Nhân tố bên trong

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay002 (Trang 65 - 68)

1.3.3 .Những vấn đề luận án sẽ tiếp tục làm sáng tỏ

2.3. Những vấn đề cơ bản của đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập

2.3.1.2. Nhân tố bên trong

Bên cạnh sự tác động của nhân tố bên ngoài, quá trình đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam còn chịu sự tác động không nhỏ và phụ thuộc vào các nhân tố bên trong.

Thứ nhất là tình hình kinh tế - xã hội. Quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam luôn bị chi phối, tác động bởi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, bởi kết cấu kinh tế - xã hội. Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng song sự phát triển của nền kinh tế chưa

bền vững và thiếu những khâu đột phá. Những yếu tố XHCN trong nền kinh tế chưa có vai trò thực sự rõ ràng, vẫn còn mang tính chất đan xen phức tạp của một nền kinh tế quá độ, bao gồm cả cái cũ và cái mới, có cả những yếu tố của nền sản xuất nhỏ, của nền kinh tế thị trường mang tính chất tư bản chủ nghĩa và của nền kinh tế hội nhập. Ở đó cũng chứa đựng cả những yếu tố của lao động thủ công, của sản xuất công nghệ hiện đại và cả những yếu tố của kinh tế tri thức. Đó là một nền kinh tế phát triển đa dạng, phức tạp, nhiều thành phần kinh tế. Nền kinh tế ấy chính là cơ sở để hình thành tư duy chính trị mới và cả hệ thống chính trị mới. Nó kế thừa được nhiều yếu tố tiến bộ, tích cực nhưng cũng chứa đựng cả những tiêu cực nảy sinh từ những hoàn cảnh kinh tế đó. Về mặt xã hội, sự phát triển kinh tế kéo theo đời sống xã hội có nhiều biến đổi to lớn, các giá trị văn hoá mới hình thành, phát triển, xung đột với những giá trị truyền thống cũ, xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề xã hội nhức nhối cần phải giải quyết. Vì vậy, đổi mới chính trị của Việt Nam hiện nay đòi hỏi phải thoát khỏi sự ràng buộc của những cách nghĩ, cách làm chỉ phù hợp với điều kiện trước đây, phải vượt lên chính mình để vươn tới những mô hình chính trị hiện đại, tiên tiến cũng như xây dựng các chính sách kinh tế xã hội phù hợp nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội đi đúng theo định hướng XHCN và hội nhập sâu rộng với thế giới.

Thứ hai là kết quả của quá trình hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được và hạn chế của quá trình hội nhập vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với đổi mới chính trị. Hội nhập quốc tế càng mở rộng, đi vào chiều sâu thì đòi hỏi quá trình đổi mới chính trị càng bị hối thúc nhiều hơn. Điều này đã được chỉ ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII”, nhận định bối cảnh thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ

quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực; người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới thì không theo kịp sự phát triển của tình hình. Chúng ta phải dám nghĩ, dám làm, có tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Chúng ta cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong xử lý quan hệ với các nước cả song phương và đa phương. Đồng thời, chúng ta cũng phải đẩy mạnh tư duy đổi mới, mạnh dạn đột phá, sáng tạo trong công tác, tìm ra cách làm mới, mở rộng ra các lĩnh vực mới, tìm kiếm các đối tác mới, hướng đi mới. Đương nhiên, đổi mới phải trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn.

Thứ ba là thực trạng của hệ thống chính trị. Sự mạnh yếu của hệ thống chính trị ảnh hưởng trực tiếp tới đường lối đổi mới chính trị cũng như phương thức và cả bước đi của đổi mới chính trị. Trong hệ thống chính trị của Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố cơ bản, là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đây cũng là nhân tố chủ quan quan trọng nhất tác động đến đổi mới chính trị. Việc nhận thức được những yêu cầu của đổi mới chính trị trong thực tiễn trước hết xuất phát từ sự nhận thức của Đảng. Đảng phải thấy rõ được sự cần thiết, cấp bách của đổi mới chính trị. Đường lối, quyết sách đổi mới chính trị của Đảng là cơ sở lý luận chủ yếu để triển khai các nhiệm vụ và nội dung của đổi mới chính trị. Để có thực tiễn đổi mới chính trị thành công thì phải xuất phát từ những đột phá lớn, chín muồi trong nhận thức, đường lối, quyết sách đổi mới của Đảng. Nhất là với thể chế chính trị nhất nguyên thì vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền là quan trọng và quyết định nhất. Vì vậy trọng trách lịch sử mà Đảng phải đảm đương gánh vác vì tương lai, triển vọng, số phận của đất nước, dân tộc ta là tìm ra được con đường đổi mới đúng đắn, hợp quy luật phát triển khách quan, trên cơ sở vừa

tiếp thu giá trị thời đại vừa phát huy giá trị dân tộc, vừa thể hiện được xu thế chung vừa định hướng được bản sắc riêng.

Thứ tư là sự đồng thuận xã hội. Bất kể một đường lối, quyết sách nào dù có hay có tốt đẹp mấy đi chăng nữa mà không được sự đồng thuận đồng tình của xã hội thì cũng trở nên vô nghĩa. Bởi vì sự đồng thuận xã hội vừa là nhân tố điều kiện để thực hiện, tiến hành đường lối đổi mới, vừa là nhân tố động lực để quá trình đổi mới tiến nhanh hơn mạnh hơn. Thực tiễn đã chứng minh sức mạnh trường tồn của đại đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội trong suốt chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Do đó, đường lối đổi mới chính trị ở nước ta có thể thực hiện thành công thì phải dựa trên sự đồng thuận xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) đổi mới chính trị trong điều kiện hội nhập quốc tế của việt nam hiện nay002 (Trang 65 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)