Chƣơng 3 NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT TÂM LÝ
3.2. Các khuynh hướng xây dựng nhân vật
3.2.1. Tập trung đề cao tâm lý cá nhân
Từ sự đề cao con người cá nhân mà chúng tôi đã nói đến ở trên, tiểu thuyết tâm lý có mảnh đất để ươm mầm thể loại, rồi vươn mình phát triển trở thành một khuynh hướng chủ đạo trong văn học của cả một giai đoạn. Có thể thấy, chỉ khi nào con người cá nhân xuất hiện trong văn chương, khi đó thủ pháp phân tích tâm lý mới có đất để vận dụng. Bởi tâm lý là toàn bộ những hoạt động của tư duy và cảm xúc luôn biến động trong đời sống ý thức của cá nhân. Nói đến tiểu thuyết tâm lý là nói tới một hình thức văn xuôi tự sự quan tâm sâu sắc tới tâm lý cá nhân, tâm lý các nhân vật cụ thể, chứ không phải tâm lý tập thể, tâm lý giống loài, có tính quy luật phổ biến. Tâm lý ấy hoàn toàn thuộc về cá nhân. Ngay cả người đọc, dầu có là người đọc thông minh, người đọc ưu tú, có chuyên môn sâu về ngành tâm lý học thì cũng khó mà dò xét được tường tận những gì đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật, một hạng người nhất định trong một hoàn cảnh nhất định. Sự thổ lộ qua những lần độc thoại nội tâm, qua phương cách viết thư từ, ghi nhật ký của các nhân vật… chỉ nói thêm một điều, tâm hồn con người là cõi xa xăm đầy bí ẩn. Con người thời hiện đại luôn có nhu cầu khám phá tâm lý nhân vật, khám phá những biến chuyển trong tâm hồn người khác, vì tò mò có, vì sự hối thúc để so sánh trải nghiệm tâm lý của chính mình cũng có, và còn vì con người của thời đại hôm nay khác thời đại hôm qua chính là vì quá trình trải nghiệm, quá trình diễn biến tâm lý. Vì vậy tiểu thuyết tâm lý khi ra đời nó nhanh chóng chiếm được cảm tình của số đông độc giả. Nhiều tiểu thuyết thời kỳ này đều lên tiếng ca ngợi sự am tường tâm lý của các đồng nghiệp, thậm chí còn cố gắng giảng giải nguồn cơn diễn biến tâm lý nhân vật trong tác phẩm của mình.
Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Tố Tâm ra đời, đã tạo nên tiếng vang trên văn đàn. Trong vòng dăm tháng, tác phẩm này được tái bản nhiều lần, lần nào cũng bán hết, thậm chí có nhà xuất bản ở Nam Bộ tái bản đến lần thứ tám mà không xin ý
kiến tác giả. Điều đó chứng tỏ nhu cầu đọc Tố Tâm rất lớn. Nguyên do nào dẫn tới
nhu cầu đọc cuốn tiểu thuyết tâm lý này lớn đến như vậy? Năm 1925, khi ấn bản đầu tiên được phát hành, người ta đổ xô đi mua, người ta thay nhau đọc. Vì người đọc lần đầu đọc một cuốn sách mới về nội dung và hình thức: kể về mối tình của người trẻ tuổi, nam nữ thanh niên yêu nhau mà không lấy được nhau. Trong tác phẩm này, Đạm Thủy, nhân vật kể lại chuyện tình của mình như mở từng cuộn phim, lần dở từng tấm ảnh để tìm về quá khứ. Đạm Thuỷ đã trải lòng mình, dãi bày chuyện tình thầm kín của mình cho tác giả, nhân vật xưng “tôi” nghe và ghi lại. Có bao độc giả đã cảm thông và xúc động cho một chuyện tình như vậy, nhất là những độc giả ưa mơ mộng. Tác giả đã đánh trúng thị hiếu của độc giả khi nói đúng tâm lý lớp người trẻ tuổi, trẻ lòng đang ngập tràn khát vọng tự do yêu đương, tự do sống, tự do hưởng thụ, tự do thóat khỏi những bức tường cách ngăn của lễ giáo, của đạo đức phong kiến cổ hủ, lạc hậu, thóat khỏi những tín điều đã không còn phù hợp với con người hiện đại. Những người trẻ tuổi bao giờ cũng là những người miệt mài học hỏi, nhanh chóng thích nghi. Họ có nhiều lợi thế. Khi đọc một cuốn tiểu thuyết tâm
