Theo kết quả điều tra thu nhập trung bình của người dân khu vực Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông lần lượt là 109,68; 129,67 và 191,69 triệu đồng/ hộ gia đình/ năm. Như vậy tổng mức thu nhập của người dân ở xã Kim Đông hiệu quả hơn so với hai xã còn lại, do sự kết hợp được nhiều loại hình sinh kế trong hộ gia đình. Năng suất nuôi trồng thủy sản ở khu vực Kim Đông cũng thấp nhất (18,27%), trong
khi đó năng suất nuôi trồng thủy sản ở Kim Hải cao nhất (50,23%) tuy vậy mức thu nhập lại thấp, chưa tương xứng với năng suất (Hình 15). Đối với Kim Trung mức thu nhập trung bình và năng suất có sự tương xứng với nhau.
3.2.1.2. Hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản
Hệ thống thủy lợi
Hệ thống đê BM1, BM2, BM3 dài 58,8 km được xây dựng đã bảo vệ an toàn con người và sản xuất trong những năm qua, là tuyến giao thông huyết mạch trong vùng dự án. Việc cấp nước cho nuôi trồng thủy sản: Nước ngọt từ kênh Cà Mau, nước mặn lấy từ biển vào, hệ thống cống, trạm bơm, kênh cấp nước, kênh thoát nước nuôi trồng thủy sản hiện nay hoạt động đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Giống
Hiện trạng cơ sở sản xuất giống thủy sản: Hiện nay vùng ven biển có 5 cơ sở sản xuất giống thủy sản, sản xuất chính là Tôm Sú, Cua Rèm, cá Bống Bớp, cá Mú, Hàu,... Trong những năm gần đây các trại giống thủy sản vùng bãi bồi hầu như không sản xuất tôm sú mà chủ yếu sản xuất cua rèm với sản lượng thấp chỉ đáp ứng 1-3% yêu cầu. Trong khu vực nghiên cứu có một số cơ sở sản xuất ngao giống nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu lớn, khoảng 500 tấn ngao cúc/ năm.
Chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Trên tuyến đê BM3 chưa có bến bốc dỡ, phân loại ngao và tập kết lưu chuyển ngao giống, các loại vật tư, trang thiết bị, ngư cụ nghề cá. Việc bốc dỡ, lưu chuyển ngao giống, ngao thương phẩm, vật tư thiết bị nghề cá phải chuyển vào cồng CT3, cống Kim Tân xa hơn khoảng 20 km gây tốn kém cho ngư dân. Sản phẩm sau khi khai thác chủ yếu là phục vụ nhu cầu tại chỗ hoặc bán cho các tiểu thương chưa qua sơ chế dẫn đến giá thành rẻ. Trong vùng chưa có nhà máy hoặc khu công nghiệp chế biến.
3.2.1.3. Cơ cấu nuôi trồng thủy, hải sản
Tại khu vực nghiên cứu có 3 đối tượng nuôi trồng thủy sản chính đó là giáp xác (tôm, cua,..), nhuyễn thể (nghêu, ngao, hàu), thủy sản nước ngọt.
Đối tượng được nuôi trồng chủ yếu là Giáp xác, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, cua xanh chiếm 93%, sau đó là Nhuyễn thể 6%, chiếm tỉ trọng rất nhỏ là thủy sản chỉ 1%. Những đối tượng này được phân bố như sau:
Khu vực đê BM1 và BM2: Tại khu vực này, đối tượng nuôi trồng chủ yếu là giáp xác chiếm 98% tại các đầm nuôi của gia đình, 2% còn lại là những hộ nuôi ngao giống và hàu giống.
Khu vực giữa đê BM2 và BM3: 100% số hộ nuôi trồng giáp xác tại các đầm được đấu thầu từ UBND huyện.
Khu vực ngoài đê BM3: Khu vực này cũng được các cá nhân, tổ chức tập thể đấu thầu từ UBND huyện để nuôi ngao thương phẩm (Hình 16).