Khái quát về lý thuyết diễn ngôn

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 77 - 79)

Chƣơng 3 DIỄN NGÔN VỀ SỰ THẬT TRONG HỒI KÝ SAU 1975

3.1. Tiếp cận hồi ký từ lý thuyết diễn ngôn

3.1.1. Khái quát về lý thuyết diễn ngôn

Ra đời từ rất sớm, khái niệm diễn ngôn ban đầu chỉ được sử dụng trong lĩnh vực ngôn ngữ học và được hiểu như lý thuyết tu từ học. Từ thế kỷ XX, hòa vào xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ của các hệ hình lý thuyết, lý thuyết diễn ngôn đã được bổ sung những hàm nghĩa mới, tạo nên một bước ngoặt đáng kể trong nghiên cứu văn học. Thuật ngữ diễn ngôn xuất hiện trong nhiều công trình nghiên cứu của các học giả lớn như T.Todorov, G.Genette, M.Bakhtin, M.Foucault, trở thành một trong những từ khóa quan trọng của các trường phái mới như Hậu hiện đại, Lý luận nữ quyền

Trong lý luận hiện nay có ba khuynh hướng nghiên cứu diễn ngôn:

Thứ nhất, diễn ngôn được hiểu là cấu trúc của ngôn ngữ, bao gồm những nguyên tắc tổ chức, sắp xếp ngôn từ trong hệ thống theo một quy luật riêng. Cách hiểu này bắt nguồn từ giáo trình Ngôn ngữ học đại cương

của Ferdinan de Saussure và được sử dụng rộng rãi trong thời cực thịnh của chủ nghĩa cấu trúc với các nhà nghiên cứu hàng đầu như R. Barthes, T.Todorov, G.Genette…. Theo đó, mỗi văn bản đều là những cấu trúc ngữ pháp tĩnh tại, bất biến bao hàm những thuộc tính chung bền vững của văn học. Nghiên cứu diễn ngôn chính là nghiên cứu thực tiễn ngôn từ, ngôn từ trong sử dụng, trong ngữ cảnh: “trong cách hiểu ngắn gọn nhất, phân tích diễn ngôn là một cách tiếp cận phương pháp luận đối với việc phân tích ngôn ngữ bên trên bậc câu, gồm các tiêu chuẩn như tính kết nối, hiện tượng hồi chiếu..” [7, 158].

Thứ hai, diễn ngôn được định nghĩa như một loại lời nói thấm đẫm tư tưởng hệ. Khởi phát từ các công trình nổi tiếng của M.Bakhtin như

Vấn đề các thể loại lời nói, Những vấn đề thi pháp Dostoyesky, diễn ngôn được đặt trong hoàn cảnh giao tiếp đặc thù, chứa những tư tưởng, cảm xúc, thái độ của người nói, thể hiện những tranh biện, quan niệm khác nhau với người nghe. Bản chất của diễn ngôn là đối thoại, là sự vận động và thay đổi không ngừng theo sự biến đổi của tư tưởng hệ: “Sự giao tiếp đối thoại là lĩnh vực đích thực của đời sống ngôn từ” [11, 172]. Tương tự như khái niệm “thể loại lời nói” của Bakhtin, Roland Barthes cũng đưa ra khái niệm “lối viết” và cho rằng nhà văn mỗi khi cầm bút sẽ luôn bị chi phối bởi lối viết của người khác và của chính anh ta trước đó “Những lối viết khả dĩ của một nhà văn nào đó hình thành dưới áp lực của lịch sử và truyền thống…” [12, 52].

Thứ ba, diễn ngôn được tiếp cận dưới ảnh hưởng của lý thuyết Hậu hiện đại với người chủ soái là M.Foucault. Theo ông, diễn ngôn có ba hàm nghĩa (ở đây, chúng tôi khái lược lại một cách vắn tắt các lý thuyết của Foucault): 1. hiểu theo nghĩa rộng, diễn ngôn là tất cả các nhận định chung chịu một lực tác động nào đó; 2. hiểu theo nghĩa hẹp, diễn ngôn là một nhóm các nhận định cụ thể, tồn tại trong cùng một bối cảnh, chịu những chế ước chung của một thiết chế; 3. diễn ngôn giống như một loại thực tiễn sản sinh ra vô số các nhận định cùng những quy tắc, cấu trúc tạo ra các phát ngôn, văn bản cụ thể. Có thể thấy, dù hiểu theo cách nào, Foucault cũng không quan tâm đến cấu trúc bên trong của diễn ngôn mà chủ yếu đề cao những yếu tố chi phối việc kiến tạo, vận hành diễn ngôn.

Ba cách hiểu trên về diễn ngôn đều có sự hợp lý nhất định nếu xem xét trong những văn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi nghiêng nhiều hơn về cách hiểu của Foucault và cho rằng hệ thống lý thuyết mà ông đề ra đã giải quyết đúng hướng và thấu đáo nhiều vấn đề của khái niệm này. Theo ông, “diễn ngôn (discours) do kí hiệu tạo thành, nhưng điều nó làm được còn lớn hơn nhiều sự biểu đạt, cái nhiều hơn đó không thể quy về ngôn ngữ và lời nói” [dẫn theo Trần Đình Sử- 149,170]. Foucault đã đưa ra

khái niệm “trường tri thức” (“episteme”, còn dịch là “khung tri thức”, “hệ hình tri thức”…) được coi như cái khung tư tưởng, nhận thức chung của cộng đồng trong một thời kỳ nhất định. Mỗi thời đại tồn tại một “trường tri thức” khác nhau và chính “trường tri thức” này sẽ quyết định cách thức tư duy, cách thức sử dụng ngôn ngữ của con người, quyết định các hệ hình giá trị và sự vận hành của các diễn ngôn. Mỗi thời đại bao giờ cũng chỉ có một hệ thống tri thức duy nhất được tạo ra bởi hoạt động diễn ngôn của các khoa học khác nhau, “trường tri thức thời đại” đó sẽ là chuẩn mực để làm thành bộ “mã ngôn ngữ”. Như vậy, theo như lý thuyết về diễn ngôn của Foucault, phân tích diễn ngôn là đi tìm hệ tri thức, những quy tắc vừa hữu thức, vừa vô thức của một cộng đồng người trong một giai đoạn nhất định có ảnh hưởng trực tiếp đến cách nói trong cộng đồng đó, những cơ chế chi phối khiến một diễn ngôn trở thành thống trị còn diễn ngôn khác lại bị gạt ra ngoài lề… Vận dụng các lý thuyết của Foucault, chúng tôi sẽ phân tích hồi ký ở Việt Nam sau năm 1975 dưới sự chi phối của “trường tri thức”- hệ hình tư tưởng xã hội, từ đó giải quyết những vấn đề liên quan đến sự hình thành và liên hệ của các mã ngôn ngữ- mã thể loại đặc thù.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 77 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)