1.3.3 .Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục làm sáng tỏ
2.2. Mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và hội nhập quốc tế
2.2.2. Đổi mới chính trị có tính độc lập tương đối và tác động trở lại hộ
nhập quốc tế
Mặc dù, hội nhập quốc tế quy định và tác động đến đổi mới chính trị, song điều đó không có nghĩa chính trị chỉ là một nhân tố thụ động. Như C.Mác từng khẳng định chính trị có thể tự vạch đường đi cho mình, vì vậy đổi mới chính trị cũng có tính độc lập tương đối và tác động trở lại hội nhập quốc tế. Hội nhập quốc tế là một chiến lược, một nhiệm vụ đối ngoại nằm trong đường lối đổi mới nói chung và được dẫn dắt bởi những quan điểm, tư tưởng của đổi mới chính trị, do đó, có thể nói những quan điểm, chủ trương trong hội nhập quốc tế suy cho cùng đều xuất phát từ những quan điểm, tư tưởng đổi mới chính trị. Mặt khác, thực tế lịch sử cho thấy, một quốc gia tham gia hội nhập quốc tế có thể do nguyên nhân bên trong hoặc bên ngoài. Nguyên nhân bên ngoài là do tác động của các xu thế phát triển kinh tế và sự dịch chuyển quan hệ đối ngoại quốc tế buộc quốc gia đó phải hội nhập để phát triển kinh tế và duy trì được ngoại giao hoà bình. Nguyên nhân bên trong là sự tác động qua lại của các điều kiện kinh tế - xã hội khi đã phát triển đến mức cần phải hội nhập và có thể hội nhập; mà các điều kiện kinh tế - xã hội đó có được là nhờ quá trình đổi mới, mà trọng tâm là đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị. Tức là nguyên nhân sâu xa bên trong dẫn tới sự hội nhập quốc tế là do thực hiện đổi mới chính trị. Nếu như nguyên nhân bên ngoài quyết định các hình thức hội nhập quốc tế (song phương hay đa phương) thì nguyên
nhân bên trong lại quyết định tính chất của hội nhập quốc tế (thụ động hay chủ động), từ đó quyết định kết quả của hội nhập quốc tế (nhanh hay chậm, thành công hay thất bại). Như vậy, tiến trình hội nhập quốc tế của một quốc gia diễn ra nhanh hay chậm, thành công hay thất bại phụ thuộc vào việc quốc gia đó thể hiện tư duy tiếp nhận hội nhập hay chủ động hội nhập. Điều này cho thấy, đổi mới chính trị chính là nhân tố chủ quan bên trong tác động đến tiến trình hội nhập quốc tế theo hai hướng kìm hãm hoặc thúc đẩy.
Đối với Việt Nam, nhờ xây dựng đường lối chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đã thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế.
Như vậy, mối quan hệ giữa đổi mới chính trị và hội nhập quốc tế là mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, vừa thống nhất vừa mâu thuẫn, vừa tác động vừa bổ trợ cho nhau, nhân tố này là tiền đề, là điều kiện để nhân tố kia phát triển và ngược lại. Trong đó, hội nhập quốc tế là nhân tố khách quan bên ngoài quy định, tác động đến đổi mới chính trị với cả thời cơ và thách thức. Còn đổi mới chính trị là nhân tố chủ quan bên trong quyết định sự thành bại của hội nhập quốc tế theo hướng thúc đẩy hoặc kìm hãm.
Thực tiễn hơn 30 năm đổi mới cho thấy, thực hiện đường lối đổi mới chính trị và mở cửa, hội nhập quốc tế của Đảng là hết sức đúng đắn, đã tạo cho đất nước ta thế và lực mới. Thế mới và lực mới ấy chính là tổng hoà của những thành tựu hết sức to lớn, là sự kết hợp quan trọng của hai quá trình đổi mới chính trị và hội nhập quốc tế. Đổi mới chính trị và hội nhập quốc tế là hai nhiệm vụ chiến lược thực hiện mục tiêu chung phát triển đất nước, là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết thúc đẩy lẫn nhau, là hai yếu tố tạo động lực phát
triển đất nước. Trong đó, đổi mới chính trị là quá trình tự gạt bỏ và tháo dỡ những cản trở, tổ chức lại các hoạt động chính trị, giải phóng mọi năng lực, động viên và sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng để tạo ra sự phát triển mạnh mẽ và thông thoáng từ bên trong. Hội nhập quốc tế là sự vươn xa, tiếp thu và chắt lọc cái đẹp, cái hay của nhân loại để làm mình tốt lên, biến cái chưa thể thành cái có thể, nhân lên những sức mạnh đang có, tiếp thu những nguồn lực mới vô cùng phong phú trên cơ sở biết người biết mình hơn. Khi tầm vóc của công cuộc đổi mới chính trị và quá trình hội nhập càng lớn lao bao nhiêu thì những vấn đề cần giải quyết càng khó khăn, phức tạp bấy nhiêu. Hội nhập quốc tế càng sâu rộng, càng cần có nghị lực và sức mạnh từ bên trong là đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị càng mạnh mẽ, càng cần có nhân tố bên ngoài là hội nhập quốc tế thúc đẩy. Vì vậy, xuất phát từ nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, luận án xem xét mối quan hệ này dưới khía cạnh coi hội nhập quốc tế như là một điều kiện, một nhân tố tác động đến quá trình đổi mới chính trị và đi vào tập trung phân tích vấn đề đổi mới chính trị trong mối tương quan với việc nắm bắt những thời cơ thuận lợi, đồng thời đối phó các thách thức khó khăn từ hội nhập quốc tế mang lại.