Ký ức sàng lọc và tạo ra những giới hạn của việc tái hiện sự thật

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 47 - 53)

Chƣơng 1 TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

2.1. Vai trò của ký ức trong hồi ký

2.1.2. Ký ức sàng lọc và tạo ra những giới hạn của việc tái hiện sự thật

Với độ lùi thời gian cần thiết, mỗi tác phẩm hồi ký luôn là sự tìm kiếm và tái hiện sự thật trong những khoảng mờ ảo của ký ức riêng chung. Sự khu biệt giữa ký ức trong hồi ký với ký ức trong các thể loại khác chính là ở mức độ hư cấu của ký ức tuỳ theo đặc trưng thể loại (nói cách khác là mối quan hệ giữa ký ức và hư cấu). Trong các thể loại khác, ký ức là tiếng vọng, là ngọn nguồn kích thích sự sáng tạo hoặc là chất liệu

ban đầu được người nghệ sĩ nhào nặn, biến đổi theo trí tưởng tượng và chủ ý nghệ thuật của mình để tạo ra những hình tượng nghệ thuật mới, những sáng tạo đột phá chưa xuất hiện trước đó. Còn trong hồi ký, ký ức phải gắn liền với sự thật- những điều đã xảy ra trong quá khứ, sự chân xác của các dữ kiện, như cách diễn giải của nhà văn Vũ Ngọc Phan trong lời mở đầu của tập hồi ký Những năm tháng ấy: “Mình không thể viết về mình như người khác viết về mình. Mình viết về mình nếu không tốt đẹp thì cũng đầy thơ mộng. Điều quan trọng là nó có biểu hiện tính chân thật hay không” [131, 423]. Như vậy, vai trò của ký ức với các tác phẩm hồi ký có một sự thể hiện riêng, rất khác biệt so với các thể loại văn học khác.

2.1.2.1. Sự sàng lọc của ký ức

Trước hết, ta nhận thấy, sự tái hiện trí nhớ ở mỗi cá nhân luôn mang lại những kết quả rất khác nhau. Tại sao ký ức của con người lựa chọn dừng lại ở đúng khoảnh khắc ấy mà không phải là khoảnh khắc bất kỳ nào khác? Tại sao khi nhớ về những chuyện trong quá khứ, đối với chuyện này- chúng ta có thể nhớ đến từng chi tiết, sống động và chân thực như vừa mới xảy ra nhưng đối với chuyện khác- như có lớp sương mù bao phủ, mọi nỗ lực trục vớt của trí óc đều bất lực? Tại sao cùng là một hiện tượng đã xảy ra hay một con người ta đã gặp trong quá khứ nhưng mỗi tác giả hồi ký lại có một cách miêu tả, gợi nhớ với những thái độ khác nhau? Giải đáp cho tất cả những câu hỏi trên quả không phải là điều dễ dàng. Bởi lẽ, sự lựa chọn và sàng lọc ngẫu nhiên của ký ức hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý và năng lực gợi nhớ đầy tính chủ quan của cá nhân.

Đặng Thị Hạnh đã từng thổ lộ về điều này ngay trong những trang đầu của hồi ký Cô bé nhìn mưa:“Vài ba năm sau, khi đã ra thành phố, lúc nào cũng nuôi trong lòng một nỗi nhớ quê, chẳng có ai để chơi, lại ít nói, tôi thường ngồi một mình nhớ lại. Tuy vậy, đi ngược lại thời gian, cứ đến đoạn nhìn thấy cô bé con ngồi trên cái đòn nhỏ nhìn ra mưa, là tôi thấy

