Kỹ thuật tự sự tạo tính đa thanh

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 144 - 147)

Chƣơng 4 SỰ GIAO THOA THỂ LOẠI CỦA HỒI KÝ SAU 1975

4.2. Chất tiểu thuyết trong hồi ký

4.2.3. Kỹ thuật tự sự tạo tính đa thanh

Một tác phẩm tự sự thường thể hiện kỹ thuật tự sự đặc thù của mỗi tác giả, tập trung chủ yếu qua điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện, từ đó trực tiếp quy định các phương thức trần thuật biến hóa và các kiểu loại ngôn ngữ trần thuật tương ứng. Điểm nhìn trần thuật hay điểm nhìn nghệ thuật (point of view) có thể được hiểu là “vị trí từ đó người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm” hoặc là “điểm rơi của cái nhìn vào khách thể” [52, 113]. Tùy thuộc vào quan niệm của người viết, điểm nhìn trần thuật được phân loại theo các tiêu chí khác nhau như: điểm nhìn không gian/ điểm nhìn thời gian, điểm nhìn bên ngoài/ điểm nhìn bên trong…

Sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật và luân phiên thay đổi điểm nhìn từ bên ngoài vào bên trong là một đặc điểm độc đáo, tạo nên tính đa thanh của tiểu thuyết. Nhiều hồi ký xuất hiện trong thời kỳ đổi mới đã vận dụng thành công các kỹ thuật tự sự của tiểu thuyết như Cát bụi chân ai, Chiều chiều của Tô Hoài, Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn, Tầm xuân

của Đặng Anh Đào, Đặng Thai Mai hồi ký, Nhớ lại một thời của Tố Hữu,

Sáng tối mặt người của Sao Mai, Cửa riêng không khép của Vũ Ngọc Khánh.... Khác với văn bản hồi ký truyền thống được tái diễn từ điểm nhìn của một người kể chuyện “toàn tri”, từ tầm cao hiện tại nhìn về quá khứ xa vời với thái độ điềm tĩnh và giọng điệu trước sau như nhất, các tác phẩm hồi ký theo xu hướng hiện đại thường lựa chọn trần thuật từ điểm nhìn của người kể chuyện “bất toàn tri”, luôn băn khoăn, hồ hởi trước mỗi sự kiện diễn ra và luân phiên trao điểm nhìn trần thuật đến những nhân vật khác nhau trong văn bản. Phương thức trần thuật này làm tăng tính đối thoại của văn bản, làm xuất hiện nhiều bè giọng đa thanh trong hồi ký, kéo người đọc vào cuộc hành trình khám phá những bí ẩn tận cùng của sự thật.

Với việc gia tăng điểm nhìn trần thuật, Viết về bè bạn của Bùi Ngọc Tấn tuy là hồi ký của một cá nhân viết tặng cho những người bạn nghệ sĩ của mình nhưng không hề có tính thông báo, diễn giải một chiều như các hồi ký trước đây mà thực sự đã trở thành một cuộc đối thoại giữa nhà văn với các nhân vật của mình, giữa các nhân vật trong trang sách với bạn đọc. Cuốn sách được chia thành hai phần lớn: Rừng xưa xanh lá

Một thời để mất. Phần thứ nhất gồm nhiều chương mục nhỏ, mỗi chương kể về một/ một vài người bạn trong giới văn nghệ sĩ. Ở mỗi chương, các nhân vật hầu như được tác giả trao cho lời dẫn chuyện, tự kể về mình với nhiều giọng điệu khác nhau (Rừng xưa xanh lá là câu chuyện của Chu Lai, Đình Kính, Nguyễn Quang Thân với giọng hài hước xen lẫn chua chát giễu nhại, Vũ Bão, một tiếng cười- một dòng cười là những ký ức đầy hoài nhớ của Bùi Ngọc Tấn trước tin bạn đã đi xa, Một mơ ước về kiếp sau là chuyện của nhà thơ nữ đa đoan Nguyễn Thị Hoài Thanh với giọng kể trầm lắng, trữ tình…). Cũng có khi điểm nhìn bên ngoài của tác giả như hoà tan vào điểm nhìn bên trong của nhân vật để thống thiết nói lên những chiều sâu tâm sự không thể giãi bày: ông hiểu nỗi cô đơn kiệt cùng của Nguyễn Thị Hoài Thanh “Em tôi nào ngủ được. Bởi cô đơn. Bởi hoang vắng. Bởi nhà đề bô tối om từng có người chết ở liền bên…’(Một mơ ước về kiếp sau), hiểu những khổ sở day dứt của Mạc Lân mỗi lần bán máu “Những lần đầu đứng ngồi xì xụp bát phở ngoài hành lang ngượng lắm. Cắm mặt mà và, mà xụp xoạp cho nhanh. Nhưng rổi quen. Nghĩ mình lương thiện. Quá lương thiện. Lương thiện gấp trăm lần những người khác…” (Thời gian gấp ruổi). Phần thứ hai của cuốn sách là dòng hồi ức về nhà văn lớn Nguyên Hồng, ở đó, không chỉ có điểm nhìn của Bùi Ngọc Tấn mà còn có sự giao kết những điểm nhìn từ Vũ Thư Hiên, Dương Tường, Nguyên Bình… để tạo nên bức chân dung sống động của một nhà văn gắn với những kiếp khổ đau.

