Nhân vật khủng hoảng tư tưởng

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý Việt Nam từ 1925 đến 1945 (Trang 118 - 120)

Chƣơng 3 NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT TÂM LÝ

3.3. Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý

3.3.1. Nhân vật khủng hoảng tư tưởng

Đứng trước những tác động mạnh mẽ của văn hóa phương Tây vào xã hội thị dân ở Việt Nam, quan niệm đề cao con người cá nhân thịnh hành trong giai đoạn này là đòi hỏi tất yếu mang tính lịch sử. Nhân vật trong tiểu thuyết nói chung và trong tiểu thuyết tâm lý nói riêng cũng không đứng ngoài quy luật ấy. Từ việc quan niệm đề cao con người cá nhân, các nhà văn đã sáng tạo nên những nhân vật chịu sự khủng hoảng lý tưởng. Hầu hết nam nữ thanh niên trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn đều mang trong mình mối mâu thuẫn lớn với trật tự xã hội phong kiến bởi họ là những người “Trọng tự do cá nhân”. Họ mang trong mình lý tưởng, hoài bão lớn lao, mang trong mình con tim sôi nổi yêu đương, mưu cầu tự do gây dựng hạnh phúc cho mình. Chỉ có điều lý tưởng của hầu hết những nhân vật lãng mạn trong tiểu thuyết thời kỳ này đều hết sức mơ hồ. Họ khao khát dấn thân vào những hành động mạo hiểm, có tầm vóc lớn lao nhưng thực ra, họ đi chỉ để đi, để ra khỏi cuộc sống chật hẹp thường ngày, chủ yếu để được thể hiện lối sống đề cao cái tôi cá nhân của chính mình và mục đích của những hành động cao cả của họ thường hết sức mơ hồ. Trong một hoàn cảnh như thế, họ rơi vào khủng hoảng. Không thực hiện được lý tưởng khiến họ bị rơi vào bi kịch tinh thần: khủng hoảng tư tưởng. Chính những khủng hoảng tinh thần đã gây nên trong họ những băn khoăn, trăn trở cùng những cảm giác và rung động tâm hồn tinh tế.

Những nhân vật như Dũng và Loan trong Đoạn tuyệt của Nhất Linh đã phản

ứng gay gắt trước lễ giáo phong kiến, trước gia đình truyền thống. Sự chống đối ấy diễn ra một cách công khai và quyết liệt. Tố Tâm đành chịu chết, cái chết của nàng gióng lên hồi chuông cảnh tình về người con gái mong ước được yêu đương tự do mà cuối cùng lại chịu khủng hoảng dẫn đến buông xuôi theo sự sắp đặt của gia đình. Đối lập với Tố Tâm, Loan ra mặt chống đối lại cái trật tự nền nếp của xã hội phong kiến ấy. Cái kết cục là chính nhân vật Loan cũng chịu quá trình tâm lý dày vò vô cùng đau khổ, khi Loan không thể đến với Dũng, khi Loan vẫn phải lấy Thân, người mà nàng không yêu và cuộc sống của nàng đã trở nên đáng sợ hơn khi Loan phải đối mặt với cái gia đình cổ hủ, đại diện là bà mẹ chồng và cô em chồng cay nghiệt. Trong những năm tháng ở nhà chồng, Loan vẫn quyết liệt chống lại cái gia đình phong kiến ấy để mong đến với tiếng gọi của tình yêu tự do. Cuộc khủng hoảng tinh thần diễn ra thường xuyên trong nội tâm của Loan và cuối cùng, mâu thuẫn ấy đã bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi chỉ vì quyền định đoạt của mẹ chồng mà Loan mất đi đứa con và cuối cùng, vì bị đẩy vào hoàn cảnh vì vô ý mà giết chồng. Những diễn biến tâm lý của nhân vật Loan không phải không có chỗ khiên cưỡng bởi dụng ý của nhà văn muốn thông qua hành động quyết liệt của Loan để làm nổi

bật lên luận đề của tác phẩm. TuyĐoạn tuyệt là cuốn tiểu thuyết mang tính luận đề

sâu sắc nhưng không phải vì thế mà làm giảm đi sức hấp dẫn của những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng đặc sắc của tác giả. Bên cạnh Loan, nhân vật Dũng trở

thành nhân vật tiểu biểu cho loại hình nhân vật khủng hoảng lý tưởng. Sự khủng hoảng lý tưởng, sự mâu thuẫn giữa khát vọng yêu tự do cá nhân với lễ giáo phong kiến hà khắc đã đẩy nhân vật đến việc nảy sinh những mâu thuẫn trong tình cảm, đặt nhân vật vào những tình huống nảy sinh tâm lý. Trốn chạy cuộc sống gia đình vốn được coi chốn bình yên bởi những tôn ti trật tự của xã hội phong kiến bao đời tạo dựng nên, nhân vật Dũng chấp nhận giấu kín tình cảm riêng tư với Loan để băng mình vào cuộc đời gió bụi, xả thân vì lý tưởng yêu tự do, đề cao con người cá nhân. Còn nhân vật Loan tuy ngấm ngầm chống lại cái trật tự xã hội đó nhưng buộc phải quy hàng để theo sự sắp đặt của gia đình, yên bề gia thất với Thân, người mà nàng không yêu. Từ hoàn cảnh ấy, Dũng rơi vào khủng hoảng, từ khủng hoảng lý tưởng dẫn tới tâm trạng “bàng hoàng say rượu” và thổ lộ:

Độ ấy tôi có ngờ đâu có ngày tôi yêu Loan như tôi yêu nàng bây giờ, Loan một người đàn bà có chồng. Nếu tôi quên được!... Tôi muốn quên lắm, quên Loan đi trong sự hành động, nhưng người ta không thể hoàn toàn tự sai khiến được. Ái tình nhiều khi mạnh hơn lẽ phải [148; tr.81].

