CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. Một số vấn đề về GDTC trong các trường tiểu học ở Việt Nam
1.2.2. Các yếu tố và điều kiện đảm bảo cho công tác giáo dụcthể chất trong
trong các trường Tiểu học.
GDTC là một mặt giáo dục đào tạo trong nhà trường. Do vậy, cần phải có sự đầu tư, trang bị những điều kiện đảm bảo cần thiết phục vụ cho công tác giảng dạy và tập luyện ngoại khoá, cũng như tự rèn luyện thể thao, rèn luyện thân thể và hoạt động văn hoá - thể thao của học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu từng trường có định mức kinh phí phục vụ cho công tác giáo dục thể chất và hoạt động văn hoá thể thao của học sinh trong quá trình giáo dục. Từng trường phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu về các phương tiện dụng cụ phục vụ việc dạy và học thể dục theo chương trình giáo dục thể chất và hoạt động thể thao của nhà trường [9].
Do vậy, việc đầu tư phục vụ dạy - học môn thể dục chính khoá phải có sân tập, nhà tập, khu hoạt động thể chất, các dụng cụ phục vụ giảng dạy và học tập theo nội dung học tập chính khoá.
Các trường phổ thông nói chung và các trường tiểu học nói riêng phải có sân bãi, phòng tập giáo dục thể chất. Phải tạo mọi điều kiện cần thiết và cơ sở vật chất và kinh phí để thực hiện việc dạy và học thể dục bắt buộc ở tất cả các trường học; từng bước phải đảm bảo sân chơi, bài tập cho học sinh [9].
Cán bộ giáo viên và cán bộ quản lý phong trào TDTT trong các trường học là nhân tố quyết định chất lượng công tác giáo dục thể chất trong nhà trường. Giáo viên thể dục có trách nhiệm lập kế hoạch công tác giáo dục thể chất, tiến hành việc dạy môn thể dục theo chương trình quy định, tổ chức hướng dẫn các hoạt động ngoại khoá và huấn luyện các đội tuyển thể thao học sinh, tổ chức ngày Hội thể thao của trường và tham gia các hoạt động chung của ngành, địa phương và toàn quốc.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan, y tế tổ chức khám và phân loại sức khoẻ học sinh, để có giải pháp tập luyện riêng cho những học sinh yếu sức khoẻ, phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về thể thao. Tổ chức biên soạn giáo trình, giáo án phục vụ công tác giảng dạy học tập và tiến hành dạy tốt môn học thể dục theo chương trình quy định, ngoài ra tổ chức tốt các hoạt động tập luyện thể dục thể thao ngoại khoá cho học sinh phù hợp với đặc thù cũng như điều kiện thực tiễn của nhà trường.
1.2.2.1. Công tác tổ chức quản lý.
Trong những năm gần đây quán triệt đường lối quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với công tác TDTT trong giai đoạn mới, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tăng cường sự phối hợp chỉ đạo đầu tư cho nhiệm vụ giáo dục thể chất trong nhà trường, vì vậy công tác giáo dục thể chất và thể thao học đường đã thu được kết quả đáng khích lệ. Giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường phổ thông đã có sự tiến bộ, thể hiện qua các mặt sau:
Hình thành và bước đầu củng cố hệ thống tổ chức quản lý giáo dục thể chất trong nhà trường phổ thông từ trung ương cho đến địa phương: Vụ Công tác học sinh, sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, cán bộ chuyên trách ở các sở, cán bộ kiêm nhiệm ở các phòng giáo dục quận, huyện, ở nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo Hội khoẻ Phù Đổng các cấp có tác dụng thống nhất và liên kết chỉ đạo phong trào giữa các ngành và cơ quan hữu quan nhằm động viên, giáo dục và tổ chức quần chúng, khuyến khích dư luận và các hoạt động xã hội ủng hộ thiết thực cho giáo dục thể chất học đường.
Xây dựng và ban hành quy chế về giáo dục thể chất trong trường học các cấp. Hai ngành TDTT và Giáo dục đào tạo đã phối hợp xây dựng chương trình đồng bộ có mục tiêu về cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, bồi dưỡng tài năng thể thao học sinh trong nhà trường các cấp. Nghiên cứu sửa đổi tiêu chuẩn rèn luyện thân thể học sinh tiểu học, đề xuất các điều luật về giáo dục thể chất trong dự thảo luật giáo dục.
Tuy nhiên hệ thống tổ chức quản lý công tác giáo dục thể chất của ngành Giáo dục và Đào tạo còn chưa đồng bộ, cấp sở giáo dục - đào tạo địa phương chỉ có một cán bộ chỉ đạo theo dõi nhiều bậc học và còn phải kiêm nhiệm nhiều mặt hoạt động khác. Đặc biệt chỉ có từ 3 - 5% số phòng giáo dục quận huyện có cán bộ nghiệp vụ chỉ đạo chuyên trách.
Chưa có sự phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các vụ quản lý bậc học trong việc chỉ đạo triển khai các hoạt động giáo dục thể chất một cách đồng bộ.
Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục thể chất, thể thao học đường ít được quan tâm, do đó chất lượng còn yếu và không đồng đều.
1.2.2.2. Đội ngũ giáo viên thể dục trong các trường tiểu học
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên TDTT trong các trường phổ thông đã được bổ sung từng bước về số lượng, chất lượng và đã dần được chuẩn hoá theo các cấp học. Hiện nay trên toàn quốc có khoảng 80.000 giáo
viên TDTT chuyên trách (theo nguồn đào tạo) và hàng ngàn giáo viên kiêm nhiệm TDTT, trong các trường tiểu học chiếm khoảng 10% số trường có giáo viên. Đại đa số giáo viên được phân công giảng dạy ở các thành phố, thị xã, thị trấn còn ở các vùng nông thôn và miền núi xa hầu hết còn chưa có giáo viên TDTT. Về chất lượng số đông còn nhiều mặt yếu kém, trình độ đào tạo thấp, số giáo viên có trình độ Đại học chiếm 75%, Cao đẳng sư phạm thể dục 25%. Một số năm gần đây nhiều địa phương làm tốt việc đào tạo để phủ kín giáo viên TDTT cho các cấp học... tuy đã có thành tích đáng kể, nhưng thực trạng về đội ngũ giáo viên TDTT còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Nếu chỉ yêu cầu mỗi trường 1 giáo viên TDTT chuyên trách thì chúng ta còn thiếu trên 10000 giáo viên TDTT chuyên trách. Để đạt yêu cầu 1 giáo viên dạy từ 350 - 500 học sinh thì chúng ta còn thiếu gần 20.000 giáo viên TDTT [9].
1.2.2.3. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục thể chất.
Trong điều kiện hiện nay cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình học tập thể dục trong trường học còn vô cùng thiếu thốn, nghèo nàn. Đây là một yếu tố hạn chế đến việc thực hiện nhiệm vụ trong giờ học và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giờ học chính khoá và ngoại khoá. Hiện nay số trường có sân bãi đơn giản để có thể tiến hành học thể dục theo chương trình là 35%. Hầu hết các trường không có đường chạy đúng quy cách và đủ độ dài, có những trường không có cả hố nhảy, không có chỗ để học ném bóng...
Thực hiện Chỉ thị 133/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn về quy hoạch và phát triển ngành TDTT, trong đó yêu cầu các địa phương và trường phải có quy hoạch sử dụng và có kế hoạch bảo quản đất đai dành cho GDTC với diện tích phù hợp để xây dựng sân chơi, bãi tập cho học sinh là 3.5 - 4.0m2/1 học sinh (theo số liệu tổng điều tra năm 1995 cho thấy bình quân diện tích đất dành cho 1 học sinh nói chung là 1.02m2. Nhiều tỉnh đồng bằng Sông Hồng là 0.30m2/1 học sinh, ngay ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh bình quân cũng chỉ đạt 0.30m2/1 học sinh) [47].
1.2.2.4. Về phương pháp tổ chức quá trình giáo dục:
Tại hầu hết các trường Tiểu học hiện nay, các giáo viên thể dục đã tiến hành tổ chức quá trình giáo dục thể chất cho học sinh theo hai hình thức chính khoá và ngoại khoá.
Giờ chính khoá: Là những buổi tập theo kế hoạch thời khoá biểu của nhà trường, theo quỹ thời gian, chương trình quy định, có quy cách kiểm tra đánh giá cho điểm. Giờ chính khoá đã tiến hành dạy học các kỹ thuật động tác của bài tập phát triển chung, các bài tập tay không, bài tập đội hình đội ngũ, một số kỹ thuật động tác của một số môn thể thao tự chọn và tổ chức cho học sinh chơi trò chơi vận động..., và được tiến hành trong giờ học môn thể dục. Quá trình dạy học chưa cải tiến được phương pháp tổ chức buổi tập, chưa thay đổi nhiều nội dung, bài tập sinh động, chưa hướng dẫn và tổ chức cho học sinh tập luyện theo các tiêu chuẩn rèn luyện thân thể.
Giờ ngoại khoá: Bao gồm các buổi tập luyện ngoài giờ chính khoá tại các lớp năng khiếu, huấn luyện đội tuyển một số môn thể thao của nhà trường tham gia các giải thi đấu của ngành Giáo dục và Đào tạo ở khu vực và của tỉnh, thành phố. Mặt khác, nhà trường chưa có các hình thức tổ chức hướng dẫn học sinh tự tập luyện để hoàn thiện các nội dung học tập chính khoá. Chưa phát động được phong trào tự rèn luyện tập luyện của học sinh theo các nội dung Quy định về việc đánh giá, xếp loại thể lực học sinh, sinh viên. Do đó chất lượng kiểm tra kỹ thuật và rèn luyện thân thể của học sinh chưa được nâng lên. Hoạt động xây dựng các câu lạc bộ thể thao chưa được coi trọng, chưa có các hình thức tập luyện của theo nhóm có người hướng dẫn