lý như Tố Tâm, độc giả sẽ say mê chuyện tình buồn còn nhiều dang dở, sẽ bàn tán
về người con gái bất hạnh. Thêm nữa, nhà văn Hoàng Ngọc Phách là một nhà giáo, ảnh hưởng của nghề nghiệp khiến ông không có ý định cho nhân vật của mình là Đạm Thủy hay Tố Tâm phá phách, chối từ nền luân lý cũ. Tiếp thu văn học phương Tây, ông đã viết một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn mới để nói hộ tiếng lòng của đôi lứa yêu đương, đòi hỏi tình yêu tự do, tôn trọng tự do cá nhân. Bởi thế, Đạm Thủy dẫu có đau đớn, xót xa cho người yêu nhưng cũng hết mực ca ngợi nàng, ca ngợi chính việc Tố Tâm đã không vượt qua vòng lễ giáo. Nỗi đau của Đạm Thuỷ khi nhận tin người yêu đi lấy chồng, khi biết tin người yêu mất, khi biết người mình yêu vẫn yêu mình... đã không được nhà văn khai thác tỉ mỉ trong thiên truyện này. Tiểu thuyết kể về một chuyện tình buồn, không có đấu tranh, không có giành giật hạnh phúc, chỉ có khổ đau. Khổ đau cho người ra đi. Khổ đau cho người tình ở lại. Khổ đau ở đây là hiện tượng tâm lý đặc thù, rõ rệt nhất khi nó trở thành minh chứng cho tình yêu giữa Tố Tâm và Đạm Thuỷ. Tố Tâm chết không phải vì phản kháng lại lễ giáo. Tố Tâm chết vì yêu, chết vì quá buồn đau khi không đến được với người mình
yêu. Tố Tâm đã không thể là cô Loan trong Đoạn tuyệt, không thể từ bỏ gia đình,
chối từ nền nếp cũ. Tố Tâm là cô gái ngoan như trong một bài thơ cổ phong. Bao lá thư tình mà Đạm Thủy giữ lại trong tay đã đưa chàng quay trở lại gặp Tố Tâm chỉ còn qua những dòng hồi tưởng. Chuyện tình này trở nên quá lãng mạn, nhất là khi nó xuất hiện trước công chúng vào năm 1925.
Như vậy, trong Tố Tâm, tác giả vẫn tổ chức kết cấu theo dòng sự kiện, nghĩa là câu chuyện được hồi tưởng qua giọng kể của Đạm Thủy, qua hình thức nhật ký, thư từ nhưng vẫn có cốt truyện khá rõ ràng. Hình thức này còn mới lạ với độc giả lúc bấy giờ. Qua cuốn tiểu thuyết này, chúng ta thấy rằng vai trò của nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết vô cùng quan trọng, kể cả trong tiểu thuyết tâm lý, mặc dù, trong tiểu thuyết tâm lý, cái quan trọng được tác giả dày công xây dựng không phải là hành động của nhân vật mà là quá trình tâm lý. Khi đó nhân vật không còn nhiều hành động, không còn nhiều cử chỉ, lời nói, nhân vật không cần xuất hiện giữa đám đông, nhân vật thậm chí có thể vắng mặt. Nhân vật sẽ hiện lên qua lời người khác kể lại, qua nhật ký, qua thừ từ hay một hình thức khác. Nhân vật vật vẫn sống động hiện lên trước mắt người đọc khi dòng suy nghĩ của nhân vật hiện lên trên từng trang tiểu thuyết. Tố Tâm đã không còn nữa nhưng cuộc đời nàng còn hiện lên rõ qua từng diễn biến tâm lý mà nhà văn ghi lại. Cho nên, thưở mới xuất hiện, Tố Tâm trở thành cuốn tiểu thuyết khiến biết bao người trẻ tuổi dõi theo. Họ tưởng đến những lúc hai nhân vật chính chìm trong đau khổ vì mối tình éo le, dang dở. Họ tưởng để lúc nhân vật chính chết vì căn bệnh tương tư. Sức ảnh hưởng của cuốn sách mạnh đến nỗi có người đương thời cho rằng sau khi đọc những cuốn tiểu thuyết như thế, nhiều cô gái đã ngã xuống lòng hồ Tây hay hồ Trúc Bạch để chứng minh cho lòng chung thủy trong tình yêu.
