Chân dung người anh hùng trong cuộc chiến và giữa đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 109 - 118)

Chƣơng 3 DIỄN NGÔN VỀ SỰ THẬT TRONG HỒI KÝ SAU 1975

3.3.1. Chân dung người anh hùng trong cuộc chiến và giữa đời thường

Trên thế giới, mảng hồi ký tướng lĩnh từng in dấu qua các tác phẩm của những tên tuổi lừng danh trên bản đồ quân sự như nguyên soái Nga Zhukov với hồi ký Nhớ lại và suy nghĩ, thủ tướng Anh Churchil với Hồi ký Winston S.Churchill về chiến tranh thế giới thứ II (tác phẩm này đã đạt giải Nobel Văn học)… Những tác phẩm xuất sắc này là minh chứng cho sức hấp dẫn khó cưỡng của hồi ký cách mạng nói chung và hồi ký tướng lĩnh nói riêng thông qua những phát ngôn đầy cân nhắc về sự thật ẩn khuất sau tiếng súng. Tại Việt Nam, từ sau năm 1975 đến nay, mảng hồi ký của các tướng lĩnh đặc biệt phát triển và đạt được nhiều thành tựu cả về chất lượng lẫn số lượng. Điểm khác biệt trong hồi ký tướng lĩnh là các tác giả chính danh luôn được sự hỗ trợ đắc lực của một người chấp bút, người kể chuyện song hành. Chính những tác giả ẩn danh này đã góp phần mang lại sự hấp dẫn cho lời văn và giúp hồi ký được hoàn thành nhanh hơn để đến tay bạn đọc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự hỗ trợ của nhà văn Hữu Mai tiếp tục mang đến những hồi ký mang tầm vóc lịch sử, bám sát các sự kiện cách mạng tiêu biểu và cho ta thêm những cung độ để nhìn nhận sâu hơn về một huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam. Bên cạnh đó, một loạt hồi ký của các vị tướng thuộc nhiều binh chủng khác nhau như Lê Trọng Tấn, Phạm Hồng Sơn, Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài, Hoàng Văn Thái, Phạm Văn Trà (qua sự thể hiện của các nhà văn và biên tập viên…) đã không chỉ tự họa một cách đậm nét chân dung những người con ưu tú của cách mạng mà qua đó, những vị tướng lừng danh còn giúp bạn đọc nhìn nhận lại cả một chặng đường lịch sử đầy biến động của đất nước ta.

Ngược dòng thời gian, các tướng lĩnh trước hết đã cung cấp cho người đọc những dữ kiện cụ thể về quá trình phát triển của người anh hùng từ lúc trẻ tuổi đến khi trưởng thành, gắn liền với những thăng trầm của đất nước và những chiến dịch lịch sử. Không giống như những nhà

văn thường dừng lại lý giải, phân tích, bình luận về quá khứ, các tướng lĩnh thường chỉ điểm lại sự kiện bằng lời văn trần thuật mạch lạc, ngắn gọn theo lối viết “thông tấn”. Họ đều xuất thân từ tầng lớp nông dân quê mùa hoặc công nhân nghèo thành thị với những cái tên mộc mạc, mang trong mình lòng yêu nước cháy bỏng và lòng căm thù giặc sâu sắc nên đã sớm giác ngộ cách mạng và trưởng thành rất nhanh qua thực tiễn đấu tranh. Đó là đại tướng Hoàng Văn Thái sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại tỉnh Thái Bình, tuổi thiếu niên đã sớm rời quê hương làm đủ việc để nuôi thân và ngấm dần lý tưởng cộng sản, tự nguyện đi theo con đường đấu tranh tất yếu để mong hạnh phúc, bình yên cho quê hương mình. Đó là thượng tướng Phùng Thế Tài “từ một thằng Thụ con nhà nghèo ở làng Vạn Điểm, huyện Phú Xuyên, mười ba tuổi đã phải lang thang nơi đất khách quê người, sống cầu bơ, cầu bất, rồi gặp cách mạng, gặp Bác Hồ, tạo nên sự kỳ diệu của một cuộc đời, hai mươi lăm tuổi đã lãnh đạo chỉ huy” [90, 43]. Cũng có những trường hợp xuất thân từ tầng lớp trí thức cơ bản như trung tướng Phạm Hồng Sơn, là học sinh trường Bưởi rồi sinh viên trường Luật nhưng rốt cục đã “xếp bút nghiên theo việc binh đao” và cống hiến cho đất nước từ năm 1945 đến năm 1975, đúng một vòng đời chiến trận với biết bao cam go, thử thách…

