Nhân vật khủng hoảng tâm lý

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý Việt Nam từ 1925 đến 1945 (Trang 120 - 124)

Chƣơng 3 NHÂN VẬT TRONG TIỂU THUYẾT TÂM LÝ

3.3. Các kiểu nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý

3.3.2. Nhân vật khủng hoảng tâm lý

Kiểu nhân vật thứ hai xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết tâm lý thời kỳ sau của Tự lực văn đoàn chính là nhân vật khủng hoảng tâm lý, rơi vào trạng thái cô đơn, không người chia sẻ. Trong khi nhân vật trong tiểu thuyết trước 1925 thường xuất hiện với đẩy đủ ngoại hình, tính cách, hành động và số phận nhân vật đã được sắp xếp một cách vô cùng lộ liễu thì ngược lại, trong tiểu thuyết tâm lý, nhất là sau 1940, việc miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật đã được xếp xuống thứ yếu. Thậm chí, trong nhiều tác phẩm, hành động của nhân vật đã không còn được tác giả coi là quan trọng. Thay thế vào đó là những dòng nội tâm, là cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra liên tục của nhân vật. Một đặc điểm khác có thể thấy rõ ở những cuốn tiểu thuyết này số lượng nhân vật được giảm thiểu đến mức tối đa, chỉ bao gồm vài ba nhân vật. Bướm trắng của Nhất Linh, Mực mài nước mắt của Lan Khai, Đẹp của

Khái Hưng, Sống mòn của Nam Cao...đều có sự giảm thiểu số lượng nhân vật.

Trong công trình Thi pháp văn xuôi, khi dẫn Ngàn lẻ một đêm làm minh chứng, Tzvetan Todorov cho rằng:

Truyện kể tâm lý coi mỗi hành động như một con đường mở lối đi vào cá tính của người hành động, như một biểu hiện, nếu không như một triệu chứng. Hành động không được xem xét ở bản thân mình, nó có tính chất ngoại động từ (transitive), chuyển ra bên ngoài, ra chủ ngữ của mình [222; tr.42]

Có thể nói, cuộc truy tìm nguyên nhân dẫn tới hành động của nhân vật là nỗ lực của các nhà văn đưa người đọc khám phá thế giới nội tâm của nhân vật với những diễn biến vô cùng phức tạp khi “hành động đáng kể ở bản thân nó chứ không phải như chứng tích về đặc điểm tính cách nào đấy” [222; tr.42]. Nhận định của Tzvetan Todorov gợi ý rất nhiều cho chúng tôi khi đi nghiên cứu kiểu nhân vật khủng hoảng tâm lý. Hành động của nhân vật kiểu này không hề chuyển tải một thông điệp nào đó về tính cách, một dự cảm về số phận. Mối liên hệ giữa hành động bề ngoài và quá trình tâm lý bên trong nhân vật khó có thể tìm được sự lý giải hợp lý, nhưng điều này chứng tỏ tâm lý nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý loại này là khá phức tạp.

Sự trưởng thành của ý thức cái tôi tư sản trong văn học nửa đầu thế kỷ XX đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết. Cũng chính vì thế, nhân vật trong tiểu thuyết tâm lý, ở một cấp độ cao hơn, không chỉ chịu tác động của hoàn cảnh để nảy sinh quá trình tâm lý mà ngược lại, trong cuộc vật lộn đi tìm cái tôi bản ngã của mình đã tự mình rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhân vật này xuất hiện trong tác phẩm chủ yếu với đời sống nội tâm. Thế giới nội tâm của con người chứ không phải thế giới bên ngoài trở thành đối tượng trực tiếp của văn học. Có thể nói nhiều nhà văn, đặc biệt là các nhà văn theo khuynh hướng hiện thực sau thời điểm Bướm trắng của Nhất Linh ra đời đã thành công hơn (trong việc miêu tả thế giới nội tâm con người) so với tiểu thuyết chặng đường trước đó.

Tiểu thuyết Bướm trắng đã xây dựng nên nhân vật Trương với hàng loạt những

suy tư, hoài niệm, với cuộc sống nội tâm bề bộn, phức tạp mà thế giới bên ngoài chỉ còn là cái cớ tác động đến cảm giác và khơi gợi trong tâm tưởng của Trương một thế giới khác, thế giới của những ký ức đan xen nhau theo chiều hướng từ mơ hồ đến rõ nét. Đôi lúc những gì mà nhân vật Trương hồi tưởng lại trong quá khứ lại quay trở lại thúc giục Trương hành động trong thực tại. Những liên tưởng của Trương đôi khi diễn ra vô cùng lộn xộn không theo một trật tự nào. Chỉ cần một câu nói vu vơ của Thu mà Trương tưởng tưởng ra chuyện Thu có thể yêu mình: “Cái cảm tưởng ấy không dựa vào một câu nói, một cử chỉ rõ rệt nào của Thu cả, mà chính là dựa vào những thứ không rõ rệt của câu nói, của những cử chỉ vu vơ mà riêng hôm đó chàng đã nhận thấy” [114; tr.24] để rồi Trương cảm thấy mình “sung sướng quá” khi chàng cố gắng lý giải đó là dấu hiệu cho thấy Thu không quên buổi đầu gặp gỡ, nơi tình yêu của họ bắt đầu: “Chàng rút bút máy biên thêm: Trương Thu bắt đầu yêu nhau” [114; tr.24]. Trong suốt cuốn tiểu thuyết, dường như nhân vật Trương luôn chìm đắm trong tưởng tượng, trong những màn độc thoại với chính mình, trong những suy tư, trăn trở mà chỉ một ánh nắng, một mùi hương, một âm thanh quen thuộc lướt qua trước mắt cũng đưa Trương vào thế giới mộng tưởng, tràn ngập suy tư. Có những lúc những hình ảnh bên ngoài cuộc đời thực như thế đã thúc giục trong nội tâm nhân vật diễn ra một cuộc tranh đấu quyết

