Ký ức là khởi nguồn, chất liệu của văn học nói chung

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 45 - 47)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1. Vai trò của ký ức trong hồi ký

2.1.1. Ký ức là khởi nguồn, chất liệu của văn học nói chung

Trong cuốn Tâm lý học sáng tạo văn học của M.Arnaudov, tác giả đã nhấn mạnh hồi ức/ ký ức chính là một thứ “quyền lực” mạnh mẽ để tạo nên các sáng tạo nghệ thuật khác nhau. Ký ức giúp gọi về những biểu tượng của quá vãng, khơi gợi những phức hợp thú vị của những trải nghiệm đã qua, là ngọn nguồn cho sự nảy sinh cảm hứng bất tận của bất kỳ nghệ sĩ nào, hỗ trợ đắc lực cho họ trong công việc thai nghén tác phẩm. “Một khi sự vật đã trở thành thích thú, toàn bộ tâm hồn sẽ được mở rộng và cảm thụ xâm nhập vào không hề đơn độc mà cùng với một màng lưới phức tạp của các biểu tượng và các phản ứng bên trong. Sự phối hợp này sẽ không bao giờ biến mất nữa, và nếu các biểu tượng phối trợ sau đấy được tái hiện thì chúng sẽ gợi nhớ lại biểu tượng chủ đạo, còn bản thân biểu tượng chủ đạo này thì lại gợi nhớ về chúng. Đặc điểm này có ý nghĩa to lớn không chỉ với sự tái hiện đơn thuần, sự gợi lại các hồi ức mà còn đối với bản thân sự sáng tạo văn học” [5, 146].

Rõ ràng, đúng theo quy luật của trí nhớ, ấn tượng về một sự vật, hiện tượng đã qua sẽ in dấu đậm nét trong tâm tưởng của mỗi người nếu trong quá khứ, những sự kiện, hình ảnh đó đã từng mang lại cho ta cảm giác hân hoan, vui sướng hay đau khổ, giận dữ. Chỉ cần một sự nhắc nhớ

của hiện tại, tất cả những điều tưởng chừng đã chìm sâu vào quên lãng sẽ lập tức ùa về, bùng nổ thành những đợt sóng của hoài niệm, lắng đọng trong những biểu tượng lung linh của quá khứ. Với người nghệ sĩ, những người có sự bén nhạy và linh giác đặc biệt hơn người bình thường, sự ghi nhớ, kết nối với quá khứ càng chặt chẽ và thường xuyên hơn, giúp họ dễ dàng tạo nên những sáng tạo nghệ thuật với sự trải nghiệm cao và những xúc cảm phong phú. Nhà thơ Lamactin bộc bạch: “Tôi sinh ra đã là một người nhạy bén và nhạy cảm. Hai đặc tính này là những yếu tố đầu tiên của bất kỳ thứ thơ ca nào. Các đồ vật bên ngoài, chỉ nhác qua thôi, cũng để lại trong tôi một dấu ấn sống động và sâu sắc, và khi chúng không còn trước mắt tôi nữa thì chúng được phản ánh và lưu giữ lại trong trí nhớ” [5, 142]. Còn Rousseau, người thầy học của Lamactin thì không giấu được sự tự hào về trí nhớ của mình trong cuốn Tự thuật nổi tiếng: “Tôi nhớ lại vị trí, thời gian, giọng nói, cái nhìn, điệu bộ, hoàn cảnh, không một cái gì trượt thoát nổi tôi” [5, 148].

Khi nói về các cuộc gặp gỡ và những rung động thời trẻ, nhà văn Balzac đã nêu ra “những chuyện vặt mà về sau được hồi ức biến thành văn học”. Lời tự thuật của Dostoyevsky trong Nhật ký nhà văn đã hiển thị rất rõ vai trò của các hồi ức từ quá khứ xa xôi đã trở thành bước đầu của quá trình sáng tác như nào: “Tôi nhớ lại liên tục toàn bộ những gì diễn ra trong suốt cả bốn năm tù khổ sai của tôi(…) Những hồi ức này tự chúng nổi dậy, ít khi tôi phải khơi gợi chúng theo ý muốn. Bắt đầu từ một điểm, một nét nào đấy, đôi khi rất không đáng kể và tiếp đấy, cứ tí một- tí một, dựng lên cả một bức tranh toàn vẹn, một ấn tượng mạnh mẽ và toàn vẹn nào đấy” [5, 154]. Nhà văn vô sản vĩ đại của nước Nga- Macxim Gorki đã dùng những hồi ức sinh động để tạo nên các bộ tiểu thuyết, tự truyện và truyện ngắn. Sáng tác của Marcel Proust phải dựa vào trí nhớ khác thường của ông và ông tin tưởng vào trí nhớ của mình đến mức coi nó như một chỗ dựa vững chắc để tạo lập hiện thực hơn cả những cảm thụ

trực tiếp: “Những đóa hoa mà hôm nay tôi được xem lần đầu tiên, không có vẻ là những đóa hoa thực sự…hiện thực được hình thành trong trí nhớ” [5, 153]. Còn L. Tolstoy thì tràn đầy hứng thú khi nhớ về những hồi ức ấu thơ: “Cái thời thơ ấu không bao giờ trở lại ấy thật đầy vui sướng, hạnh phúc! Làm sao lại không yêu thích, không nâng niu những hồi ức về cái thời đó được”[5, 149]. Ở Việt Nam, nhiều nhà văn, nhà thơ hiện đại đã sáng tạo nên những tác phẩm đặc sắc từ chất liệu của ký ức. Huy Cận từ những âm vang dội về của quê hương trong trí tưởng đã tạo nên những vần thơ “mang mang thiên cổ sầu”. Nguyên Hồng từ ký ức tuổi thơ đã viết nên Những ngày thơ ấuBỉ vỏ đầy sức hút. Phùng Quán ghi dấu ấn với Tuổi thơ dữ dội cũng nhờ những khoảnh khắc quá khứ luôn ám ảnh suốt đời. Hoàng Cầm mang những kỷ niệm tuổi thơ nơi vùng Kinh Bắc tươi đẹp để viết những vần thơ sống động và tràn đầy cảm hứng…

Như vậy, ký ức tham gia vào quá trình sáng tác của tất cả các thể loại như thơ ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, ký... Hiểu rộng hơn, theo ý kiến của Lotman trong công trình Ký hiệu học văn hóa, thì “…các văn bản tạo nên những chương trình nén chặt trí nhớ. Toàn bộ lịch sử văn hóa của nhân loại đã thể hiện rất rõ, từ đáy sâu của quá khứ tăm tối, các văn bản riêng lẻ còn đến được với chúng ta có khả năng tái thiết hàng loạt lớp văn hóa, phục hồi ký ức” [101, 163]. Các văn bản nói chung đều có chức năng tái hiện ký ức. Ký ức cá nhân hoà kết trong ký ức dân tộc sẽ tạo nên những công trình sáng tạo sâu sắc và có giá trị lớn trong hiện tại.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)