Chƣơng 3 NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT TÂM LÝ
3.3. Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý
3.3.3. Nhân vật phức hợp các tính cách
Nhân vật khủng hoảng tâm lý xuất hiện trong tiểu thuyết trước 1940 nhưng phải đến tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện thực xuất hiện sau năm 1940 thì kiểu nhân vật khủng hoảng tâm lý dẫn tới bế tắc, không lối thóat mới xuất hiện. Chúng tôi gọi kiểu nhân vật này là nhân vật sống mòn từ gợi ý của chính nhà văn Nam Cao
khi ông lần đầu tiên ông đặt tên cho tác phẩm Sống mòn. Nhân vật chính của những
cuốn tiểu thuyết này xuất hiện đầy đủ với tất cả những diễn biến vô cùng phức tạp, tinh vi trong tâm hồn con người, mà mọi khủng hoảng tinh thần của nhân vật đều có thể cắt nghĩa được, đều có nguyên nhân từ hoàn cảnh sống. Đó cũng là chỗ nhân vật khủng hoảng tâm lý trong tiểu thuyết hiện thực khác với nhân vật khủng hoảng tâm lý trong tiểu thuyết lãng mạn. Trong tiểu thuyết hiện thực, dù rơi vào khủng hoảng bế tắt đến đâu, nhân vật vẫn có sự tự chủ nhất định về mặt tinh thần khi cố công cắt nghĩa nguyên do dẫn đến việc mình rơi vào cuộc khủng hoảng ấy. Và cuối cùng, nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực từ khủng hoảng tâm lý dẫn tới sự tỉnh ngộ trước hoàn cảnh, biết không thể thóat khỏi sự bế tắc do hoàn cảnh chi phối đành chịu kiếp sống chết mòn trước hoàn cảnh.
Nhân vật Thứ trong Sống mòn có ý thức cá nhân sâu sắc, vì có lý tưởng sống
cao đẹp, vì tâm hồn luôn hướng đến những cái cao thượng, chịu sự chi phối của đức tin vào những cái thiện sẽ chiến thắng trong cuộc đời này. Là nhân vật tự ý thức mạnh mẽ về từng hành động của mình, Thứ luôn trải qua một quá trình vật lộn, đối mặt với thực tế cuộc sống khắc nghiệt, đè nặng gánh nặng cơm áo và cuối cùng không tránh khỏi lâm vào khủng hoảng. Vì lý tưởng không thể thực hiện, vì không biết ngày mai cuộc đời sẽ đi về đâu, vì tiếc những gì mình đã và đang theo đuổi, Thứ luôn chịu sự giằng xé nội tâm, luôn tự chất vất chính mình, luôn đứng trước ngưỡng cửa lâm vào bế tắc, không thể chiến thắng hoàn cảnh. Khác nhân vật trong tiểu thuyết
lãng mạn, nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực như Thứ trong Sống mòn không chạy
trốn hiện thực. Nhân vật này đủ tỉnh táo để nhận ra sự bế tắc, tự lý giải được cội nguồn những diễn biến tâm lý đang diễn ra của mình. Và cuối cùng, những nhân vật như thế, trong cuộc đấu tranh với chính những mặt đối nghịch đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt trong tâm hồn mình, cuối cùng, Thứ sẽ dừng lại được trước khi sa ngã, huỷ hoại chính mình. Cái loay hoay của nhân vật trong tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện thực là cái loay hoay của con người muốn tìm con đường thóat khỏi nỗi khổ về sự thiếu thốn vật chất. Những cái tẹp nhẹp như cơm ăn, áo mặc thường ngày
khi không được đáp ứng ở mức tối thiểu, nó có thể trở thành cái chi phối thường xuyên dòng tâm lý cảm xúc của con người ta: “Thứ cho rằng người ta cần biết khổ, cần nhận biết rõ ràng cái khổ, để tìm cách diệt khổ. Nhắm mắt không phải là can đảm cũng không phải là phương sách tốt. Sự tìm tòi, sự suy nghĩ sẽ khiến cho nhân loại dần dần hiểu biết, và sự hiểu biết sẽ vạch ra những con đường, sẽ chỉ rõ cho người ta phải làm như thế nào” [22; tr.173]. Không ngờ những suy nghĩ kiểu chiêm nghiệm như thế lại tựa như thứ thuốc tinh thần tự thức tỉnh Thứ, động viên Thứ giữ vững nhân cách trong cuộc sống đầy gánh nặng áo cơm và những lo lắng tủn mủn, vô nghĩa lý. Khoảng cách giữa lý tưởng cao cả với hiện thực khốn khó của nhân vật là một khoảng cách quá xa, khó có thể rút ngắn lại được. Từ sự khủng hoảng lý tưởng dẫn tới sự dồn ép tâm lý là quá trình diễn ra liên tục trong tiểu thuyết tâm lý có sự giao thoa với tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn, của Lê Văn Trương và trong tiểu thuyết tâm lý của các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực như Nam Cao...
