Thời kỳ từ 1945-1954

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 111 - 112)

7. Kết cấu của luận án

3.4.3. Thời kỳ từ 1945-1954

Sau khi giành được độc lập dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân sau thành công của Cách mạng Tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền độc lập dân tộc và chính quyền cách mạng, thực hiện các chính sách nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Trong những năm đầu, ưu tiên của Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân là giải quyết vấn đề hạnh phúc của nhân dân, kế đến là dân chủ, còn vấn đề dân tộc được Hồ Chí Minh sếp sau cùng. Điều này được thể hiện qua việc Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là: “Chính phủ cố

gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc” [63, tr.491].

Quan điểm trên còn được thể hiện qua việc xác định nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay theo thứ tự ưu tiên: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Sở dĩ, Hồ Chí Minh xác định như vậy là do đặc điểm, tình hình Việt Nam lúc bấy giờ, dù đã giành được độc lập, nhưng nạn đói mới đang đe dọa đến cuộc sống của nhân dân, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn và thiếu thốn. Vì vậy, giải quyết cái ăn, mặc, ở, đi lại, học hành cho nhân dân là vấn đề cấp bách cần đặt ra và giải quyết. Kế

đến là nội dung dân chủ, được xác định là xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, khẳng định nhân dân làm chủ xã hội.

Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, thì vấn đề độc lập dân tộc lại được Hồ Chí Minh xác định là vấn đề ưu tiên phải giải quyết. Lúc này, nội dung độc lập dân tộc gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược – giải phóng dân tộc. Khẳng định, nhân dân Việt Nam thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Quan điểm trên của Hồ Chí Minh đã được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng, điều này thể hiện qua đường lối giải quyết vấn đề độc lập dân tộc, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân của Đảng tại Đại hội lần thứ II (tháng 2 năm 1951). Tại Đại hội này Đảng nhấn mạnh phải hoàn thành giải phóng dân tộc, thực hiện và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Đại hội xác định động lực để giải quyết vấn đề dân tộc, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân là nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đường lối phát triển xã hội của Đảng trong giai đoạn này đã kết hợp khá hài hòa giữa bồi dưỡng sức dân và huy động sức dân. Chính sự vận dụng đó, đã đưa đến thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai của nhân dân Việt Nam.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vấn đề độc lập dân tộc đã được giải quyết một bước. Hòa bình được lập lại ở miền Bắc, đó là điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề dân chủ, dù chưa hoàn toàn diễn ra trong phạm vi cả nước. Những vấn đề cấp bách nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân được Hồ Chí Minh và Đảng quan tâm giải quyết như lao động và việc làm, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt của nhân dân, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, v.v.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với dân chủ và hạnh phúc của nhân dân trong tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh (Trang 111 - 112)