1.2. Cơ sở lý luận về phân tích tài chính doanh nghiệp
1.2.4 Các nhân tố ảnh hưởng đến phân tích tài chính doanh nghiệp
Phân tích tài chính có ý nghĩa quan trọng không chỉ với bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp mà còn với các nhà đầu tư, các cơ quan nhà nước, chủ nợ,... Chính vì vậy, mọi thông tin về tài chính cần chính xác, phản ánh trung thực tình hình tài chính thực tế của doanh nghiệp. Để có được điều đó, các thông tin sử dụng trong phân tích phải hoàn toàn chính xác, cán bộ phân tích cần có trình độ chuyên môn cao,...
1.2.4.1 Chất lượng thông tin sử dụng
Thông tin được sử dụng trong phân tích tài chính là nền tảng của phân tích tài chính. Chất lượng thông tin sử dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong phân tích tài chính. Mọi thông tin, số liệu đưa vào phân tích cần có độ
chính xác, tin cậy cao thì con số đầu ra mới có ý nghĩa. Ngược lại, nếu thông tin được cung cấp bị sai lệch thì mọi số liệu cũng trở nên vô nghĩa. Hơn thế nữa, nếu thông tin bị cung cấp sai lệch sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà quản trị, nhà đầu tư và các bên liên quan khác trong việc ra các quyết định tài chính.
1.2.4.2 Trình độ cán bộ phân tích
Khi có được thông tin chính xác, việc tập hợp và xử lý thông tin như thế nào để đem lại kết quả phân tích tài chính có chất lượng là vô cùng quan trọng. Nó phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của cán bộ phân tích. Từ những thông tin thu được, các cán bộ phân tích phải tính toán, thiết lập các bảng biểu có liên quan sao cho kết quả cuối cùng chính xác nhất. Chính vì tầm quan trọng của phân tích tài chính đòi hỏi cán bộ phân tích phải có trình độ chuyên môn cao.
1.2.4.3 Hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành
Khi muốn so sánh các chỉ số tính được của doanh nghiệp với những doanh nghiệp khác trong ngành, người ta thường nhớ ngay đến chỉ số trung bình ngành. Thông qua đối chiếu với hệ thống chỉ tiêu trung bình ngành, nhà quản trị doanh nghiệp biết được vị thế của doanh nghiệp, từ đó đánh giá được thực trạng tài chính doanh nghiệp cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.