Những quan điểm định hướng và một số giải pháp chiến lược cho phát triển CNTT Việt nam.
3.1.2. Những quan điểm định hướng cho Việt Nam
Mặc dù CNTT thế giới rất phát triển trong hơn một thập kỷ qua nhưng mấy năm gần đây đang có dấu hiệu xuống dốc. IDC cho biết 2002 là năm u ám nhất của ngành CNTT thế giới. Theo số liệu của Dataquest, chi tiêu toàn cầu cho CNTT năm 2002 là 2.300 tỷ USD - so với con số 2.230 tỷ USD năm
2001 - chỉ tăng 2,3% trái ngược hẳn với mức độ tăng trưởng bình quân 12% trong 20 năm qua. Tổng thống Bush trong phát biểu tại Comdex Fall 2002 cũng thừa nhận rằng “CNTT không thể phục hồi nhanh như nền kinh tế chung”.
Trong năm 2002 và đầu năm 2003, trên các phuơng tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc sa thải nhân viên của các công ty CNTT Viễn thông, trong đó có tên các công ty CNTT Viễn thông hàng đầu thế giới như Microsoft, IBM, Alcatel, HP, Erisson, AOL, Sun Microsystems, AMD, Sprint PCS, Micron, Sega, Phillips, Gateway, Applied Materials, AT&T Wireless, AOL, Computer Associates..
Tuy nhiên IDC cũng nhận định 2002 là năm kết thúc thời kỳ đen tối của ngành công nghệ cao này. Nhiều công ty và nhân vật tầm cỡ trong ngành CNTT cũng cho đánh giá tương tự. Gartner Symposium/ITxpo 2002 - SBN Team tháng 10/2002 dự đoán chi tiêu toàn cầu cho CNTT năm 2003 sẽ tăng 7% so với 2002, và sự phục hồi chính thức của ngành này sẽ bắt đầu vào giữa năm 2003 (“A recovery in the sector is take place until mid-2003”). Thực chất cuộc khủng hoảng bắt đầu từ Q1 năm 2000, và được xem như chấm dứt vào cuối năm 2002 và bắt đầu một thời kỳ phát triển mới.
Chủ tịch IDG Patrick McGovern trong chuyến thăm VN tháng 10/2002 đã đưa ra lý thuyết về chu kỳ 13 năm của ngành CNTT: năm 2000 là lần khủng hoảng thứ 2 trong lịch sử ngành CNTT (lần thứ nhất vào năm 1987 khi công nghiệp PC phát triển quá nhanh vượt quá sức mua của thị trường). Sau mỗi đợt khủng hoảng, các công ty bé sẽ giải thể hoặc sát nhập, các công ty lớn sẽ tái tổ chức và xác định chuẩn mục mới, luật chơi mới. Dự báo lần khủng hoảng tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2013-2014.
Bên cạnh đó không ai có thể lường trước được việc đại dịch SARS xảy ra trong quý 2/2003. Theo IDC, chỉ tính riêng khu vực châu á, điều này có thể làm giảm chi tiêu cho CNTT trong năm 2003 tới 1 tỷ USD (từ 77.1 tỷ USD còn 76.1 tỷ) - tăng 6.1% so với 7.6% dự kiến. Tuy nhiên ảnh hưởng của
SARS đối với ngành CNTT này không quá lớn như một số ngành khác (hàng không, du lịch…)
Đó là xét về toàn bộ CNTT thế giới còn tại Việt nam, với khả năng hiện nay của CNTT Việt Nam, chúng ta không thể kỳ vọng ngay lập tức phát triển mạnh CNTT trong những lĩnh vực có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao như phần mềm xuất khẩu, hay sản xuất linh kiện, thiết bị bán dẫn v.v...
Vì vậy chúng ta có những định hướng như sau:
CNTT là ngành cơ sở hạ tầng hết sức quan trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và lâu dài.
