Sự trỗi dậy của cái tôi nội cảm giữa cấu trúc hồi ức

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 130 - 133)

Chƣơng 4 SỰ GIAO THOA THỂ LOẠI CỦA HỒI KÝ SAU 1975

4.1. Chất trữ tình trong hồi ký

4.1.1. Sự trỗi dậy của cái tôi nội cảm giữa cấu trúc hồi ức

Là một thể ký tự sự điển hình, cái tôi trần thuật trong hồi ký cần phải giữ độ gián cách nhất định với các dữ kiện để có thể tái hiện lại sự thật bằng một thái độ khách quan và trung thực nhất. Nhưng yêu cầu này dường như khó thực hiện được một cách trọn vẹn bởi trong hồi ký luôn có sự xuất hiện của dòng chảy ký ức mang đậm những xúc cảm, tâm tư của người sáng tác khi ngoái tìm những ngày đã qua. Với mỗi người, quá khứ- kỷ niệm luôn là vùng độc sáng đẹp đẽ và đáng trân trọng dù cho ta đã từng buồn vui hay đau khổ trong những năm tháng xa xôi ấy. Đó là “một thời để mất” - là “thời vòm trời cũng khác, gió thổi cũng khác, cánh đồng trước cửa cũng khác. Trời xanh hơn bây giờ. Trăng đẹp hơn bây giờ” [151, 286]. Đây cũng là lý do để cái tôi khách quan lạnh lùng trong hồi ký nhiều khi bị lấn át bởi cái tôi chủ quan đầy mê say và mộng tưởng, tạo nên chất thơ bát ngát cho việc tái hiện sự thật.

Nhiều hồi ký đã chủ ý làm mờ nhòe đi dòng chảy của sự kiện để tập trung viền nổi các tâm trạng, suy ngẫm, thái độ. Cái tôi nội cảm được đẩy lên thành nhân vật trung tâm giữa cấu trúc của hồi ức. Ví như ở Tầm xuân, Đặng Anh Đào không nhằm mục đích tô vẽ cho các sự kiện đã qua mà luôn có ý thức làm nổi nét dòng chảy miên viễn, không liền mạch của những hồi ức cũ: “Có lẽ, bạn đọc xưa nay đã quen với những hồi ức viết thành một dòng chảy liên tục, như một cuốn tự truyện không có chương hồi. Cuốn hồi ký này có sự khác biệt, ít nhất là ở tính chất không liên tục, nhảy quãng về thời gian, về không gian, về hình ảnh của hồi ức. Nhiều khi, một kỷ niệm xuất hiện ở những trang đầu, rồi những mảnh vỡ của nó trở đi trở lại ở những câu chuyện sau, với những biến thái, dị bản mới”

[36, 5]. Có thể thấy, sự trỗi dậy và lấn át của cái tôi nội cảm đối với mọi logic thông thường của kết cấu, hình ảnh, không gian, thời gian chính là điểm đặc sắc nhất của cuốn hồi ký này. Như một hợp âm của màu sắc, hương vị và những cảm giác lắng đọng, chuỗi ký ức của bà được thổi hồn ngay từ tên gọi rất nên thơ của các chương mục: Chiếc "vành cánh" bạc, Bữa cơm của mẹ, Cô gái mắt khô, Tầm xuân, Những người đi vào xứ sở khác, Chuyện trà lá của nhà văn… Mỗi chương giống như một câu chuyện nho nhỏ, giản dị, dẫn dắt người đọc men theo những kỷ niệm tản mát, vừa sâu lắng, vừa bay bổng về những người thân thương của bà trong quá khứ, đặc biệt nổi bật lên lòng cảm phục, yêu kính dành cho hình ảnh người cha nổi tiếng Đặng Thai Mai- một anh đồ xứ Nghệ điển hình, khảnh ăn, thích uống trà, bao dung với người làm nhưng vô cùng khó tính với vợ con và học trò… Hình ảnh bản thân tác giả được khắc họa không phải thông qua những miêu tả trực tiếp mà qua nội tâm phong phú, những cảm xúc đầy tinh tế, bao trùm lên mọi đánh giá về những sự vật hiện tượng đã xảy ra: “Nhưng nỗi đau vẫn nhói lên, cho đến cả lúc này, khi tôi cố gắng ghép lại một hình ảnh đã mịt mù tăm tích qua những mảnh muôn màu trong ống kính vạn hoa của ký ức” [36, 20]; “Giữa hai trận mưa có khoảng cách của cả một đời người và hai cuộc kháng chiến. Những khúc hát xưa, từng mảnh, vẫn còn vọng lại trong mùa thu của con người” [36, 52-53].

