Thực trạng phát triển Công nghệ thông tin ở Việt Nam
2.2.3.2 Đào tạo nhân lực CNTT
Trong những năm qua, những hoạt động trong phạm vi Chương trình Quốc gia về CNTT cùng nhiều hoạt động phong phú khác đã nâng cao đáng kể nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt trong tầng lớp cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý về vai trò của CNTT đối với phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giáo dục và đào tạo CNTT đã được tăng cường với việc thành lập 7 khoa CNTT trọng điểm cùng nhiều hình thức đào tạo khác nhau. Từ kết quả này,
nhiều khoa CNTT khác cũng đã được thành lập tại các trường đại học dân lập và đại học vùng. Trong 12 tháng năm 2002, thêm 2 trường đại học nữa được phép đào tạo cử nhân CNTT – nâng số lượng các trường đại học đào tạo CNTT từ 55 lên 57. Số đầu mối đào tạo Cao đẳng CNTT tăng từ 69 đầu mối năm 2002 lên 72 đầu mối năm 2003. Nếu tính cả các đầu mối dạy cao đẳng CNTT do các trường đại học tiến hành thì số đầu mối là 99 so với 89 trong năm 2002. Trong danh sách các đầu mối đào tạo Đại học, Cao đẳng về CNTT chưa tính tới các trường ĐH quốc tế (như RMIT), các liên kết đào tạo chưa được phép (như VINAJUCO) hoặc tự thừa nhận bằng Diploma là bằng Cao đẳng (một số trung tâm hợp tác quốc tế).
Một đặc điểm cũng thấy khá rõ trong năm vừa qua là việc hàng loạt các trường đại học/cao đẳng sư phạm không chỉ dừng ở việc dạy các thày giáo – cô giáo tương lai mà tích cực đăng ký để đuợc phép dạy Cử nhận, Kỹ sư về CNTT – xem đây là một hướng đào tạo độc lập song song với đào tạo giáo viên. Các trường quân sự cũng tích cực “dân sự hoá” - triển khai các hệ thống đào tạo CNTT theo hệ dân sự. Đến nay đã có 2 trường đại học và 1 trường cao đẳng quân sự triển khai hệ thống này.
Chỉ tiêu đào tạo chính quy về CNTT tăng hàng năm: năm 1999: 2000, năm 2000: 4000, năm 2001:6000, năm 2002: 9000 và năm 2003 tăng thêm 4000 nữa. Chỉ tiêu đào tạo CNTT chính quy đã vượt con số 10.000, nếu chia cho các đầu mối đào tạo từ cao đẳng trở lên thì mỗi đầu mới chưa được 100 sinh viên/năm.
Số trung tâm đào tạo phi chính quy cũng tăng từ 35 lên 56 trung tâm. Số đối tác nước ngoài tham gia đào tạo, cấp chứng nhận các nôi dung CNTT ngày càng lớn. Không kể các trường đại học nước ngoài, các đối tác phi chính quy hiện nay là theo thống kê chưa đầy đủ đã lên con số 15 (Mỹ: Ecommerce Council, Sun, CISCO, Microsoft, Oracle, Autodesk, New Horizons, Cadena; ấn độ: Aptech, NIIT, Tata Infotech, úc: Kent, Singapore: Informatics, Genetics; Nhật: chứng nhận Kỹ sư CNTT). Một số hình thức đào tạo CNTT trực tuyến các trình độ khác nhau cũng đang được triển khai và sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới.
Bảng 15: Số các cơ sở đào tạo CNTT 2000-2003 (con số trong ngoặc là kể cả các trường đại học đào tạo cao đẳng)
Năm Đại học Cao đẳng Phi chính quy
2000 42 36 (48) 9
2001 52 45 (59) 18
2002 55 69 (89) 35
2003 57 72 (99) 56
Nguồn: Hội tin học TPHCM
Mặc dù số lượng các trường gia tăng nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa tiến triển được bao nhiêu. Hệ thống đào tạo phi chính quy vẫn tiếp tục phát triển một cách tự phát, với các mối quan hệ hợp tác ngày càng phong phú và phức tạp.