Cũng như vậy, trong Mực mài nước mắt, Lan Khai luôn để cho nhân vật Khải cắt nghĩa về sự khủng hoảng tinh thần của mình. Cuối cùng, Khải vẫn đưa cả gia đình về quê, vẫn vượt lên tình yêu văn chương để trở về với gánh nặng áo cơm của một gia đình cần phải lo. Cuộc sống toàn “gánh nặng áo cơm ghì sát đất” giữa chốn kinh thành hoa lệ đã khiến cho nhà văn Khải lâm vào bế tắc. Khải không làm cách nào có thể thóat khỏi nỗi ám ảnh về cuộc sống cơ cực của gia đình. Nhưng cũng như những nhân vật trí thức tiểu tư sản trong tác phẩm của Nam Cao, nhân vật Khải trong tiểu thuyết của Lan Khai luôn đứng chênh vênh giữa một bên là giấc mộng sáng tạo cái đẹp cống hiến cho đời của một nghệ sĩ và một bên là miếng ăn, cái mặc của một gia đình mà Khải phải lo. Quá trình tâm lý của nhân vật này luôn bị dồn đẩy đến mức tưởng chừng như bế tắc. Chỉ có điều, theo dõi tác phẩm, người đọc sẽ chứng kiến việc cuối cùng, Khải rơi vào một bế tắc khác: từ bỏ cuộc sống nơi phồn hoa, đưa cả gia đình quay trở lại Tuyên Quang. Và tất nhiên, cái còn lại ở nhân vật này là sự dằn vặt, day dứt khôn nguôi vì Khải biết, chỉ có ở kinh thành, nơi đô thị mới có thể khiến cho tài năng của anh có thể nảy nở.
Suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết Sống mòn, Nam Cao luôn dành cho nhân vật
Thứ những dòng độc thoại để nhân vật tự lý giải nỗi khổ của cuộc đời mình, tự lý giải những diễn biến tâm lý phức tạp mà mình đang vướng vào. Nhưng cuối cùng, nhân vật Thứ lâm vào cảnh sống mòn, không biết ngày mai ra sao. Cả Thứ trong
Sống mòn, Khải trong Mực mài nước mắt cho đến cuối tác phẩm đều chưa có một hành động nào cực đoan, phản ứng lại hoàn cảnh một cách quyêt liệt, thậm chí nghĩ đến cái chết như Trương trong Bướm trắng của Nhất Linh.Vì nhân vật trong tiểu thuyết hiện thực còn đủ tỉnh táo để kiểm soát sự khủng hoảng tâm lý của chính mình. Đây cũng là tiền đề để các nhà tiểu thuyết xây dựng kiểu nhân vật phức hợp tính cách, kiểu nhân vật xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết thuộc khuynh hướng văn học hiện thực.
Bằng ngòi bút nghệ thuật điêu luyện, nhà văn đã sáng tạo nên nhân vật trong tiểu thuyết. Nhân vật đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm văn học và liên quan trực tiếp tới quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nhiều nhà văn đương thời đã cổ vũ cho việc xây dựng nhân vật sống động, có sức lay động lòng người không nhất thiết phải chú trọng miêu tả hành động mà ngược lại, nhà văn cần đi sâu khám phá quá trình diễn biến tâm lý của nhân vật. Khi đặt nhân vật trong một hoàn cảnh phức tạp, hoàn cảnh sống xô đẩy nhân vật đi giữa hai thái cực thiện và ác, xấu và tốt thì ngay trong hoàn cảnh đó, nhân vật trở nên không tự chủ, không kiểm soát được diễn biến tâm lý của mình và bị đẩy vào quá trình tâm lý phức tạp, dao động giữa cái thiện và cái ác, giữa cái tốt và cái xấu, giữa chiến thắng hay đầu hàng hoàn cảnh... Kiểu nhân vật này khá gần gũi với con người đời thường. Bởi ngoài những nhân vật của tầng lớp thượng lưu xuất hiện trong tiểu thuyết trung đại thì nhân vật trong tiểu thuyết hiện đại gần gũi với con người đời thường với trăm ngàn cảnh ngộ và thân phận khác nhau, với sự thay đổi tính cách, diễn biến tâm lý tuỳ thuộc vào sự thay đổi của hoàn cảnh, thậm chí tâm lý còn thường xuyên thay đổi với những diễn biến không lường trước được. Những câu chuyện “tẹp
nhẹp, vô nghĩa lý” (chữ dùng của Nam Cao trong Đời thừa)xuất hiện nhiều và liên
tục trong tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện thực giai đoạn này. Từ chuyện sinh
hoạt thường ngày trong Cỏ dại của Tô Hoài đến những mâu thuẫn trong gia đình
trong Đứa con của Đỗ Đức Thu đều có thể coi là những chuyện thường ngày vụn
vặt. Nhưng chính những câu chuyện không ra chuyện ấy lại tác động đến tâm lý nhân vật trong tác phẩm một cách ghê gớm và cũng thế khơi gợi ở người đọc bao xúc cảm. Những chuyện đời thường như thế qua cách kể dí dỏm của Tô Hoài lại không hề tầm thường. Đằng sau đó là diễn biến tâm lý khá phức tạp của nhân vật. Đến Đứa con thì những chuyện đời thường như những mâu thuẫn lặt vặt và dai dẳng giữa con người trong gia đình theo lễ giáo phong kiến đã bắt đầu gây nên mâu thuẫn lớn tác động trực tiếp tới tâm lý nhân vật. Biết bao câu chuyện thường ngày như thế đan dệt lại trong những cuốn tiểu thuyết dựng nên bao gương mặt nhân vật với những diễn biến tâm lý cũng vô cùng phức tạp. Bởi trước hoàn cảnh như thế người lao động bình dân dễ dàng dao động giữa hai thái cực như chúng tôi đã nói đến ở trên. Đó chính là thời điểm và môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện trong tác phẩm các nhân vật phức hợp tính cách.