không thể đi ngược lên cái gì xa hơn nữa” [57, 10]. Hình ảnh cô bé con cắt tóc bôm bê, ngồi trên sân nhà ông bà ngoại nhìn ra làn mưa bay chính là một “điểm độc sáng” của ký ức khiến cho tác giả không bao giờ có thể quên được. Hình ảnh ấy- ở thời điểm ấy, với tất cả những xúc cảm đặc biệt mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu, qua bao thử thách của thời gian, đã tạo nên sự lấn át hoàn toàn với những ký ức trở về trước và rất nhiều ký ức sau này nữa (không phải ngẫu nhiên bà lại đặt tiêu đề cho hồi ký của mình là Cô bé nhìn mưa). Và không chỉ một lần, Đặng Thị Hạnh nhiều lần ám chỉ về sự lựa chọn của hồi ức cá nhân trong những trường đoạn miêu tả khác nhau: “Rất kỳ lạ là chính vào lúc tôi ý thức được là có tôi, người lúc nào cũng xuất hiện trong cái không gian bé nhỏ mà tôi sống, lại không phải là mẹ tôi, mà là dì Tân, dì út tôi.” [57, 11] hay “Ông ngoại tôi tuy là ông lang nhưng không hề được nhớ lại kèm theo với mùi thơm dễ chịu đăng đắng, ngọt ngọt của các vị thuốc (…). Trong ký ức của tôi, ông ngoại được nhớ kèm theo một chồng sách bìa màu tím xám có vẽ một cái cân, nhan đề Nhân đạo quyền hành, sau này ba tôi nói với tôi rằng đó là cuốn triết học duy nhất có giá trị thời ấy… [57, 17]” (Những chỗ in nghiêng đậm là chỗ chúng tôi nhấn mạnh, T.T.H.H).

Ta càng hiểu rõ hơn tính chủ quan của hồi ức khi đặt tác phẩm này của Đặng Thị Hạnh trong sự so sánh với hồi ký Tầm xuân của người em gái ruột Đặng Anh Đào. Rõ ràng, cùng chung một không gian sống từ thủa ấu thơ, cùng chung một “bầu trời mơ mộng” đan dệt từ những hồi ức cũ nhưng mỗi người lại có sự tái hiện hoàn toàn độc lập, không hề trùng khít với nhau. Với Tầm xuân, ký ức tuổi thơ của Đặng Anh Đào được gợi nhắc qua những hình dung sáng rõ về chiếc “vành cánh” bạc đã bị đánh mất trong một lần đi biển, qua những mùi vị thơm ngon tưởng như còn ở trên đầu lưỡi của những món quà bánh xưa chưa bao giờ khiến bà thôi tiếc nuối “Bởi người ta ăn ngon chủ yếu là do kỷ niệm. Những món ăn thuở nhỏ là những thứ ngon nhất còn lại của cả đời người” [36, 39].

Những ấn tượng về dì Tân cũng không phải là “trong khoảng không gian nhỏ bé, ở đấy có cả tiếng mưa rào lẫn mùi khét nắng, cả tiếng võng đưa với một lời ru não nuột” [57, 37] như trong Cô bé nhìn mưa mà là hình ảnh người thiếu nữ với “chiếc kiềng vàng và nụ cười khiến gương mặt sáng ngời, cặp mắt lấp lánh, má đỏ hồng. Từ trên chiếc xe tay, dì chìa cho tôi cái vòng sáng long lanh…” [36, 14]. Cũng như thế, ký ức về ông ngoại không chỉ gắn với tập sách nổi tiếng của ông mà còn là hình ảnh ông bên quầy thuốc hay những khoảnh khắc ông ngoại trầm tư bên vườn hoa quỳnh khi gia đình xảy ra biến cố…

Trường hợp của hai cô con gái nhà họ Đặng chỉ là một trong những minh chứng rất điển hình cho sự sàng lọc của ký ức trong hồi ký. Dường như ta nhìn thấy hình bóng của họ trong câu nói của Banzac “Trái tim cũng có trí nhớ của nó. Đàn bà vốn không có khả năng nhớ nổi các sự kiện nghiêm trọng nhất, thì lại nhớ được suốt đời những chuyện quan trọng đối với tình cảm của họ” [5, 146]. Mỗi thiên hồi ký luôn luôn là một sự lựa chọn rất riêng tư của bản thân tác giả trên hành trình “đi tìm thời gian đã mất” (tên một tác phẩm nổi tiếng của Marcel Proust).