Trong tiểu thuyết Băn khoăn của Khái Hưng, nội dung tác phẩm thật đúng

với cái tên Băn khoăn, bởi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là tâm trạng băn khoăn của

một lớp thanh niên con nhà giàu sống nơi thành thị, họ không có mục đích sống rõ ràng, họ lâm vào bế tắc, họ mất niềm tin trong cuộc sống. Mọi thứ với họ đều mơ hồ, thậm chí vô nghĩa và họ đang chìm trong trạng thái bi quan, họ rất dễ hư hỏng, dễ lao vào cuộc sống ăn chơi hưởng thụ. Cái tâm lý bi quan, chán nản bàng bạc trong tác phẩm và cũng là tâm trạng chung của nhân vật.

Khảo sát tiểu thuyết giai đoạn này, không chỉ có nhân vật trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn mới có kiểu nhân vật khủng hoảng về lý tưởng dẫn đến những dồn ép về tâm lý. Trong tiểu thuyết của Lan Khai, Lê Văn Trương, Nam Cao, Tô Hoài, Vũ Bằng... đều có những nhân vật chịu sự khủng hoảng tương tự.

Khải trong Mực mài nước mắt đã rơi vào khủng hoảng khi ước mộng văn chương

cao đẹp đã không thể nào thực hiện được khi cuộc sống khó khăn, tương lai mờ mịt ở chốn phồn hoa níu chặt lấy chàng khiến Khải cuối cùng, phải từ bỏ mảnh đất ngàn năm văn hiến, mà theo chàng chỉ có ở đó chàng mới có thể thi triển được tài năng để trở về quê, giã từ lý tưởng từng theo đuổi. Kể từ khi người chồng, chỗ dựa

tinh thần đầy tin tưởng không còn nữa, Vân trong Tôi là mẹ lâm vào khủng hoảng,

cái lý tưởng được sống cuộc đời cho xứng đáng với những giấc mộng cao đẹp luôn bị sự dồn ép của cuộc sống thực tế, một người vợ goá với hai đứa con thơ khiến cho Vân nhiều phen lâm vào tâm trạng bị dồn nén, giằng xé giữa bao tâm trạng. Còn nhân vật chính trong Cai của Vũ Bằng thì kể từ khi bước vào con đường quyết tâm từ bỏ nàng tiên nâu đã bao phen chịu sự giày vò của tâm trạng. Cái lý tưởng cao đẹp được thóat khỏi sự cám dỗ của á phiện tưởng như có lúc không thể thực hiện được nữa. Những cuốn tiểu thuyết tâm lý như thế thường

mang tính luận đề sâu sắc. Chỉ có điều khủng hoảng tư tưởng thể hiện rõ nhất và thường xuyên nhất trong những nhân vật của tiểu thuyết mang tính luận đề. Khi lý tưởng không thể thực hiện, khi những gì người ta tin tưởng, người ta sẵn sàng chiến đấu vì nó đã không thể thành hiện thực thì niềm tin về con đường nhân vật đã đi sẽ trở nên mong manh. Nhất là khi lý tưởng sống trở nên mơ hồ, mong manh, nhân vật sẽ lâm vào khủng hoảng. Ở những tiểu thuyết có sự giao thoa giữa luận đề và tâm lý thì kiểu nhân vật này xuất hiện rõ nét hơn. Sự đấu tranh cho tự do của con người cá nhân trong những tác phẩm như thế cũng quyết liệt hơn. Do vậy, quá trình tâm lý nhân vật thường diễn ra không quá phức tạp nhưng hành

động của nhân vật thì vô cùng quyết liệt. Cả nhân vật Dũng và Loan trong Đoạn

tuyệtđều có những lời nói và việc làm thể hiện rõ cái tôi cá nhân của mình. Họ thách thức lại cả cái trật tự gia đình phong kiến, thậm chí chống đối nó một cách quyết liệt. Ở một góc nhìn khác, những nhân vật thuộc kiểu này đều là những trí thức, có khả năng kiểm soát tâm lý, tự chủ về mặt tinh thần, hiểu thấu đáo việc mình làm. Quá trình tâm lý của nhân vật chỉ diễn ra phức tạp khi nhân vật bị đẩy vào hoàn cảnh chịu sự khủng hoảng về tư tưởng, mất phương hướng, khó xác định xem ngày mai cuộc đời mình sẽ đi đến đâu. Nhiều nhân vật sẽ tìm cách thóat ly thực tế như một cách chạy trốn hoàn cảnh. Đây là nét khác biệt giữa tiểu thuyết tâm lý xuất hiện vào những năm 1930 và tiểu thuyết tâm lý xuất hiện từ năm 1940 trở đi.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý Việt Nam từ 1925 đến 1945 (Trang 118 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)