Nhưng những trang viết chiếm dung lượng lớn nhất trong hồi ký các tướng lĩnh chính là những trang miêu tả về những trận chiến đấu, những chiến dịch họ đã từng tham gia. Đúng như tinh thần mà người anh hùng Lê Mã Lương đã nêu cao: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Viết về những tháng năm hào hùng ấy, hồi ký các tướng lĩnh không sa đà vào liệt kê sự kiện hay miêu tả tường tận cách thức đánh giặc như những tài liệu lịch sử mà thiên về cung cấp những kinh nghiệm chuẩn bị, tổ chức chiến đấu cùng những bài học xương máu rút ra sau mỗi trận đánh. Kết cấu những hồi ký này đều tuân theo trật tự logic tuyến tính với mạch kể bám sát các mốc thời gian cụ thể, các địa danh quen

thuộc đã từng ghi dấu trong bản đồ chiến đấu của quân đội ta. Trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên Phủ, đại tướng Lê Trọng Tấn đã gợi nhớ lại kinh nghiệm và năng lực lãnh đạo tài ba của mình thông qua những trận đánh lịch sử: từ trận đầu tiên chiếm đồn Đồng Quan ở Ứng Hòa không tốn một viên đạn đến trận cuối cùng chính là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy. Hồi ký Nhớ và quên của trung tướng Phạm Hồng Sơn và Đặng Anh Đào là pho sử liệu sống động, hào sảng về những chặng đường mà cách mạng Việt Nam đã trải qua: từ chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch đường 9 Nam Lào đến chiến dịch Tây Nguyên, Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975... Mười chương hồi ký Chiến đấu trong vòng vây

của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là mười chặng thăng trầm của cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1945- 1954, giống như một cuốn phim dài đã được ngòi bút thu vào các khung chữ, theo sát đường đi nước bước của người anh hùng đồng thời cũng là người cầm trịch, người lãnh đạo:

Chương 1- 19 tháng 12 năm 1946 Chương 2- Trở lại Tân Trào Chương 3- Mùa hè yên tĩnh

Chương 4- Việt Bắc, thu đông 1947

Chương 5- Hậu phương địch, tiền phương ta

Chương 6- Du kích vận động với chiến lược chiến tranh đồn bốt Chương 7- Kháng chiến kiến quốc

Chương 8- Chuẩn bị tổng phản công Chương 9- Đại đoàn quân tiên phong

Chương 10- Tiến tới giành chủ động trên chiến trường chính. Loạt hồi ký tiếp theo của Đại tướng như Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng đều tái hiện hình ảnh người anh hùng trong những cung độ của lịch sử đã được toàn dân tri nhận. Ở mỗi chương viết, nhân vật xưng “tôi” không diễn giải lịch sử theo chiều hướng phô trương, kể thành tích mà

nghiêng về phân tích những điều kiện, thời cơ cách mạng, những trăn trở của người lãnh đạo: “Năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Con thuyền cách mạng đang luồn qua những mỏm đá ghềnh lướt tới”. Trên con thuyền ấy là vận mệnh của cả dân tộc. Người hằng mong đưa thuyền tới một bến bờ mới. Con thuyền ngày nay cũng đang lướt trên dòng sông lịch sử đầy bão táp. Ở thời điểm cực kỳ xáo động và biến động như hiện nay, người ta có xu hưóng xét lại mọi giá trị. Cần khẳng định lại những giá trị lâu bền. Có những giá trị đã thay đổi. Xác định giá trị mới là điều không dễ dàng. Mọi đổi mới đều không thể thoát ly nền tảng lịch sử dân tộc, những thành, bại trong quá khứ” [47, 374]. Bằng những trang viết giàu hình ảnh, ngôn ngữ đầy tính triết luận, người lãnh đạo nổi tiếng của quân đội ta đã một lần nữa khiến độc giả phải thán phục bởi tầm nhìn xa thông tuệ, tinh thần thép kiên cường, nhiệt huyết cách mạng cháy bỏng… Ông xứng đáng là một huyền thoại của dân tộc Việt Nam.