liệt. Tất nhiên, những cuộc khủng hoảng tâm lý như thế dẫn nhân vật đến hành động. Việc Trương thụt két để dẫn đến bị bắt vào tù là một hành động phá phách khi cái tôi cá nhân đã hoàn toàn rơi vào khủng hoảng. Cuộc đời của Trương là cuộc đời của một con người với những đấu tranh giằng xé về mặt tâm lý hết sức quyết liệt. Một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của sự quyết liệt ấy là trong tác phẩm này nhiều lần Trương nghĩ tới cái chết đang đến. Con người ta nghĩ tới cái chết không đơn giản là sự tuyệt vọng, một con đường chạy trốn khỏi những thử thách của cuộc sống, sự thực thì nhân vật Trương nghĩ tới cái chết như một biểu hiện tâm lý phá phách khi biết trước cái chết sẽ đến với một người mắc căn bệnh quái ác như mình, vấn đề chỉ còn là thời gian lâu hay chóng mà thôi. Những thay đổi liên tiếp trong đời sống nội tâm nhân vật đã nói lên điều đó. Rất khó cắt nghĩa quá trình diễn biến tâm lý của nhân vật Trương. Kể từ khi biết mình mắc căn bệnh lao phổi quái ác, Trương đã “vũ trang” cho mình thứ triết lý sống “nếm đủ hết khóai lạc ở đời”, “sống đến cực điểm”, “sống cho chán chường”... mà sống như thế thực tế là sự phá phách, một phản ứng của tâm lý mà thôi. Cho đến cả chuyện nhân vật này đòi yêu Thu, muốn giết Thu rồi tự tử cũng vậy. Cùng một lúc Trương sống với hiện tại, ngoái lại với bao bao nhiêu hình ảnh chập chờn trong ký ức và lo lắng cho tương lai. Cùng lúc, Trương vừa yêu Thu, vừa có ý muốn giết Thu rồi tự tử rồi dằn vặt trong ý tưởng ấy. Quá trình tâm lý của nhân vật Trương ở trong tiểu thuyết là một chuỗi những khủng hoảng tâm lý. Công lao của nhà văn Nhất Linh khi sáng tạo nên nhân vật Trương, nói như nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu: “Ông - nhà văn Nhất Linh hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam lúc đương thời. Ở đây nhà văn sử dụng cả phân tích tâm lý, cả bản năng, cả linh cảm, tiềm thức, vô thức; nhà văn pha trộn quá khứ, hiện tại, tương lai trong một phút giây” [73; tr.567]. Nhà nghiên cứu không ngần ngại gọi cuốn sách này là “một tiểu thuyết đầy tang tóc” [73; tr.567]. Trương thụt két không phải vì cần tiền ăn tiêu. Trương thụt két vì làm cách ấy người ta sẽ bắt giam Trương và chàng sẽ bị cách ly khỏi thế giới chàng đang sống. Đó cũng là một sự chạy trốn cuộc sống hiện tại, một sự phá phách không chấp nhân hiện tại, một sự bế tắc trong tâm hồn nhân vật này.

Sự biến đối tâm lý phức tạp như vậy còn được các nhà văn Tự lực văn đoàn

miêu tả trong Đẹp, Băn khoăn. Khái Hưng đã để cho nhân vật Nam trong Đẹp suy

tư về sự mất ngây thơ của Lan: “Chàng ngồi lặng nhìn bức tranh. Chàng không ngờ Lan tinh quái đến thế, người lớn đến thế. Chẳng còn gì là ngây thơ. Hoạ chăng là cái ngây thơ giả dối. Chàng nghĩ ngay đến những cô nàng chàng vẫn thường gặp quanh hồ Hoàn Kiếm “Rặt một hạng bà lão non!”. Đó là lời chàng bảo bạn mỗi khi chàng ngắm đi tha thướt từng bọn thiếu nữ từ mười hai đến mười lăm mười sáu tuổi, mặt bự phấn, môi đầy son, lông mày vẽ chì, thân thể núng nính trong bộ quần áo kiểu mới may chẽn” [82; tr.32].