Điều này đã được chứng minh rất rõ ràng qua tiến trình phát triển của thế giới trong một thế kỷ vừa qua. Tiến trình phát triển bao gồm hai nội dung chính là công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Trong nửa thế kỷ qua, nhiều nước như Nhật và các nước Đông á đã tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ đẩy mạnh công nghiệp hoá bằng cách huy động tiết kiệm trong và ngoài nước, đầu tư rất cao cho các ngành công nghiệp (nói chung, tỷ lệ đầu tư trên GDP cao hơn gấp đôi tỷ lệ ở các nước Âu Mỹ.) Tất nhiên các nước đang và chậm phát triển, hiện nay vẫn còn lệ thuộc vào nông nghiệp hay khai thác nguyên liệu thô, phải tiến hành công nghiệp hoá mới phát triển được.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế mới TCH, có hiện tượng dư thừa khả năng sản xuất nhiều loại hàng, xây dựng thành công các ngành công nghiệp khó khăn hơn các thập kỷ trước rất nhiều. Hàng tiêu dùng chế tạo trong nước, nếu không cạnh tranh nổi về chất lượng và giá cả với hàng ngoại có khuynh hướng lan tràn khắp nơi qua tuyến nhập khẩu chính thức lẫn không chính thức, thì sẽ bị dư thừa; các doanh nghiệp sản xuất chúng bị lỗ. Các loại hàng dùng trong sản xuất như thiết bị, bán thành phẩm, nguyên liệu công nghiệp v.v cũng gặp sự cạnh tranh tương tự; nếu có được lợi thế ở thị trường trong nước nhờ các biện pháp bảo hộ mậu dịch, thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác, bị bắt buộc phải dùng hàng phẩm chất kém hơn, giá đắt hơn. Kết quả là làm cho cả nền kinh tế bị lạc hậu và yếu sức. Hơn nữa, trong
lúc xu thế tự do hoá thương mại đang phát triển mạnh trong khu vực lẫn trên thế giới, khó có thể duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch mãi được. Thử thách quan trọng nhất vì thế không phải là huy động đầu tư hay tăng gia sản xuất, mà là tăng hiệu năng kinh tế của các hoạt động này. Kinh nghiệm trong nửa thế kỷ qua ở khắp các nước trên thế giới với các thể chế khác nhau, từ Liên Xô (cũ), Đông Âu, ngay đến Nhật và các nước châu á trong giai đoạn khủng hoảng, cho thấy nếu một hoạt động kinh tế không có hiệu năng, thì dù được thực hiện với ý đồ tốt đẹp nhất, rốt cuộc cũng không thể duy trì mãi được, sau cùng phải bị khủng hoảng và phá sản. Nhưng muốn tăng hiệu năng kinh tế, thì phải chấp nhận cạnh tranh toàn cầu, vì không có cạnh tranh thì không có tiến bộ, nhất là trong tình trạng KHKT tiến bộ nhanh chóng, luôn luôn thay đổi các mô hình tổ chức và kinh doanh. Điều này có nghĩa là phải tạo mọi điều kiện thích hợp để có thể hội nhập, trở thành thành viên của nền kinh tế mới TCH. Thực ra, không có sự chọn lựa nào cho các nước ĐPT: nếu không hội nhập nền kinh tế mới TCH, thì phải chịu tụt hậu, lạc hậu và nghèo đói. Và muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới thì việc phát triển CNTT là điều kiện hết sức cần thiết bởi CNTT là ngành công nghệ cao, tạo ra những giá trị gia tăng lớn với tốc độ phát triển mạnh nhất so với bất kỳ một ngành nghề nào tính từ trước đến nay. Hơn thế nữa, việc vận dụng yếu tố chất xám và những kết tinh của khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra những sản phẩm đồng nhất phục vụ cuộc sống con người đã khiến cho CNTT trở thành một ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động chất lượng cao nhất, sản sinh ra những dịch vụ mới nhất. Hơn thế nữa CNTT còn là cơ sở hạ tầng để phát triển nhiều ngành nghề khác: công nghiệp , dịch vụ và ngay cả nông nghiệp.
Như vậy có thể thấy để hoà được vào dòng chảy của sự phát triển kinh tế thế giới, CNTT phải được coi là ngành cơ sở hạ tầng quan trọng, là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và lâu dài.
Nhà nước đóng vai trò là nhà đầu tư tích cực cho CNTT và bắt đầu thực hiện ngay bằng những giải pháp có tính chất đột phá, quyết đoán, không bỏ lỡ thời cơ, đi tắt đón đầu cho hiện đại hoá.
Xét trong các bài học kinh nghiệm của thế giới về phát triển CNTT chúng ta đã thấy rằng: không một quốc gia phát triển CNTT nào phát triển mà thiếu sự tham gia tích cực của nhà nước. Trên thực tế có thể nói chính phủ sẽ là nhà đầu tư lớn nhất cho việc nghiên cứu, phát triển và triển khai công nghệ cũng như sẽ là người mua, người sử dụng nhiều nhất các ứng dụng công nghệ đó.