Hồi ký Đại thắng mùa xuân của đại tướng Văn Tiến Dũng tạm phá bỏ quy ước về độ lùi thời gian của hồi ký để mang đến những câu chuyện nóng hổi về chiến thắng lịch sử của dân tộc ta chỉ sau một năm xảy ra sự kiện. Những thông tin dồn dập, những phân tích chính xác, đầy nhiệt hứng về hai phía địch và ta trong chiến dịch này đã mang đến niềm háo hức tiếp nhận cho người đọc- ngay cả khi chúng ta đã quá quen với diễn biến của từng thời khắc lịch sử: “Trên bản đồ tác chiến của ngụy ở Bộ Tổng tham mưu, địch ghi một câu hỏi “Còn Sư đoàn 308 ở đâu?”. Sư đoàn 308 là một trong những sư đoàn chủ lực thiện chiến và anh hùng của ta mà địch chưa thấy xuất hiện ở mặt trận. Trong những sự sợ hãi của địch, có một cái sợ theo học thuyết quân sự tư sản: “Sợ nhất là sự im lặng của lực lượng đối phương” [30].

Điểm khác biệt với hồi ký cách mạng trước năm 1975 là với mảng hồi ký sau năm 1975, người trần thuật hầu hết đã xưng “tôi”- nhân danh con người cá nhân thay cho danh xưng “chúng tôi”- nhân danh cộng

đồng. Vì thế, qua nhiều trang hồi ký, người anh hùng không chỉ hiện lên với những chiến công mang tầm cao thời đại mà đã được kéo gần hơn với bạn đọc thông qua phương diện cá tính, cảm xúc, tâm hồn- điều mà chưa một tài liệu lịch sử nào nhắc đến và có thể trở thành bí mật vĩnh viễn nếu không được giãi bày trong những trang hồi ký của chính họ. Họ không phải là những vị thánh đã được tuyệt đối hoá và lý tưởng hóa trong chiến thắng mà trước hết là những con người thật gần gũi với chiều sâu suy nghiệm và bộ mặt tinh thần phong phú. Giọng điệu hồi ký vì thế cũng không còn là giọng ngợi ca một màu mà xen lẫn cả giọng buồn man mác, giọng trữ tình sâu lắng…

Đây là lời đúc kết ngắn gọn mà vô cùng sâu sắc của thượng tướng Phùng Thế Tài sau chiến thắng ngày 5 tháng 8 năm 1964: “Lần đầu tiên trên miền Bắc và cũng là lần đầu tiên trên thế giới máy bay phản lực siêu âm của đế quốc Mỹ bị súng Phòng không Việt Nam bắn hạ. Tám chiếc bị bắn rơi trong tổng số 64 lần chiếc tham chiến. Đó là tỷ lệ bắn rơi cao nhất trong lịch sử chiến tranh kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai tới thời điểm đó. Lần đầu tiên đối mặt với phương tiện chưa được coi là những vũ khí hiện đại đã làm nên chiến thắng. Có một điểm lý thú là chính những khẩu pháo cỡ 90 ly, 88 ly do Mỹ sản xuất lại bắn rơi máy bay của người Mỹ” [90, 90]. Gạt đi những số liệu, những kết quả đã được công nhận trong các tài liệu lịch sử, ấn tượng còn đọng lại trong ta là niềm hoan hỉ chân thành của một người trực tiếp góp tạo nên chiến thắng, bên cạnh đó là sự phân tích thấm thía, sâu sắc của một người lãnh đạo đã được bộc lộ thật rõ nét qua những ví von, so sánh, qua cách điệp cấu trúc câu “Lần đầu tiên…”

Đây là những tâm sự xúc động của đại tướng Phạm Văn Trà khi đối diện với những tổn thất của chiến tranh: “Thoát chết trong tình huống hết sức hiểm nghèo cách ngày toàn thắng chỉ hơn chục ngày lại càng có cớ để tôi nghĩ về sự sống và cái chết trong chiến tranh” [178, 235]. Rõ

ràng, cũng như mọi người lính bình thường khác, các tướng lĩnh cũng đầy những ẩn ức, nghi ngại, đầy băn khoăn, lo lắng về sự được mất của cuộc chiến. Dù ở tư thế của người chiến thắng hay kẻ chiến bại thì ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng thật mong manh.

Những dòng hồi ký được viết bằng máu và nước mắt đã cho ta hiểu và trân trọng hơn giá trị của những khoảnh khắc thời bình. Đây là những tâm sự nồng ấm, những lá thư chảy tràn thương nhớ từ tiền tuyến ác liệt mà trung tướng Phạm Hồng Sơn đã gửi về hậu phương cho người vợ bé nhỏ của mình: “Anh vẫn bận nhưng không ốm. Tiêm thuốc, uống thuốc nhiều nhưng vẫn xanh… Đào ạ, anh có rau ăn rồi vì đã trồng được, không phải gửi nữa. Hôm nay anh chẳng có gì gửi Đào, ngoài một tình thương vô hạn” [145]. Tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình không làm cho các tướng lĩnh trở nên yếu đuối giữa cuộc chiến căng thẳng mà đó là năng lượng sống, là nơi lưu giữ niềm tin chiến thắng, là những điều nhỏ bé, đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp, sẽ tiếp thêm sức mạnh to lớn cho người trai thời chiến.

