Để tăng năng lực tài chính cho các NHTM và tạo điều kiện cho các NHTM mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng cung ứng dịch vụ phải giải quyết 3 vấn đề: tăng vốn tự có, tăng khả năng sinh lời và tháo gỡ những khó khăn để xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, cải thiện bảng cân đối tài sản.
a. Tăng vốn tự có
Phát hành cổ phiếu
Đây là phương pháp phổ thông ở các nước trên thế giới. Thặng dư vốn cổ phần có được thông qua phát hành cổ phiếu ngân hàng là một trong những nguồn gia tăng vốn điều lệ có lợi ích cao. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng thì việc huy động vốn thông qua kênh chứng khoán có thể không đạt hiệu quả như mong muốn. Phương pháp này dường như chỉ có tác dụng đối với các ngân hàng có quy mô lớn và được sự tín nhiệm cao. Do đó, các ngân hàng nhỏ có thể rơi vào tình huống phát hành cổ phiếu nhưng không được đông đảo nhà đầu tư quan tâm, làm lợi ích thu được không đáp ứng được chi phí bỏ ra khi thực hiện phát hành. Vì thế, bài nghiên cứu đề xuất thực hiện phương pháp Back-stop.
Backstop là hành động giúp bảo vệ các chứng khoán không được đăng ký. Một công ty cố gắng gia tăng vốn bằng cách thông qua phát hành đặc quyền (phát hành đặc quyền cho các cổ đông hiện hữu để các cổ đông này có thể mua cổ phiếu với mức giá ưu đãi cho trước trong một khoảng thời gian xác định), và để bảo vệ khoản thu được từ việc phát hành đặc quyền này, công ty sẽ nhận được backstop. Backstop được thực hiện thông qua chương trình của ngân hàng muốn gia tăng vốn từ các nhà đầu tư doanh nghiệp hoặc Chính phủ có phát hành chứng khoán (vốn và nợ).
Phương pháp này được cung cấp bởi một công ty mua cổ phần phát hành đặc quyền của ngân hàng, khi các cổ phần này không được mua trong thời gian phát hành đặc quyền bởi bất kỳ nhà đầu tư nào. Nếu công ty bảo lãnh đầu tiên cung cấp backstop với một số tiền ấn định trước và khoản tiền đó không được tăng lên bởi bất kỳ công ty nào khác sau đó thì công ty này sẽ phải cam kết mua hết cổ phần với khoản tiền mà họ đã ấn định từ trước.
Chọn cổ đông chiến lược là các tập đoàn ngân hàng nước ngoài và đa dạng hóa
danh mục các đối tác chiến lược
Lựa chọn cổ đông chiến lược đối với các ngân hàng là hành động khôn ngoan và giúp ngân hàng đạt được nhiều mục đích. Nó không chỉ giúp tăng tiềm lực tài chính cho các ngân hàng mà còn giúp ngân hàng có khả năng tiếp cận các nguồn lực khác như khoa học công nghệ, phương pháp quản trị và phương pháp hoạt động cho các ngân hàng. Tuy nhiên cũng cần chú ý lựa chọn cổ đông chiến lược cẩn thận để khi cần thiết ngân hàng nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Xu hướng lựa chọn các cổ đông chiến lược để bổ sung vốn hiện nay đang khá phổ biến, NHNN cũng đã có hành động hướng dẫn các NHTM Việt Nam trong việc lựa chọn cổ đông chiến lược theo Thông tư số 10/2011/TT-NHNN. Các tập đoàn cũng đang bước đầu gia nhập vào thị trường, điển hình là ngân hàng An Bình hoàn tất thương vụ bán cổ phần cho Maybank (Malaysia) đầu năm 2009, ngân hàng quốc tế VIB cũng thực hiện kết hợp với cổ đông chiến lược Commonwealth Bank (Australia), đầu 2011 Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo hoàn tất việc chào bán cổ phần cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC).
Bên cạnh đó, khi thực hiện gia tăng vốn bằng cách hợp tác với các cổ đông chiến lược cũng đem lại một số rủi ro, thách thức cho các ngân hàng như việc ra quyết định sẽ không còn linh hoạt như trước, trách nhiệm và quyền hạn bị giảm đi, mất nhiều thời gian hơn trong việc điều phối và tham vấn các bên liên quan.
Thực hiện sát nhập các ngân hàng với nhau
Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu đối với các ngân hàng nhỏ. Việc hợp nhất có thể giúp các ngân hàng này gia tăng vốn tự có một cách nhanh chóng, giúp tăng cường tính cạnh tranh và tạo điều kiện lành mạnh hơn thị trường tài chính của nước ta. Tuy nhiên, khi thực hiện các hoạt động sát nhập có thể sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với ngân hàng. Mặt hạn chế của giải pháp này là khi sát nhập các ngân hàng nhỏ với nhau chỉ giải quyết khó khăn về vốn đầu tiên, còn những vấn đề tồn tại như khả năng quản lý, chuyên môn và nghiệp vụ ngân hàng thì không được cải thiện nhiều. Do đó, cần thực hiện hoạt động này một cách hợp lý, không chỉ đảm bảo có thể tăng cường tiềm lực tài chính, mà còn giúp nâng cao hiệu quả của các lĩnh vực phi tài chính khác.
b. Tăng khả năng sinh lời
Đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ
Để gia tăng tỷ suất sinh lợi cho ngân hàng trước tiên cần đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ cung cấp trên thị trường. Đa dạng hóa ở đây cần theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, phát triển các dịch vụ mới.