Trong khi đó khoa học và công nghệ đóng vai trò đầu tầu kéo dài toàn bộ sự phát triển. Công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường cần được ưu tiên sử dụng ở những ngành và lĩnh vực then chốt. Công nghiệp hóa phải gắn với hiện đại hóa ngay từ ban đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Cần nâng cao năng lực nội sinh của khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo; khuyến khích sử dụng một cách có hiệu quả công nghệ nhập khẩu.
Vì vậy trên hết, Chính phủ phải là người đưa ra được đường lối cũng như những giải pháp cụ thể để phát triển CNTT. Những giải pháp đó sẽ là động lực thúc đầy, hướng các thành phần khác trong xã hội tham gia tích cực vào việc phát triển CNTT để đạt được những ưu đãi, những thuận lợi cũng như những lợi nhuận cao nhất. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, với vị trí của Việt nam trên bản đồ CNTT thế giới cũng như những thuận lợi và khó khăn của Việt nam, nhà nước cần phải có những giải pháp mang tính chất đột phá, quyết đoán, không bỏ lỡ thời cơ và hướng thẳng vào hiện đại hoá. Những thành quả của việc hiện đại hoá viễn thông Việt nam là một trong những bài học cho thấy việc đi tắt, đón đầu, hướng thẳng vào công nghệ mới nhất sẽ đem lại những ích lợi vô cùng to lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Bên cạnh đó Nhà nước cũng cần phải quan tâm đến vấn đề định chế. Bởi đây là việc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tạo điều kiện giúp nhanh chóng phổ biến rộng rãi công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, cách quản lý và kinh doanh hiện đại; thật sự trở thành những nhân tố tích cực để cải cách kinh tế. Bảng sau đây so sánh chất lượng định chế ở các khu vực trên thế giới, theo các tiêu chuẩn ICRG (International Country Risk Guide; đo lường sự tham nhũng trong chính phủ, chất lượng của bộ máy
hành chính, mức độ rủi ro quốc hữu hoá, mức hữu hiệu của luật pháp, tính tôn trọng giao kèo của nhà nước, tối đa là 50), ENFORCE (đo tính hữu hiệu của luật pháp và giao kèo, tối đa là 10) và sự đánh giá về tham nhũng trong kinh doanh (càng cao càng ít tham nhũng, tối đa là 10). Trong thời gian qua, sự khác biệt về chất lượng định chế có tương quan đến suất tăng trưởng kinh tế giữa các nước: chất lượng định chế đã trở thành yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc phát triển.
Bảng 18: Chất lượng định chế
ICRG ENFORCE Tham nhũng Tây Âu & Nhật 44 9.4 7.8
Trung Âu 44 N/a 5.2
Đông á 40 7.0 4.8 Mỹ La Tinh 32 5.4 3.0 Nam á 30 4.0 2.4 Nga 28 N/a 2.3 Châu Phi 26 4.7 2.5 Nguồn: IMF Phát triển, như thế, không phải chỉ đơn thuần là công nghiệp hoá, nhất là lo xây dựng những tổng công ty, nhà máy công nghiệp to lớn nhưng không thực sự tạo ra giá trị tăng thêm nào cho nền kinh tế toàn cầu. Nguy hiểm hơn nữa là tìm cách dựng hàng rào bảo hộ mậu dịch để yểm trợ cho các hoạt động không có hiệu năng kinh tế này; vì như thế chỉ duy trì tình trạng yếu kém lạc hậu của mình và cản trở sự tiến bộ của toàn nền kinh tế.
Coi trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT đồng thời phải đảm bảo thị trường cho nguồn nhân lực này.