Điều này khác hẳn nhân vật có tính cách ổn định trong tiểu thuyết truyền thống. Khi Tố Tâm (1925) ra mắt bạn đọc, tác phẩm này nhận được sự cổ vũ của nhiều người bởi khát vọng tự do cá nhân. Đây là nhân vật đầu tiên đúng nghĩa là nhân vật của tiểu thuyết tâm lý. Dõi theo cuộc đời của nhân vật Tố Tâm là người đọc dõi theo đời sống tình cảm của nhân vật. Cái chết của Tố Tâm đã tạo nên một chuỗi những diễn biến tâm lý bên trong nhân vật Đạm Thuỷ. Người đọc không thể không thấy Đạm Thuỷ đã ca ngợi Tố Tâm ngay cả khi chàng đang chìm theo nỗi
sầu muộn mất người yêu vĩnh viễn. Đạm Thuỷ nhớ lại những lần chính mình khuyên người yêu “vâng nhời giáo huấn” mà nàng lại có phản ứng như thế này:
Nhiều khi tôi giảng đạo đức thuyết nhân nghĩa thì nàng mỉm cười mà giả nhời một câu vắn tắt nửa thực nửa đùa rằng:
- Em không muốn lấy chồng. Tôi cũng cười cợt rằng: - Em điên.
Nàng nói:
- Vâng, điên với anh [159; tr.84-85].
Đoạn đối thoại ngắn giữa Tố Tâm và Đạm Thuỷ cho thấy diễn biến tâm lý của con người cá nhân đang theo đòi lối sống mới, đòi quyền tự do yêu đương. Tuy vậy, cái bóng của gia đình phong kiến vẫn còn toả rộng xuống cuộc tình duyên của đôi trẻ. Rõ ràng tâm lý nhân vật được nhà văn miêu tả còn giản đơn, một chiều dù bậc giai nhân như Tố Tâm vì luỵ tình mà hao gầy, ốm tương tư đến chết. Nhân vật Tố Tâm có sự nhất quán trong tính cách. Vì thế, đây không phải là nhân vật phức hợp các tính cách.
Vũ Bằng trong Khảo về tiểu thuyết cho rằng nhân vật trong tiểu thuyết truyền
thống ở xa người ta quá. Khoảng cách giữa bạn đọc với nhân vật trong tiểu thuyết như khoảng cách giữa người trần mắt thịt với một vị thần. Vũ Bằng nhấn mạnh: “Những nhân vật sống trong tiểu thuyết bây giờ thì khác hẳn. Họ cũng là người như chúng ta không hơn không kém” [194; tr.56]. Khoảng cách giữa nhân vật trong tiểu thuyết và bạn đọc, những người đang sống với hiện thực sẽ được rút ngắn lại. Trong
tiểu thuyết giai đoạn 1925 - 1945, trước thời điểm Vũ Bằng viết Khảo về tiểu thuyết
(1954), có nhiều nhân vật có thể xếp vào kiểu nhân vật phức hợp các tính cách. Không phải con người thuần nhất một tính cách, nhân vật trong tiểu thuyết hiện lên trong trí tưởng tượng của nhà văn hay trong trí tưởng tượng của người đọc là “nhân vật sống” với cả “cái đời sống bên ngoài và cái đời sống bên trong nữa - mà có khi lại sống cái đời sống bên trong nhiều hơn bên ngoài ”[194; tr.56]. “Cái đời sống bên trong” là đời sống nội tâm, tìm hiểu đời sống nội tâm của một nhân vật là tìm hiểu quá trình diễn biến tâm lý nhân vật, kiểu nhân vật không có tính cách đơn nhất. Đây là đặc điểm nhân vật của tiểu thuyết hiện đại. Quá trình xây dựng kiểu nhân vật này, công đầu thuộc về các nhà tiểu thuyết theo khuynh hướng lãng mạn, nhưng các về sau sự dày công xây dựng nhân vật kiểu này lại thuộc về các nhà tiểu thuyết theo khuynh hướng hiện thực.