Đối với các dịch vụ truyền thống (như dịch vụ tín dụng, dịch vụ thanh toán…) đây là yếu tố nền tảng không chỉ có ý nghĩa duy trì khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, mà còn tạo ra thu nhập lớn nhất cho ngân hàng. Vì vậy, NHTM cần phải duy trì và nâng cao chất lượng theo hướng: hoàn thiện quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục làm cho dịch vụ dễ tiếp cận và hấp dẫn khách hàng; nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng trưởng tín dụng; xoá bỏ những ưu đãi trong cơ chế tín dụng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; hoàn thiện cơ chế huy động tiết kiệm bằng VND và ngoại tệ với lãi suất phù hợp để huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong xã hội vào ngân hàng; nghiên cứu áp dụng cách phân loại
nợ dựa trên cơ sở rủi ro và trích dự phòng rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế để nâng cao uy tín của ngân hàng.
Đối với các dịch vụ mới như chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, thẻ tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, thấu chi, các sản phẩm phái sinh… cần phải nâng cao năng lực marketing của các NHTM, giúp các doanh nghiệp và công chúng hiểu biết, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các dịch ngân hàng; nâng cao tiện ích các dịch vụ ngân hàng; sử dụng linh hoạt công cụ phòng chống rủi ro gắn với các đảm bảo an toàn trong kinh doanh ngân hàng.
Xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, dịch vụ phù hợp trong từng thời kỳ, nghiên cứu lợi thế và bất lợi của từng dịch vụ, giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách hiệu quả nhất. Cần có kế hoạch marketing cụ thể cho từng sản phẩm, dịch vụ đến từng khách hàng thuộc mọi tầng lớp tiến tới xây dựng hệ thống ngân hàng thương mại hiện đại phù hợp tình hình chung của Việt Nam hiện nay.
Nâng cao doanh thu, tiết kiệm chi phí, tài nguyên ngân hàng
Việt Nam là một trong những nước có nhiều tổ chức tín dụng so với các nước trên thế giới. Đặc biệt số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch, cũng như mạng lưới ATM mặc dù đông đảo nhưng sử dụng rất kém hiệu quả. Các ngân hàng cần có chính sách cụ thể trong việc xây dựng chi nhánh, lắp đặt hệ thống ATM hợp lý hơn, gia tăng tính hiệu quả, góp phần tiết kiệm nguồn lực, tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Hơn hết, các ngân hàng cũng nên có sự liên kết toàn cầu để các sản phẩm mang tính quốc tế được sử dụng hiệu quả hơn.
Bên cạnh cạnh tranh lãi suất huy động, các ngân hàng Việt Nam nên quan tâm hơn đến việc phát triển các lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, kinh doanh vốn và thị trường ngoại hối, nghiệp vụ ngân hàng toàn cầu, thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng, dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Ngoài ra, 2012 được dự báo là năm phục hồi của nền kinh tế, đây là thời cơ tốt cho các ngân hàng tiến hành đầu tư bên cạnh hoạt động kinh doanh chính của mình.
Theo Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng vào thời diểm tháng 08 năm 2011 là 3,1%, tăng so với mức 2,16% vào cuối năm 2010 và có khả năng lên tới 5% vào cuối năm 2011. Theo NHNN, con số nợ xấu 3,1% theo chuẩn Việt Nam vẫn ở mức an toàn và kiểm soát được, nhưng theo chuẩn quốc tế tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam lên tới 13% tổng dư nợ và là một con số đáng lo ngại. Báo cáo phân tích rằng hầu hết các NHTM tại Việt Nam hiện nay đều phân loại nợ dựa vào định lượng mà thiếu đi phần định tính như tình hình tài chính, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến việc phân loại nợ không phản ánh thực chất khoản nợ. Đồng thời, các ngân hàng chỉ xếp phần nợ đến hạn không trả được vào nợ xấu, trong khi phần còn lại của khoản nợ vẫn là nợ đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, theo chuẩn quốc tế, nếu phần nợ đến hạn không trả được thì toàn bộ khoản nợ phải được xếp vào nợ xấu. Ngoài ra, một số ngân hàng còn biến nghiệp vụ gia hạn nợ, vốn là một nghiệp vụ bình thường của ngân hàng thành một hình thức để giảm tỷ lệ nợ xấu của mình do nợ gia hạn không được tính vào nợ xấu. Kết quả là sự chênh lệch giữa phân loại nợ xấu theo chuẩn trong nước và quốc tế ngày càng lớn. Để khắc phục, các ngân hàng thương mại cần tuân thủ quy định của NHNN bao gồm phân loại nợ theo định tính và định lượng (Quyết định 493/2005). Tuy nhiên chỉ có BIDV, Agribank và Vietcombank đã thực hiện việc phân loại nợ theo định tính, nguyên nhân do các ngân hàng vẫn chưa hoàn tất xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. Do đó, vấn đề cần thiết hiện nay là cần phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ cho các ngân hàng, tiến hành phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế, cũng như trích lập dự phòng theo đúng quy định góp phần giải quyết vấn đề nợ xấu và nâng cao tính an toàn cho toàn hệ thống.