Bên cạnh những câu chuyện chiến trường, nhân vật xưng “tôi” trong hồi ký còn góp thêm những câu chuyện thú vị về cuộc sống đời thường của các tướng lĩnh với những vui buồn giản dị cùng những cá tính rất riêng. Thượng tướng Phùng Thế Tài nhìn nhận lại những sai lầm hồi trẻ với sự tự đánh giá đầy nghiêm khắc, thẳng thắn. Ông có tính bốc đồng, thích được khen nhưng vì hiếu thắng mà đã nhận thất bại cay đắng ngay trong chiến dịch đầu tiên: “Sau trận đánh không thắng tôi suy nghĩ rất nhiều. Có đêm hầu như thức trắng. Là Tư lệnh, tôi cảm thấy mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, tuy thực ra tôi chỉ mới nhận chức chưa đầy một năm” [90, 54]. Ông cũng là người rất chu đáo và khéo léo trong việc lo cỗ bàn ngoại giao (hồi ký của ông kể chuyện Bác Hồ chỉ đạo làm thịt chó đãi nước bạn, những bữa liên hoan đột xuất tiếp đãi các nguyên thủ quốc gia nhưng lần nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ); là người

tận tâm khi chỉ đạo quân ta giúp tướng Hàn Quốc làm đám ma đầy đủ lễ nghi cho quân lính. Đại tướng Hoàng Văn Thái không khỏi tự hào khi kể về mình ngoài tài cầm quân còn có năng khiếu sáng tác bài hát cổ động, giúp anh em phấn chấn đánh thù, đã hơn một lần đứng trong vị trí người lãnh đạo Đoàn thể, kịp thời truyền lửa cho anh em tướng sĩ. Trung tướng Phạm Hồng Sơn giản dị và đáng kính qua những câu chuyện mà người vợ tài hoa Đặng Anh Đào đã ghi giữ cho ông: một nhà giáo mẫu mực, mô phạm, một người cha nghiêm khắc nhưng đầy bao dung, một người chồng thủy chung, giữ trọn nghĩa tình qua những tháng năm đấu tranh…

Như vậy, nhờ hồi ký, các tướng lĩnh đã có cơ hội trò chuyện, tâm tình cùng hàng vạn bạn đọc để tự xóa bỏ đi ấn tượng về những con người chỉ biết đến súng đạn, ẩn mình sau những bộ quân phục lạnh lùng, cứng nhắc và những tấm huân chương lấp lóa, xa vời. Sau năm 1975, hồi ký cách mạng đã dần từ bỏ thái độ chiêm bái từ xa để tiếp cận người anh hùng theo những góc độ gần gũi hơn, chân thật hơn và có sức lan tỏa hơn.

3.3.2. Hình tượng người lính- người đồng đội trong chiến tranh

Chiến thắng vẻ vang của dân tộc ta không chỉ dựa vào những vị tướng lừng danh mà đằng sau đó là sự hậu thuẫn của cả một tập thể anh hùng. Hồi ký cách mạng với những trang viết thấm thía, lắng đọng về người lính đã góp phần khắc nhấn một trong những hình tượng nổi bật nhất của văn học nước ta từ cổ chí kim. Là hình tượng trung tâm thể hiện chủ nghĩa yêu nước sâu sắc của văn học Việt Nam, người lính đã đi vào mọi thể loại văn học, được khám phá trong nhìều đề tài cũng như được soi rọi dưới nhiều quan niệm, tư tưởng phong phú. Trước năm 1975, nhân vật người lính được khai thác bằng thủ pháp lãng mạn hóa, đi vào thơ văn ở tư thế của người anh hùng với bao phẩm chất tốt đẹp, là tinh hoa của thời đại, nơi kết tinh mọi giá trị kiểu mẫu của nghệ thuật: “Kính chào anh! Con người đẹp nhất; Lịch sử hôn anh, chàng trai chân đất” (Bài ca xuân 68- Tố Hữu). Sau năm 1975, không còn hiện lên trong ánh hào

quang, hình ảnh người lính trong cuộc chiến và giữa đời thường đã được các nhà văn như Bảo Ninh, Khuất Quang Thụy, Lê Lựu… bóc tách ở những tầng bậc mới với những suy tư giằng xé, những bi kịch tâm hồn chất chứa, luôn phải đối diện với những cuộc chiến tinh thần còn khốc liệt và căng thẳng hơn trước.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 109 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)