Từ đó chính nhân vật Nam cũng rơi vào khủng hoảng. Bởi chàng luôn nghi ngờ rằng trên đời này không thể có người phụ nữ lý tưởng khi mà người phụ nữ đẹp theo chàng phải giữ cho được vẻ ngây thơ thực sự. Từ đó dẫn tới tâm lý truy tìm cái xấu của người phụ nữ để chối bỏ tình yêu với họ: “Nghĩ liên miên và sẵn ác cảm với phụ nữ, chàng cố moi trong ký ức hết những cái rởm của họ” [82; tr.33]. Những suy nghĩ như thế kéo Nam đi từ tưởng tượng chuyện quá khứ đến hiện tại và suy diễn những gì sẽ diễn ra trong tương lai: “Ý tưởng lan man đưa Nam đi, đến nỗi chàng không nhớ đã bắt đầu từ đâu nữa” [82; tr.34]. Những ý tưởng tiêu cực như thế lớn dần lên trong nhân vật Nam dẫn tới việc nhân vật này cảm thấy “bứt rứt, khó chịu, thất vọng”. Người nghệ sĩ như Nam luôn đi tìm cái đẹp qua mỗi tác phẩm hội hoạ và đi tìm người con gái mình yêu cũng đẹp như người con gái trong những bức

tranh. Nhân vật Cảnh trong Băn khoăn của Khái Hưng cũng vậy. Những diễn biến

tâm lý đã khiến nhân vật này bộc lộ mình là nhân vật phản diện:

Cảnh thì không lý luận nữa, không xét xem như trước rằng đem thứ ái tình nào để đối đãi với Lan Hương; ái tình chân thật và lâu dài hay ái tình tạm bợ và ích kỷ. Chàng chỉ mê man yêu và mê man thất vọng, đến nỗi vì lười biếng và nhất là vì cái thói quen đắc thắng dễ dàng, chàng đã toan bỏ không theo đuổi Lan Hương nữa, như người đi săn chán nản giữa rừng bỏ một con hươu quý [81; tr.81]

Có thể thấy chính nhân vật Cảnh cũng đang rơi vào khủng hoảng tinh thần. Đó là cái bế tắc của nhân vật Thanh Đức, cha của Cảnh trước hoàn cảnh cha thì mưu làm giàu mà Cảnh, con trai ông lại sa vào thú ăn chơi, tự do hưởng lạc. Mối quan hệ gia đình truyền thống đến đây đã bị đứt gãy, ý thức về tự do cá nhân được đẩy lên đến cao độ. Mâu thuẫn đẩy nhân vật đến khủng hoảng tâm lý khi Thanh Đức đuổi Cảnh ra khỏi nhà.

Chính sự bế tắc của con người trước hoàn cảnh đã nảy sinh quá trình tâm lý của nhân vật. Sự khủng hoảng vì những toan tính trong tình yêu của một nhân vật phản diện đã khiến nhân vật bộc lộ hết đời sống nội tâm. Đối với nhân vật khủng hoảng tâm lý, khủng hoảng về mặt tinh thần thì sau khi đầu hàng hoàn cảnh, càng lúc, nhân vật càng rơi vào vòng tròn khép kín của những suy tưởng cá nhân. Điều này thể hiện rõ trong tiểu thuyết lãng mạn, nhất là tiểu thuyết Tự lực văn đoàn.

Bên cạnh đó, có thể thấy mốc thời gian 1940 quan trọng đối với sự phát triển của nhân vật khủng hoảng tâm lý trong tiểu thuyết tâm lý. Năm 1940 cũng là năm

xuất hiện nhiều cuốn tiểu thuyết tâm lý trên văn đàn, đó là chưa kể Bướm trắng của

Nhất Linh đăng báo năm 1939 và được xuất bản thành sách năm 1941. Đó là Làm lẽ

(1940) của Mạnh Phú Tư, Hai người điên giữa kinh thành Hà Nội (1940) của Nguyễn Bính, Lan Hữu (1940) của Nhượng Tống, Hạnh (1941) của Khái Hưng... Hầu hết nhân vật trong những cuốn tiểu thuyết xuất hiện vào năm 1940 đều là những nhân vật lãng mạn. Trong những tác phẩm này, quá trình tâm lý được nhà

văn miêu tả là quá trình nhân vật rơi vào khủng hoảng tinh thần. Quá trình nhân vật tự ý thức, tự lý giải nguồn cơn gây nên sự khủng hoảng tinh thần cũng là quá trình

đi tìm cái tôi cá nhân.Ở mức độ cao hơn như trong Bướm trắng, nhân vật tâm lý rơi

vào tình huống bế tắc dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát. Những trang văn miêu tả tâm lý nhân vật ở những tiểu thuyết kể trên, vì thế là những trang văn ngập tràn từ ngữ, giọng điệu biểu cảm.

Một phần của tài liệu (LUẬN ÁN TIẾN SĨ) Khuynh hướng tiểu thuyết tâm lý Việt Nam từ 1925 đến 1945 (Trang 120 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)