mặt khác tạo ra điều kiện khắc phục những hạn chế của sự vi phạm dân chủ, phát huy sáng tạo cá nhân và tập trung được trí tuệ của toàn dân. Đây chính là tiền đề quan trọng đưa đến sự phát triển của xã hội, nhất là sự phát triển về dân chủ trong xã hội.

Quan điểm và sự chỉ đạo thực tiễn trên đây cho thấy, Hồ Chí Minh không chỉ phát huy tác dụng của thực hành dân chủ mà còn đưa nó trở thành một giá trị được thực hiện một cách rộng rãi trong toàn xã hội nhằm phát huy trí tuệ, nguồn lực của nhân dân để đạt tới mục tiêu ai cũng được hưởng quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Vì vậy, Người luôn nhấn mạnh tới vấn đề phát triển và thực hành dân chủ

trong xây dựng chế độ dân chủ mới, xây dựng nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân, xây dựng Đảng cũng như các tổ chức quần chúng trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân… Phải thực hành dân chủ, phải làm cho nhân dân hiểu rõ, làm cho nhân dân hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Nhân dân tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, trình độ phát triển của một nền dân chủ được thể hiện ở mức độ tham gia và khả năng làm chủ của nhân dân đối với các hoạt động của xã hội ấy. Và như thế, các mục đích của dân chủ được chính nhân dân thực hiện một cách rộng rãi và liên tục, điều này sẽ tạo ra các nấc thang cho sự phát triển trong xã hội. Do đó, với dân chủ, nhân dân có thể thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào vì sự nghiệp giải phóng cho chính bản thân mình và vì hạnh phúc của bản thân mình.

Hồ Chí Minh cũng chỉ ra yếu tố triệt tiêu dân chủ, kẻ thù của cách mạng, của nhân dân và đặt vấn đề ngăn ngừa, kiên quyết chống lại đó là tệ quan liêu, chuyên quyền, tham ô, tham nhũng, lãng phí, đặc quyền đặc lợi. Đó là thứ giặc nguy hiểm, làm hư hỏng cán bộ, phá vỡ kỷ cương, có thể làm rỗng nát chế độ dân chủ từ bên trong, triệt tiêu sáng kiến sự hăng hái của nhân dân. Người đã xếp tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là “giặc nội xâm”, là “bạn đồng minh” của thực dân, phong kiến. Do vậy, chống tham ô, lẵng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ. Dân chủ là dựa vào lực lượng của dân, đi đúng đường lối nhân dân. Cho nên, chống tham ô, lãng phí, quan liêu phải dựa vào nhân dân mới thành công. Phải động viên quần chúng nhân dân, phải thực hành dân chủ, từ trên xuống dưới phải ra sức chống, đồng tâm hiệp lực thì sẽ có một chính quyền trong sạch, vững mạnh, nền dân chủ mới phát triển, quyền làm chủ của nhân dân mới hiện hữu và cuộc sống của nhân dân mới ngày càng ấm no, hạnh phúc.

3.3.3.2. Hạnh phúc của nhân dân là điều kiện đảm bảo mở rộng và phát huy dân chủ

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, dân chủ và thực hành dân chủ là một trong những điều kiện để mang lại hạnh phúc của nhân dân. Dân chủ và hạnh phúc của nhân dân không tách rời nhau, gắn bó mật thiết với nhau và tác động qua lại lẫn nhau. Một xã hội không thể coi là tiến bộ, văn minh khi mà trong xã hội đó người

dân bị khinh rẻ, bị chà đạp, bị đọa đày, bị bần cùng, tha hóa. Một xã hội mà mọi quyền tự do, dân chủ bị bóp nghẹt thì ở đó người dân không thể có hạnh phúc. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu cần phải có một bản Hiến pháp dân chủ “Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu” [63, tr.7], Hiến Pháp 1946, 1959 đã thể hiện rõ tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh với nội dung quan trọng khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội. Lôgíc trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là, khi nhân dân làm chủ xã hội cũng có nghĩa là mọi sự phát triển, tiến bộ xã hội ấy luôn gắn chặt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và khả năng làm chủ của nhân dân đối với xã hội. Điều đó có nghĩa, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, thúc đẩy nhau phát triển.

Theo Hồ Chí Minh, khi nhân dân có hạnh phúc cũng có nghĩa là nhân dân thỏa mãn nhu cầu về đời sống, trong đó có đời sống vật chất. Đời sống vật chất là yếu tố quyết định đến sự phát triển xã hội nói chung và mở rộng dân chủ nói riêng. Người nói: Chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được xóa bỏ dần, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện. Do đó, nhân dân ta có đủ điều kiện thật sự tham gia quản lý nhà nước. Và “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự” [68, tr.3]. Khi nhân dân chưa được đảm bảo về cơm ăn, áo mặc và học hành thì không thể nói tới dân chủ và thực hành dân chủ. Chỉ có dân chủ thực sự khi đời sống nhân dân được đảm bảo về mọi mặt. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân là điều kiện hàng đầu để thực hành và phát triển dân chủ trên thực tế. Điều đó lý giải tại sao trong mọi điều kiện, Hồ Chí Minh luôn luôn kêu gọi nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chỉ rõ: “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội” [67, tr.349].

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, khi nhân dân có hạnh phúc cũng có nghĩa là trình độ văn hóa của nhân dân được nâng cao. Chính văn hóa sẽ giúp cho

con người tác động thúc đẩy xã hội phát triển trong đó có dân chủ. Người chỉ rõ vai trò định hướng, dẫn đường của văn hóa đối với xã hội “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa sửa xã hội cũ, xây dựng xã hội mới”. Đối với Hồ Chí Minh, trình

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)