2.1.2.2. Những giới hạn của việc tái hiện sự thật trong quá khứ

Qua thử thách của thời gian, không ai có thể chắc chắn hoàn toàn về sự chính xác của những mảnh dữ liệu đã được lưu giữ quá lâu trong trí óc của chúng ta nữa. Như Tobias Wolff đã khéo léo ám chỉ trong phần giới thiệu cuốn hồi ký của ông- Cuộc sống của một chàng trai: "đây là một cuốn sách của bộ nhớ, và bộ nhớ có câu chuyện riêng của mình để nói" [187]. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cũng thẳng thắn nêu ra những giới hạn của ký ức như một thách thức cho bất cứ ai khi viết hồi ký: “Nhưng vẫn còn vấn đề giá trị của cái mà ta gọi là trí nhớ trong một hồi ký (…). Trí nhớ phải trung thực? Nhưng ai cấm người kể chuyện tô điểm vào đây đôi chút nước màu của tưởng tượng? Ngay cả các ký ức của cụ già thật sự có thể đáng được tin cậy hoàn toàn không? Phải chăng các cụ

cũng đang chỉ làm một công việc mà nhà triết học hư vô chủ nghĩa đã từng gọi là đi bắt cái bóng của một cái bóng, đi tìm vết chân của một vết chân?” [107, 16-17]. Chung quan điểm này, đại tướng Phạm Văn Trà đã thốt lên đầy luyến tiếc ở phần cuối của cuốn hồi ký Đời chiến sĩ: “Cảm ơn độ lùi thời gian cho phép tôi cảm nhận cuộc đời được sâu lắng, đa chiều hơn. Nhưng cũng buồn, vì thời gian như chính kẻ thù của ký ức. Cuộc đời, với ngót ba chục năm chinh chiến và trên hai chục năm công tác, có biết bao sự kiện, tình tiết rất đáng nhớ đan cài mà trí nhớ lại có hạn” [178, 481].

Không có gì lạ khi nhiều tác giả trong quá trình viết hồi ký, đặc biệt khi cần tái hiện chân dung của người khác đã phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân, bạn bè, xác minh các nguồn tài liệu cũng như tìm hiểu thêm những dòng ký ức khác nhau của nhiều người để nêu lên sự thật một cách công tâm và toàn diện nhất. Viết về Nguyên Hồng, Bùi Ngọc Tấn không ngại ngần kể lại ở phần vĩ thanh của cuốn Một thời để mất “Tôi đã cố nhớ lại. Và tôi biết mình quên rất nhiều (…). Tôi đã đi cầu viện, hỏi lại, gợi lại trí nhớ bạn bè (…). Các bạn tôi mỗi người đều có những kỷ vật về anh, cất giữ chúng như những tài sản quý giá ” [151, 422]; “Chẳng những Nguyên Bình cho tôi chi tiết, anh còn gợi lại nhiều điều, nhiều việc, nhiều chuyện tôi đã quên đi. Những chuyện, những việc ấy làm chúng tôi sống lại một thời, làm chúng tôi trẻ lại, kích thích tôi làm việc” [151, 423]. Viết về Xuân Diệu trong Hồi ký song đôi, Huy Cận không ỷ lại vào trí nhớ của một người bạn tri kỷ mà luôn luôn có sự lật giở lại những lá thư, những trang nhật ký, những câu chuyện của Xuân Diệu. Viết về người em gái Xuân Quỳnh, Đông Mai dù coi người đã mất như “một nửa cuộc đời tôi” nhưng mọi câu chuyện được kể lại trong hồi ký không hề mang tính một chiều mà đều có trích dẫn rất rõ ràng từ những lá thư kỷ vật giữa hai chị em hay từ những ghi chép trong nhật ký của người cha đã xa. Nhà báo Hữu Thọ thẳng thắn thừa nhận: “Trong

cuộc đời làm báo tôi đều ghi chép những gì cần nhớ trong sổ tay nhưng sự việc được ghi chép đều qua chủ quan của người ghi, cho nên mong ở sự thông cảm” [161, 296]. Nghệ sĩ Kim Cương cần đến 40 năm để cân nhắc và tập hợp các tư liệu cho cuốn hồi ký để đời. Cũng như Ái Vân chỉ đồng ý cho nhà thơ Đinh Thu Hiền chấp bút viết hồi ký về mình khi bà đã chuẩn bị đủ tư liệu và thông qua người thân, bạn bè để chắc chắn về tính chính xác của những sự kiện diễn ra trong quá khứ.