Nhưng dù theo chính sách nào đi nữa thì cũng phải chú trọng việc đào tạo mà tập trung vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ CNTT chuyên nghiệp. Dĩ nhiên đào tạo người ứng dụng là cần và cần đông, nhưng để làm được việc này cần một hạt nhân có trình độ lý thuyết và tay nghề vững. Chính việc đào tạo hạt nhân đó mới khó, tốn kém và cần thời gian. Một khi có một đội ngũ CNTT chuyên nghiệp vững mạnh rồi thì đào tạo người trong các ngành nghề khác để sử dụng tin học không khó gì. Vả lại hiện nay các máy tính đã rất dễ
dùng, người sử dụng tin học trong mỗi ngành nghề cần nắm vững ngành nghề của mình là chính, số đông chỉ cần biết cái vỏ bên ngoài của tin học, và được một số ít các kỹ sư CNTT chuyên nghiệp phục vụ và hỗ trợ. CNTT tuy có tính lý thuyết tương đối cao nhưng dù sao vẫn là một công nghệ, nghĩa là không chỉ giảng dạy suông trên bảng đen được, mà cần có thực hành, việc đào tạo tốt cần thông suốt từ lý thuyết tới thực hành. Thực hành đây (đối với cán bộ CNTT chuyên nghiệp) là thực hiện những phân tích hệ thống, viết những chương trình ứng dụng, sản xuất thiết bị và viết phần mềm cơ bản, chứ không phải chỉ vận dụng các chương trình có sẵn. Và việc thực hành này, dù ở mức đại học, phảI thông qua những đề án R&D với quy mô thích hợp.
Dĩ nhiên, do sự phức tạp của CNTT, hiện nay trong điều kiện nước ta chưa thể thực hành R&D được trên mọi lĩnh vực, nhưng trên một số lĩnh vực không những có thể mà cần phải tiến hành ngay một số đề án phát triển CNTT. Trên thực tế ta đã làm và đã có những kết quả rất tốt : Đưa tiếng Việt vào máy tính, bộ chương trình VnDOCR ... Nhưng có lẽ nói chung ở VN một mặt thì có những người có khả năng đi vào lý thuyết cao, một mặt thì có phong trào 'quần chúng' sử dụng tin học ở mức độ biết vận dụng các chương trình bán sẵn như những 'hộp đen'. Như thế chưa thể nói là làm chủ CNTT được.
Việc thực hiện những đề án phát triển có nhiều lợi điểm trong công tác đào tạo. Một đề án cụ thể luôn luôn cần giải quyết tổng hợp nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh chứ không bao giờ đơn điệu. Và như thế người sinh viên đại học hoặc nghiên cứu sinh sẽ tiếp cận sát thực tế hơn, sẽ hiểu rõ các vấn đề chung quanh chuyên môn hẹp của mình, tạo ra một khả năng nhậy bén để tự học và có thể thay đổi công việc nhanh chóng. Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng là nó cho phép tập sự làm việc tập thể và có quy củ, theo những nguyên tắc của công nghệ, nhất là công nghệ phần mềm. Ngoài ra, các đại học rất có thể nhận lãnh một số đề án nhỏ cho bên ngoài để vừa có thêm thu nhập vừa có thêm kinh nghiệm. Dưới sự hướng dẫn của giáo sư và một hai chuyên
gia lành nghề phía khách hàng, và do nghiên cứu sinh và các sinh viên năm cuối thực hiện cụ thể.
Bên cạnh đó việc đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, coi trọng nhân tài cũng là biện pháp giảm thiểu sự chảy máu chất xám hiện nay. Bởi vì trước sự biến chuyển mạnh mẽ của công nghệ CNTT và viễn thông các phạm vi ứng dụng tin học ngày càng mở rộng, và những hoạt động tin học hoá cũ cũng cần tổ chức lại và nâng cấp nếu không nói là viết lại các chương trình. Do đó đa số (tuy không phải tất cả) những nghiên cứu về kinh tế CNTT đều dự đoán tình hình thiếu chuyên gia tin học trong các nước phát triển, hiện đã rõ rệt, sẽ lại càng trầm trọng trong nhiều năm tới. Nhận định này đã trở nên gần như chính thức khi các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Đức đều đang có chính sách ưu đỡ đặc biệt cho các chuyên gia CNTT muốn tới cư trú.
Thứ hai là ngay cả khi các nước phát triển tăng cường đào tạo và thu hút người thì do chênh lệch giá sinh hoạt cũng phải ngoại di một số hoạt động sang các nước đang phát triển. Và cuối cùng sự thành công của ấn Độ làm nhiều nơi thèm thuồng, không phải chỉ các nước đang phát triển mà nhiều nước phát triển khác tương đối nghèo cũng nhìn vào ấn Độ để noi theo, như các nước Đông Âu
Hướng mạnh vào thị trường nội địa, thay thế nhập khẩu, huy động và hỗ trợ tối đa các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển CNTT . Điều trước tiên ta có thể khẳng định được là, với năng lực hiện tại của CNTT Việt nam thì nhiều nhu cầu ứng dụng cần được thỏa mãn trước mắt