Khi tác phẩm Cai ra đời dưới dạng một cuốn hồi ký như tên gọi thể loại nhà
văn đặt ở bìa cuốn sách, Vũ Bằng đã kể lại cuộc sống của nhân vật tôi, một con nghiện đang tìm mọi cách để có thể cai nghiện. Đó là cuộc đấu tranh, giằng xé nội tâm ghê gớm trong một con người, lúc hiện thân cho con người yếu đuối, nhát gan,
muốn thoả hiệp với các xấu, cái ác, lúc hiện thân cho con người đầy lý trí muốn vươn tới cuộc sống “khoẻ mạnh về vật chất” và “trong sáng, thanh khiết” về tinh thần.
Đến Sống mòn, Nam Cao đã xây dựng thành công nhân vật Thứ, anh giáo khổ trường tư triền miên trải qua những xung đột nội tâm dai dẳng khi chứng kiến “toàn những chuyện tẹp nhẹp, vô nghĩa lý” hàng ngày diễn ra xung quanh. Thứ là một trí thức nhưng thân phận ông giáo nghèo khiến Thứ đứng chênh vênh giữa địa vị một người trí thức làm “nghề cao quý” vốn được xã hội coi trọng với cuộc sống hiện thực quá vất vả về vật chất. Tất cả đã đẩy Thứ vào sự bế tắc. Vì thế, nhân vật này luôn dao động giữa hai tính cách, hai cách khu xử: cao thượng và thấp hèn, nhân ái và ích kỷ. Bao nhiêu mâu thuẫn trong anh giáo nghèo, một trí thức tiểu tư sản hiện lộ trong tác phẩm: rất ghen, có lúc hèn nhát, hay sĩ diện hão, hay tự ti, ngại tiếp xúc với người ở địa vị cao hơn nhưng lại là người hay cả nghĩ, khao khát sống cuộc sống lương thiện, có trách nhiệm với mọi người, giàu lòng trắc ẩn, có tâm hồn đẹp, biết ước mơ... Tất cả những cái trái ngược tồn tại trong một con người như thế khiến cho cuộc vật lộn, dằn vặt đến đau khổ diễn ra liên tục trong con người Thứ. Nhiều lúc quá trình tâm lý trong nhân vật Thứ diễn ra vô cùng căng thẳng, biến Thứ trở thành “con chiên ngoan đạo” đang xưng tội, đang sám hối, tự lục vấn mình trước những ý nghĩ xấu chưa kịp biến thành hành động của mình.
Từ đó, có thể thấy nhân vật phức hợp các tính cách xuất hiện trong cả tiểu
thuyết theo khuynh hướng lãng mạn và hiện thực. Trương trong Bướm trắng và Thứ
trong Sống mòn là những nhân vật như vậy. Điều đó còn giúp chứng minh chỗ đứng
trung gian của nhân vật kiểu này giữa nhiều kiểu nhân vật khác nhau trong tiểu thuyết tâm lý giai đoạn này. Hiện tượng giao thoa này như một đòi hỏi tất yếu trong việc xây dựng nhân vật phức hợp các tính cách. Khi nhân vật nghiêng nhiều về một thái cực thì ngay lập tức, nhân vật trở thành một kiểu nhân vật khác trong tiểu thuyết tâm lý: nhân vật khủng hoảng lý tưởng trong tác phẩm văn học lãng mạn hoặc nhân vật khủng hoảng tâm lý. Vì thế, tiểu thuyết tâm lý ngoài việc tập trung miêu tả quá trình tâm lý của nhân vật, biến nó trở thành mục đích chính của tác phẩm thì chính việc tạo nên nhân vật phức hợp tính cách, xoá bỏ nhân vật có tâm lý giản đơn, một chiều đã góp phần khẳng định các nhà văn viết tiểu thuyết tâm lý có đóng góp to lớn công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết nói riêng và hiện đại hóa nền văn học nói chung.
Tiểu kết chƣơng 3
Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học giai đoạn 1925 - 1945 đã chi phối việc xây dựng nhân vật trong văn xuôi nói chung và trong tiểu thuyết tâm lý nói riêng. Khuynh hướng đề cao con người cá nhân trong văn học đã thúc đẩy quá trình hình thành loại hình nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý. Từ những