Có thể gặp trong nhiều hồi ký hình tượng cái tôi như một dạng thức nhân vật trữ tình được xây dựng trong chiều sâu tâm trạng, luôn tái hiện sự thật bằng những ấn tượng chủ quan đứt gãy, những cảm giác cá nhân mơ hồ: “Tôi tựa lưng vào lớp rêu êm mát trong vòm cửa giữa. Những lo toan sấp ngửa kháng chiến trường kì của ban ngày bấy giờ không bao bọc da thịt tôi nữa. Đêm ấy tôi ngồi thật yên như vô thủy vô chung. (…) Cảm giác tôi vừa mơ hồ vừa hiển hiện như người ngồi xem màn hình lớn của rạp chiếu bóng đương đại…” [109, 172]. Ta cũng gặp những cảm giác

khắc khoải, chông chênh, bất định về không- thời gian ấy trong những ký ức của Đặng Thị Hạnh: “…những bông hoa mỏng mảnh cánh trắng, nhụy vàng, từ đấy đối với tôi đã trở thành đồng nhất với ngày Tết, một cái gì đó đẹp đẽ, nhưng rất chóng qua, và chỉ còn để lại trong lòng người một niềm luyến tiếc. Càng nhiều tuổi, ký ức trong tôi về hoa thuỷ tiên càng trở nên quý giá…” [57, 80] hay trong những tâm tư của Bùi Ngọc Tấn: “Mắt tôi cay cay ngày giỗ anh đầu hè ấy và mắt tôi tràn đầy niềm vui đêm nay, đêm trước mùa lễ Giáng sinh khi anh đã có một hóa thân mới: tượng đồng” [151, 426]. Những mốc thời gian không được đo bằng ngày tháng mà đong đếm bằng đời hoa, bằng những lấp lánh của nước mắt đã làm cho những hồi ký này bỗng chốc biến thành lịch sử tâm trạng chứ không phải là lịch sử sự kiện nữa.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi nội cảm khiến cho lời văn và nhịp điệu của hồi ký ở nhiều trường đoạn cũng ngân nga, nhịp nhàng như những câu thơ êm dịu hay những lời hát trữ tình du dương: “Dì Tân tôi như đã mãi mãi ở lại với buổi ban sơ ngây thơ và vô tội, trong khoảng không gian nhỏ bé, ở đấy có cả tiếng mưa rào lẫn mùi khét nắng, cả tiếng võng đưa với một lời ru não nuột tuy ký ức về dì tôi vẫn đi theo tôi gần suốt cả cuộc đời” [57, 37]. Sự hòa âm của những thanh bằng trắc, cách khắc nhấn giọng điệu một cách chủ ý đã mang lại nhạc điệu và chất thơ cho nhiều hồi ký. Ngay trong những hồi ký đậm chất tự sự, thiên về gợi nhớ các sự kiện, ta vẫn có thể lọc ra những đoạn văn, câu văn đầy mơ màng, trầm bổng như thế này:

- Lào Cai, trong cái nhìn ngờ ngợ của tôi giữa chiều xuân rét mướt này, bỗng gần gụi thân thương khác thường, dẫu tôi chưa một lần chạm mặt [84, 53].

- Bỗng lại nhớ rừng già Thượng Yên. Những con kỳ đà mốc thếch như gốc cây ra rình chộp tổ gà của Aki. Người bạn Nhật ăn chuối tây

trộn lòng trứng. Chúng tôi vào quán ông 81 ngã sáu dốc Hàng Kèn… Vết chân người lẫn chân con kỳ đà in vân vân trên cát [66, 346].

- Nhưng rồi cái đẹp ấy cũng không hấp dẫn. Tôi muốn mình không đến nỗi là một con số không trong cõi nhân sinh, nhưng vẫn cứ còn ngậm ngải tìm trầm, gửi hương cho gió [83, 298].

- Phải chăng ngủ là con đường huyền bí để chấm dứt mọi suy nghĩ buồn bã, liên miên, chả ra đâu vào đâu và chả đi đến đâu? Ngủ phải chăng là con đường chắc chắn nhất để đi vào miền hạnh phúc? [107, 23]. Có thể thấy, chất thơ trong hồi ký không chỉ đến từ sự phối hợp nhuần nhị các thanh điệu cùng sự âm vang trong các con chữ mà đến từ bên trong linh hồn run rẩy của tạo vật, ở những khoảng trống không thể nói bằng lời, từ sự cảm nhận tinh tế của các tác giả dành cho thế giới xung quanh và từ cả trái tim người đọc dành cho mỗi trang viết.

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 130 - 133)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)