Hồi ký Tô Hoài luôn là sự đan xen rất nhiều điểm nhìn và giọng trần thuật khác nhau một cách hữu ý. Như một đoạn văn trích lược sau đây:

“Chúng tôi và người phiên dịch, với Giôn ngồi quanh chiếc bàn nhỏ, trên đặt gói thuốc lá Thủ đô bao bạc và một đĩa kẹo (…).

Tôi rơi xuống nước, thả phao nổi bơi được ngay. Thế mà, không biết vướng vào đâu, một bên đầu gối sái không cựa được. Tôi chưa kịp mở điện đài. Nhìn ra, thuyền và súng đã vây quanh(…)

(Chiếc áo rộng màu lá cơi. Số 31 in trước ngực và lưng áo. Dạo có những cuộc trao trả tù binh ở sân bay Gia Lâm, tôi đã trông thấy những tù binh phi công Mỹ đội nón lá…). Lúc ấy, khoảng hai giờ trưa. Lên bờ, tôi được cởi trói, mô tô đèo tôi một quãng rồi xe camiông đem đi (…)” [66, 301].

Nhìn thoáng qua, có thể nhận ra đây là một đoạn độc thoại của tên phi công Mỹ khi bị bắt. Điều thú vị là những lời nói của tên lính Mỹ không hề được ngăn cách với lời dẫn dắt của nhân vật “tôi”, cũng không được ký hiệu riêng biệt để đánh dấu lời đối thoại (thông thường lời đối thoại được tách biệt bằng dấu ngoặc kép hoặc tách hẳn xuống dòng riêng và gạch đầu dòng) nên rất dễ lẫn vào lời kể của người dẫn chuyện. Ta nhận ra ít nhất có hai giọng điệu khác nhau xuất hiện: giọng bao biện giảo hoạt của kẻ muốn lấp liếm mọi tội lỗi và giọng điềm tĩnh suy xét của người quan sát. Cách chêm xen khéo léo làm nổi rõ ý đồ của tác giả giúp người đọc hiểu hơn tính chất của cuộc thăm tù cũng như tính cách đối lập của hai phía.

Với Hồi ký Tâm Phan- gom những yêu thương, nữ tác giả tuy không phải nhà văn chuyên nghiệp nhưng đã có cách viết khá hấp dẫn, khéo léo kết hợp các điểm nhìn khác nhau trong các chương mục để tạo nên những trang viết mang đậm phong cách tiểu thuyết. Điểm nhìn của tác giả có khi là điểm nhìn khách quan từ bên ngoài, kể lại những việc đã qua bằng cách viết “tổng kết”, đúc rút ý nghĩa sự kiện: “Phải nói là cái thời điểm tôi

nhận lời yêu Simon thì tôi cũng chưa thật yêu anh, nhưng cả hai chúng tôi đều rất hạnh phúc. Chúng tôi đối xử với nhau rất bình đẳng và tôn trọng…” [133, 42] nhưng ở nhiều phần, người viết đã linh hoạt chuyển sang điểm nhìn bên trong- điểm nhìn tâm lý, đẩy người đọc vào những giả thiết, dự đoán, những phát triển đầy bất ngờ của cốt truyện: “Nếu đêm nay nàng ngủ với tôi, nằm chung một chiếc giường thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Tôi sợ, tôi sợ những cảm xúc bất chợt của chính mình. Những gì xảy ra ngày hôm nay đã quá đủ làm tôi hoang mang về bản thân, phải chăng tôi là một người đồng tính?” [133, 97]. Có thể thấy, dù bề ngoài chung một kiểu xưng hô là “tôi” nhưng người kể chuyện đã chủ ý tạo ra sự đa diện giữa các điểm nhìn thông qua cách sử dụng các kiểu câu với cấu trúc ngữ pháp khác nhau (từ câu khẳng định chuyển sang câu nghi vấn), làm gia tăng sức hấp dẫn của chuyện.

Rõ ràng, từ cách phối hợp linh hoạt các điểm nhìn trần thuật đến việc tạo lập giọng điệu trần thuật đa thanh, các tác giả hồi ký đã thành công trong việc chuyển tải hơi thở của thời đại, phản ánh sâu sắc những vấn đề của hôm nay không kém gì những cuốn tiểu thuyết có tầm bao quát rộng lớn.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 144 - 147)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)