Từ sự mở đường của Hoàng Ngọc Phách, các nhà văn về sau càng quan tâm đến nghệ thuật phân tích tâm lý trong xây dựng nhân vật. Nhà văn Nguyễn Đình Thi sau này từng lưu ý các bạn viết: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết, theo tôi, là miêu tả những con người và tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là sự việc” [196; tr.169]. Sau Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng rất thành công trong xây dựng nhân vật, nhất là xây dựng nhân vật nữ có ý
thức sâu sắc về đời sống cá nhân. Hồn bướm mơ tiên (1933) sẽ cho chúng ta thấy
điều đó. Xin quay trở lại mốc thời gian đáng nhớ 1932. Tháng 3/1932 Tự lực văn
đoàn được thành lập. Báo Phong hóa được mua lại và tiếp tục tái bản từ số 13. Tôn
chỉ, mục đích của nhóm văn học này chi phối toàn bộ quan niệm nghệ thuật về nhân vật của nhà văn Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam... Tự lực văn đoàn thâu nạp nhiều nhà văn theo khuynh hướng văn học lãng mạn. Nhân vật trong tiểu thuyết của của các nhà văn Tự lực văn đoàn thời kỳ đầu mang sẵn trong mình tâm lý thóat ly. Thóat ly để sống đời tự do, sống đời đáng sống nhưng thóat ly cũng là một cách trốn chạy hiện thực cuộc sống, thóat ly cũng là một cách đề cao tự do cá nhân, đề cao cái tôi cá nhân. Nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn theo đuổi cuộc sống đáng sống trong tưởng tượng. Các nhà văn lãng mạn đã cố gắng cách ly đời sống tinh thần ra khỏi đời sống vật chất. Dường như các nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn lãng mạn thời kỳ này không mấy khi để ý đến cảnh “gánh nặng áo cơm ghì sát
đất” mà ngược lại họ để tâm hồn bay bổng trong những cuộc tình mây gió, trong những mộng tưởng không ngờ và tình cảm của họ bao giờ cũng chan chứa tình nhân ái, vươn mình tới những khát vọng tự do, những giấc mộng rất đẹp, rất xa xôi. Cả
hai nhân vật Ngọc và Lan trong Hồn bướm mơ tiên là hai nhân vật như vậy. Họ đã
yêu nhau trong một hoàn cảnh y như phạm tội và họ không nỡ phá bỏ cái thực tại êm đềm, cái hoàn cảnh có đôi chút trái ngang để đến được với nhau. Cuối cùng, chỉ có họ mới có thể nghĩ ra được cách giải quyết. Nghĩa là họ vẫn yêu nhau vì không ai cấm được người ta yêu nhau, nhưng họ không đến với nhau vì họ vin vào một tình yêu cao thượng, tình yêu thóat ly thực tế, yêu nhau trong tư tưởng. Người đọc hẳn không ngờ câu chuyện lại có một cái kết như thế. Nhưng dầu sao, đọc xong cuốn tiểu thuyết, người đọc không khỏi bâng khuâng, bâng khuâng trước những tuyên ngôn của đôi lứa yêu nhau tìm ra một lối thóat, để vẫn yêu nhau mà không làm thay đổi hoàn cảnh thực tế của nhau. Trong hoàn cảnh ấy, Khái Hưng đã phô bày những diễn biến nội tâm, những rung động rất đỗi tinh vi trong tâm hồn Lan và Ngọc. Có lẽ phải đến Hồn bướm mơ tiên, bạn đọc thời bấy giờ mới được chứng kiến một chuyện tình lãng mạn hiện lên trong khung cảnh đẹp, con người đẹp và tình yêu toàn mơ mộng đến như vậy.