Hệ thống đào tạo chính quy tăng quá nhanh về số lượng - ngoài các trường đào tạo khoa học xã hội, còn lại hầu như trường nào cũng mở khoa đào tạo cử nhân, kỹ sư CNTT. Có đào tạo là phi có chỉ tiêu hàng năm, có chỉ tiêu là có tuyển sinh và có đông đảo sinh viên theo học - trong khi mức độ đầu tư về chương trình, cơ sở vật chất và giảng viên đều thấp và chưa đầu tư thích đáng. Đây là một thực tế đáng báo động. Một thực tế cũng nổi lên khá rõ trong năm 2003 là việc rất đông thí sinh đăng ký thi Cao học về CNTT.. Dường như do đào tạo quá nhiều kỹ sư, cử nhận và do khó khăn trong tìm việc làm, hàng loạt sinh viên tốt nghiệp đổ xô vào con đường học tập và cố gắng để học cao hơn. Theo một bản báo cáo của Dự án Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) về tình trạng thất nghiệp của các sinh viên sau khi tốt nghiệp thì sinh viên ngành CNTT có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất với 12,38%.
Theo nhìn nhận của một số chuyên gia CNTT, xét về chất lượng nguồn nhân lực CNTT đã tạo ra cảm giác thừa lao động. Nhưng nghịch lý là, trên thực tế, các doanh nghiệp CNTT vẫn không ngừng kêu than là thiếu nhân lực, đặc biệt là những kỹ sư có chuyên môn cao trong những ngành nghề cụ thể. Rất nhiều các công ty tin học đang rất cần những kỹ sư có chuyên môn sâu trong lĩnh vực mạng tin học-viễn thông, tuy nhiên thực sự là rất khó khăn trên tìm được trên thị trường lao động Việt nam, ngay cả thị trường chất lượng cao. Nếu có thì hầu hết là những kỹ sư trẻ, nhiệt tình nhưng lại thiếu
chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, nếu tuyển dụng thì các công ty vẫn phải đào tạo lại để họ có thể đáp ứng được công việc thực tế.
Thực trạng chung hiện nay là sinh viên ra trường mỗi ngày một đông nhưng hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng bởi những lý do như không được đào tạo chuyên sâu về một ngành nghề cụ thể, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc. Qua tìm hiểu thì hiện nay các trường đại học vẫn chưa có những chưng trình đào tạo chuyên sâu đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Những nghề đang được coi là dễ kiếm việc nhất hiện nay như quản trị hệ thống mạng, lập trình viên hay thiết kế trang web thì chỉ được giới thiệu một cách sơ bộ trong nhà trường.
Thực trạng đào tạo CNTT có thể khái quát bằng đánh giá của Thứ trưởng Bộ giáo dục đào tạo Trần Văn Nhung tại Hội thảo “Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT ở VN giai đoạn 2001-2005” được tổ chức tháng 2/2002 tại Hà nội: "Chúng ta có thể đáp ứng được về số lượng người được đào tạo về CNTT và phần nào đó về chất lượng. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu chất lượng thì chúng ta còn phải làm nhiều việc, phải nỗ lực nhiều hơn".
Việc áp dụng các biện pháp nâng cao và đánh giá chất lượng các cơ sở đào tạo là rất quan trọng. Giáo sư Nguyễn Đình Ngọc đã đề nghị chính thức một trong các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo CNTT là nâng cao
các khoa CNTT trọng điểm theo ISO 90001
. Tốc độ phát triển các cơ sở đào tạo đã vượt nhu cầu nhân lực về số lượng, khả năng trong vài năm tới các trường ồ ạt tung ra hàng loạt chuyên viên CNTT chất lượng thấp là điều có thể nhìn thấy trước, nhưng trong bối cảnh đó các cơ sở đào tạo chất lượng cao sẽ càng khẳng định được vai trò của mình đối với học viên/sinh viên và nhà tuyển dụng qua sự khác biệt về chất lượng đầu ra.