Như vậy, sự cẩn trọng khi viết hồi ký là không thừa và những tác giả chân chính luôn nhìn ra những hạn chế không tránh khỏi của những sự kiện đã được ký ức lưu giữ. Vì vậy, mỗi người viết hồi ký luôn phải ở trong một chu trình hai mặt: một mặt cố gắng tự đào xới, huy động mọi luồng thông tin từ trí nhớ; mặt khác lại phải làm công việc “gạn đục khơi trong”- cân nhắc những thông tin nào nên công bố, xem xét ảnh hưởng của mỗi sự kiện để quyết định mức độ và thời điểm công bố các hồi ức (Ví dụ: Tự Truyện được Tô Hoài sáng tác từ năm 1978 nhưng ở lần in lại năm 1997, ông đã ghi rõ tên Hoàng Huế là người năm 1956 đã mỉa mai Nguyễn Tuân “thắt cà vạt đỏ đi khắp năm châu” trên báo Đất Mới…).

2.2. Sự thôi thúc từ hiện tại- điểm khởi đầu của dòng ký ức

Nhà thơ Gayben, trong một lá thư hồi năm 1860 từng viết “Trong mấy tháng, tôi cảm thấy không đến nỗi khó chịu và có làm thơ, vì bỗng nhiên đã sống dậy và trào lên những hồi ức cũ từ cái thuở mới hai mươi tuổi ở Hy Lạp” [5, 152]. Dostoyevsky trong cuốn Nhật ký nhà văn đã kể lại: “Riêng lần này, không hiểu sao tự dưng tôi nhớ lại một khoảnh khắc không đáng kể từ hồi bé thơ của tôi (…). Đấy là hồi ức về cuộc gặp gỡ với người mugic Marây ở ven rừng (…). Về sau thỉnh thoảng lắm mới gặp lại anh ta… thế mà bỗng nhiên, giờ đây, sau hai mươi năm trời kể từ khi ở Xibir, tôi nhớ lại toàn bộ cuộc gặp gỡ này một cách rõ ràng tới mức nhớ tận cái nét cuối cùng của nó” [5, 155]. Balzac tâm sự: “Quả thật

đây tôi sẽ kể lại cho các bạn, nó thuộc trong số những câu chuyện kỳ lạ được giữ lại trong một cái túi để rồi cái trò lố lăng của trí nhớ tóm rút ra như các số xổ số vậy. Tôi còn nhiều những loại chuyện như vậy (…): các bạn hãy tin là sẽ đến lượt chúng phải lộ ra” [5, 152]. Rõ ràng, khá nhiều nghệ sĩ băn khoăn về sự xuất hiện bất chợt của quá khứ giữa dòng chảy hiện tại. Nhưng thực ra, trong vô vàn những sự ngẫu nhiên ấy, có những quy luật đầy tính dự báo mà người nghệ sĩ mơ hồ không thể nhận ra nhưng nhà tâm lý học có thể lý giải được1. Ký ức khuất lấp trong những vỉa tầng sâu xa của trí não sẽ được gọi về bởi những “cú hích” bất ngờ ở hiện tại mà chính người trong cuộc nhiều khi cũng ngỡ ngàng. Với những tác giả viết hồi ký, sự tìm về quá khứ dường như luôn bắt đầu bằng những thôi thúc từ thực tại đời sống. Đó là những khoảnh khắc có ý nghĩa đặc biệt ở thời điểm hiện tại, khi nhu cầu muốn bộc bạch, giãi bày của tác giả được đẩy lên cao trào, không thể kìm nén; khi những tâm niệm tri ân với cuộc đời biến thành khao khát muốn sẻ chia bằng lời; khi con người muốn tìm sự cân bằng cho hiện tại và lời giải đáp cho những vấn đề đời sống đang diễn ra xung quanh ta...

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) hồi ký trong văn học việt nam giai đoạn 1975 đến nay nhìn từ đặc trưng thể loại (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(182 trang)