Nói như vậy không có nghĩa là các nhà văn lãng mạn thời kỳ đầu của Tự lực
văn đoàn quên hẳn thực tại, đắm chìm trong mộng ảo. Nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn thời kỳ này chủ yếu thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản hoặc mới gia nhập tầng lớp tiểu tư sản. Họ có một hoàn cảnh xuất thân đủ để tạm coi thường gánh nặng áo cơm, đủ để toàn tâm, toàn ý sống với những gì mơ tưởng. Tâm trạng chung của họ là tâm trạng cô đơn, chán nản, đôi khi tuyệt vọng. Đó là những nhân vật đang trên hành trình đi tìm chính mình. Các nhà văn lãng mạn tập trung ghi lại những rung động tâm hồn nhẹ nhàng, tinh vi của con người. Người thành công nhất phải kể đến Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… với những nhân vật như Lan và
Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên, Dũng và Loan trong Đôi bạn, Đoạn tuyệt, Trương
trong Bướm trắng và Trường trong Ngày mới... Ngoài ra, nhiều nhân vật trong tiểu
thuyết lãng mạn đã phản kháng lại thực tại bằng cách trốn chạy thực tế, từ bỏ cuộc sống đang có, lên đường thực hiện hoài bão, chí lớn mà mục đích của hoài bão lại khá mơ hồ. Họ đi để được đi, đi để được là chính mình, đi để trốn khỏi thực tại. Việc giã biệt gia đình, ra đi dấn thân vào cuộc đời gió bụi của Dũng, việc sẵn sàng xa nhau, chỉ còn yêu nhau bằng tâm hồn cao thượng của Ngọc và Lan thực sự là những mục đích khá mơ hồ mang tính lý tưởng mà nhà tiểu thuyết lãng mạn gán cho nhân vật. Nhưng đấy lại không phải là điểm chính thu hút sự quan tâm của người đọc. Tiểu thuyết lãng mạn thời kỳ này không hấp dẫn bạn đọc bởi cái lý tưởng mà nhân vật theo đuổi. Những rung động tâm hồn của Dũng, của Loan, của Lan, của Ngọc, của Trường, những nhân vật mà chúng tôi đã nói ở trên khiến cho tiểu thuyết tâm lý trở thành những trang viết rất cảm động. Những giằng xé, những
vật lộn của nhân vật Trương trong Bướm trắng đã dẫn dắt người đọc đến với những trang phân tích tâm lý vô cùng đặc sắc. Việc tập trung phân tích tâm lý con người cá nhân của các nhà văn kể trên thực sự đưa người đọc đến với thế giới còn nhiều bí ẩn, thế giới nội tâm con người. Bởi con người thời đại mới thường có nhu cầu đi tìm cái tôi bản ngã của chính mình. Nhất Linh đã đặt nhân vật Trương vào một hoàn cảnh đặc biệt: nhân vật biết chỉ còn sống được một năm nữa. Hoàn cảnh đó tạo nên cái cớ để nhân vật tiếp tục dấn thân, đi tìm cái tôi cá nhân của chính mình. Có lẽ trong tiểu thuyết nước nhà trước khi Bướm trắng (1941) ra đời, chưa có nhân vật
tiểu thuyết nào có đời sống nội tâm vô cùng phức tạp như vậy. Đến Sống mòn của
Nam Cao sau này, thì thế giới nội tâm của nhân vật Thứ được nhà văn miêu tả tỉ mỉ hơn, có chiều sâu hơn. Là một tác phẩm văn học hiện thực, những diễn biến tâm lý tinh vi của nhân vật Thứ có sức hấp dẫn riêng bởi nhà văn luôn cố gắng lý giải cội nguồn tạo nên quá trình tâm lý phức tạp đó. Đó là sức hấp dẫn của tiểu thuyết tâm lý từ 1940 trở đi.
Có thể thấy, tiểu thuyết của các nhà văn Nam Bộ cùng thời với Tố Tâm với
đặc thù phong tục tập quán, văn hóa sinh hoạt, nét tính cách và ngôn ngữ mang phần nhiều mang tính địa phương nên chưa đủ sức lan toả ra tới tay độc giả yêu tiểu thuyết của các nước. Mặt khác, dấu vết của tiểu thuyết tài tử giai nhân vẫn còn sâu đậm, tiểu thuyết tâm lý khởi nguồn từ Nam Bộ và nở rộ trong văn học Bắc Kỳ bởi tác động của những hoạt động báo chí xuất bản và những cuộc tranh luận văn học diễn ra vô cùng sôi nổi.Cuối cùng thì với sự xuất hiện tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, nhóm nhà văn chủ trương văn học lãng mạn song hành với sự xuất hiện các tác phẩm của Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, những nhà văn theo khuynh hướng văn học hiện thực và Lê Văn Trương, tự mình thiết lập riêng mình một “văn đoàn” với những tác phẩm mang triết lý “người hùng” nổi tiếng một thời, sau đó là Lan Khai, Nguyễn Tuân, Nam Cao..., tiểu thuyết tâm lý đã hoàn thiện con đường phát triển theo hướng ngày càng nâng cao nghệ thuật tiểu thuyết theo hướng hiện đại. Theo dòng thời gian, tiểu thuyết hiện thực đã đưa xu hướng hiện thực tâm lý lên bước phát triển cao với khả năng lý giải tường tận những biến chuyển tâm lý của con người.